Theo tướng Lê Đăng Dũng, sứ mệnh của Viettel là góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, phải làm chủ các công nghệ lõi. Muốn làm được 5G thì phải có “máu liều”, khát vọng về quốc gia thịnh vượng và tiềm lực mạnh.
Thành công của Viettel không phải tự nhiên mà có
Tại Việt Nam, Viettel khởi động bắt tay vào sản xuất công nghệ cao từ năm 2007 thông qua thành lập Trung tâm Công nghệ, hay sau đó là Viện R&D. Hơn 10 năm trước, các nhà máy thông tin M1 và M3 được Bộ Quốc phòng chuyển giao về Viettel với nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, sản xuất thiết bị thông tin quân sự quan trọng “make in Vietnam”.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel đến nay đã sản xuất được gần như toàn bộ hệ thống mạng viễn thông lõi (trong đó có hệ thống tính cước theo thời gian thực, hệ thống nhắn tin, trạm phát sóng BTS 4G, thiết bị phát sóng công nghệ 5G, lọt top 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới hiện nay, đưa Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ 5G quốc tế.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết, đối với việc nghiên cứu sản xuất thiết bị hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, để thành công thì phải đảm bảo được 4 yếu tố gồm tiềm lực công nghệ (bao gồm cả tiềm lực con người làm công nghệ đó), nguồn tài chính mạnh, quan hệ sâu rộng với các đối tác tầm quốc tế và nắm được thị trường.
Tướng Lê Đăng Dũng nhấn mạnh thực tế nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam nghĩ đến việc nghiên cứu sản xuất nhưng lại không hội tụ được đầy đủ các yếu tố, đặc biệt là vấn đề tài chính, do đó, phần lớn phải đi theo hướng lắp ráp gia công hợp tác với nước ngoài trong cuộc trao đổi với Trí thức trẻ.
“Họ không nắm công nghệ lõi, không nghiên cứu, thiết kế, sản xuất linh kiện chủ chốt theo ý muốn của mình, ví dụ như con chip, chỉ làm theo đặt hàng của nước ngoài. Còn Viettel có đủ các điều kiện nói trên”, Quyền Chủ tịch Viettel nêu rõ.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Viettel hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao là viễn thông công nghệ thông tin nên nguồn lực con người, hiểu biết về công nghệ thông tin rất tốt. Nhờ tiềm lực tài chính mạnh len nhờ quá trình cung cấp dịch vụ viễn thông, mối quan hệ với đối tác công nghệ nước ngoài cũng mở rộng, gồm cả các bên hợp tác dịch vụ và về thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông.
Còn về yếu tố thị trường, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho rằng, Việt Nam là quốc gia cả trăm triệu dân, là thị trường nội địa tốt để nghiên cứu thiết bị dùng cho chính mình. Cùng với đó, Viettel đã đầu tư vào 10 quốc gia, sở hữu thị trường quốc tế đủ lớn, đủ rộng để tiêu thụ sản phẩm mình làm ra.
“Ở Việt Nam đến giờ phút này, chỉ có Viettel đầy đủ 4 yếu tố và đủ nguồn lực bước chân mạnh mẽ vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất. Khi đưa ra quyết định, ban lãnh đạo Viettel hoàn toàn tin tưởng sẽ thành công”, Tổng Giám đốc Lê Đăng Dũng nhấn mạnh.
Đề cập đến lo ngại nếu vừa làm dịch vụ, vừa nghiên cứu sản xuất, sẽ khó đảm bảo chất lượng tối ưu sản phẩm, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho rằng, với trường hợp của Viettel – tất cả xuất phát từ lợi ích quốc gia dân tộc. Theo lãnh đạo Tập đoàn, muốn trở thành đất nước phát triển, Việt Nam phải làm chủ được công nghệ lõi.
Cùng với đó, vấn đề an ninh, an toàn quốc gia phải được đặt lên cao trong thế giới nhiều bất ổn như hiện nay. Ông Dũng cho biết, vì lý do ấy mà Viettel đã nhận trách nhiệm về mình, đảm bảo hai vấn đề. Thứ nhất là phải làm chủ công nghệ lõi, thiết kế thiết bị theo đúng chuẩn, theo mục tiêu của mình. Thứ hai là chỉ khi tự làm ra thì mới có hệ sinh thái sản phẩm đảm bảo vấn đề an ninh quốc gia.
Theo lãnh đạo tập đoàn, trên thực tế, Viettel vẫn ổn nếu chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ, nhưng như vậy sẽ không thể vượt qua cái “bẫy thu nhập trung bình” vốn được nói rất nhiều.
Làm 5G cần “máu liều”
Theo Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, để làm nghiên cứu sản xuất, phải có khát vọng (về sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước). Đó là tố chất cần. Nếu tiếp tục đi sau thì mãi mãi sẽ đi sau.
Lãnh đạo Viettel nhấn mạnh, mong muốn lớn nhất là Việt Nam “đi ngang bằng với thế giới” chứ không thể đi sau, tụt hậu mãi. Cùng với đó là “máu liều” và bổ sung thêm yếu tố tiềm lực trong bối cảnh ở Việt Nam.
Dẫn chứng dự án hội tụ đủ ba yếu tố khát vọng, liều và tiềm lực mà Viettel thực hiện, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết, thực tế, khi bắt đầu làm 5G, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cũng rất phân vân. Bởi có những doanh nghiệp mất đến 3 tỷ USD nghiên cứu rồi mới bán được thiết bị, còn Viettel, với đặc thù là tập đoàn Nhà nước, bỏ ra 100 triệu USD đầu tư mạo hiểm đã là rất khó khăn.
“Khi làm 5G thì cũng phải liều thì mới làm được”, Tướng Lê Đăng Dũng nói.
Ông cho hay, lúc đầu Ban Tổng Giám đốc thống nhất đầu tư 30 triệu đô, cố gắng trong số vốn đó, sau này thành công thì bổ sung thêm.
Quyền Chủ tịch Viettel cũng tỏ ra rất tâm đắc đến dự án hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) và gọi đây là “trái tim của nhà mạng”. Tướng Lê Đăng Dũng cho hay, từ việc phải mua của nước ngoài, nay Viettel đã làm được hệ thống của riêng mình.
“Đến giờ, tôi dám khẳng định, OCS của Viettel vượt mọi OCS trên thế giới”, Tổng Giám đốc Lê Đăng Dũng tuyên bố và cho biết, hệ thống OCS của Viettel đang phục vụ 100 triệu khách hàng.
Tới đây, khi triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, hệ thống tính cước theo thời gian thực có thể quản lý được cả trăm triệu khách hàng một cách linh hoạt và đồng bộ trên một tài khoản viễn thông. Theo lời Tướng Dũng, các nhà mạng khác (cả ở Việt Nam hay trên thế giới) đều không thể làm được điều này vì hệ thống tài khoản viễn thông và hệ thống ví điện tử để làm mobile money độc lập với nhau.
Tướng Lê Đăng Dũng nói về việc Viettel nghiên cứu 6G
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết, điều quan trọng khi chuyển đổi số là an ninh an toàn thông tin quốc gia.
“Chỉ khi nào chúng ta sở hữu một hệ sinh thái đầy đủ thiết bị IoT sensor của mình, camera của mình, server của mình thì mới an toàn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó là việc lồng ghép công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI). Việt Nam cũng phải tiến đến làm chủ chứ không thể đi mua để nhằm đồng bộ hóa hệ thống, phần mềm, thay vì phải ngồi viết các phần mềm chống tin tặc, chống tấn công.
Chia sẻ thêm về mục tiêu đưa Việt Nam vào top 5 thế giới về công nghệ 5G, sản xuất thương mại hóa các thiết bị hạ tầng viễn thông, với trọng tâm là 5G, IoT, hướng đến công nghệ 6G, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết, hiện Viettel đã làm chủ mảng core, đưa được thiết bị vào chạy. Cuộc chiến ngành viễn thông giờ nằm ở thiết bị thu phát. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay Viettel dùng chip macro của 5G chạy cho mạng của mình.
Đánh giá tốc độ hiện tại còn hơi chậm, nhưng lãnh đạo Viettel tin tưởng đến năm 2025, các thiết bị 5G do Viettel sản xuất sẽ được dùng trong chính mạng của mình.
“Nhưng bài toán khi đó có thể là thế giới bắt đầu 6G rồi, nên đến năm 2023, chúng tôi sẽ phải nghiên cứu 6G để chờ thời điểm ứng dụng ở năm 2028, 2030 chẳng hạn”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng cho biết.
Quyền Chủ tịch Viettel cũng lưu ý, thông thường, các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất viễn thông phải theo chuẩn ITU (Liên minh Viễn thông Quốc tế) vì đơn vị sản xuất thiết bị và sản xuất đầu cuối hoàn toàn độc lập. Nhưng do yếu tố an ninh, Việt Nam sẽ phải tạo được code riêng, mã hóa riêng. Tướng Dũng nhấn mạnh, phải có được cái lõi “make in Vietnam”, làm ra được con chip của Việt Nam mới là thiết bị thực sự của mình.
Ông Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) phát biểu
© Ảnh : Doãn Tấn – TTXVN
Ông Dũng cho hay, Viettel đã sản xuất được các thiết bị nhưng phải hướng tới việc đăng ký sáng chế, đóng góp vào xây dựng chuẩn ITU. Trên thế giới, các hãng lớn nhất là các đơn vị đóng góp tiêu chuẩn, xây dựng nên ITU.
Lãnh đạo cho biết, hiện tại, Viettel đã đăng ký rất nhiều bản quyền nhưng bước tiếp theo phải là nằm trong nhóm các đơn vị đóng góp cho chuẩn thế giới.
“Tôi kỳ vọng đến năm 2023, trong công nghệ 6G trên thế giới bắt đầu có tiếng nói của Viettel và ITU khi giới thiệu có tên Viettel đã đóng góp bao nhiêu bằng sáng chế, bao nhiêu tiêu chuẩn trong ITU. Năm 2022, Viettel sẽ có chip riêng tự làm”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nêu rõ.
Chiến lược make in Vietnam, giấc mơ bay vào vũ trụ
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nói về việc Viettel phát triển chuỗi công nghiệp, đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế số “Make in Vietnam” cho biết, hiện tại, về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, Viettel đã sản xuất nhiều thứ quan trọng.
Điển hình trong số này là IoT, thiết bị thông minh, robot, các thiết bị hạ tầng viễn thông kể cả trạm thu phát, hạ tầng điều khiển ở dưới. Cùng với đó, Viettel cũng tạo ra các nền tảng cho tất cả vấn đề chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.
Theo tướng Lê Đăng Dũng, khi bàn về về chiến lược Make in Vietnam, Viettel tập trung hơn đến dân sinh, nền tảng tự động hóa sản xuất, tự động hóa nền nông nghiệp thông minh, y tế, giáo dục.
“Còn ước mơ lớn như vũ trụ thì biết đâu, vài năm nữa người Viettel cũng sẽ làm. Có thể một ngày nào đấy, người Viettel cũng ước mơ bay vào vũ trụ như Jeff Bezos và bắt tay sản xuất tàu vũ trụ”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng chia sẻ.
Vừa qua, ông Nguyễn Vũ Hà, CEO của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) cho biết, đích đến của Viettel là làm chủ hạ tầng chuyển đổi số quốc gia.
Đối với công nghệ 5G, Viettel hướng đến phục vụ trước hết cho thị trường Việt Nam, hơn 10 nước mà doanh nghiệp này đang đầu tư làm ăn ở nước ngoài, đồng thời tìm cơ hội để tiến vào thị trường châu Âu cũng như Hoa Kỳ.