Vaccine, thuốc điều trị Covid-19, giải mã gen người Việt đầu tiên, đến xe điện quốc dân của VinFast, vệ tinh NanoDragon, xu hướng NFT, vũ trụ ảo bùng nổ, làm chủ công nghệ 5G, Viettel hướng đến vệ tinh viễn thám vũ trụ và công nghệ 6G…
Những sản phẩm khoa học, công nghệ nào của Việt Nam năm 2021 gây bất ngờ với thế giới?
Việt Nam muốn tự chủ và trở thành trung tâm sản xuất vaccine Covid-19
Như Sputnik Việt Nam đã đề cập, “Covid-19” và “vaccine Covid-19” là hai trong các từ khóa tìm kiếm nổi bật, được quan tâm, tra cứu (search qua Google) nhiều nhất năm qua tại Việt Nam.
Việt Nam liên tục khiến thế giới phải kinh ngạc. Gần đây nhất chính là khả năng bao phủ vaccine nhanh đến không ngờ. Đến nay, trung bình mỗi ngày cả nước tiêm được từ 1 triệu – 1,5 triệu liều. Tốc độ tiêm tháng 11 đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Đến hết 16/12, Việt Nam đã tiêm trên 135 triệu liều, 77% dân số trưởng thành được tiêm mũi 1, 60% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. Tỷ lệ bao phủ vaccine (ít nhất một liều) của Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực sau Singapore, Campuchia và Brunei.
Nhìn lại năm 2021 có thể thấy, diễn biến dịch bệnh đặc biệt phức tạp trên thế giới, nhất là trong đợt dịch thứ 4 vừa qua ở Việt Nam khiến nhu cầu tiêm chủng vaccine Covid-19 tăng đột biến. Trong khi chờ tiếp cận nguồn cung từ bên ngoài, thông qua cơ chế COVAX, viện trợ, nhượng lại, cho vay/mượn từ các đối tác, Việt Nam đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sản xuất và thử nghiêm vaccine “Made in Vietnam”.
Cũng cần lưu ý rằng, đối với quốc gia 97 triệu dân, do trong suốt năm 2020 đã kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đặc biệt thành công, được nhiều tổ chức, thể chế quốc tế công nhận, nên Việt Nam gặp khó khăn rất lớn trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine. Tuy nhiên, cũng chính điều này thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công tác phát triển vaccine nội địa.
Trong các tuyên bố chính thức, Hà Nội cho biết, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là phải sản xuất cho được vaccine Covid-19 của riêng mình trong thời gian sớm nhất, nhưng phải đảm bảo khoa học, an toàn, hiệu quả theo quy trình, thủ tục hành chính rút gọn.
Như Sputnik đưa tin, hiện trong nước Việt Nam đang phát triển các chế phẩm vaccine của riêng mình. Theo thông báo của Bộ Y tế, hiện có 5 loại vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam.
Trong đó, có 2 loại vaccine do chính Việt Nam nghiên cứu phát triển (gồm Nanocovax và Covivac), 2 loại vaccine khác được chuyển giao công nghệ từ nước ngoài (vaccine VBC-COV19-154 và Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein) và một loại được gia công đóng ống tại Việt Nam (vaccine Sputnik V của Nga).
Có 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước theo các công nghệ riêng biệt gồm Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược (Nanogen - Nanocovax), Viện vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC - Covivac), Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech – sản xuất bán thành phẩm Sputnik V) và Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước đó đã ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các cơ quan, đơn vị, nhà khoa học, chuyên gia và các doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 trong thời gian qua tại Việt Nam.
“Lại một lần nữa, tinh thần sáng tạo, tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam nói chung và ngành dược Việt Nam nói riêng đã, đang được khơi dậy và phát huy”, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ.
Trong số này, vaccine Nanocovax của Nanogen (phối hợp với Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) đã thử nghiệm giai đoạn ba trên 13.000 người cho kết quả rất tích cực. Đây là vaccine Covid-19 “made in Vietnam” đầu tiên, được sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp, tức là sử dụng những mảnh kháng nguyên vô hại (protein) thích hợp nhất của nCoV để kích thích tạo đáp ứng miễn dịch phù hợp.
Ngày 16/12, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học xem xét, đánh giá báo cáo cập nhật bổ sung kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ứng viên Nanocovax với kết quả nghiên cứu tính đến ngày 30/11/2021 (báo cáo nộp ngày 9/12/2021) cho thấy, vaccine của Nanogen “đạt yêu cầu về tính an toàn tính dựa trên dữ liệu báo cáo bổ sung giữa kỳ phiên bản 8.0” (ngày 30/11).
Nanocovax cũng đạt yêu cầu về tính sinh miễn dịch. Hội đồng Đạo đức yêu cầu phía đơn vị nghiên cứu tiếp tục bổ sung dữ liệu các trường hợp mắc Covid-19 trong nghiên cứu tính đến hết ngày 13/12/2021 làm dữ liệu chính thức để phân tích, đánh giá hiệu lực bảo vệ trực tiếp của vaccine Nanocovax. Người dân Việt Nam đã rất kỳ vọng Nanocovax được cấp phép lưu hành, tuy nhiên, hiện chế phẩm này vẫn đang trong trạng thái “chờ được phê duyệt”.
Ngoài Nanocovax, các vaccine Covid-19 của Việt Nam do các đơn vị khác nghiên cứu đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1,2 hoặc tiền lâm sàng. Tuy nhiên, nhằm để chuẩn bị cho mục tiêu xa hơn, Đề án thành lập Viện Vaccine quốc gia gắn với Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ được Chính phủ (trực tiếp là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam) hồi tháng 7 yêu cầu Bộ Y tế xây dựng.
Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ như Y tế, Tài chính cùng tiến hành rà soát, xây dựng hướng dẫn về tiêu chí, nội dung ưu đãi, làm căn cứ để Bộ Tài chính ưu tiên bố trí nguồn vốn thực hiện, nâng cao năng lực nghiên cứu vaccine tại Việt Nam. Đến đầu tháng 10 vừa qua, chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030” được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt.
Mục tiêu của Chương trình là nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất vaccine sử dụng cho người, nâng cao trình độ, năng lực của các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh mới phát sinh, từng bước đưa vaccine Việt Nam tham gia thị trường quốc tế.
Đồng thời, mục tiêu đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 3 loại vaccine. Hướng đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine.
Cuối tháng 11 vừa qua, khi gặp Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mong muốn các đối tác tích cực ủng hộ để Việt Nam trở thành trung tâm chuyển giao công nghệ vaccine m-RNA, là nơi sản xuất vaccine cho khu vực Tây Thái Bình Dương.
Người đứng đầu Nhà nước cũng đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ kỹ thuật cho vaccine Nanocovax của Việt Nam được tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng toàn cầu của WHO. Đáp lại, lãnh đạo WHO ủng hộ ý tưởng biến Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vaccine, khẳng định sẽ trao đổi với bộ phận kỹ thuật về khả năng đưa vaccine do Việt Nam sản xuất tham gia chương trình thử nghiệm toàn cầu của WHO, cũng như việc Tổ chức Y tế Thế giới luôn sẵn sàng cùng các đối tác hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam trong việc bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine và chuyển giao công nghệ vaccine m-RNA.
Là một trong những quốc gia có khả năng tự sản xuất vaccine từ sớm, năm 2021, Việt Nam cũng đã nghiên cứu, sản xuất được 11/12 loại vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, đồng thời, xuất khẩu đi 10 quốc gia.
Đặc biệt, các nhà khoa học Việt Nam còn làm chủ được một số công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme, đạt được một số kết quả ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn, phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm điển hình như nưa, sâm cau, lan gấm…
Sản xuất thuốc điều trị Covid-19, tổng hợp thành công chế phẩm Favipiravir
Năm 2021, cùng với những thành công bước đầu về nghiên cứu, sản xuất, thử nghiệm vaccine Covid-19, Việt Nam còn tổng hợp thành công chế phẩm Favipiravir trong điều trị bệnh nhân mắc coronavirus.
Cụ thể, hồi cuối tháng 6/2021, Viện Hóa học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir, có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir.
Viện trưởng Viện Hóa học GS.TS Nguyễn Văn Tuyến cho biết, thuốc Favipiravir có cơ chế tác dụng ức chế enzym RNA-polymerase ngăn chặn sự nhân lên của virus, dùng được theo đường uống. Cần lưu ý, Favipiravir là thuốc kháng virus, được sử dụng lâm sàng từ năm 2014 để điều trị bệnh cúm Nhật Bản, Ebola.
Tại Việt Nam, do tình hình dịch bệnh cấp bách, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ tháng 8/2020 đã chỉ đạo Viện trưởng Viện Hóa học tổ chức một nhóm nghiên cứu gồm các cán bộ Phòng Hóa dược, Phòng Nghiên cứu phát triển dược phẩm và nhóm nghiên cứu của TS. Trần Quang Hưng để xây dựng và triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu quy trình tổng hợp hiệu quả Favipiravir sử dụng trong điều trị Covid-19”.
Sau 6 tháng, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành quy trình tổng hợp Favipiravir trên quy mô phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, trên cơ sở những quy trình đã công bố trước đó, nhóm nghiên cứu đã cải tiến và rút gọn được 4 bước và sử dụng nguyên liệu dễ kiếm, rẻ hơn, trong khi đó trên thế giới thường tổng hợp theo quy trình 7-8 bước.
Lãnh đạo đơn vị nghiên cứu cho hay, việc xây dựng thành công quy trình tổng hợp Favipiravir còn góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ hóa dược, tiến tới tự chủ được nguồn nguyên liệu thuốc điều trị Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài.
Tiếp đó, trong tháng 7/2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng tiến hành giao cho Viện Hóa sinh biển thực hiện nhiệm vụ tổng hợp chất Molnupiravir quy mô pilot. Đơn vị đã thành công trong việc tạo ra quy trình tổng hợp và tinh chế hoạt chất Molnupiravir. Bộ Y tế hồi cuối tháng 11 cũng xác nhận tại Việt Nam đang có 6 công ty dược, nhà máy trong nước có kế hoạch sản xuất Molnupiravir.
Tháng 8, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam công bố kết quả kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc điều trị Covid-19 có nguồn gốc thảo dược. Theo đó, Vipdervir được điều chế từ các nguyên liệu có nguồn gốc từ thảo dược, giúp ức chế khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 trong tế bào. Hiện thuốc thảo dược này của Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương giai đoạn ba, trên 200 tình nguyện viên mắc Covid-19.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng đã đề nghị Pfizer hợp tác trong việc sản xuất thuốc điều trị Covid-19.
Vingroup hoàn thành nghiên cứu giải mã gen người Việt đầu tiên
Sputnik tuần trước đã thông tin về sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam giải mã thành công hệ gen của hơn 1.000 người Việt, đóng góp thiết thực cho ngành y học, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) của đất nước.
Dự án giải mã gen của VinBigData có tổng mức đầu tư trên 4,5 triệu USD, được đánh giá có quy mô lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Đơn vị nghiên cứu công nghệ cao, dữ liệu lớn của Vingroup – VinBigData cũng trở thành “người tiên phong” của đất nước tiến hành giải trình tự toàn bộ hệ gen người Việt.
Theo đó, suốt 3 năm hành trình nghiên cứu, giải mã gen người Việt, hôm 16/12 vừa qua, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã công bố hoàn tất thành công dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu biến dị di truyền cho quần thể người Việt”.
Với quy mô hơn 1.000 hệ gen được giải trình tự, hơn 40 triệu biến thể di truyền được phát hiện, nghiên cứu không chỉ mở ra bộ cơ sở dữ liệu quý cho cộng đồng mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển của nghiên cứu y sinh và y học chính xác, góp phần cảnh báo điều trị sớm đến từng cá nhân người Việt trong tương lai.
Đồng thời, phía VinBigData cũng khẳng định, đây là bộ dữ liệu toàn hệ gen người Việt đầu tiên đảm bảo tính đại diện và phổ quát cho quần thể, phù hợp với phân bố dân cư về địa lý (miền Bắc: 37%; miền Trung: 22%; miền Nam: 41%) và giới tính (cân bằng tỷ lệ nam nữ).
Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu biến dị di truyền cho quần thể người Việt là một phần trong kế hoạch hợp tác giữa Bộ Khoa học Công nghệ và VinBigData trong việc thiết lập các bộ dữ liệu khoa học, từ đó thúc đẩy việc nghiên cứu hướng tới độ chính xác cao hơn trong tất cả lĩnh vực, không chỉ riêng lĩnh vực y học với sự tham gia của hơn 40 nhà khoa học.
Các nhà nghiên cứu hành đầu của VinBigData nêu rõ, trong 3 năm, nhóm nghiên cứu đã giải trình tự toàn bộ hệ gen của hơn 1.000 người trưởng thành khỏe mạnh, từ 35-55 tuổi, không có quan hệ huyết thống và có đủ thông tin kiểu hình và nhân khẩu học, phân tích một phần hệ gen hơn 4.000 trường hợp liên quan đến các bệnh lý phổ biến và khả năng đáp ứng thuốc. Kết quả phát hiện hơn 40 triệu biến thể di truyền, trong đó có gần 2 triệu biến thể gen phổ biến đặc trưng cho quần thể người Việt.
Nhóm nghiên cứu của VinBigData đã sử dụng công nghệ phân tích hiện đại của Google, Illumina (tập đoàn hàng đầu thế giới về giải trình tự gen), cùng với NVIDIA (tập đoàn công nghệ Mỹ chuyên phát triển các bộ xử lý đồ hoạ và chipset cho thiết bị điện tử) với hơn 1.000 mẫu gen
GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigData nhấn mạnh, với tiền đề là cơ sở dữ liệu biến dị di truyền dành riêng cho người Việt, đơn vị kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới, góp phần phát triển y học chính xác tại Việt Nam. Hiện, toàn bộ quần thể gen của 1.008 người Việt với đầy đủ các chú giải chi tiết đã được đưa lên cổng dữ liệu MASH Portal và thông tin được cung cấp miễn phí cho cộng đồng.
Phóng thành công vệ tinh ‘Made in Vietnam’ NanoDragon
Sputnik đã đưa tin hôm 9/11/2021, vệ tinh NanoDragon “Made in Vietnam” cùng với 8 vệ tinh nhỏ khác được tên lửa Epsilon-5 của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản JAXA phóng thành công lên quỹ đạo tại bãi phóng Uchinoura, tỉnh Kagoshima.
NanoDragon là niềm tự hào của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển mình lớn trong quá trình làm chủ công nghệ vệ tinh hiện đại. Trước ‘rồng con NanoDragon’, Việt Nam đã phóng thành công PicoDragon (2013) và MicroDragon (2019).
Vệ tinh NanoDragon của Việt Nam chính thức bàn giao cho Nhật Bản ngày 17/8/2021
© Ảnh : TTXVN phát
NanoDragon là vệ tinh cỡ siêu nhỏ với khối lượng chỉ gần 4 kg, được thiết kế theo kích thước 3U (100x100 x340,5mm) nhằm mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy giúp theo dõi, giám sát phương tiện trên biển, được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam.
Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ. Vệ tinh NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km.
NanoDragon là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì.
Vệ tinh này cũng là sản phẩm thực hiện Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/2/2021.
Sputnik sẽ tiếp tục phần 2 các thành tựu khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021, nhấn mạnh vào các thành công trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), xu hướng NFT, vũ trụ ảo đình đám, tiến trình làm chủ và thương mại hóa 5G, tiến đến công nghệ viễn thám vũ trụ cũng như 6G trong tương lai.