“Việt Nam có vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu”
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNCác đại biểu tại lễ ra mắt sách trắng
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Đăng ký
Nền kinh tế Việt Nam có vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp FDI đến từ Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ đều tin tưởng Việt Nam sẽ nhanh chóng hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp châu Âu tin nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục rất nhanh hậu Covid-19 nhất là nếu thực hiện theo khuyến nghị từ Sách Trắng EuroCham 13, đồng thời, Hà Nội tiếp tục cải thiện thể chế, chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính để thu hút mạnh hơn nữa dòng vốn FDI chất lượng cao.
Công bố Sách Trắng EuroCham lần thứ 13
Ngày 25/11, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố Sách Trắng 2020 với hàng loạt khuyến nghị liên quan đến việc cải thiện môi trường thương mại đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
Đây là lần thứ 13, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam công bố Sách Trắng EuroCham.
Cùng với đó, tại lần xuất bản thứ 13, Sách trắng của EuroCham tập hợp ý kiến và khuyến nghị của hơn 1.200 doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Các khuyến nghị lần này tập trung vào vấn đề cải thiện các rào cản về thủ tục hành chính, giảm thuế, phí với một số mặt hàng chiến lược, vấn đề phát triển hạ tầng, logistics, tăng trưởng xanh hay sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh đó, Hội nghị “Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam – EU hậu Covid-19” cũng đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Ngoại giao và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Dự sự kiện này có bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo nhiều địa phương Việt Nam.
Còn về phía Liên minh châu Âu có các đại diện như ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cùng các đại sứ, đại biện và đại diện 15 cơ quan ngoại giao của các nước Châu Âu tại Việt Nam cùng các doanh nghiệp và tập đoàn châu Âu đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng bày tỏ lòng cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời của Liên minh Châu Âu (EU), các nước thành viên và EuroCham thời gian qua với hơn 15 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX, Team Europe, các kênh song phương cũng như Chương trình “Hồi sinh nhịp thở” do EuroCham phát động cho Việt Nam.
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNThống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại diễn đàn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại diễn đàn
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
“EU là một trong những đối tác hàng đầu về hợp tác phát triển, là đối tác thương mại lớn thứ 5, nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam và dấu mốc quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai bên chính là Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.
Thực tế, bất chấp những khó khăn bởi đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng năm 2020 đặt hơn 56 tỷ USD.
Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu khi được thông qua sẽ làm sâu sắc hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế - đầu tư giữa hai bên.
“Việt Nam mong muốn hợp tác cùng có lợi với các đối tác nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, trong đó EU là một trong những đối tác có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để EuroCham và các thành viên đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi đặc biệt như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo.
Việt Nam cũng hoan nghênh các nhà đầu tư EU tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đối mới sáng tạo.
Kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hậu Covid-19
Phát biểu tại Hội nghị, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nêu quan điểm, nếu những khuyến nghị trong Sách Trắng 13 được cải thiện, sẽ giúp Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và trở thành thị trường rộng mở, cạnh tranh, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Cany cũng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp Châu Âu trong khoảng thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19.
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNChủ tịch EuroCham Alain Cany phát biểu tại diễn đàn
Chủ tịch EuroCham Alain Cany phát biểu tại diễn đàn
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
“Điều quan trọng hiện nay là hai bên phải tập trung vào tương lai của thương mại và đầu tư EU-Việt Nam”, ông Alain Cany lưu ý.
Bàn về EVFTA, EVIPA, Chủ tịch EuroCham đánh giá, nếu hai bên có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của thỏa thuận này thông qua quan hệ đối tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp, người tiêu dùng ở cả hai phía cùng được hưởng lợi.
Cùng với đó, sau các đợt giãn cách kéo dài vì Covid-19 tại nhiều địa phương, hiện các hoạt động sản xuất dần quay trở lại. Nếu tận dụng tối đa EVFTA, có thể sẽ mở ra một làn sóng thương mại đầu tư mới.
“Cải cách hành chính là chìa khoá giúp Việt Nam thu hút FDI từ châu Âu”, Chủ tịch EuroCham khẳng định.
Thu hút dòng vốn FDI châu Âu vào Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, biểu dương việc chính quyền Hà Nội đã nỗ lực cải thiện nhiều để có cải tiến môi trường kinh doanh.
Theo ông Aliberti, có hơn 60% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tin rằng EVFTA mang lại tác động lớn trong đầu tư. Nhưng cũng có đến 35% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính vẫn là rào cản với họ khi thực thi hiệp định này. Do đó, vị lãnh đạo khuyến nghị, Việt Nam vẫn cần cải thiện hơn nữa cũng như cần nỗ lực từ phía Chính phủ về cải cách thể chế, pháp lý, môi trường đầu tư để có thể hội nhập giá trị toàn cầu.
© Ảnh : Trần Việt - TTXVNĐại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu tại diễn đàn
Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu tại diễn đàn
© Ảnh : Trần Việt - TTXVN
Đồng thời, để thu hút nhiều hơn dòng vốn châu Âu vào Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam cho hay, cần sửa đổi nhiều khung khổ quy định pháp lý, tiêu chuẩn liên quan tới đầu tư bởi thực tế đã có những quy định lỗi thời.
Đại sứ Aliberti bày tỏ, Việt Nam cần là nền kinh tế hiện đại công nghiệp hóa, thể chế pháp lý phù hợp thể chế kinh tế thị trường.
“Không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài liên quan thuế và các cơ chế quản lý khác, tức là tạo ra sân chơi bình đẳng”, ông Aliberti nêu quan điểm.
Về hậu cần, vận tải, ông Hans Kerstens, đại diện tiểu ban vận tải, logistics nhận định, Việt Nam đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và tích cực điều chỉnh các văn bản pháp luật theo hướng hài hòa với thông lệ quốc tế, song quá trình thực thi trên thực tế còn nhiều bất cập.
Thực tế, việc phát triển logistics hiện nay có khó khăn là thiếu kho bãi, xây dựng các trung tâm phân phối hậu cần chất lượng. Do đó, cần tăng cường vai trò giám sát phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tạo ra sự minh bạch và cạnh tranh bình đẳng lĩnh vực logistics.
“Việt Nam cần phát triển hơn nữa hạ tầng đa phương thức, tuyến đường thủy nội địa, đường sắt vận chuyển hàng hóa giữa các trung tâm công nghiệp trong nước và các nước láng giềng, kết nối với châu Âu”, chuyên gia khuyến nghị.
Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Cũng trong ngày 25/11, nhân chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), ông Hideo Ichikawa, ông Masayoshi Fujimoto và ông Masayuki Hyodo.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu vô cùng lạc quan trước những bước tiến mới của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong chuyến thăm chính thức đến Tokyo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thực tế, nhờ vào quan hệ tốt đẹp và các thỏa thuận được ký kết giữa hai nước đã tiếp thêm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, các doanh nghiệp mong muốn đây sẽ là cột mốc mới trong quan hệ hai nước với các hoạt động hợp tác kinh tế sâu rộng hơn nữa.
Đáng chú ý, theo Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), ông Hideo Ichikawa, ông Masayoshi Fujimoto và ông Masayuki Hyodo, Việt Nam có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp.
“Việt Nam có sự ổn định về chính trị, xã hội, kinh tế phát triển nhanh, là thị trường hết sức hấp dẫn với gần 100 triệu dân và các hiệp định FTA được ký kết”, các đồng chủ tịch nêu rõ.
Keidanren và Ủy ban kinh tế Việt Nam-Nhật Bản sẽ tích cực tham gia thúc đẩy các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các xu thế như phát triển xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải để cùng Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.
Trao đổi với các đồng chủ tịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của Keidanren và Ủy ban kinh tế Việt Nam-Nhật Bản tại Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam.
Ông Phạm Minh Chính nhắc lại, chỉ trong một tháng qua, hai Thủ tướng Việt Nam, Nhật Bản đã có hai lần gặp nhau (tại COP26 và ở Tokyo - PV) để thảo luận về các giải pháp thúc đẩy quan hệ song phương, nhất là quan hệ kinh tế.
“Quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là môi trường thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động kinh tế, đầu tư”, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định.
Lãnh đạo Chính phủ chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư Nhật Bản khi Việt Nam thực hiện các biện pháp hành chính để chống dịch khi chưa có đủ vaccine và thuốc điều trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cảm ơn các doanh nghiệp đã chia sẻ, đồng hành, góp phần cùng phía Việt Nam vượt qua những thời điểm khó khăn, nhất do dịch bệnh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt coi trọng việc các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn giữ vững niềm tin để tiếp tục mở rộng đầu tư trên các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và định hướng ưu tiên.
Nhấn mạnh về các lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư như sự ổn định chính trị, yếu tố con người, việc triển khai các khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như những khó khăn, thách thức của Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết tạo mọi thuận lợi về thể chế, thủ tục hành chính, quan tâm tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động tại thị trường Việt Nam.
“Hiện tại, Việt Nam đã chuyển hướng, có quy định tạm thời về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát, hiệu quả dịch bệnh, Nhà nước và người dân, doanh nghiệp phải chung tay tham gia việc này để phòng chống Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Do đó, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Kinh tế Việt-Nhật cũng như Keidanren, các doanh nghiệp tiếp tục góp ý với Việt Nam về các chiến lược, quy hoạch phát triển, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, mở rộng các nguồn tài chính và ứng dụng các công nghệ, nhất là tài chính bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đặt trọng tâm đến vấn đề mong phía Nhật tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về công nghệ xanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hội nhập, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của đất nước, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế quốc gia, vai trò chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu.