Xăng tăng, điện không giảm, Bộ Công Thương sẽ cố bình ổn giá

Giá điện bình quân của Việt Nam đắt hay rẻ, cao hay thấp so với thế giới?
Sputnik
Theo các báo cáo mới nhất, Việt Nam không nằm ngoài tác động từ khủng hoảng năng lượng, khí đốt ở Mỹ, Anh, EU, Trung Quốc, do sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% tổng số các nguồn phát, EVN cũng tăng phí mua điện năm 2021 hơn 16 nghìn tỷ đồng.
Trước biến động thị trường năng lượng, đặc biệt là giá xăng tăng, kéo theo giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, Bộ Công Thương khẳng định sẽ điều hành giá xăng dầu hợp lý, cố gắng không tăng giá điện cho dân và doanh nghiệp đỡ khó khăn.

Giá điện Việt Nam ở đâu so với thế giới?

Tháng 3/2021, trang Global Petrol Prices đã công bố định kỳ thông tin về giá điện bình quân tại 147 nước trên thế giới, bao gồm với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Theo đó, vào thời điểm tháng 3/2021, giá điện trung bình thế giới với hộ gia đình là 0,136 USD/kWh và với doanh nghiệp là 0,124 USD/kWh.
Trên bảng xếp hạng của Global Petrol Prices, giá điện bình quân của Việt Nam hiện đứng thứ 101 trong tổng số 147 quốc gia, xét theo mức giá từ cao xuống thấp.
GWEC: Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào điện than, chưa phát triển đủ năng lượng gió
Theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (tương đương 0,083 USD/kWh). Con số này tương đương khoảng 66% so với mức giá điện trung bình của thế giới và xếp vào loại trung bình thấp so với giá điện bình quân của thế giới (xếp 101/147).
Cộng hòa Liên bang Đức là nước có mức giá điện cao nhất thế giới với 0,372 USD/kWh. Trong thành phần giá điện của quốc gia này, có 25% là phí đấu nối lưới điện, bao gồm đo đếm và các dịch vụ kèm theo.
Tỷ lệ cơ cấu nguồn điện của Đức hiện bao gồm 27% gió, 24% than, 12% hạt nhân, 12% khí tự nhiên, 10% mặt trời, 9,3% sinh khối, 3,7% thủy điện.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng là nước có mức giá điện bình quân so với hầu hết các quốc gia trong khu vực. Giá bán lẻ điện của Việt Nam chỉ bằng 51% so với Philippines, quốc gia có giá điện cao nhất khu vực (0,172 USD/kW).
Lào đang là nước có giá điện thấp nhất trong số các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, thủy điện chiếm đến 70% điện năng sản xuất của nước này và 25% là nhiệt điện than.

Giá điện Việt Nam có chịu ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng?

Như Sputnik đã cập nhật, thực tế, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Anh, Mỹ, EU, Trung Quốc đang chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao.
Tại Việt Nam, từ tháng 7/2021, giá nhiên liệu đầu vào Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đang cao hơn nhiều so với thông số giá bình quân 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.
Số liệu ghi nhận, sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm 51% tổng số các loại hình nguồn phát.
Lo khủng hoảng năng lượng, Việt Nam phải mua điện của Trung Quốc và Lào?
Giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN cho các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường.
Phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho hay, phí mua điện của EVN năm 2021 dự kiến tăng tới 16.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy đang gặp nhiều khó khăn do Covid-19 cũng như giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, EVN vẫn kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện qua 5 đợt trong năm 2020 và 2021, với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng.
Các động thái trên đều xuất phát từ tinh thần tích cực chia sẻ khó khăn với các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các cơ sở cách ly, cơ sở y tế phòng chống dịch, theo EVN.

Xăng tăng điện không giảm, Bộ Công Thương nói gì?

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III năm 2021, kịch bản điều hành giá quý 4 năm nay, đầu năm 2022, đại diện Bộ Công Thương đã nêu rõ quyết tâm không tăng giá điện, nỗ lực bình ổn, điều hành giá xăng dầu hợp lý.
Sputnik những ngày qua đã có nhiều tin, bài phản ánh về xu hướng tăng giá xăng dầu và những tác động trực tiếp – gián tiếp đến quá trình hồi phục kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này.
Theo đó, ngày 26/10, giá xăng dầu đã tăng mạnh theo lịch điều chỉnh giá xăng dầu của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Thế giới khủng hoảng năng lượng, Việt Nam điện ‘ế đầy ra’
Giá xăng E5 RON 92 tăng 1.427 đồng/lít, giá xăn RON 95 tăng 1.459 đồng/lít. Giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 ở Việt Nam hiện là 23.110 đồng/lít và RON 95 là 24.330 đồng/lít, lên mức cao nhất trong vòng 7 năm. Từ đầu tháng 2 đến nay, giá xăng đã qua 13 lần tăng.
Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thẳng thắn, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
TS. Nguyễn Bích Lâm nêu rõ, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất. Giá xăng dầu tăng không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm hàng hoá và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Đồng thời, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Tại cuộc họp hôm 26/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03% trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng 40,23% đến 52,59%.
Ông Hải thông tin thêm, tại Việt Nam, để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, tránh gây ảnh hưởng đến giá các mặt hàng khác, thời gian qua, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã phải liên tục chi từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu với mức chi hơn 9.000 tỷ đồng.
“Trong khi đó, Quỹ thì chỉ có hạn và các doanh nghiệp xăng dầu như Petrolimex, PV OIL đã âm quỹ quỹ bình ổn. Ví dụ Petrolimex âm 700 tỷ đồng, PV OIL âm 200 tỷ đồng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, tất nhiên, Chính phủ mong muốn là giữ được giá xăng dầu hoặc giảm là tốt nhất, còn nếu tăng thì mức tăng ít nhất. Nhưng việc điều hành vẫn phải đảm bảo phản ánh được xu hướng giá thành phẩm xăng dầu thế giới và quan trọng nhất là phải phù hợp với thực tế hiện nay là dư địa điều hành của Việt Nam.
Điện mặt trời bùng nổ ở Việt Nam, VinaCapital bắt tay ‘ông trùm’ năng lượng Pháp
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, chỉ có hai cách, hoặc phải tăng theo giá thế giới, hoặc phải giảm thuế.
Về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, hiện nay, 1 lít xăng dầu bán ra phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (3.800 - 4.000 đồng/lít).
Theo chuyên gia, giá dầu thế giới hiện chỉ bằng 75% mức đỉnh năm 2014, nhưng giá bán lẻ gần bằng thời điểm đó, do thuế môi trường, tỷ giá chênh lệnh cao.
“Thuế môi trường như hiện nay là quá cao, không thay đổi theo giá thị trường, bất kể cao, thấp”, PGS.TS Ngô Trí Long bày tỏ.
Tuy vậy, ông Long lưu ý, xăng dầu là nguồn thu thuế quan trọng của quốc gia, xem xét giảm thuế nào phải được cân nhắc kỹ.
“Việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề”, PGS.TS Ngô Trí Long thừa nhận.

Bộ Công Thương: Không tăng giá điện, điều hành giá xăng dầu hợp lý

Đối với vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ về việc hiện cơ cấu thuế đang chiếm hơn 40% giá thành sản xuất xăng dầu.
Trong khi đó, các dự báo đều cho rằng, giá xăng dầu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm và khả năng trong quý IV có thể tăng lên 105-110 USD/thùng.
“Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng thì ta cũng phải có dư địa để điều chỉnh. Còn nếu không có công cụ gì, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng đúng theo giá thế giới”, ông Hải lưu ý.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ tính toán, phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành giá cả xăng dầu, điện cũng như các mặt hàng thiết yếu.
“Chúng tôi cũng khẳng định rằng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính để có thể đảm bảo làm được những gì tốt nhất trong phạm vi năng lực và tính toán xem công cụ mà chúng ta có trong tay là gì để có thể điều hành tốt nhất giá xăng dầu trong nước”, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Về mặt hàng điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ở Việt Nam đã tăng giá điện lần cuối vào tháng 3/2018.
Trong hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá điện đã thực hiện giảm 5 lần với tổng số tiền lên đến 16.650 tỷ đồng.
Giảm điện than, dừng nhà máy hạt nhân, Việt Nam chọn LNG và năng lượng tái tạo
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu theo dõi, giám sát phối hợp đảm bảo bình ồn giá từ nay đến cuối năm cũng như sang năm 2022.
Ông Khái đề nghị các bộ ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình tập trung quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, giá điện, thực phẩm, phân bón và thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh và sinh phẩm, vật tư y tế trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay.
Bộ Công Thương khẳng định từ nay đến cuối năm sẽ cố gắng không tăng giá điện để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp và đời sống người dân dịp cuối năm.
Thảo luận