Sputnik cũng dành bài tổng quan truyền thống «Việt Nam trên báo chí nước ngoài» cho nội dung này.
Thêm vaccine đến với Việt Nam
Tờ báo Mỹ New York Times kể rằng Hàn Quốc có kế hoạch chuyển 1,1 triệu liều vaccine AstraZeneca sang Việt Nam. Vào cuối tháng này, sẽ có 70% cư dân Hàn Quốc được tiêm chủng đầy đủ, mặc dù trong số những nước giàu có trên thế giới thì Seoul xếp cuối về mốc bắt đầu chương trình chích ngừa.
Còn báo Nga Lenta cho biết các cấp hữu trách đang xem xét khả năng cung cấp loại vaccine một thành phần «Sputnik Light» của Nga cho Việt Nam.
Vấn đề mới
Sau khi nới lỏng các biện pháp phong toả-cách ly chống COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, có một vấn đề mới đã nảy sinh, đó là tình trạng thiếu công nhân trong các nhà máy xí nghiệp, đe dọa nỗ lực vực dậy nền kinh tế hướng về xuất khẩu của đất nước, - tờ Financial Times viết. Các công ty đang cố gắng hết sức để thu hút nhân công lao động, thế nhưng nhiều người không có tiền, thiếu phương tiện đi lại hoặc chứng nhận tiêm chủng để có thể trở lại làm việc. Đây là tin xấu đối với các thương hiệu toàn cầu thường cung cấp hàng hóa sản xuất từ Việt Nam.
Tình trạng đó cũng cho thấy rằng mô hình kinh tế của đất nước dựa trên cơ sở đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề trong năm nay bởi đại dịch và phong toả, càng trầm trọng hơn do sự chậm trễ của Chính phủ trong việc đảm bảo cung cấp vaccine cho cư dân. Theo dữ liệu thống kê, GDP của TP Hồ Chí Minh đã sút giảm 24%. Số lượng công nhân rời khỏi các trung tâm công nghiệp ở miền Nam ngay sau khi nới lỏng vòng cô lập, toả về các miền quê trong cuộc di cư hồi sức vì nỗi lo ngại bùng phát đại dịch, có thể lên tới 2 triệu người, - như Al Jazeera ước đoán.
Mặc dù có quy mô không lớn nhưng Việt Nam đang đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế tiêu dùng toàn cầu, cung cấp mọi thứ cho đời sống, từ đồ nội thất Walmart cho đến giày thể thao Adidas và điện thoại thông minh Samsung. Tình trạng thiếu nhân công lao động tại một số trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á đang gây khó khăn nặng nề hơn, khoét sâu khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu mà như hệ luỵ trông thấy là ảnh hưởng đến khâu vận chuyển trong dịp lễ Giáng sinh và Năm Mới. Sự phục hồi tăng trưởng kinh tế tại nhiều thị trường tiêu dùng bậc lớn của thế giới, trong đó có Hoa Kỳ và EU, đang thúc đẩy làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu của ASEAN, - như Business Insider nhận định.
GDP của Việt Nam trong quý III năm 2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu trình bày số liệu này vào năm 2006, - như trang Finanz lưu ý.
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của đất nước trong khoảng 2-2,5%, tức là thấp hơn đáng kể so với mức dự báo hồi tháng 8 từng là 4,8%. Xin nhắc rằng chuyên gia Nga V. Mazyrin trong bài viết hồi tháng 9 của chúng tôi đã nói về mức tăng trưởng hoàn thành không quá 3%. IMF cho dự báo lạc quan hơn về đà phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021, là 3,8%. Theo đánh giá của tổ chức này, Việt Nam khởi sắc với nhịp độ vượt trội hơn so với các nước láng giềng phát triển về tốc độ tăng trưởng như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Việt Nam vẫn hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư
Bất kể những chỉ số ấn tượng về sụt giảm GDP, nhưng có nhiều minh chứng rõ ràng về triển vọng tăng trưởng tốt đẹp của nền kinh tế Việt Nam và mối quan tâm không hề vơi bớt từ phía các nhà đầu tư nước ngoài. Hãng Reuters thông báo dự định của Vinfast bắt đầu cung cấp sản phẩm xe điện VF e35 và e36 của mình vào cuối năm 2022. Cũng hãng thông tấn này kể về kế hoạch phát triển năng lượng Việt Nam trong triển vọng, theo đó đến năm 2030, các nhà máy nhiệt điện than sẽ chiếm lên đến 31,4% năng lượng được tạo ra, còn khí đốt tự nhiên, bao gồm LNG là 22,4%, và tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo không liên quan đến thủy điện sẽ tăng 25,7%.
Tờ Pinsent Masons viết rằng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án xây dựng nhà máy điện LNG công suất 1,5 GW với vốn đầu tư 2,3 tỷ USD. Nhà đầu tư cơ bản của dự án là Tập đoàn Việt Nam T&T Group.
Ngân hàng thương mại cổ phần SeABank của Đông Nam Á đang cung cấp gói hỗ trợ trị giá gần 8,79 triệu USD cho khách hàng và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, - theo phản ánh của PR News Wire. Cũng ấn phẩm này viết rằng theo dự báo từ năm 2021 đến năm 2025 thị trường bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng lên quy mô 1,65 tỷ USD và sẽ lớn mạnh không ngừng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,52%.
Như Nikkei Asia Review đưa tin, Quỹ VinaCapital sẽ đầu tư 100 triệu USD vào năng lượng mặt trời tại Việt Nam, đất nước đang là thị trường năng lượng mặt trời và phong điện lớn nhất khu vực.
Kênh truyền hình «Bolshaya Azia» loan báo tin vui: ở Việt Nam bắt đầu phục hồi lưu thông đường sắt liên vận hai chiều Bắc-Nam của đất nước, vốn bị gián đoạn do đại dịch, cũng như nối lại giao thông đường không nội địa và các hành trình di chuyển của mạng lưới xe ô tô chở khách giữa các tỉnh thành.
Nào, chúng ta hãy làm quen!
Tờ báo Scandinavia ScandAsia kể câu chuyện về cách một phụ nữ trẻ người Thụy Điển là Denise Sandqvist tạo ra ứng dụng hẹn hò FIKA khi cô cố gắng tìm kiếm người mẹ ruột của mình ở Việt Nam. Ứng dụng này được giới thiệu tại Việt Nam hồi cuối năm ngoái và có ngay 760.000 lượt tải về. Bây giờ FIKA đã nhận được khoản đầu tư từ các công ty lớn của phương Tây.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.