Samsung bày tỏ mong muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP (từ khối doanh nghiệp FDI), đồng thời, tiếp tục đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành cứ điểm chiến lược hàng đầu của mình trên toàn thế giới.
Khu công nghiệp sạch kiểu Hàn Quốc đầu tiên ở Việt Nam
Vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hưng Yên vừa ban hành quyết định thành lập Khu công nghiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc.
Đây là Khu công nghiệp sạch, thuộc tổ hợp Khu Công nghiệp và Đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, tỉnh Hưng Yên.
Dự án có quy mô hơn 140 ha do Tập đoàn LH hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland và một số nhà đầu tư Hàn Quốc đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Thực tế, đây là một phần của dự án hợp tác kinh tế cốt lõi mà Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy tại Việt Nam thông qua chính sách hướng Nam mới trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản và công nghiệp.
Trước đó, dự án khu công nghiệp sạch kiểu Hàn Quốc đầu tiên này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và được bổ sung vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm năm 2020.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư hơn 1.780 tỷ đồng, tương đương gần 77 triệu USD.
Hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai thực hiện thủ tục thu hồi đất và đầu tư hạ tầng theo quy hoạch được duyệt, bảo đảm mặt bằng để tiếp nhận các nhà đầu tư theo quy định.
Trước đó, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ, tỉnh Hưng Yên cũng đã xây dựng định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, đảm bảo thuận lợi cho việc phát triển, tăng cường các liên kết sản xuất trong khu công nghiệp trên địa bàn.
Lãnh đạo Hưng Yên luôn cam kết tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án đúng tiến độ, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và đảm bảo tính khả thi của quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn.
Biểu tượng hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc
Như Sputnik đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam đóng vai trò đặc biệt trong chính sách hướng Nam của Hàn Quốc.
Lãnh đạo Việt Nam tại các diễn đàn đa phương đều khẳng định hoan nghênh và ủng hộ Hàn Quốc triển khai “Chính sách Hướng Nam mới Tăng cường” thúc đẩy hợp tác với khu vực vì các mục tiêu hướng đến Người dân, Hòa bình và Thịnh vượng, phù hợp với 3 trụ cột hợp tác của Cộng đồng ASEAN.
Khu công nghiệp sạch kiểu Hàn Quốc đầu tiên ở Việt Nam chính là biểu tượng đặc biệt cho quan hệ Hà Nội – Seoul cũng như tạo tiền đề thúc đẩy hơn nữa nhiều dự án tương tự trong khuôn khổ chính sách hướng Nam của quốc gia này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh đánh giá, địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, triển khai đầu tư để dự án khu công nghiệp sạch kiểu Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam sớm đi vào hoạt động.
“Khu công nghiệp hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc sẽ là biểu tượng cho sự hợp tác kinh tế Việt - Hàn, hướng tới chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc vào năm 2022”, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên bày tỏ.
Samsung muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam
Theo thông tin từ cơ quan Quốc hội, chiều nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến đã có cuộc tiếp Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho.
Tại cuộc gặp, nhắc lại thông tin đến nay tổng vốn đầu tư tại Việt Nam của Samsung lên tới 17,7 tỷ USD, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối Ngoại Nguyễn Mạnh Tiến mong rằng, tới đây Samsung Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tăng cường đầu tư tại Việt Nam.
Ông Tiến kỳ vọng hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam của Samsung sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước.
“Việt Nam luôn tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cảm ơn Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện, hỗ trợ Samsung Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp.
Khẳng định mong muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam, lãnh đạo Samsung Việt Nam Chiu Joo Ho cũng đồng thời bày tỏ nguyện vọng, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương tiếp tục đưa ra các chính sách phù hợp, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch, để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa sản xuất, phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch hiệu quả.
Như Sputnik từng đề cập, đến nay, Samsung luôn coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược toàn cầu của mình.
Đồng thời, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 17,7 tỷ USD, tức đã tăng gấp 26 lần thời điểm năm 2008. Điều này cho thấy vị thế đặc biệt quan trọng của Việt Nam trong chiến lược kinh doanh sản xuất toàn cầu của tập đoàn công nghệ khổng lồ Hàn Quốc.
Cần nhắc lại rằng, trong năm 2019, tổng doanh thu của 4 công ty con này là 76.730 tỷ won, tương đương 1,57 triệu tỷ VND. Nếu so với GDP của Việt Nam năm 2019 thì doanh thu của Samsung bằng 26%. So với các tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam, doanh thu của Samsung tại Việt Nam năm 2019 gấp 2,1 lần PVN (736.000 tỷ đồng), gấp 4 lần EVN (394.000 tỷ đồng).
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tính đến 1/7 vừa qua, Samsung vẫn đạt tăng trưởng 10% so với cùng kỳ. Nếu đến cuối năm 2022, Samsung kịp khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội, sẽ có khoảng 3 nghìn kỹ sư làm việc, đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam.