Con đường 'thông mạch' giao thương
Những hoạt động gần đây liên quan đến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và cơ chế hợp tác, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các tỉnh giáp biên của Việt Nam - Campuchia là minh chứng rõ ràng cho sự tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của cả 2 nước anh em.
Biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia dài khoảng 1255km (trong đó 84% đã phân giới cắm mốc.) Sở dĩ, đường biên giới này không hề đơn giản là do nó trải dài qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam và 9 tỉnh biên giới Campuchia.
Trong đó, phần biên giới từ Kon Tum đến Bình Phước đi qua địa hình rừng rậm, núi cao (trung bình từ 100m đến 1400m), độ dốc lớn, sông suối nhỏ cắt ngang biên giới nhiều.
Phần biên giới từ Tây Ninh đến Kiên Giang chạy trên đồng bằng, nhiều kênh mương rạch chia cắt. Đặc biệt, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang) vào mùa nước nổi, biên giới thường bị ngập lụt trắng xóa.
Tuy nhiên, nhờ khí hậu nhiệt đới, gió mùa, độ ẩm cao, gồm 2 mùa rõ rệt thuộc khu vực biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia lại tạo điều kiện thích hợp cho phát triển cây xanh.
Đặc biệt, khu vực biên giới đất liền giữa 2 nước còn đóng vai trò đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mekong và vùng Biển Đông, giữa ASEAN và Trung Quốc.
Chính vì thế, việc hoàn thành khoảng 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc được coi là thắng lợi chung cho cả 2 nước. Hiện tại đã hoàn thành cắm mốc cho 1.045km đường biên giới, xây dựng được 2.048 cột mốc, bao gồm cả cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, tại 1.554 vị trí trên thực địa.
Trong năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành bộ bản đồ địa hình biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia tỷ lệ 1:25.000.
Đây là văn kiện pháp lý-kỹ thuật, thể hiện đầy đủ thành quả phân giới, cắm mốc biên giới đất liền hai nước đã đạt được và là một bộ phận cấu thành không thể tách rời của Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia ký ngày 5/10/2019.
Góp phần bình ổn chính trị, kinh tế cho khu vực
Để đạt được thành công nói trên, không thể không nhắc đến tầm quan trọng của các Hiệp ước biên giới 1983, 1985, 2005 và 2019. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của hai nhà nước Việt Nam và Campuchia trong việc giải quyết bằng thương lượng hoà bình các vấn đề tồn đọng về biên giới, lãnh thổ giữa hai nước.
Không những thế, Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua Quy hoạch vùng biên giới Việt Nam-Campuchia đến năm 2030 sẽ phát triển thành một trong những vùng kinh tế động lực của cả nước về phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, phát triển thủy điện, thủy lợi; và là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và đường hàng không quan trọng phía Tây và Tây Nam đất nước.
Nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu hợp tác qua biên giới, theo quy hoạch, toàn tuyến biên giới được phân thành 2 khu vực lớn là khu vực biên giới Tây Nam và khu vực biên giới Tây Nguyên; trong mỗi khu vực sẽ hình thành các tiểu vùng kinh tế.
Tại các cửa khẩu quốc tế, hai bên chủ trương phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống chợ thương mại biên giới. Các khu kinh tế cửa khẩu này cũng nằm trong quy hoạch phát triển 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia và hành lang kinh tế đường xuyên Á.
Về quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia 2013-2020, cả 2 nước đã thỏa thuận thành lập 11 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 26 cặp cửa khẩu phụ tính đến thời điểm năm 2021.
Dự kiến một cửa khẩu quốc tế đường sắt sẽ được mở cho con đường liên vận đường sắt châu Á. Các cửa khẩu này đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo mô hình chuẩn gồm: nhà kiểm soát liên hợp, quốc môn, đường giao thông nội bộ, các khu chức năng. Nhằm mục có thể kết nối hoạt động với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính biên giới đất liền trên toàn quốc, nhằm mục tiêu thông quan nhanh chóng, hiệu quả.
Việc giải quyết hoàn chỉnh đường biên giới Việt Nam-Campuchia sẽ góp phần tạo môi trường ổn định và phát triển cho khu vực biên giới, tạo điều kiện thực hiện Chương trình tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam, chương trình Một cửa trong hài hòa các quy định hải quan, các chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng và ASEAN.
Đồng thời, làm thất bại âm mưu phá hoại tình đoàn kết giữa hai dân tộc của các thế lực thù địch đòi xoá bỏ các Hiệp ước, Hiệp định biên giới hai nước đã ký trong những năm 80 của thế kỷ trước.