Thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19

Do ảnh hưởng bởi yếu tố dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản giảm lãi, thậm chí thua lỗ, nhưng cũng có những doanh nghiệp lãi đậm nhờ linh hoạt trong kinh doanh hoặc có những lợi thế đặc biệt.
Sputnik
Dịch COVID-19 lần thứ 4 ảnh hưởng rất nặng nề đến các tỉnh phía Nam, trong khi đây lại là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản lớn của cả nước.

Bức tranh tương phản lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp phải đối mặt như việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào; chi phí phòng chống dịch và logistics tăng cao, thậm chí doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất.
Nguy cơ khách hàng lớn chuyển dịch đơn hàng do các nhà sản xuất Việt Nam không đáp ứng kịp nhu cầu bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Thủy sản Việt Nam đang ‘thắng lớn’ ở châu Âu
Do vậy, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận giảm mạnh trong quý III/2021. Đơn cử, trường hợp của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã chứng khoán: ACL). Dù doanh nghiệp có doanh thu thuần quý III/2021 đạt 224 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng do các khoản chi phí tăng nên lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Cửu Long An Giang chỉ đạt hơn 3,5 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay như trường hợp của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC) là một doanh nghiệp khá nổi tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu tôm ở Việt Nam cũng có lãi sau thuế quý III/2021 gần 64 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi doanh thu vẫn ở mức tương đương so với cùng kỳ năm ngoái là đạt 1.625,3 tỷ đồng.
Công ty lý giải việc doanh thu đi ngang, nhưng lợi nhuận giảm là do nhiều khoản chi phí gia tăng, đặc biệt chi phí bán hàng tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2020 lên gần 85 tỷ đồng, chủ yếu do tăng mạnh chi phí cước tàu vận tải.
Dây chuyền chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ở nhà máy của Công ty CP đầu tư phát triển đa quốc gia tại tỉnh Đồng Tháp
Với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã chứng khoán: ABT) thì cả doanh thu và lợi nhuận quý III đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre quý III/2021 đạt 71 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng đó, chi phí bán hàng tăng gấp đôi, lên gần 9 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận sau thuế quý III năm nay của doanh nghiệp chỉ còn hơn 1 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2020.
Thậm chí, doanh nghiệp trong lĩnh vực cá tra là Công ty cổ phần Nam Việt (mã chứng khoán: ANV) còn báo lỗ do cũng chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh. Cụ thể, Công ty cổ phần Nam Việt lỗ sau thuế hơn 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 40 tỷ đồng. Doanh thu thuần quý III/2021 của công ty đạt 656 tỷ đồng, cũng giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh các công ty báo lỗ, vẫn có nhiều công ty lãi trong quý III năm nay; trong đó, nhiều doanh nghiệp lãi với nguyên nhân không đến từ việc tăng doanh thu từ mảng kinh doanh thủy sản mà đến từ hoạt động tài chính và tiết giảm được chi phí.
Có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (mã chứng khoán: AAM). Doanh nghiệp này sau 5 quý lỗ liên tiếp thì quý III năm nay đã có lãi nhờ lợi nhuận từ các khoản đầu tư cổ phiếu, trong khi doanh thu mảng kinh doanh cốt lõi là thủy sản vẫn giảm mạnh.
Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm chế biến thủy sản toàn cầu
Cụ thể, doanh thu thuần quý III/2021 của Công ty cổ phần Thủy sản Mekong đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính đạt 2,46 tỷ đồng cao gấp 12 lần so với cùng kỳ, chủ yếu là từ lãi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu và kỳ phiếu.
Nhờ khoản doanh thu tài chính tăng ấn tượng và tiết giảm được các chi phí nên công ty lãi 142 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 4,4 tỷ đồng.
Hay như trường hợp của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam –Seaprodex (mã chứng khoán: SEA) có doanh thu thuần giảm hơn một nửa còn 22,2 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn có lãi kỷ lục. Nguyên nhân nhờ khoản doanh thu tài chính đột biến gấp 42 lần cùng kỳ, đạt 160,7 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận sau thuế đạt 162 tỷ đồng, cao gấp 15,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Được mệnh danh là “vua tôm”, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán: MPC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với doanh thu thuần đạt 2.785 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2020.
Dù vậy, giá vốn tương ứng giảm mạnh giúp lãi gộp công ty tăng 46% lên hơn 774 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng được cải thiện từ 12% lên 28%. Nhờ vậy, dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận ròng của “vua tôm” vẫn đạt hơn 290 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp đầu ngành cá tra Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán: VHC) có kết quả kinh doanh rất ấn tượng trong quý III. Cụ thể, doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt 2.230 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 255 tỷ đồng; tăng lần lượt 24% và 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủy sản Việt Nam gỡ "thẻ vàng" của EC như thế nào?
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trong quý III/2021 nhờ tiềm lực tài chính mạnh, Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp duy nhất hoạt động ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) và thị phần xuất khẩu vào Mỹ tháng 8, tháng 9 lên tới 100%.
BSC kỳ vọng, công ty vẫn sẽ được hưởng lợi trong quý IV năm 2021 và kéo dài sang năm 2022, dù thị phần sẽ giảm từ mức đỉnh của quý III năm nay khi một số doanh nghiệp lớn quay trở lại sản xuất.
Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu ngành thủy sản đồng thuận tăng giá. Tính từ cuối năm 2020 đến hết phiên 10/11, cổ phiếu FMC tăng 50,4%, ACL và ABT đều tăng 13%, ANV tăng 51,4%, AAM tăng 27,6%, SEA tăng 72,5%, MPC tăng 64,3%, VHC tăng 65,2%...

Giai đoạn phục hồi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quý III/2021, hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 khiến nhiều cảng cá, nhà máy chế biến tạm đóng cửa do có ca F0 hoặc không đáp ứng điều kiện “3 tại chỗ”, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản quý III giảm 4,8% so với quý III/2020 và đây là quý có tốc độ tăng thấp nhất từ năm 2015.
Đáng chú ý, doanh nghiệp thủy sản tập trung cao ở khu vực phía Nam nên ảnh hưởng càng nặng nề hơn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 9 giảm 23% so với cùng kỳ. Lũy kế đến hết quý III/2021, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,2 tỷ USD, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ.
Theo BSC, sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và đỉnh điểm là giãn cách xã hội trong quý III, Tổng cục Thủy sản cho biết đến đầu tháng 9/2021 đã có 176 cơ sở trong số 449 cơ sở chế biến cá tra ngừng sản xuất do không đáp ứng được chi phí và điều kiện “3 tại chỗ”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay cả sau khi kết thúc giãn cách xã hội, chỉ có từ 30 - 40% doanh nghiệp có đủ năng lực phục hồi. Số doanh nghiệp còn lại rất khó, hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thắng lớn?
Tuy nhiên, điều này lại tạo cơ hội để các các doanh nghiệp lớn, có nền tảng tài chính vững mạnh chiếm lĩnh thị phần. Theo công ty chứng khoán BSC, với việc một nhóm doanh nghiệp thủy sản dự kiến rút lui khỏi ngành ngay cả khi kết thúc lệnh giãn cách, các doanh nghiệp đầu ngành sẽ được hưởng lợi khi mức độ cạnh tranh giảm xuống và tận dụng khoảng trống thị trường.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), giá cá tra và giá tôm đã có tín hiệu tạo đáy và dần hồi phục sau chu kỳ giảm; trong đó, giá cá tra đang có xu hướng phục hồi sớm hơn và mạnh mẽ hơn so với giá tôm trong thời gian vừa rồi bởi nhu cầu đơn hàng rất lớn, đặc biệt là từ thị trường Mỹ.
Agriseco đánh giá, ngành thủy sản đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất vào năm 2019 và 2020, kéo dài tới hết quý III bởi làn sóng COVID-19. Với những tín hiệu tích cực từ việc kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao, đặc biệt là khu vực miền Nam sẽ giúp cho triển vọng xuất khẩu thủy sản quý IV/2021 phục hồi và tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2022.
Thảo luận