Trao đổi với cử tri Đà Nẵng, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, hình phạt phải đúng mức để cán bộ không dám tham nhũng. Ngoài tạo áp lực chính trị, hiện Việt Nam cũng đang xây dựng cơ chế để cán bộ không dám ‘nhúng chàm’.
Trong khi đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa kiện toàn nhân sự. Cụ thể, theo Quyết định mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, bà Trương Thị Mai được phân công giữ chức Phó Ban chỉ đạo và ông Lê Minh Hưng làm Ủy viên.
Cử tri Việt Nam tha thiết đề nghị không bỏ án tử hình tội tham nhũng
Ngày 23/11, tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng với Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV, vấn đề chống tham nhũng, chống tiêu cực, công cuộc “đốt lò” của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử tri thảo luận sôi nổi.
Ông Nguyễn Trí Tổng, cử tri trú trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng đã nêu nhiều vấn đề gai góc.
Ông Tổng cho rằng, tình hình chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam lửa vẫn cháy, lò vẫn nóng nhưng củi ướt, khói nhiều, sức nóng không đủ để củi cháy hết.
Trong khi đó, luật phòng chống tham nhũng không đủ chế tài, sức răn đe nên hạn chế kết quả.
Dẫn chứng nhiều ví dụ điển hình, cử tri Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay đã phát sinh nhiều vụ án lớn. Trong đó, đáng chú ý như vụ hơn một tiểu đội tướng lĩnh ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam hay vụ việc tại Bộ Y tế (với việc bà Nguyễn Thị Kim Tiến bị cảnh cáo, miễn nhiệm, hàng loạt Giám đốc Bệnh viện bị xác định có sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động đấu thầu thiết bị vật tư y tế…) hay vụ cựu tướng tình báo Công an Nguyễn Duy Linh nhận hối lộ của Phan Văn Anh Vũ…
“Bản thân là một người lính về hưu, tôi thấy đau lòng và xấu hổ. Tham nhũng tiêu cực toàn ở người có chức có quyền, cử tri thiết tha đề nghị xem xét không bỏ án tử hình tội tham nhũng”, cử tri Nguyễn Trí Tổng bày tỏ.
Cần nhắc lại rằng, trong khu vực, những hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng cũng được chính quyền Trung Quốc áp dụng triệt để trong các chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Bắc Kinh.
Ông Võ Văn Thưởng: “Phạt phải đúng mức để cán bộ không dám tham nhũng”
Trả lời cử tri, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu khu vực TP Đà Nẵng nhấn mạnh, công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng sau Đại hội XIII là vấn đề Đảng rất quan tâm, có tính sống còn với vận mệnh của Đảng, Nhà nước và chế độ Việt Nam.
Ông Thưởng nêu rõ, vừa qua, nhiều cán bộ vừa bầu vào Trung ương Đảng khóa XIII nhưng phát hiện sai phạm đã kiên quyết xử lý. Những tướng lĩnh cấp cao mới đây cũng được xử lý rất nghiêm túc.
“Công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngưng nghỉ và trên tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lập pháp, trong xây dựng pháp luật”, Thường trực Ban Bí thư khẳng định.
Theo ông Võ Văn Thưởng, việc xử lý mới chỉ ở bước đầu, tinh thần làm rõ đến đâu xử lý đến đó. Trong đó, xác định vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước thì trước hết là xử lý hành chính. Còn sau đó sẽ làm tiếp các bước để xử lý theo pháp luật, đặc biệt là luật pháp hình sự.
Theo ông Thưởng, những quy định của Đảng sau Đại hội XIII theo hướng đổi mới rất chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất cao. Nếu cán bộ có khuyết điểm, sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết là khuyến khích từ chức. Nhưng đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức Đảng và cơ quan để cán bộ từ chức khi uy tín giảm sút, không chờ hết nhiệm kỳ.
“Tất cả được nêu rõ trong quy định của nhà nước, của Đảng thì trước hết xử lý hành chính còn sau đó sẽ làm tiếp các bước để xử lý theo pháp luật hình sự, xem xét một cách nghiêm túc”, ông Thưởng lưu ý.
Cũng theo Thường trực Ban Bí thư, sắp tới đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang hướng tới xây dựng cơ chế để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng.
Trong đó, tập trung hướng vào chuyện không dám tham nhũng bằng hình phạt đúng mức, chính sách chặt chẽ, công khai minh bạch và sự giám sát của người dân.
Theo ông Võ Văn Thưởng, có đồng chí bảo tăng lương để cán bộ không tham nhũng. Thực ra không phải như vậy, những nước có thu nhập rất cao cũng vẫn tham nhũng. Trong thực tế khi xử lý cán bộ và giải quyết các vụ án liên quan đến tham nhũng thì những cán bộ tham nhũng không phải do nghèo khó, thậm chí là có điều kiện sống tốt hơn nhiều cán bộ khác nhưng vẫn tham nhũng.
“Do đó, chúng ta phải hướng nhiều vào việc không dám tham nhũng. Hình phạt trừng trị phải nặng, phải đúng mức để người ta không dám tham nhũng”, Thường trực Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định.
Kiện toàn nhân sự Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Ngày 23/11, thông tin Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam được kiện toàn nhân sự theo Quyết định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông cáo phát đi cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quyết định về việc phân công (nhân sự) kiêm giữ chức Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, Bộ Chính trị quyết định phân công bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực kiêm giữ chức Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với Quyết định này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ký quyết định về việc phân công giữ chức Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, Bộ Chính trị phân công ông Lê Minh Hưng – Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng kiêm giữ chức Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ai lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực ở Việt Nam?
Như vậy, sau khi kiện toàn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gồm 18 thành viên.
Cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban chỉ đạo đặc biệt quan trọng này.
Ngoài ra còn có 11 Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, 7 Uỷ viên Trung ương Đảng. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo là Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo còn có 5 Phó Trưởng Ban khác.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, hôm 16/9/2021, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quyết định 32 này thay thế Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 của Bộ Chính trị khoá XII về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Về bà Trương Thị Mai và ông Lê Minh Hưng
Bà Trương Thị Mai sinh năm 1958, quê Quảng Bình, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII, Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, XIII, Đại biểu Quốc hội liên tục 5 khóa, từ khóa X đến khóa XV.
Trước khi làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, bà Trương Thị Mai đã trải qua các chức vụ như: Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XII, XIII, Trưởng ban Dân vận Trung ương.
Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại cuộc họp
© Ảnh : Phương Hoa - TTXVN
Trong khi đó, ông Lê Minh Hưng sinh năm 1970, quê Hà Tĩnh. Ông là Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII, Đại biểu Quốc hội khóa XV.
Trước khi giữ chức Chánh văn phòng Trung ương Đảng, ông Lê Minh Hưng từng giữ các chức vụ như: Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.