'Một tượng đài bất hủ với những bài hát khắc khoải...'
Trong thời tiết giá lạnh ngày đông tại Nhà tang lễ quốc gia tại Hà Nội, nhiều bạn bè người thân đã đến để tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa.
Tất cả đều lặng người đi khi nghe những ca khúc quen thuộc 'Em ơi, Hà Nội phố', 'Đâu phải bởi mùa thu', 'Khúc mùa thu'... được phát tại tang lễ.
Trước đó, trên trang fanpage của nhạc sĩ Phú Quang cũng đã thông cáo chi tiết về lịch trình, thời gian của tang lễ:
Đúng 8h45 phút, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - đọc điếu văn tiễn biệt nhạc sĩ Phú Quang - “một tâm hồn lớn”.
Ông Đỗ Hồng Quân ôn lại cuộc đời biến động không ngừng và đầy sôi động trong âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang trong điếu văn. Nhạc sĩ Phú Quang không chỉ thành công trong sáng tác ca khúc mà còn được đồng nghiệp mến mộ bởi tài năng trong sáng tác khí nhạc và trong việc tổ chức các liveshow ca nhạc của mình thành công.
Chính ông là người mở ra một “mùa liveshow” trong năm, cái mùa Hà Nội bước vào lúc “thu rất thật thu”. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh trong điếu văn:
"Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Phú Quang là tác giả của hàng trăm ca khúc, phần lớn trong đó là ca khúc về Hà Nội. Ông xứng đáng là một tượng đài bất hủ với những bài hát khắc khoải, chứa đựng cả hồn cốt của mảnh đất này. Có thể kể đến một vài tác phẩm nổi tiếng như Hà Nội ngày trở về, Em ơi Hà Nội phố, Chiều phủ Tây Hồ...".
Thậm chí, có bài hát không chữ nào nhắc đến Hà Nội nhưng khi giai điệu vang lên, người yêu nhạc đều thấy phong vị Hà thành... Có lẽ, là bởi ông quá yêu Hà Nội như chính ông đã có lần từng nói: Tôi yêu Hà Nội cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng, tôi đã thấy lá Hà Nội xanh hơn mọi nơi".
Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về cuối trời
Sau đó, anh Phú Vương - con trai nhạc sĩ - đại diện gia đình cảm tạ mọi người. Phú Vương xin được trò chuyện lần cuối cùng cha:
"Bố yêu quý ơi, hôm nay chúng con có mặt ở đây không phải để cùng bố ngồi uống cà phê, nghe bố trò chuyện mà để đưa bố về Phú Thọ - nơi bố sinh ra, gắn bó 5 năm. Nhờ bố, chúng con luôn ý thức làm người tử tế, giữ sự kiêu hãnh của một chính nhân.
Gia tài bố để lại cho đời, để lại cho chúng con là sự tự hào. Bố đã dạy chúng con nên người, nuôi dưỡng chúng con bằng tình yêu. Bố đã cố gắng rất nhiều, bố chịu đau đủ rồi, giờ là lúc bố thanh thản. Bố sẽ mãi ở bên chúng con và những người yêu quý bố qua những bản tình ca bất hủ của bố".
Bà Trịnh Anh Thư, vợ và là 'bóng hồng' trong những bài tình ca của nhạc sĩ Phú Quang nghẹn ngào bên linh cữu. Chênh nhau 20 tuổi, hai người gắn kết nhờ tình yêu âm nhạc, hội họa, cùng có lối sống giản dị.
Phú Quang viết tặng vợ ca khúc Mùa thu giấu em (phổ thơ Doãn Thanh Tùng), với những câu chữ tràn ngập tình ý: "Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế/ Phía cuối con đường anh kịp nhận ra em/ Em ào tới chợt xôn xao lá đổ/ Xóa nỗi cô đơn lạnh giá bên thềm...".
Lấy nhau khi nhạc sĩ đã ở bên kia dốc cuộc đời, không có con chung. Bù lại, ông yêu thương con gái riêng của vợ, cô coi ông như cha ruột.
Nghệ sĩ piano Trinh Hương - con gái cả nhạc sĩ, cùng chồng - nghệ sĩ violin Bùi Công Duy chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha nổi tiếng. Khi hai người còn làm việc ở Nga, ông khuyên con về nước, cống hiến cho quê hương. Trinh Hương nói:
"Từ ngày bố mất, tôi chông chênh, hụt hẫng. Nghe những ca khúc, đọc những điều mọi người viết về ông, tôi cảm thấy ông chưa rời khỏi nhân thế, vẫn ở đâu đó bên các con".
Ngoài nghệ sĩ Trinh Hương và con trai Phú Vương, nhạc sĩ Phú Quang còn con gái thứ Giáng Hương. Anh trai ông - nhạc sĩ Phú Ân - đang bệnh vì đau buồn, không thể tiễn em. Ông từng là người từng dạy nhạc sĩ những nốt nhạc đầu tiên, kèm cặp ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Hai anh em chơi kèn cor rồi chuyển sang sáng tác.
Ở TP HCM, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn gửi vòng hoa. Ông khóc vì không thể ra Hà Nội viếng tang, do các bác sĩ khuyên không nên di chuyển xa sau đột quỵ. Hai người nhiều lần đi diễn trong, ngoài nước cùng nhau. Nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn đã quay video thổi bài 'Nỗi nhớ mùa đông' tưởng nhớ ông.
Giây phút cuối tiễn linh cữu rời Hà Nội, tang lễ phát ca khúc 'Cho em và cũng là cho anh', qua tiếng hát cố nghệ sĩ Quang Lý:
"Rồi một ngày chiếc lá sẽ rơi về cuối trời/Rồi thời gian cũng sẽ trôi qua cùng bao buồn vui/Những nét chữ xưa cũng sẽ phai mờ theo năm tháng/ Mãi trong lòng ta vẫn còn bài ca".