Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 1.427 đồng/lít, giá xăn RON 95 tăng 1.459 đồng/lít. Giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 ở Việt Nam hiện là 23.110 đồng/lít và RON 95 là 24.330 đồng/lít.
Dự báo giá xăng dầu tại Việt Nam tăng mạnh là do giá dầu thô cũng như giá xăng thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua cùng lo ngại khủng hoảng năng lượng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng.
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải vì sao giá dầu thế giới tiếp tục tăng và đánh giá, giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trung bình, giá xăng cứ tăng 10% thì GDP sẽ giảm mạnh vào khoảng 0,5%.
Giá xăng dầu hôm nay bao nhiêu 1 lít?
Giá xăng dầu hôm nay tại thị trường Việt Nam có thể được điều chỉnh tăng do giá nhiên liệu trên thế giới biến động mạnh, giá dầu thô cũng như xăng thành phẩm đều tăng.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho hay, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 19/10, xăng RON 92 dùng để pha chế E5 RON 92 bình quân 95,89 USD một thùng, xăng RON 95 là 98,63 USD/thùng, mức tăng là 9% so với kỳ trước đó (11/10).
Ngoài giá xăng, giá dầu cũng biến động rất mạnh, có thời điểm lên tới trên 96,11 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới sáng nay cũng có biến động, thời điểm lúc 7h sáng nay (giờ Việt Nam) ngày 26/10, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,02% lên 83,78 USD/thùng, giá dầu thô Brent giao tháng 12 cũng tăng 0,02% lên 85,15 USD/thùng.
Trong khi đó, ngày 25/10 tại sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2021 đứng ở mức 84,18 USD/thùng, tăng 0,42 USD/thùng trong phiên. Đồng thời, giá dầu Brent giao tháng 12/2021 đứng ở mức 85,68 USD/thùng, tăng 0,15 USD/thùng.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 8 năm khi nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, năng lượng được dự báo tăng mạnh do quá trình tập trung phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 và nguồn cung xăng dầu khan hiếm.
Tại thị trường Việt Nam, hôm nay, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính sẽ công bố giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu trong nước.
Khẩu hiện thực hiện 5K phòng chống COVID -19 của Bộ Y tế được dán ở một cửa hàng xăng dầu tại đường Mê Linh, thành phố Vĩnh Yên Vĩnh Phúc
© Ảnh : Hoàng Hùng -TTXVN
Nhiều chuyên gia cho rằng, căn cứ theo diễn biến của giá dầu thế giới, giá xăng ngày 26/10 được dự báo sẽ tăng mạnh. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện 18 lần điều chỉnh giá xăng dầu trong nước để phù hợp với diễn biến tình hình thị trường xăng dầu thế giới.
Hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường Việt Nam là giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.683 đồng/lít, giá xăng RON 95 không cao hơn 22.879 đồng/lít, giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.545 đồng/lít, giá dầu hỏa không cao hơn 16.622 đồng/lít, giá dầu mazut không cao hơn 17.097 đồng/kg.
Nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM cho rằng, thực tế, giá xăng dầu thế giới đang ở mức đỉnh của 8 năm, giá xăng thế giới những ngày qua đều tăng rất mạnh. Do vậy, nhiều khả năng, dự báo giá xăng dầu trong nước hôm nay cũng sẽ tăng mạnh theo lịch trình điều chỉnh giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương – Tài chính.
Ngoài ra, trong kỳ, cả hai mặt hàng xăng RON92 và RON95 đều tăng mạnh tại thị trường Singapore, thậm chí xăng RON95 có thời điểm kịch mức gần 102 USD/thùng. Vậy nên, tại kỳ điều chỉnh giá chiều nay 16/10, nếu Liên Bộ Công Thương – Tài chính không trích Quỹ bình ổn giá, xăng có thể tăng ở mức trên dưới 1.500 đồng/lít (quanh mức 1.400-1.600 đồng/lít). Đồng thời, giá dầu sẽ được điều chỉnh tăng ít hơn, từ mức 200 đồng đến cao nhất khoảng 1.200 đồng.
Nếu căn cứ theo giá xăng, dầu thế giới và dự báo của chuyên gia trong ngành về xu hướng giá xăng tại Việt Nam tăng đúng như dự báo, thì mỗi lít xăng có thể tiến gần với mức giá khoảng 25.000 đồng.
Đây cũng có thể là lần tăng giá xăng dầu thứ 4 liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng qua và là mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp ngược lại, nếu Liên Bộ Công Thương và Tài chính quyết định trích và sử dụng Quỹ bình ổn theo tỷ lệ 50/50 (50% sử dụng quỹ, 50% giảm), tức chi mạnh tay và sử dụng Quỹ bình ổn nhiều hơn thì giá xăng dầu trong nước có thể chỉ tăng dao động trong khoảng 1.000 đồng/lít, có thể là 700-800 đồng, còn giá dầu cũng chỉ tăng từ 200-600 đồng/lít.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng dù giá dầu thế giới tiếp tục tăng, tuy nhiên, với xu hướng nỗ lực mở cửa phục hồi nền kinh tế, có thể cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ quyết định dùng quỹ bình ổn thay vì để đà xăng dầu trong nước tăng theo mức trần thế giới.
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu hồi 11/10, Liên Bộ Công Thương và Tài chính gần như không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với giá xăng và giá dầu tại Việt Nam. Chỉ trích lập mức 100 đồng/kg với giá dầu mazut. Liên Bộ cũng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 950 đồng/lít, dầu diesel ở mức 150 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 100 đồng/lít, xăng RON95 và dầu mazut không chi.
Ở kỳ này, giá xăng E5RON92 đã được điều chỉnh tăng 967 đồng/lít, xăng RON95-III tăng 934 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 959 đồng/lít, dầu hỏa tăng 979 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S tăng 517 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Vì sao giá xăng dầu thế giới còn tiếp tục tăng?
Trên thị trường thế giới hiện nay đang tồn tại tâm lý lo ngại khủng hoảng năng lượng, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh để phục hồi sản xuất, kinh tế, dù sản lượng khai thác dầu không tăng, thậm chí giảm dẫn đến khan hiếm nguồn cung, đẩy giá xăng, dầu lên cao.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, thống kê cho thấy, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ làm GDP giảm khá lớn khoảng 0,5%. Điều này cho thấy, diễn biến tình hình giá xăng dầu tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế đất nước.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO) đã nêu một số quan điểm đáng chú ý về đà tăng giá xăng dầu ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam.
Lý giải về nguyên nhân giá xăng dầu trong nước liên tục tăng sau các đợt điều chỉnh giá của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, giá dầu thô tăng tới 60% trong năm nay nhưng các nhà khai thác cũng sẽ không tăng sản lượng. Theo ông Lâm chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với TTXVN, còn một nguyên nhân quan trọng khác đẩy giá dầu leo thang là việc Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng, thay vì tăng sản lượng cao hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ.
“Bên cạnh đó, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa Đông năm 2021 được dự báo là khắc nghiệt, lạnh sớm và lạnh sâu nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu gia tăng”, nguyên Tổng cục trưởng GSO thông tin.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, điển hình như trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng ngày 21/10/2021 sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm và dự trữ tại kho lưu trữ lớn nhất của quốc gia này chạm mức thấp nhất trong 3 năm.
Cũng theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thời gian tới do nhiều nguyên nhân, yếu tố. Trong đó, các nền kinh tế đang dần phục hồi, bắt đầu mở cửa, khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giao lưu đi lại, giao thông vận tải, du lịch sẽ khởi sắc nhờ áp dụng thẻ xanh Covid-19 hay hộ chiếu vaccine. Ngân hàng Ngân hàng Goldman Sachs nhận định giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô sẽ phải trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua và nhu cầu sẽ ngày một tăng, vượt so với sản lượng trong mùa đông năm nay. Đồng thời, việc thiếu đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu trong khi nhu cầu ngày một tăng là một chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất 1 năm tới.
“Trong thời gian tới, thị trường xăng dầu thế giới có thể còn biến động, khả năng giá xăng dầu vẫn tăng. Các Tổ chức dự báo năng lượng quan trọng của thế giới gồm OPEC, Tổ chức Năng lượng Quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đều dự báo giá dầu thô có thể chạm ngưỡng 100 USD/ thùng vào mùa hè năm 2022”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Giá xăng dầu tăng sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Đối với nền kinh tế Việt Nam, thống kê cho thấy, bình quân 9 tháng đầu năm 2021 này giá xăng dầu đã tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, giá xăng dầu tăng sẽ có tác động rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước.
Theo chuyên gia, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.
“Khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước”, ông Lâm chỉ rõ.
Đối với hoạt động sản xuất hàng hoá và dịch vụ, tuỳ theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu.
TS. Nguyễn Bích Lâm đánh giá, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
“Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thuỷ sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không”, ông Lâm nói.
Ngoài các tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.
“Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5 % - mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế”, TS. Nguyễn Bích Lâm lưu ý.
Đề cập đến việc giá xăng dầu sẽ tác động đến chỉ số tăng trưởng và lạm phát năm 2021-2022, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho hay, đối với nền kinh tế Việt Nam, xăng dầu là một trong những mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý giá, giá bán được quản lý trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ông Lâm phân tích, Chính phủ giao Bộ Công Thương nắm bắt giá xăng dầu trên thị trường thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu; đồng thời, hai bộ cùng các doanh nghiệp nhận định, đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Từ đó, quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân.
Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, phương thức quản lý giá bán xăng dầu này cũng làm giảm một phần tác động xấu đến của thực tế tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, dự báo giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của năm 2021 và nửa đầu của năm 2022, Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022.
Giá xăng, giá dầu tăng cao
Từ 16h chiều nay ngày 26/10, giá xăng dầu tại Việt Nam tăng cao theo quyết định điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Cụ thể, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 1.459 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 1.427 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.110 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.330 đồng/lít. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng hơn 7 năm qua tại Việt Nam.
Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 17.630 đồng một lít, tăng 1.010 đồng. Dầu diesel là 18.710 đồng một lít, tăng 1.170 đồng. Dầu mazut là 17.210 đồng một kg, tăng 120 đồng.
Ở kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương – Tài chính tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng, tuy nhiên, trích quỹ bình ổn với dầu mazut 100 đồng/kg.
Cùng với đó, hai Bộ này chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.100 đồng/lít, xăng RON 95 là 400 đồng/lít, với dầu diesel là 150 đồng/lít, dầu hỏa 100 đồng/lít.
Báo cáo của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), đến cuối tháng 9 vừa qua, quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp này đang âm hơn 192 tỷ đồng.
Giá xăng, dầu tại Việt Nam tăng theo xu hướng giá các mặt hàng nhiên liệu, giá dầu thô, xăng thành phẩm tại thị trường khu vực, thế giới liên tục biến động mạnh do lo ngại về tình trạng thiếu than, thiếu điện, thiếu khí đốt, khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu hiện tại.