Vấn đề ở cụm từ 'thí điểm'
Chiều 16/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 23/CĐ-UBND về việc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.
16 Tháng Mười Một 2021, 08:30
Công điện nêu rõ, từ ngày 17/11/2021, ngoài việc điều chỉnh điều trị các ca nhiễm Covid-19, Hà Nội sẽ điều chỉnh việc cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tăng cường cách ly, xét nghiệm đối với người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội. Cụ thể văn bản có đoạn nêu:
"Điều chỉnh phương án cách ly các đối tượng tiếp xúc gần (F1) cụ thể, điều chỉnh thời gian thực hiện cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần (F1) xuống còn 14 ngày. Tiếp tục duy trì các khu cách ly tập trung F1 tại các quận, huyện, thị xã đã được thành lập hoặc đã rà soát chưa kích hoạt".
Thêm thông tin từ văn bản do Chủ tịch Chu Ngọc Anh kí tối 16/11:
"Thành phố cũng thí điểm thực hiện cách ly tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1) đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế".
Ngay sáng hôm sau 17/11, truyền thông Việt Nam bắt đầu trích dẫn tin tức và xôn xao về quyết định này của Chính quyền Thủ đô. Điều đáng chú ý là cụm từ 'thí điểm' trong Công điện khẩn tối qua.
Đa số nhiều người cho rằng trên thực tế việc cách ly F1 tại nhà đã được thực hiện tại TP.HCM trong đợt dịch vừa qua, thì cần gì phải 'thí điểm' nữa?
Mặt khác, Chính quyền Thủ đô cũng nhiều lần nói về 'đặc thù' Trung Ương của Hà Nội, từ việc mở cửa hàng không cho sân bay Nội Bài hay các thí điểm cách ly khác.
Nếu như trước đó, Hà Nội quyết tâm 'thủ thành' với lý do tỷ lệ tiêm chủng chưa rộng nên nguy cơ lây nhiễm cao thì hiện tại Việt Nam đã tiêm được hơn 101 triệu liều vaccine cho người dân (thông tin từ Bộ Y tế ngày 16/11), Thủ đô vẫn một mình một kiểu.
Dẫn chứng thêm ở văn bản đã nêu trên:
Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai... cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có Quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 7 ngày thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà, xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 thay cho chỉ xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 1.
Đối với những người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 đi về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam): cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày (có Quyết định cách ly của địa phương), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7 từ khi tới Hà Nội (thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không chỉ định xét nghiệm).
Những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 về Hà Nội đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): Tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày, xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 1.
Những người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine phòng Covid-19 đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): Tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày; xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ 1 và ngày thứ 7.
Trong khi Hà Nội là đầu mối giao thương, chính trị, kinh tế, Quyết định này sẽ ảnh hưởng tới tiến độ đi lại, công việc của nhiều người nếu đi công tác hoặc di chuyển tiếp mà Hà Nội là trạm dừng.
Quyết định này cũng vượt quá quy định trong nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế về thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Theo quy định hiện hành, nếu áp dụng vượt 128 và 4800 phải báo cáo Chính phủ và Bộ Y tế.
Theo thống kê của Hà Nội, thời gian qua Hà Nội ghi nhận một số ca COVID-19 đến từ vùng dịch khác, nhưng số lượng ca không nhiều so với nhóm bệnh nhân lây trong khu cách ly, khu phong tỏa.
Cụ thể, ngày 16-11 có 2/150 ca COVID-19 mới của Hà Nội là liên quan tới các tỉnh có dịch; ngày 15-11 có 2/280 ca; ngày 14-11 có 4/119 ca.
Nỗi e ngại từ khu cách ly tập trung
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, phần lớn từ những phản đối của người dân một phần là nỗi e ngại từ việc đi cách ly tập trung và 'lây nhiễm chéo' tại đây.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng khuyến nghị thành phố nên thực hiện việc cách ly, điều trị F1, F0 tại nhà.
“Người dân sợ đến khu cách ly tập trung vì thực tế cho thấy hơn 50% ca lây nhiễm COVID-19 nằm ở khu tập trung. Tại khu cách ly 4, 5 người một phòng, họ dùng chung nhà tắm, vệ sinh nên khó đảm bảo về phòng tránh lây nhiễm”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tuy nhiên Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã thông tin về nghị quyết 141 từ phiên họp chuyên đề tháng 11.
Theo đó, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dụng dự thảo Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021-2023 do Bộ Y tế trình, bao gồm các biện pháp y tế với 3 trụ cột:
Cách ly chặt, nhanh, hẹp và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể, xét nghiệm khoa học, hiệu quả và nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, bảo đảm người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, sớm nhất có thể.
Các biện pháp hành chính, bảo đảm an sinh xã hội và đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, người lao động, lưu thông hàng hóa phù hợp áp dụng tương ứng với cấp độ dịch của từng vùng, từng địa bàn theo tinh thần nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Điều này cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh trong buổi chất vấn trước Quốc hội vào ngày 12/11:
"Phương châm phòng chống dịch là 5K + Vaccine, Thuốc đặc hiệu + Các biện pháp điều trị + Công nghệ + Đề cao ý thức người dân + Các biện pháp khác".
Đồng thời, đẩy nhanh tiêm phòng, tăng độ bao phủ của vaccine và bảo đảm thuốc điều trị, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, giảm thiểu tử vong.
Về chuyên môn y tế mà nói, việc cho phép F1 và F0 triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà cũng có thể giảm thiểu gánh nặng về y tế tại cho các bệnh viện, nhất là khi độ phủ vaccine ở Việt Nam hiện tại khá cao nên tỷ lệ tử vong sẽ ít nguy cơ hơn.
Minh chứng rõ ràng nhất là từ đợt dịch tại TP.HCM thời gian vừa, thành phố thậm chí đã bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2021.
Cụ thể ở việc ban hành “Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc COVID-19 tại nhà” của Sở Y tế TP.HCM.
Theo Sở Y tế TP.HCM, mục đích của việc làm này là nhằm tránh tình trạng quá tải người bệnh COVID-19 (F0) tại các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị và tạo tâm lý thoải mái cho F0 mau hồi phục sức khỏe.
Và hiện tại, TP.HCM đang dần trở lại trạng thái 'bình thường mới', rất nhiều kinh nghiệm, rất nhiều đau thương từ 'trận chiến chống dịch Covid-19' này mà Hà Nội nên học hỏi để bớt cứng nhắc, hiệu quả hơn.