Sân bay trị giá 7.000 tỷ đồng có gì đặc biệt?
Ngày 21/10, Phó thủ tướng Lê Văn Thành thừa ủy quyền Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không Sapa (Lào Cai).
Theo quyết định, dự án xây dựng sân bay Sa Pa sẽ chia làm 2 giai đoạn đầu tư, dự kiến sử dụng 371 ha đất (giai đoạn 1 là 295,2 ha và giai đoạn 2 75,8 ha). Đồng thời, thời gian đầu tư xây dựng và khai thác dự án sân bay Sapa là 50 năm, trong đó xây dựng 4 năm và khai thác, thu hồi vốn 46 năm.
Giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021, xây dựng cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 2 (thực hiện sau năm 2028) hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 3 triệu hành khách/năm, đảm bảo phù hợp với quy hoạch.
Địa điểm thực hiện dự án tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến là 4 năm; thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm).
Do đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nên toàn bộ dự án sẽ chia thành 2 dự án thành phần, gồm dự án giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công và xây dựng sân bay theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Ước tính tổng mức đầu tư dự án này là 6.948 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 chiếm 60% vốn (4.183 tỷ đồng); 40% vốn còn lại ở giai đoạn 2, 2.765 tỷ đồng.
Nhà nước sẽ "góp" khoảng 2.730 tỷ đồng vào dự án này ở hạng mục giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng... Số còn lại 4.218 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động vốn.
Từ sân bay Vân Đồn nhìn sang dự án PPP của sân bay Sa Pa
Sau sân bay Vân Đồn, Sa Pa là dự án cảng hàng không tiếp theo được triển khai theo hình thức kết hợp giữa đầu tư công thuần túy và đối tác công tư (PPP).
Trên thực tế đã chứng minh nơi nào có sân bay nơi đó sẽ phát triển du lịch mạnh mẽ. Điển hình như việc xây dựng sân bay Vân Đồn, có thể coi là 'ngòi nổ' cho sự khai phá khu vực Vân Đồn nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Sân bay Vân Đồn từng được xây dựng rất nhanh, chỉ trong vòng hơn 2,5 năm. Tuy nhiên ngay từ thời điểm bắt đầu cũng là một cuộc thuyết phục đầy khó khăn.
Đặc biệt là việc lấy được sự tin tưởng của các nhà đầu tư đến với vùng đất này trên những chiếc Dreamliner hay là máy bay riêng, cũng như khó khăn trong thuyết phục 249 hộ dân xã Đoàn Kết nhường đất xây sân bay.
Thậm chí, việc thi công sân bay Vân Đồn khiến 249 hộ dân phải di dời, và có một số không đồng tình. May mắn là sau đó chủ đầu tư đã kiên trì dùng nhiều phương pháp thuyết phục và thành công trong việc di dời những hộ dân khó tính nhất – bao gồm cả vị giáo sư. Những gay cấn đã kết thúc trong hòa thuận.
Với công suất 9 chuyến/ ngày/ chiều với khoảng 500.000 lượt khách, sân bay Vân Đồn sẽ khơi nguồn một lượng lớn du khách đổ về Quảng Ninh, hứa hẹn mang đến luồng gió mới cho ngành du lịch Quảng Ninh nói riêng và miền Bắc nói chung.
Cụ thể của việc mở sân bay Vân Đồn sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đón 30 triệu lượt khách, với 15 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2030 của Quảng Ninh.
Đặc biệt, sân bay Vân Đồn cũng là cảng hàng không quốc tế đón những chuyến bay thí điểm 'hộ chiếu vaccine' đầu tiên của Việt Nam sau gần 2 năm trời ngành du lịch bị 'đóng băng'. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ việc kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt, chặt chẽ, an toàn của tỉnh Quảng Ninh.
Xét về lợi thế, tỉnh Lào Cai cũng có vị trí cầu nối, đặc biệt quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) với thế mạnh phát triển thương mại, dịch vụ cửa khẩu, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, là tỉnh có các khu, điểm du lịch lớn của Việt Nam và mang tầm quốc tế.
Đồng thời, Lào Cai đang là điểm trung chuyển, đầu mối của nhiều tour, tuyến du lịch trong nước và quốc tế, phần đông du khách có nhu cầu sử dụng phương tiện vận tải hàng không từ Lào Cai để giảm tối đa thời gian di chuyển.
Việc có sân bay Sa Pa sẽ giúp khách du lịch từ khắp các địa điểm trên mọi miền tổ quốc không phải mất thời gian di chuyển về khu vực sân bay Nội Bài (Hà Nội), sau đó lại phải tiếp tục một chặng đường dài gần 500 km mới có thể đến được điểm du lịch rất được ưa thích trên bản đồ du lịch Việt Nam, thành phố trong sương - Sa Pa (Lào Cai).
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế những năm gần đây, việc quy hoạch những dự án về du lịch của Lào Cai diễn ra khá 'lộn xộn'. Cụ thể như những công trình bị cho là thiếu giá trị thẩm mỹ như tượng nữ thần tự do hay nữ thần băng giá được xây dựng ở Sa Pa và ngay sau đó phải gỡ bỏ.
Chưa kể Sa pa của Việt Nam từng nổi tiếng với đẹp vùng núi thơ mộng, khí hậu dễ chịu tuy nhiên ngày càng xô bồ và mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Đáng chú ý là những hoạt động 'thương mại hoá', mua bán, nhà hàng mọc lên như nấm. trên dọc đường đi. Nhìn về tổng thể, thị trấn Sa Pa giờ nhìn đâu cũng thấy bê tông khối thay cho những vạt rừng.
Một địa điểm du lịch sẽ thu hút được khách về đường dài nếu như giữ được những nét đẹp nguyên sơ ban đầu. Điều đó có nghĩa là muốn phát triển du lịch Sa Pa thì phải có tầm nhìn dài hạn chú ý đến bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, tránh việc 'bê tông hóa'.
Năm 2019, Lào Cai đón 5,1 triệu lượt khách du lịch, năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh nên lượng khách giảm, dự kiến đến năm 2025 con số này tăng lên 10 triệu lượt. Nếu quy hoạch ổn, việc xây dựng sân bay Sa Pa sẽ thúc đẩy nền kinh tế du lịch Lào Cai cất cánh.