Nhạc sĩ Phú Quang qua đời

HÀ NỘI (Sputnik) - Sau gần 2 nằm nằm viện, nhạc sĩ Phú Quang đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 72 vào 8 giờ 45 phút ngày 8/12 tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô. Ông là một trong những nhạc sĩ viết nhiều và rất thành công với những ca khúc trữ tình về Hà Nội.
Sputnik

'Ngày mai ta bỏ đi/Trần gian xin trả lại'

Vợ nhạc sĩ Phú Quang, chị Trịnh Anh Thư vừa chính thức thông báo tin buồn với báo chí. Nhạc sĩ lâm bệnh nặng hồi giữa năm ngoái, buộc phải dùng máy thở và nằm trong phòng vô trùng.
Sau 2 năm điều trị biến chứng bệnh tiểu đường, ông đã ra đi vào sáng ngày 8/12.
Con gái ông - nghệ sĩ Trinh Hương - cho biết trước khi mất, nghệ sĩ phải ăn qua ống xông, yếu sức nhưng ông vẫn nhận ra người thân. Hồi tháng 7, gia đình tổ chức tiệc sinh nhật cho Phú Quang, khi đó, ông vui vì được nhận hoa và quà.
Trước khi nhập viện, dù sức khỏe không tốt, ông vẫn miệt mài làm việc. Nhạc sĩ đôi lúc đãng trí những việc thường nhật nhưng nhớ như in từng câu chuyện âm nhạc. Ông vốn không thích ai hát sai lời, nhạc của mình.
Sáng nay, trang Fanpage của nhạc sĩ Phú Quang đã đăng câu hát trong bài 'Lời rêu' của ông để báo tin buồn:
"Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin trả lại...".
Nhiều đồng nghiệp, bạn bè bàng hoàng trước tin buồn. Ca sĩ Cẩm Vân lặng người khi được báo tin, chị nói trong tâm tưởng giờ vang lên giai điệu 'Em ơi, Hà Nội phố' - một trong những ca khúc Phú Quang đầu tiên chị thu.
Dù cơ duyên làm việc trực tiếp không nhiều, Cẩm Vân hát khá nhiều nhạc phẩm của ông, Dạ khúc là một trong những bản thu chị tâm đắc. Trong ký ức của Cẩm Vân, nhạc sĩ hiền lành, kiệm lời, kỹ tính trong nghề, đối đãi với đồng nghiệp hào sảng.

Người viết tình ca cho Hà Nội

Nhạc sĩ sinh ra ở Phú Thọ nhưng quê gốc Hà Nội. Ông từng có những năm tháng xa quê, lang thang trên những đường phố khác nhưng tâm thức luôn hướng về nơi này, để trong gia tài hơn 600 bài hát của ông, đa số viết về Hà Nội.
Trong hơn 600 ca khúc đó, để lại trong kí ức không phai của người hâm mộ là những tác phẩm nổi tiếng ông gọi đích danh "người yêu" như: 'Em ơi, Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Lãng đãng chiều đông Hà Nội', sau này có thêm 'Hà Nội và em khi thu chớm đông sang', còn lại đa phần không nhắc tới địa danh nhưng ai nghe cũng biết.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng qua đời vì Covid-19
Bởi tác giả đưa người nghe vào trường hình ảnh, cảm xúc, giai điệu mang tên Hà Nội. Nhạc sĩ từng nói:
"Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác"
Một khi đã yêu, lại ở xa nhau, những gì đẹp nhất, thăng hoa đều dành nửa còn lại. Những ca khúc hay, lãng mạn nhất của ông ra đời trong thời gian này.
Nếu ghi danh những người tạc lại dáng hình và linh hồn Hà Nội, họa có Bùi Xuân Phái, nhạc chắc chắn có Phú Quang. Ông từng có thời gian vào Sài Gòn sinh sống tuy nhiên trong thâm tâm vẫn luôn khao khát trở về.
"Mà cuộc đời có số phận, 25 năm sau tôi mới quay lại", Phú Quang từng kể.
Với ông một nửa đời người, từ những tháng ngày ấu thơ đẹp đẽ tới tình yêu đầu tiên, những vui buồn đầu tiên đều ở nơi này (Hà Nội).
Nghệ sĩ nhân dân Trung Kiên, bố Nhạc sĩ Quốc Trung qua đời
Hàng năm, nhạc sĩ Phú Quang đều đặn tổ chức hai liveshow vào mùa xuân và mùa đông, thu hút đông đảo khán giả.
Ông ấp ủ làm chương trình về phố Khâm Thiên - nơi ông gắn bó tuổi thơ. Nhạc sĩ ám ảnh ký ức về mất mát nặng nề của người dân nơi đây qua cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, năm 1972.
Ông còn muốn ra thêm một cuốn sách mới, ghi chép những câu chuyện đáng nhớ trong cuộc sống của ông, tương tự cuốn 'Chuyện bình thường và Những mảnh hồi ức chợt hiện' ra mắt năm 2016.
Thảo luận