Kế sách nào để doanh nghiệp Việt tiến vào thị trường Mỹ, Trung, Nhật, EU?

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tiến sâu hơn, chiếm lĩnh các thị trường đối tác quan trọng hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Anh, Úc?
Sputnik
Dù chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn gay gắt, tuy nhiên, các Đại sứ và giới chuyên gia lưu ý, Việt Nam cần tìm ra cơ hội, xu hướng mới, tránh để “mắc kẹt” trong thế đối đầu của Washington – Bắc Kinh.

Nhiều hàng hóa Việt Nam dễ rơi vào tầm ngắm của Mỹ

Sáng 10/12, Bộ Ngoại giao đã tổ chức tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp. Chủ đề của buổi tọa đàm là “Triển khai Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ - Giải pháp và hành động”.
Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31. Chia sẻ tại sự kiện, hầu hết Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài đều cho rằng, nhiều thị trường rất lớn và tiềm năng đang chờ đợi doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, thách thức đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hiện nay là rất lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động thích ứng.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cho rằng, cốt lõi của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiện nay là ngoại giao kinh tế. Điều này càng đặc biệt đúng tại một nước như Hoa Kỳ.
Theo ông Ngọc, Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất, cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu 2 chiều giữa Việt Nam – Hoa Kỳ tính đến tháng 11 đã đạt trên 90 tỷ, và nhiều khả năng sẽ cán mốc 100 tỷ đến cuối năm nay. Mỹ là thị trường xuất khẩu của Việt Nam, mở cửa cho hàng hóa Việt Nam vào Mỹ. Dù vậy, vẫn có những khó khăn cần quan tâm giải quyết như hàng rào thuế quan, chống bán phá giá.
“Các hàng rào kỹ thuật tại thị trường Hoa Kỳ cũng được dựng lên ngày càng nhiều, do đó, trong cơ hội luôn tồn tại những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chú ý, nhất là các mặt hàng tăng nhanh vào thị trường Hoa Kỳ sẽ dễ rơi vào tầm ngắm”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc lưu ý.
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc phát biểu
Theo ông Ngọc, là một thị trường lớn, có nhu cầu thu hút đầu tư, Mỹ đã tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư từ dưới thời ông Trump. Việt Nam đến nay đã có 200 dự án đầu tư vào thị trường này. Đại sứ cho biết, hiện có trên 200 dự án đầu tư của Việt Nam vào Hoa Kỳ, trong đó có các doanh nghiệp mạnh như Vinfast, An Phát.
Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, thị trường Mỹ chứa đựng cả thách thức lẫn cơ hội, và nếu doanh nghiệp Việt Nam có thể đặt chân vào thị trường này, khả năng thành công sẽ rất cao. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng khuyến khích các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
“Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng rất chú trọng 2 lĩnh vực này”, ông Hà Kim Ngọc lưu ý.

Việt Nam có thể hợp tác với Anh ở các lĩnh vực tiềm năng nào?

Giữ quan điểm khá tương đồng với Đại sứ Hà Kim Ngọc, ông Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Nguyễn Hoàng Long cũng cho rằng, nếu các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh và tập trung nắm bắt xu hướng này thì sẽ có được cơ hội hợp tác rất lớn với phía bạn.
Theo ông Long, hậu Brexit, Anh tập trung phát triển các mối quan hệ hợp tác với các thị trường ngoài Liên minh châu Âu, nhằm bù đắp lại các “lỗ hổng” cũng như sự thu hẹp thị trường châu Âu. Việc Anh đẩy nhanh ký kết hiệp định FTA với nhiều nước, trong đó có Việt Nam cũng nhằm mục đích này.

“Với Việt Nam, cơ sở hợp tác vẫn là trên cơ sở FTA với EU (EVFTA) Ngoài ra, Anh cũng quyết tâm đàm phán xong và ký CPTPP trong năm nay”, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.

Theo Đại sứ Long, giai đoạn hậu Covid-19 là cơ hội để Anh mở rộng quan hệ đối tác với các nước đang phát triển. Anh đã xây dựng chiến lược Build Back Better, trong đó tập trung vào hạ tầng và hợp tác quốc tế.
EVFTA giúp Việt Nam ngày càng quan trọng với EU
Có 3 lĩnh vực chính được Anh quan tâm là kinh tế xanh, kinh tế số và khoa học đời sống. Theo đó, những gì trái với tiêu chí kinh tế xanh, bền vững sẽ bị đào thải trong 5-10 năm tiếp theo. Về kinh tế số, các cơ quan tại anh đang chuyển sang làm việc tại nhà, từ xa bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ. Anh cũng đang đẩy mạnh khoa học đời sống trong 5-10 năm tới.
“Đây cũng là các xu hướng mà Việt Nam có thể tận dụng để đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Anh”, Đại sứ tiếp tục nhấn mạnh.
Theo nhà ngoại giao, cơ quan đầu tư quốc tế Anh chủ yếu cung cấp các khoản đầu tư, trước đây hỗ trợ xuất khẩu cho khối Thịnh vượng chung, và hiện giờ họ nhắm đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Đây là nguồn tài chính lớn. Mục tiêu của cơ quan này là huy động đầu tư 8-9 tỷ bảng mỗi năm. Bên cạnh đó, Anh cũng nâng tầm cơ quan hỗ trợ xuất khẩu chuyển từ xuất khẩu sang EU sang các thị trường ở xa. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này”, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.

Vào được thị trường Nhật Bản, uy tín hàng Việt Nam sẽ tăng lên

Bàn về vai trò của doanh nghiệp, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam lưu ý, doanh nghiệp chính là nền tảng xây dựng đất nước và doanh nghiệp cần có chỗ đứng nhiều hơn nữa trong trái tim, chính sách của Việt Nam.
“Không có thị trường nào khó tính và đòi hỏi cao hơn thị trường người tiêu dùng Nhật Bản. Nếu vào được thị trường Nhật Bản thì đó là niềm tự hào của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam”, Đại sứ Nam khẳn định.
Do đó, nếu vào được thị trường Nhật Bản thì uy tín của hàng Việt Nam sẽ tăng lên. Chưa kể thị trường Nhật Bản sức mua rất tốt.
Các tập đoàn Nhật Bản muốn đầu tư về y tế, đường sắt tại Việt Nam, Thủ tướng trả lời như thế nào?
Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng, hiện Việt Nam đã có các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) để tận dụng tốt những lợi thế này thâm nhập thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp phải chủ động hơn, phải làm ngay, tiếp cận ngay, sản phẩm của họ thuộc dòng thuế nào, yêu cầu gì. Ngoài ra, các quy định pháp luật, cơ sở thuế, thị trường, các tiêu chuẩn kỹ thuật doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu và tuân theo. Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, có rất nhiều nông sản Việt Nam có thể xuất sang Nhật, từ rau mùi, rau muống, quả cà… cho tới cả mắm tôm, nước mắm.
“Chúng ta nên tranh thủ cơ hội này. Thực tế, nông sản của Việt Nam và Nhật Bản không mang tính cạnh tranh, mà mang tính bù trừ cho nhau, do vậy nông sản Việt Nam vẫn sẽ luôn có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản, vấn đề là phải đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật của phía bạn”, Đại sứ Vũ Hồng Nam bày tỏ.
Kể lại kinh nghiệm cá nhân, ông Nam kể, trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường Nhật Bản, có lần đến tham quan Hội đồng thành phố, ông có tình cờ gặp các em thiếu nhi và được biết, các em đều biết đến quả vải của Việt Nam nhưng chưa có cơ hội được thưởng thức. Ngay sau đó, Đại sứ đã gửi một thùng vải đến tận trường nơi các em đang theo học và nhận được phản hồi rất tốt từ phía nhà trường và các phụ huynh. Ngay sau đó đại diện của Aeon Mall đã liên hệ ngay cơ quan Đại sứ quán và phải thốt lên rằng các ông đã làm được điều mà chúng tôi chưa làm được.
“Rõ ràng, chỉ một hành động nhỏ và đơn giản thế thôi, quả vải Việt Nam đã đến được với người tiêu dùng Nhật theo cách gần gũi nhất”, Đại sứ Vũ Hồng Nam tự hào kể.
Trung Quốc có ngừng nhập nông sản Việt Nam?

Những thách thức tại thị trường Trung Quốc

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, Trung Quốc là một thị trường lớn và quan trọng với Việt Nam. Trong đó, ưu thế địa lý là tiềm năng chính. Ưu thế này càng phát huy hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh.
“Trung Quốc là thị trường rộng lớn, không chỉ với Việt Nam mà còn với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng lực kinh tế của Trung Quốc cũng không ngừng tăng lên, dù chưa mạnh như Mỹ nhưng hiện đã giàu hơn Mỹ, Đại sứ Phạm Sao Mai bày tỏ.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai phát biểu
Chuỗi cung ứng đang là rào cản lớn ở Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc. Cho đến nay, hàng Việt Nam chưa có giá trị cao trong chuỗi cung ứng với Trung Quốc. Đầu tư của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng không thực sự lớn. Bên cạnh đó, về mặt thương mại, Việt Nam cũng chưa nắm được khâu phân phối mà còn phụ thuộc vào doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là nông thủy sản.
“Hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào tiểu ngạch, trong khi Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi chính sách quản lý trong lĩnh vực này”, Đại sứ Mai bày tỏ.
Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, nếu biết cách khai thác tốt hơn nữa, Trung Quốc sẽ là thị trường hứa hẹn đối với Việt Nam.

Đa phương hóa ở Australia

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho biết, đa phương hóa, đa dạnh hóa đang là xu hướng tại Australia.
Mục tiêu của xu hướng này là giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Australia đã tham gia vào FTA lớn, các chuỗi cung ứng khu vực. Một số địa phương như các bang Victoria và Queensland đã mở văn phòng tại TP. HCM.
Việt Nam – Australia tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược
Cùng với đó, phía Úc đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, mời gọi các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới thông qua nhiều chính sách hấp dẫn để tìm kiếm các nhà xuất khẩu, nhà đầu tư. Điều này đã được nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận thấy và từ đó thu được những chuyển biến tích cực.
“Đây là một trong những điểm doanh nghiệp Việt Nam đã và đang quan tâm nhưng chủ yếu vẫn nằm ở các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Hòa Phát. Các doanh nghiệp này đã nắm bắt xu hướng và có bước chuyển rất lớn ngay trong thời gian Covid-19”, Đại sứ Thành bày tỏ.
Cùng với đó, hiện có 4 hãng hàng không đang mong muốn mở đường bay trực tiếp tới Australia gồm Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Vietjet và Bamboo Airways… Đây là tín hiệu hết sức tích cực. Theo Đại sứ Nguyễn Tất Thành, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng quan hệ, kết nối với đối tác quan trọng của Australia như Hiệp hội kinh doanh Việt Nam-Australia, Hiệp hội doanh nghiệp Australia-Việt Nam, Hiệp hội doanh nhân Việt kiều tại Australia, chính quyền địa phương, các bang của Australia.
Đại sứ Nguyễn Tất Thành cũng kiến nghị thành lập nhóm tư vấn kinh tế doanh nghiệp có sự góp mặt của các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài. Việt Nam cũng cần triển khai các chiến lược tăng cường kinh tế Việt Nam-Australia theo hướng toàn diện trong nhiều lĩnh vực kinh tế, nông-lâm-ngư nghiệp, giáo dục, công nghệ, năng lượng…

“Đột phá” thị trường UAE

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Nguyễn Mạnh Tuấn đề xuất tiếp tục tìm cách khai thác và tiến sâu vào thị trường tiềm năng này.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam: Thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế
Khẳng định UAE hiện có nền tài chính, kinh doanh khá thành công, Đại sứ Tuấn cho rằng, quốc gia Trung Đông này đang thúc đẩy mạnh việc đa dạng hóa ngành kinh tế và không còn quá phụ thuộc vào lĩnh vực dầu mỏ truyền thống. Do đó, thị trường UAE cũng trở nên hấp dẫn hơn, nên các doanh nghiệp nhiều nước trên thế giới đang đi sâu vào thị trường này, lập nhiều văn phòng đại diện. Giai đoạn 2016-2020, UAE đã có những bước đệm rất quan trọng. Từ năm 2021, UAE mở cửa rất mạnh, bước vào giai đoạn phát triển vượt trội.
“Điều này hứa hẹn rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam muốn tạo đột phá tại thị trường này trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa hai nước còn khiêm tốn”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn nói.
Cùng với đó, thị trường UAE tương đối “dễ tính”, các doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực tìm hiểu thị trường, đẩy mạnh quy trình để có mặt tại UAE càng sớm, càng tốt.

Không để mắc kẹt trong xung đột thương mại Mỹ - Trung

Tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) Đoàn Duy Khương đề cập đến ba xu hướng lớn trong phát triển kinh tế thế giới hiện nay đang ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt.
Theo ông Khương, đầu tiên là xu hướng vừa hợp tác vừa đấu tranh trong nền kinh tế thế giới. Việt Nam cần làm gì để tiếp tục là ‘bên chiến thắng’ từ thương chiến Mỹ - Trung là điều cần lưu ý.
“Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh gay gắt, song hai bên vẫn duy trì hợp tác. Đồng thời, đây cũng là hai thị trường lớn nhất của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần khéo léo tìm ra lĩnh vực hợp tác phù hợp để không “mắc kẹt” trong thế cạnh tranh của hai nền kinh tế này”, Phó Chủ tịch VCCI lưu ý.
Liệu thương chiến Trung-Mỹ đã kết thúc? Trong mọi trường hợp, Việt Nam được hưởng lợi
Thứ hai, theo ông Khương, cần cân nhắc các yếu tố địa chính trị trong kinh tế quốc tế, đặc biệt là tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Yếu tố này có tác động đặc biệt quan trọng tới vấn đề vận chuyển hàng hóa. Điển hình như dự án kênh đào Kra tại Thái Lan, theo chuyên gia Đoàn Duy Khương, doanh nghiệp logistic Việt Nam có thể tận dụng cơ hội đến từ dự án này. Xu hướng thứ ba theo ông Khương, đó là sự phát triển nền kinh tế số.
“Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng nền tảng kỹ thuật số để tăng cường kết nối với khách hàng, đồng thời giảm thiểu chi phí kho bãi, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước”, Phó Chủ tịch VCCI bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp nhất là các đơn vị với quy mô vừa và nhỏ, chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.
Ông Vũ mong muốn, thời gian tới đây, trong quá trình hồi phục hậu Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tranh thủ khai thác thông tin tham mưu của các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về dự báo, cảnh báo các xu hướng cũng như xúc tiến thương mại đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trong quá trình làm ăn với các doanh nghiệp bên ngoài.
Thảo luận