Tại cuộc họp Quốc hội sáng 8/11, Đại biểu Nguyễn Công Long (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) đã có những phát biểu thẳng thắn về những xử lý sai phạm trong ngành y tế Việt Nam thời gian gần đây.
"Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước", ông nói.
Theo ông Long, trong suốt hai năm qua, đất nước đã trải qua thử thách chưa từng có, hàng vạn bác sĩ, nhân viên y tế không quản hi sinh, gian khổ, xông pha vào tuyến đầu chống dịch để điều trị, chăm sóc cho đồng bào bị nhiễm Covid-19.
Nhưng thời gian qua, cũng không ít cán bộ quản lý ngành y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Đại biểu đoàn Đồng Nai cũng nêu rõ quan điểm 'nên có một hành lang pháp lý rõ ràng để những người tài không bị vướng vào vòng lao lý'.
'Được cất nhắc làm lãnh đạo một bệnh viện thì không chỉ giỏi chuyên môn'
Ông đưa ra quan điểm ngành y là nghề đặc biệt, bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về năng lực y tế. Một bác sĩ được cất nhắc làm lãnh đạo một bệnh viện thì ngoài yêu cầu về giỏi chuyên môn còn phải nhiều yêu cầu khác về phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý.
"Như vậy, một giám đốc bệnh viện không chỉ phải chịu trách nhiệm về tính mạng của từng bệnh nhân mà còn phải chịu trách nhiệm về hành chính, cơ sở vật chất. Nói cách khác còn chịu nhiệm về cả vấn đề gửi xe, quét rác, mua sắm sinh phẩm", Đại biểu Long cho hay.
Theo ông Long, với những yêu cầu đặt ra đó, các bác sĩ phải có kỹ năng đặc biệt mới có thể đảm bảo tính hoàn mỹ của công việc.
Lấy dẫn chứng trong mô hình y tế trên thế giới, các bác sĩ chỉ nên giữ vai trò quản lý về mặt chuyên môn. Họ có thể yêu cầu đảm bảo cung ứng thiết bị y tế để đảm bảo công việc. Còn việc mua sắm do các bộ phận khác thực hiện.
Ông nhấn mạnh việc đòi hỏi chuyên môn khác nhau là nguyên nhân dẫn đến các sai phạm gần đây. Ngoài việc xử lý nghiêm các sai phạm gần đây thì phải hoàn thiện hành lang pháp lý, đồng thời ngăn ngừa vi phạm tiêu cực trong ngành y tế.
Đại biểu Nguyễn Công Long nêu vấn đề "phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công thời gian qua?".
Cho biết "không có ý bào chữa cho ai bởi dù họ là thầy thuốc, mọi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh", nhưng ông Long cho rằng, trong xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý như người thầy lại vi phạm pháp luật thì đó là hiện tượng rất đáng lo ngại về cả góc độ pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị đất nước.
Trăn trở về những vụ án kinh tế trong ngành y tế gần đây như Sputnik đã từng đưa tin, Đại biểu Nguyễn Công Long trải lòng thêm:
“Thật không gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người thuộc nhóm tinh hoa của đất nước. Dù là thầy thuốc, thầy giáo dù vi phạm cũng phải được xử lý. Nhưng trong một xã hội, những người được xã hội nể trọng mà phải xử lý thì là vấn đề rất đáng lo ngại”, ông nói.
Cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho ngành y tế
Ông Long nhấn mạnh, đã đến lúc phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong phương pháp quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp.
Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, điểm qua các vụ án vừa qua có thể thấy số cán bộ y tế là quản lý các bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ ở các tội phạm về chức vụ mà còn là tội phạm về kinh tế như vi phạm các quy định về đấu thầu, vi phạm các quy định về kế toán.
"Có lẽ, khi thông qua Bộ luật hình sự 2015, các nhà làm luật cũng không thể hình dung được tội phạm về kinh tế có thể chuyển hoá như vậy. Chủ thể tội phạm về kinh tế không chỉ là những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mà còn là các cán bộ quản lý trong lĩnh vực y tế, giáo dục", ông nói.
Đồng thời, Đại biểu Long cũng băn khoăn, những vi phạm của các bác sỹ trong quản lý, điều hành các bệnh viện công lập có những nguyên nhân từ bất cập của hệ thống pháp luật quản lý điều hành nền kinh tế hay không?
Sau khi phân tích, ông Long rút ra kết luận, cơ quan chức năng cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công.
Điều này không chỉ nâng cao năng lực ngành y tế, bảo đảm điều trị chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng tốt hơn, mà còn ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiêu cực trong nền kinh tế. Đại biểu nhắc lại:
Và để "chúng ta không phải thấy cảnh một bác sỹ phải vướng vào vòng lao lý bởi những công việc đáng lẽ bác sỹ không phải làm hoặc không được làm".