Quyết định lựa chọn Việt Nam để mở rộng chuỗi cung ứng, cứ điểm mới ở Bình Dương sẽ là nhà máy thứ 6 của Lego trên thế giới và thứ 2 ở khu vực châu Á, sau Trung Quốc.
Việt Nam sắp có nhà máy của Lego
Thông tin về việc Tập đoàn Lego xây dựng nhà máy ở Việt Nam nhằm mở rộng chuỗi cung ứng sản xuất đồ chơi lắp ráp nổi tiếng của mình đang gây chú ý.
Điều này một lần nữa khẳng định sức hút của Việt Nam trong quá trình thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đón làn sóng chuyển dịch sản xuất ngày càng mở rộng.
Chiều 8/12, Tập đoàn Lego đã có buổi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương.
Sự kiện diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo Bình Dương cũng như Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam.
Được biết, dự án nhà máy của Lego ở Việt Nam sẽ có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, sẽ tập trung xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Tập đoàn, gồm cả phần đầu tư cho sản xuất pin năng lượng mặt trời vào khu đất rộng 44ha ở Bình Dương.
Việc khởi công dự kiến sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024.
Đáng chú ý, đây là dự án nhà máy chạy bằng năng lượng mặt trời, góp phần vào chiến lược đảm bảo cắt giảm khí thải và tăng sử dụng nguồn điện sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Theo thỏa thuận mà Lego ký với VSIP, dự án nhà máy này sẽ góp phần tạo ra 4.000 việc làm cho Bình Dương cũng như khu vực phía Nam của Việt Nam.
Mở nhà máy sản xuất ở Bình Dương nằm trong chiến lược khôn ngoan của Lego. Đây sẽ là nhà máy thứ 6 của tập đoàn Đan Mạch nổi tiếng về đồ chơi lắp ráp này trên thế giới và thứ 2 ở châu Á (sau nhà máy tại thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).
Phía Lego khẳng định, khởi động nhà máy ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp Lego mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Nhà máy Lego và quan hệ Việt Nam – Đan Mạch
Phát biểu tại lễ ký kết, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào - Kim Højlund Christensen cho biết, năm 2021 này là thời khắc quan trọng đối với quan hệ Việt Nam – Đan Mạch.
Suốt trong nửa thế kỷ qua, hai nước đều duy trì quan hệ tốt đẹp và hưởng lợi ích về mặt kinh tế, thương mại, văn hóa thông qua các mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp, bền chặt.
Đại sứ Kim Højlund Christensen nhấn mạnh, nhà máy của Lego là dự án với số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam.
“Điều này cho thấy niềm tin và sự lạc quan của chúng tôi vào tương lai của mối quan hệ hợp tác quan trọng này giữa Việt Nam và Đan Mạch”, Đại sứ Christensen khẳng định.
Trước đó, trong cuộc hội kiến ngày 17/9/2021, Đại sứ Đan Mạch đã thông báo với Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về việc Tập đoàn Lego đang tìm kiếm một địa điểm đầu tư nhà máy mới tại Đông Nam Á và mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ giúp đỡ.
Đáp lại, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định sẽ trực tiếp điện đàm với lãnh đạo Lego để kết nối dự án này.
Và như chúng ta đã thấy, chỉ chưa đầy nửa tháng sau cuộc hội đàm diễn ra giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Giám đốc vận hành của Lego Carsten Rasmusssen.
“Cảm ơn Chính phủ Việt Nam”
Phát biểu tại lễ ký kết, Giám đốc vận hành của Lego Carsten Rasmussen bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam.
Đáng chú ý, lãnh đạo Tập đoàn đặc biệt cảm ơn cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã tạo điều kiện giúp Tập đoàn Lego đạt được mục tiêu xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của mình tại Bình Dương.
Trước đó, để thúc đẩy dự án, nhân dịp tham dự Hội nghị COP26 tại Vương Quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp trực tiếp với Giám đốc điều hành Tập đoàn Lego vào sáng ngày 1/11 tại Glassgow, Scotland, Vương Quốc Anh, như Sputnik đã thông tin trước đó.
Tại sự kiện này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Lego phối hợp với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp trên tinh thần hài hòa lợi ích của các bên và có hiệu quả cao.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đồng thời bày tỏ mong muốn sớm được chứng kiến các sản phẩm của Lego sẽ được sản xuất, giới thiệu và phân phối tại Việt Nam.
Nhà máy mới của Lego ở Bình Dương sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn với những nhà máy được đặt ở các khu vực gần với những thị trường chính.
“Nhờ đó, tập đoàn có thể đáp ứng linh hoạt, nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng ở mỗi khu vực, rút ngắn chuỗi cung ứng và giảm các tác động lên môi trường khi vận chuyển đường dài”, phía Lego cho biết.
Cũng theo ông Carsten Rasmussen, chính những kế hoạch của Chính phủ Việt Nam về đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và thúc đẩy hợp tác với các công ty đầu tư nước ngoài chất lượng cao là động lực để Lego quyết định xây dựng nhà máy tại quốc gia này.
“Chúng tôi rất mong chờ được hợp tác với VSIP để xây dựng nhà máy hiện đại này, góp phần mang đến thêm hàng nghìn cơ hội việc làm mới cũng như gián tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cộng đồng tại địa phương”, đại diện tập đoàn bày tỏ.
Về phần mình, ông Nguyễn Phú Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Trách nhiệm hữu hạn Khu Công nghiệp Việt Nam-Singapore cho hay, VSIP cam kết sẽ mang đến cho các doanh nghiệp quốc tế những khoản đầu tư chất lượng cao và các giải pháp bền vững để tạo nên những cơ hội phát triển lâu dài.
Nhà máy của Lego ở Việt Nam có gì đặc biệt?
Như đã biết, Tập đoàn Lego được thành lập tại Billund, Đan Mạch vào năm 1932 bởi Ole Kirk Kristiansen.
Sản phẩm chủ lực của Lego chính là những “viên gạch” lắp ráp nhiều màu sắc được gắn kết với nhau nhờ thiết kế các răng ăn khớp hình tròn, các nhân vật tí hon được gọi là minifigure, và nhiều bộ phận khác tạo thành các mô hình phổ biến từ nhà cửa, cung điện, xe cộ, phương tiện giao thông, các nhân vật siêu anh hùng, nhiều hình thức đồ chơi phổ biến.
Nhà máy Lego ở Kladno, Cộng hòa Séc
© AFP 2023 / Michal Cizek
Hệ thống trò chơi của Lego cho phép trẻ em và người lớn tự thiết kế và xây dựng bất kỳ mô hình nào mà họ có thể tưởng tượng, nâng cao khả năng sáng tạo. Đến nay, các sản phẩm của Lego được phổ biến rộng rãi và phân phối tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới. Nhãn hàng Lego cũng rất được yêu thích ở Việt Nam.
Quay trở lại nhà máy mới của Lego ở Bình Dương. Dự án này dự kiến sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và VSIP là đơn vị thay mặt Lego xây dựng dự án năng lượng mặt trời ngay kế bên. Cũng chính từ mạng lưới năng lượng mặt trời này sẽ sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu hàng năm của nhà máy ở Bình Dương.
Theo thỏa thuận, nhà máy ở Việt Nam sẽ được xây dựng với mục tiêu đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold (chứng nhận cho các công trình xây dựng xanh được cấp bởi Hội đồng Xây dựng Xanh, Mỹ) bao gồm tất cả các lĩnh vực bền vững từ năng lượng, nước tới chất thải ra môi trường.
Cùng với đó, nhà máy của Lego cũng sẽ được thiết kế để vận hành các loại xe điện và được trang bị các thiết bị sản xuất giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Được biết, Lego sẽ cùng với VSIP sẽ trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy ở Bình Dương. Đây là hành động hết sức có ý nghĩa.
Bên cạnh việc cam kết đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao đặc biệt ở nhà máy, các lao động địa phương lành nghề sẽ được Tập đoàn Lego đào tạo để vận hành thiết bị sản xuất công nghệ cao sử dụng trong mọi nhà máy của Lego trên toàn thế giới.
Theo Tập đoàn Đan Mạch, điều này đảm bảo rằng mỗi sản phẩm đều được làm với độ chính xác gần như tuyệt đối, có thể khớp nối hoàn hảo với các sản phẩm đã được sản xuất trong hơn 60 năm qua của dòng đồ chơi xếp hình huyền thoại này.