Theo Bộ Công Thương, mục tiêu 600 tỷ USD chắc chắn đạt. Sau đúng 2 năm, kim ngạch 500 tỷ USD cũng được xác định. Cũng lần đầu tiên, Việt Nam kỳ vọng xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 640-650 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa gần 600 tỷ USD
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ thiết lập kỷ lục mới, đạt mức tăng trưởng cao mà không nhiều quốc gia trên thế giới có thể duy trì được trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Như Sputnik đã đưa tin, báo cáo mới nhất của Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong tháng 11 vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 59,7 tỷ USD, tăng 8,5 so với tháng trước và tăng đến 19,7% so với cùng kỳ 2020.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tính chung 11 tháng của năm nay đạt đến 599,12 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức độ tăng trưởng rất cao bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cũng theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, xuất khẩu đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% tăng 17,5%, còn nhập khẩu đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5%.
Đáng chú ý, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn nghiêng về xuất siêu. Cụ thể, trong 11 tháng năm nay, quốc gia Đông Nam Á này có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, có đến bảy mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cán mốc trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%.
Thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu xuyên suốt tháng 11 năm nay, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt trên 3,57 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 1,2% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Trong khi đó, nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 21,4 tỷ USD, tăng 15,4% và chiếm 7,1% (giảm 0,2 điểm phần trăm). Nhóm hàng thủy sản đạt 7,95 tỷ USD, tăng 3,5% và chiếm 2,7% (giảm 0,3 điểm phần trăm).
Dây chuyền chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ở nhà máy của Công ty CP đầu tư phát triển đa quốc gia tại tỉnh Đồng Tháp
© Ảnh : TTXVN
Số liệu mà Bộ Công Thương vừa công bố cũng đồng nhất với Tổng Cục Thống kê. Bộ này còn nhấn mạnh thêm về các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như nông, lâm, thủy sản, đóng góp tới 25,19 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, cũng theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng trong nhóm này không chỉ có sự gia tăng về lượng mà giá cũng đạt cao hơn như sắn, cao su, hồ tiêu.
Nhìn vào bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể thấy, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là “mũi nhọn”, đóng vai trò chủ lực.
Việt Nam xuất hàng công nghiệp chế biến đạt tới 266,75 tỷ USD, tăng 18%, đồng thời chiếm tỷ trọng 89% (tăng 0,4 điểm phần trăm) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đạt được thành công này là nhờ khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại các tỉnh phía Nam sau nhiều tháng phải ngừng hoạt động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.
Liên quan đến thị trường xuất khẩu, Tổng Cục Thống kê cho biết, 11 tháng qua, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam xuất hàng đi Trung Quốc cũng đạt kết quả tích cực với trên 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%.
Nhờ những lợi thế mà EVFTA mang lại, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%.
Ở khu vực Đông Nam Á, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Tiếp đó là Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.
“Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, có một số thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được những lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, như sang EU, Hàn Quốc”, Bộ Công Thương nhận định.
Việt Nam vẫn xuất siêu
Ở chiều ngược lại, cán cân nhập khẩu, trong 11 tháng qua, Việt Nam đã chi khoảng 29,8 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 14% so với tháng 10.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 299,44 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Nhập khẩu tăng cao vào những tháng cuối năm do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng cao phục vụ dịp Noel và đón năm mới”, Bộ Công Thương lý giải.
Cũng trong 11 tháng của năm 2021 này, có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đi vào cụ thể cơ cấu hàng nhập khẩu, Tổng Cục Thống kê cho hay, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa (tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Trong số này, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 139,2 tỷ USD, tăng 22% và chiếm 46,5% (giảm 2,1 điểm phần trăm). Đồng thời, nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 141 tỷ USD, tăng 34,3% và chiếm 47,1% (tăng 2,4 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng đạt 19,25 tỷ USD, tăng 22,2% và chiếm 6,4% (giảm 0,3 điểm phần trăm) trong 11 tháng đầu năm 2021.
Dây truyền sản xuất tại Công ty TNHH Alpha Green Tech Vina, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang)
© Ảnh : Danh Lam-TTXVN
Theo cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù nhập khẩu của Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 (do nhiều yếu tố), nhưng chủ yếu là tăng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Cơ quan chức năng cho rằng, nhóm này chiếm tỷ trọng lớn chứng tỏ sản xuất trong nước hiện đang “phục hồi mạnh mẽ”, dẫn đến việc các doanh nghiệp tăng nhập mạnh nguyên phụ liệu để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu cuối năm 2021 và đảm bảo cung ứng cho nửa đầu năm 2022.
Báo cáo về thị trường nhập khẩu, Tổng Cục Thống kê cho biết, Việt Nam vẫn tiếp tục nhập phần lớn từ Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc chính là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2020.
Việt Nam cũng nhập hàng nhiều từ Hàn Quốc với kim ngạch tương ứng là 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%. Thị trường ASEAN đạt 37 tỷ USD, tăng 36,1%.
Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Nhật Bản đạt 20,3 tỷ USD, tăng 10,1%. Thị trường EU đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,2%.
Trong 11 tháng qua, Việt Nam cũng tăng nhập hàng hóa từ Mỹ. Kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ ghi nhận đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14,6%. Như Sputnik đã thông tin trước đó, Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia bị gắn mác thao túng tiền tệ. Thành công này một phần cũng đến từ nỗ lực cân bằng cán cân thương mại của chính quyền Hà Nội thông qua việc tăng nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ, hướng đến thương mại bền vững.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 tiếp tục được cải thiện khi Việt Nam xuất siêu ước tính đạt 100 triệu USD. Đồng thời, đánh giá tổng thể có thể thấy, sau 11 tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 225 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 20,19 tỷ USD).
Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 24,32 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 24,55 tỷ USD.
Hàng hóa Việt Nam hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu
Xuất khẩu Việt Nam được dự báo sẽ thiết lập kỷ lục mới. Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt khoảng 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ.
Cần nhấn mạnh, đây là kết quả rất lớn bởi năm 2021, Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhất là làn sóng lây nhiễm lần thứ tư khiến nền kinh tế bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Vượt qua những khó khăn muôn bề, các doanh nghiệp trong nước cũng như khối FDI tiếp tục duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng sau khi Chính phủ quyết định từ bỏ mục tiêu “Zero Covid” và chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, thích nghi, khôi phục sản xuất.
Bộ Công Thương cho biết, các ngành có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, đứt gãy nguồn cung, hoạt động sản xuất nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến. Đó là nỗ lực rất lớn.
Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm 2021, vẫn còn dư địa để các ngành trên có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước dịch.
Bên cạnh đó, các ngành mũi nhọn và tăng trưởng nhanh của Việt Nam thời gian qua như xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện, hàng công nghiệp chế biến, cũng có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15 - 25% trong năm nay.
“Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên các ngành thế mạnh vẫn đang phục hồi khả quan và cả năm nay có thể vẫn có tăng trưởng 2 con số”, ông Trần Thanh hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết.
Nhà may Maxport
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng, hoạt động xuất khẩu đang có những thuận lợi khi Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tích cực nhất.
Thực tế cho thấy, trải qua ba năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như hơn 1 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ Công Thương đánh giá, những tác động từ các hiệp định này đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa rất rõ, đặc biệt với thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA trước đó.
Điển hình như, nhờ có CPTPP mà xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đi các nước châu Mỹ như Canada, Mexico, Peru đều tăng trưởng nhanh (từ 25-30%/năm). Trong khi đó, tận dụng được lợi thế từ EVFTA, hàng hóa Việt nam đi EU đều tăng và được hưởng cơ chế ưu đãi rõ rệt, mang tính bền vững, tích cực hơn.
Số liệu từ cơ quan chức năng cũng cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA hiện nay lên đến xấp xỉ 20% thông qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1. Đây là tỷ lệ rất đáng kể.
Cũng theo Bộ Công Thương, đối với những con số còn lại, không phải là hàng hóa Việt Nam không được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì sẽ không được ưu đãi mà nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU hiện có thuế suất rất thấp nhờ vẫn được hưởng GSP nên một số trường hợp, doanh nghiệp không cần xin mẫu C/O EUR1.
Theo ông Trần Thanh Hải, để thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực.
Bộ Công Thương cũng nỗ lực để hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách để có thể khai thác tốt hơn nhiều thị trường tiềm năng.
Đáng chú ý, theo ông Hải, Bộ Công Thương cũng tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược. Đặc biệt, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục thúc đẩy công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.
Hàng Việt tìm đường tiến sâu vào thị trường Trung Quốc
Trước đó, hôm 30/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương đã phối hợp với Tập đoàn JD, Vinanutrifood, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), VPBank, Visa để xây dựng và phát triển "Gian hàng quốc gia Việt Nam" trên nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc JD.com nhằm hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt trong thời gian tới tiến sâu vào thị trưởng tỷ dân này.
Bộ Công Thương kỳ vọng, thông qua kênh này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như đối tác của chương trình. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng sẽ có nhiều khả quan hơn.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia đánh giá, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ còn mở rộng hơn, nhất là trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, nhưng cũng cần phải hiểu rằng, cơ hội luôn đi kèm thách thức.
Các chuyên gia cũng lưu ý, để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thành công trên các kênh thương mại điện tử quy mô toàn cầu, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá, chính sách liên quan tới nhập khẩu và pháp lý của thị trường này, đảm bảo hàng hóa đủ chứng từ, chứng nhận phù hợp với yêu cầu.
Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu phải hiểu rõ cách vận hành logistics, bảo quản hàng hóa và tính toán được phương án vận chuyển tối ưu, chi phí thấp để cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết đang đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, chú trọng vào chế biến sâu nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường cao cấp và khó tính hơn.
Bộ Nông nghiệp cũng đang nỗ lực “khơi thông” thị trường Trung Quốc để xuất khẩu nông sản Việt Nam vào thị trường lớn của thế giới này tăng trưởng mạnh trở lại.