Tất cả những nội dung này phản ánh trong bài tổng quan truyền thống của Sputnik – «Việt Nam trên báo chí nước ngoài».
Việt Nam dự định tiêm mũi vaccine thứ ba ngừa COVID-19 cho toàn bộ người lớn vào giữa năm tới, - tờ NST thông báo. Đồng thời, cũng xúc tiến chích ngừa đại trà cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Những nhà máy và terminal mới
Theo thông tin của Al Jazeera, chỉ số VN Index của chứng khoán Việt Nam đã tăng 33%, là dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Nhưng dù vậy suốt cả năm các nhà đầu tư nước ngoài vẫn ngó lơ. Các chuyên gia lý giải điều này bởi sự cạnh tranh từ phía các cổ phiếu bán lẻ phổ biến như Tesla Inc. và tiền điện tử.
Bloomberg viết rằng Bộ Tài chính Hoa Kỳ tuần trước đã tuyên bố Việt Nam đáp ứng tất cả các tiêu chí về thao túng tiền tệ. Trong hai năm qua, Ngân hàng Trung ương Việt Nam đã mua khoảng 25 tỷ USD. Theo ý kiến của ban lãnh đạo Ngân hàng, động thái này giúp rót tiền VND vào hệ thống ngân hàng và cấp xung lực kích thích nền kinh tế.
Tờ The Diplomat đăng hẳn một bài viết dài về các vấn đề năng lượng của Việt Nam, cụ thể là dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để thu được điện. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, về mức tiêu thụ điện Việt Nam đứng thứ hai trong ASEAN sau Indonesia và thứ 23 trên thế giới, mà hơn nữa nhu cầu tiêu thụ điện sẽ còn tăng 8% mỗi năm cho đến năm 2030. Tình hình đó sẽ đòi hỏi tăng gấp đôi công suất phát điện. Với cam kết loại bỏ than đá, Việt Nam gửi gắm nhiều hy vọng vào LNG. Nhưng ở đây vẫn có không ít vấn đề. Một trong số đó là việc chuyển hóa LNG thành điện năng đòi hỏi cơ sở hạ tầng to lớn, phức tạp và đắt giá mà CHXHCN Việt Nam hiện chưa có, cũng như chưa có kinh nghiệm để tháo gỡ giải quyết vấn đề này. LNG được quảng cáo là thứ thay thế sạch hơn than, và trên thế giới hiện hữu những kế hoạch nghiêm túc nhằm mở rộng việc sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường khẳng định rằng nên cố gắng nhanh chóng từ bỏ khí đốt, bởi nó thải ra lượng CO2 không kém gì than đá. Ví dụ, Ngân hàng Phát triển Á Châu đã từ chối hỗ trợ tất cả những dự án gắn với than đá, nhưng cũng coi khí đốt tự nhiên chỉ là thứ nhiên liệu chuyển tiếp, - bài báo nêu dẫn chứng.
CNN đưa tin từ nay đến năm 2024 tập đoàn Lego có kế hoạch xây dựng một nhà máy mới trị giá 1 tỷ USD tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh về những khối gạch nhựa màu dành cho trẻ em trên khắp châu lục. Đây sẽ là nhà máy đầu tiên của Lego không phát thải thán khí carbon dioxide, vì dự trù đảm bảo cung cấp điện từ các tấm pin mặt trời trên mái nhà và từ một trang trại lân cận.
Yahoo Finance có bài viết về thị trường bất động sản thương mại đang phát triển vũ bão tại Việt Nam. Trên địa bàn đất nước chứng kiến gia tăng xây dựng những tổ hợp bất động sản sang trọng hoành tráng, có sự thúc đẩy từ phát triển du lịch, các khu kho lớn dành cho thương mại điện tử, các tòa nhà công nghiệp đồ sộ dành cho các xí nghiệp mới.
Trong khi đó Mining Weekly báo tin rằng công ty Blackstone Minerals đã nối lại khai thác tại dự án mỏ niken Tạ Khoa.
Còn Port Technology nói về sự kiện khai mở bến mới tại cảng nước sâu Gemalink ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là 1 trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất hiện nay. Cảng mới kết nối TP Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long và các cảng ở Thái Lan và Campuchia. Cảng thông minh Gemalink được trang bị công nghệ tiên tiến và hệ thống cẩu chất lượng cao.
Tờ The Pigsite thông báo về đà phát triển quan hệ hợp tác Nga-Việt trong việc cung cấp nông sản. Trong 10 tháng đầu năm nay, lượng cung hai chiều đã tăng 12%. Nga quan tâm đến việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sang Việt Nam, trong đó có thịt lợn, sữa và cá.
Ngoài ra, lĩnh vực triển vọng đầy hứa hẹn là gia tăng cung cấp ngũ cốc, cũng như nước khoáng và nước có ga, sô cô la và bánh kẹo. Năm 2021, Nga đã trở thành nhà cung cấp thịt lợn chính cho thị trường Việt Nam, và 1/3 trong tổng khối lượng này là sản phẩm của công ty nông nghiệp Miratorg, và như Meat Info cho biết, đây không phải là giới hạn.
Việt Nam lại kết nối với thế giới
Theo tin đưa của Travel Daily Media, từ ngày 15 tháng 12 Việt Nam dự kiến nối lại các chuyến bay quốc tế theo lịch trình thường lệ trên 9 tuyến đường bay. Ở giai đoạn đầu sẽ phục hồi các chuyến bay giữa Việt Nam và San Francisco hoặc Los Angeles, Singapore, Bangkok, Phnom Penh, Viêng Chăn, Bắc Kinh, Tokyo, Seoul và Đài Bắc. Giai đoạn thứ hai sẽ bắt đầu vào tháng Giêng với các chuyến bay theo hành trình kết nối Kuala Lumpur, Hong Kong, Paris, Frankfurt, Sydney và Matxcơva. Cũng tờ báo này có bài viết về công trình của công ty quốc tế Cross Hotels, kiến thiết hai khách sạn mới lộng lẫy sang trọng tại tỉnh Vũng Tàu.
Cổng thông tin Nga Atorus báo tin ở Nga bắt đầu bán các tour du lịch trọn gói đến Việt Nam từ ngày 22 tháng 12 đến ngày 16 tháng 3 năm 2022 và khai thông 2 chuyến bay hàng tuần theo hành trình Matxcova - Nha Trang.
Tờ Venture Beat viết về kế hoạch của công ty Singapore LynKey trong việc kết hợp kinh doanh nghỉ dưỡng và du lịch với blockchain để chuyển đổi hệ sinh thái bất động sản ở Việt Nam.
Bảo vệ động vật hoang dã và vật nuôi trong nhà
Một đối tượng người Việt buôn sừng tê giác từ UAE đã bị Tòa án Việt Nam kết án 14 năm tù, mức án lâu nhất từng được áp dụng cho tội danh này, - như France24 đưa tin. Kể từ năm 2017, tại Việt Nam ghi nhận 317 vụ phạm tội liên quan đến buôn bán sừng tê giác. Đã bắt giữ và buộc tội 24 người, còn mức án trung bình là tù giam hơn 5 năm.
Như tờ TRTWorld cho biết, chính quyền thành phố Hội An vừa công bố, đô thị cổ này sẽ là điểm đầu tiên trên cả nước không ăn và không buôn bán thịt chó, thịt mèo.
Tổng quan tuần này sẽ khép lại với một tin bất thường từ thế giới bóng đá. Theo tờ Utusan thông báo, các thành viên đội tuyển Việt Nam không hài lòng về chế độ dinh dưỡng tại AFF Cup 2021 và nhấn mạnh rằng các cầu thủ cần được ăn thịt heo để giữ thể trạng tốt và duy trì phong độ.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.