Trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt thông tin cho rằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương là ông nội bé gái 8 tuổi bị Võ Nguyễn Quỳnh Trang bạo hành. Cơ sở y tế này đã đăng thông tin đính chính, nhưng sau đó lại xóa bài.
Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã lên tiếng cảnh báo về các trường hợp bạo hành trẻ em, nhìn từ sự việc đau lòng của bé gái 8 tuổi tử vong tối 22/12 vừa qua.
Bắt khẩn cấp Võ Nguyễn Quỳnh Trang
Sáng 25/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã bắt khẩn cấp Võ Nguyễn Quỳnh Trang, 26 tuổi, ngụ Gia Lai, để điều tra về hành vi đánh đập, hành hạ khiến một bé gái 8 tuổi tử vong.
Ngày 28/12, Công an Bình Thạnh tiếp tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với nghi phạm Võ Nguyễn Quỳnh Trang.
Nạn nhân tử vong trong vụ án đau lòng này là bé N.T.V.A, 8 tuổi, ngụ Quận 1, TP.HCM.
Thông tin ban đầu từ Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Bình Thạnh nêu rõ, khoảng 19h45 tối ngày 22/12, cơ quan chức năng đã nhận được tin báo từ một bệnh viện, phường 22, quận Bình Thạnh cho biết, tại cơ sở y tế có cấp cứu một bé gái trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và “đã chết” (đã tử vong) trước khi đưa vào bệnh viện.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu bất thường nên bệnh viện đã báo Công an cũng như cơ quan chức năng quận Bình Thạnh.
Ngay sau khi nhận được tin báo, các đội nghiệp vụ của Công an quận Bình Thạnh phối hợp với Công an phường 22 đã xuống hiện trường, ghi nhận lời khai từ những người liên quan để nhanh chóng điều tra rõ vụ việc.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, trên người bé gái N.T.V.A có nhiều vết bầm tím lớn, thậm chí, có cả vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Cũng từ chính những vết thương ớn, có vết thương được khâu vá, mờ cũ trên vùng mặt. Từ những vết bầm tím diện rộng, những vết thương có dấu hiệu bất thường này, lực lượng chức năng nghi vấn cháu bé bị đánh đập, bạo hành dẫn đến tử vong.
Công an Bình Thạnh, thông qua kết quả làm việc sơ bộ cho biết, nạn nhân được xác định là cháu N.T.V.A. (8 tuổi), là con ruột của ông N.KT.Thái (36 tuổi, ngụ Quận 1, TP.HCM). Xác minh ban đầu, thời gian qua, ông Thái đang cư trú cùng bà Võ Nguyễn Quỳnh Trang (được xác định là vợ sắp cưới của ông Thái) tại một căn hộ chung cư ở phường 22, quận Bình Thạnh.
Đáng chú ý, theo lời kể của một số người sống tại chung cư này cho biết chiều 22/12, có nghe tiếng cháu A. la hét, bị đánh. Đau lòng hơn, trước đó, hàng xóm cũng nhiều lần cũng nghe tiếng cãi vã, tiếng cháu bị đánh đập.
Căn cứ vào kết quả khám nghiệm pháp y, kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai của một số người liên quan, cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp bà Võ Nguyễn Quỳnh Trang (dì ghẻ, vợ sắp cưới của bố đẻ cháu A.) để phục vụ công tác điều tra.
Bà Trang bị Công an Bình Thạnh xác định có dấu hiệu hành hạ, đánh đập, bạo hành cháu N.T.V.A.
Phản hồi của Bệnh viện Trưng Vương
Ngày 27/12, Bệnh viện Trưng Vương có động thái đáng chú ý, phản hồi về tin lan truyền trên các mạng xã hội rằng, “ông nội của bé gái N.T.V.A bị bạo hành đến chết là Phó Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương”.
Theo bài đăng trên trang Facebook của Bệnh viện Trưng Vương, cơ quan này cho biết, các thông tin lan truyền về việc ông nội của bé A. làm Phó Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương là hoàn toàn không chính xác.
“Ban Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương khẳng định: Trong Ban Giám đốc đương nhiệm không có ai liên quan đến việc bạo hành cháu bé 8 tuổi đang lan truyền trên mạng xã hội. Trân trọng”, thông báo của đơn vị này cho hay.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng, bài đăng này của Bệnh viện Trưng Vương đã bị xóa. Đến ngày 28/12, không còn thấy dòng trạng thái thông báo xuất hiện trên Facebook của Bệnh viện Trưng Vương.
Nhiều tài khoản để lại bình luận kêu gọi BV Trưng Vương trả lời rõ ràng, vào cuộc xác minh liệu có đúng Phó Giám đốc của bệnh viện là ông nội cháu A hay không. Thậm chí, còn có người kêu gọi tẩy chay BV Trưng Vương nếu không làm rõ, phản hồi cụ thể về vụ việc.
Trả lời báo chí liên quan đến tin đồn “ông nội bé gái bị hành hạ đánh đập là Phó Giám đốc BV Trưng Vương”, bà Hồ Thị Hòa, Phó trưởng Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Trưng Vương nêu rõ, không có Phó Giám đốc nào của BV là ông nội của bé V.A bị mẹ kế bạo hành đến tử vong.
Theo bà Hòa, BV Trưng Vương hiện có ba Phó Giám đốc, mọi người có thể lên website bệnh viện kiểm chứng, có thông tin đầy đủ về ba Phó Giám đốc này.
“Tuổi đời họ còn trẻ như vậy thì không thể là cha của bố cháu bé (anh Thái) đã 36 tuổi như vậy được”, Phó Phòng Công tác Xã hội Bệnh viện Trưng Vương nêu rõ.
Bà Hòa cũng khẳng định, Bệnh viện Trưng Vương không liên quan gì đến vụ việc.
“Còn ai đồn là con của cựu phó giám đốc nào thì chúng tôi không biết, người ta đồn không nói tên thì chúng tôi không rõ”, đại diện BV Trưng Vương bày tỏ.
Phản hồi về việc xóa dòng trạng thái đính chính, bà Hòa cho biết, lúc sáng thấy một tin, chiều một tin, nghĩ không đúng và là tin đồn thất thiệt nói chung nên “làm lơ luôn rồi”. Đến tối (27/12), rất nhiều người đã vào tấn công Fanpage của Bệnh viện.
“Phó giám đốc Bệnh viện có đăng 1 bài trả lời trên page, nhưng sáng nay không rõ ai đã xóa mất”, bà Hòa nói.
Dư luận Việt Nam hiện đang rất phẫn nộ trước vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành. Xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về vai trò của người cha, anh Thái, hay gia đình hai bên họ nội, họ ngoại, cũng như hàng xóm sống xung quanh nhà bé A.
Cục Trẻ em nói gì?
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có bình luận xung quanh vụ việc bé gái 8 tuổi ở Bình Thạnh bị bạo hành dẫn đến tử vong.
Theo ông Nam, trong vụ việc đau lòng vừa xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh, có một số người cho rằng, đã từng báo cho quản lý chung cư, sau đó Ban Quản lý chung cư có tìm gặp nói chuyện với bố cháu bé nhưng không được.
Theo Cục trưởng, thông báo tin và can thiệp chậm trễ là một trong những lý do dẫn đến cái chết thương tâm của một đứa trẻ.
Theo ông Nam, Ban quản lý có trách nhiệm bảo vệ trật tự an ninh tại chung cư đó, nhận được thông tin thì phải báo ngay cho đơn vị trực tiếp xử lý là UBND phường, công an phường xã sở tại.
“Hoặc chỉ cần nhấc máy điện thoại gọi 111 là lập tức được can thiệp. Rất tiếc vụ việc báo cho ban quản lý, ban quản lý không có thẩm quyền, không thể can thiệp, thì phải báo cho cơ quan chức năng”, ông Nam lưu ý.
Hiện tại, Cục Trẻ em em theo dõi nắm được thông tin cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan.
“Rất đáng tiếc vụ việc ngay từ đầu chỉ cần một cuộc điện thoại kịp thời, cơ quan chức năng sẽ can thiệp, không xảy ra hậu quả đáng tiếc”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam chia sẻ.
Vị lãnh đạo lưu ý đến việc bất cứ ai khi thấy trẻ bị bạo hành đều có quyền lên tiếng và được bảo vệ.
Theo ông Nam, Nghị định số 56 năm 2017 của Chính phủ có quy định chi tiết về một số điều của Luật Trẻ em. Trong đó nêu rõ, bất kỳ cá nhân cơ quan tổ chức nào có thông tin về trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều phải thông báo cho cơ quan chức năng.
Theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam, luật pháp cũng quy định cơ quan tiếp nhận thông tin là tổng đài quốc gia 111, cơ quan công an các cấp, ủy ban nhân dân các cấp, xã phường, Lao động Thương binh và Xã hội các cấp nơi xảy ra vụ việc.
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Nhịp sống Việt, ông Nam nêu rõ, luật quy định như vậy, tuy nhiên hiện nay trong thực tế, nhiều người dân biết nhưng không thông báo. Nguyên nhân có thể do người dân không biết đến cơ quan chức năng, hoặc lo ngại việc bị trả thù.
“Thông tin về người dân báo tin cho cơ quan chức năng sẽ được bảo mật tuyệt đối, người dân có thể yên tâm. Người cung cấp thông tin cũng được bảo vệ theo quy định của pháp luật”, Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh.
Ông Đặng Hoa Nam cho hay, nếu có vụ việc liên quan đến xâm hại hay bạo hành trẻ em, cách đơn giản nhất là người dân chỉ cần gọi điện cho tổng đài quốc gia 111, lập tức cơ quan này sẽ triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để phối hợp với các cơ quan chức năng, ngăn chặn ngay hành vi dẫn đến nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều người dân chưa nghĩ đến các biện pháp này.
Cùng với đó, hiện Chính phủ đang sửa đổi nghị định xử lý hành chính trong lĩnh vực quyền trẻ em, có thêm chế tài để xử lý cơ quan, tổ chức cá nhân nào có thông tin trẻ bị xâm hại nhưng không báo cơ quan chức năng.
Ông Đặng Hoa Nam nêu rõ đây là trách nhiệm tố cáo bắt buộc. Do đó, cơ quan chức năng cần phải truyền thông nhiều hơn để người dân biết được các quy định này của pháp luật và biết được các nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan xử lý nguồn tin.
“Cục trẻ em kêu gọi người dân khi có bất kỳ thông tin liên quan đến trẻ em, từ bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, ngược đãi, đánh đập, xúc phạm thì phải thông báo đến các cơ quan chức năng các cấp, đặc biệt luôn nhớ số tổng đài quốc gia 111”, Cục trưởng Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết, đã nhận được đơn yêu cầu hỗ trợ pháp lý của mẹ và bác ruột bé V.A. Cơ quan này đề nghị người dân ngay sau khi phát hiện các vụ việc bạo hành, đặc biệt khi đối tượng là trẻ em, cần nhanh chóng tố cáo, báo với cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh sự việc đau lòng như thời gian qua.