Hình ảnh Việt Nam năm 2021 trong công trình của các nhà khoa học Nga

Những hạn chế thời dịch bệnh covid đã gây khó khăn ngăn trở các tiếp xúc cá nhân của người Nga và người Việt Nam, nhưng không thể làm vơi giảm sự quan tâm về đất nước Việt Nam trong giới các nhà khoa học Nga hiện tại và kế tục.
Sputnik
Năm 2021 ghi dấu ấn số lượng lớn các hội nghị, hội thảo, seminar bàn tròn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, công bố và tập hợp các báo cáo, tham luận về những khía cạnh đa dạng nhất của chính trị, kinh tế, lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Kết quả của những hoạt động khoa học-chuyên môn đó là những cuốn sách, kỷ yếu, tuyển tập được xuất bản, quỹ thư viện của những người yêu văn hóa Việt Nam được bổ sung thêm những bản dịch sách mới. Sputnik đã kể về nhiều sự kiện này. Bây giờ mời các bạn cùng chúng tôi nhìn lại bức tranh toàn cảnh về tình hình nghiên cứu Việt Nam tại Nga trong năm 2021.
Xoá một «điểm trắng» trong ngành Việt Nam học của Nga

Đảng, giới trẻ và phụ nữ

Đầu năm 2021 diễn ra sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, đó là Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến tháng 5, với sự tham gia của các nhà khoa học Nga, Việt Nam và phương Tây, tại Viện Viễn Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) đã tổ chức hội thảo bàn tròn chuyên đề về kết quả Đại hội, lịch sử và hoạt động hôm nay của chính đảng cầm quyền ở Việt Nam. Các thành viên tham gia hội thảo đã bàn luận về thực trạng của Đảng, nhiệm vụ trong đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, chính sách giáo dục và những vấn đề giáo dục thanh niên.
Ngày Việt Nam tại MGIMO
Trong tháng 4, trong khuôn viên Học viện Quan hệ Quốc tế Matxcova (MGIMO) đã tổ chức hoạt động «Ngày Việt Nam» lần thứ VI. Sự kiện trọng tâm ở đây là hội thảo «Việt Nam trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại: tìm kiếm câu trả lời cho những thách thức mới», tại đó các sinh viên ngành Việt Nam học từ các trường ở Matxcơva, Saint-Peterburg, Vladivostok và Kazan thông báo về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm gần đây và những vấn đề quan trọng nhất của mối quan hệ tương tác với LB Nga.
Ngày Việt Nam tại MGIMO
Cũng trong tháng này, Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Peterburg tiến hành sinh hoạt khoa học, nghiên cứu ảnh hưởng của thời đại các vua Hùng đối với lịch sử Việt Nam. Hội nghị được tổ chức trùng với Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, sự kiện đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của toàn nhân loại.
Vào tháng 6, trong hội thảo liên trường tại MGIMO về nghiên cứu giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa, các giảng viên từ các trường đại học ở Matxcơva đã trình bày về cách truyền tải bản sắc dân tộc và tinh hoa văn hóa Việt Nam qua hình ảnh người phụ nữ, những biểu tượng nào được trao gửi cho người phụ nữ trong tiếng Việt, và số phận của người phụ nữ qua các thời được thể hiện ra sao trong tục ngữ, ca dao Việt Nam.
Ngày hội lớn của tuổi trẻ Nga-Việt tại MGIMO

ISAA, MGIMO và Hà Nội

Mùa thu và mùa đông 2021 mang đến rất nhiều sự kiện thú vị trong ngành Việt Nam học tại Nga. Vào đầu tháng 10, tại ISAA (Viện Các nước Á-Phi) thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lomonosov có hội thảo Guberovskiy lần thứ VII theo chuyên đề «Đông Nam Á: Quá khứ lịch sử và thực tế hiện đại», trong đó số lượng lớn các báo cáo dành phản ánh những các khía cạnh khác nhau của lịch sử và văn hóa Việt Nam: sự kế thừa quyền lực và vai trò của truyền thống ở nước Việt Nam hiện đại, vấn đề «quá khứ lịch sử» trong quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đương đại, tình hình nghiên cứu Việt Nam ở Trung Quốc và quá trình chuyển giao quyền lực trong thế kỷ XVII, sự phát triển tiến hoá của luật gia đình Việt Nam và phân tích văn bản thế kỷ XVI nói về Thành hoàng - các vị thần bảo trợ của cộng đồng cư dân Hải Phòng.
«Nghệ thuật chiến tranh»
Trung tuần tháng 10, Học viện Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO) đăng cai tổ chức hội thảo quốc tế «Nga và ASEAN trong châu Á-Thái Bình Dương: Động lực tương tác, các tiến trình khu vực và bối cảnh toàn cầu», mà quan tâm lớn được dành cho Việt Nam. Cử toạ đã thảo luận về những hạn chế của FTA giữa Việt Nam và EAEU; những vấn đề trong quá trình thực thi các dự án lớn của Việt Nam tại Nga và dự án của Nga tại Việt Nam; những bất cập trong chu trình xuất khẩu dịch vụ giáo dục của Nga sang CHXHCN Việt Nam; vấn đề hợp tác quân sự-kỹ thuật của Việt Nam với các đối tác khác nhau…
Các nhà khoa học Nga cũng tham gia diễn đàn lớn nhất thế giới về chuyên ngành Việt Nam học - Hội nghị quốc tế về nghiên cứu Việt Nam lần thứ VI, diễn ra hồi cuối tháng 10 tại Hà Nội. GS-TSKH Vladimir Kolotov Giám đốc Viện Hồ Chí Minh (ĐHTH Saint-Peterburg) phát biểu về khởi đầu nghiên cứu Việt Nam tại Leningrad trong những năm 30 của thế kỷ XX, hoạt động của Viện Hồ Chí Minh hiện nay. Ông Alexandr Molotnikov đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý châu Á thuộc Khoa Luật ĐHTH Lomonosov Matxcơva có tham luận về ảnh hưởng của pháp luật Liên Xô đối với sự hình thành pháp luật Việt Nam. PGS-TS Natalya Kraevskaya nêu vấn đề về nhu cầu tạo lập kho lưu trữ kỹ thuật số chuyên về nghệ thuật Việt Nam. Còn chuyên gia trẻ tuổi nghiên cứu tôn giáo Elena Gordienko chọn chủ đề báo cáo về hiện tượng tín ngưỡng thờ thần bảo trợ của các địa phương.
Cuốn sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp giành thắng lợi trong mọi cuộc chiến
Hội thảo tại Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) về quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam được tổ chức vào đầu tháng 12, trùng dịp có chuyến công du của Chủ tịch CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức LB Nga. Các chuyên gia hàng đầu của Nga về Việt Nam học đã phân tích đúc rút những điểm mạnh và điểm yếu trong lịch trình quan hệ hợp tác giữa hai nước, tìm hiểu nguyên nhân của những tiêu cực tồn đọng và tiềm năng phát triển.

Những ấn phẩm mới

Trong năm nay thư viện của những người yêu đọc sách quan tâm đến Việt Nam đã được bổ sung hàng loạt ấn phẩm thú vị và đầy ý nghĩa. Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) xuất bản tuyển tập «Nước Việt Nam độc lập: Những lợi ích và giá trị quốc gia». Từ nhiều góc độ phân tích, đánh giá, những bài viết trong tập sách này cố gắng tái hiện con đường lịch sử của Việt Nam từ giữa thế kỷ trước cho đến ngày nay. Chú ý đặc biệt được dành cho những thay đổi diễn ra trong 3-4 thập kỷ gần đây của nền kinh tế đất nước, diện mạo xã hội và mối quan hệ tương tác của Việt Nam với thế giới bên ngoài.
GS-TSKH Vladimir Kolotov Giám đốc Viện Hồ Chí Minh (ĐHTH Saint-Peterburg) đã dịch sang tiếng Nga hai tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn giải luận thuyết nổi tiếng của nhà tư tưởng Trung Hoa cổ đại Tôn Tử về quy luật chiến tranh: «Phép dùng binh của ông Tôn Tử» (năm 1945) và «Binh pháp Tôn Tử» (năm 1946). Các quy luật mà Tôn Tử nêu ra được Chủ tịch Hồ Chí Minh biện giải đã giúp ích rất nhiều cho người Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng và bảo vệ thành quả chiến đấu của mình. Các bản dịch tiếng Nga cùng với văn bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xuất bản ở Việt Nam.
Và Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) công bố bản dịch sang tiếng Nga công trình của GS Văn hóa học Việt Nam nổi tiếng Nguyễn Chí Bền, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước-danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam thế kỷ XIX Nguyễn Đình Chiểu.
Người Nga sẽ được biết nhiều hơn về các hậu duệ của Tiên Rồng

Truyện cổ tích, vở kịch trăm năm tuổi và bí quyết dịch thuật

Những người yêu thích văn học cũng có lý do để vui mừng. Cuốn sách «Truyện cổ tích và huyền thoại Việt Nam» đã được Nhà xuất bản thuộc Trường Kinh tế Cấp cao Matxcơva ấn hành. Cuốn sách bề thế, thiết kế và minh hoạ đẹp, gồm bản dịch mới 25 câu chuyện và truyền thuyết Việt Nam phổ biến được ưa chuộng nhất kèm theo chú giải-bình luận chi tiết về văn học và đất nước học. Cuốn sách này là «đứa con chung» của ba nữ chuyên gia Việt Nam học trẻ tuổi, cùng lên ý tưởng và chung sức thực hiện: chị Yulia Minina ở Matxcơva, chị Anna Kharitonova từ Saint-Peterburg và chị Ekaterina Lyutik hiện làm việc tại một trường đại học Trung Quốc.
Cuốn sách «Truyện cổ tích và thần thoại Việt Nam»
Kỷ niệm 100 năm Nhà hát Kịch nói Việt Nam hiện đại, tại Nga ấn hành bản dịch vở kịch «Chén thuốc độc». của tác gia Vũ Đình Long. Cùng với bản dịch tiếng Nga, trong sách còn in bản gốc vở hí kịch bằng tiếng Việt và bản chuyển ngữ tiếng Pháp.
Người dịch vở «Chén thuốc độc» sang tiếng Nga là chuyên gia Việt Nam học Igor Britov, giảng viên tại Trường Kinh tế Cấp cao. Thời gian gần đây, qua quá trình dịch thuật tích cực giúp độc giả Nga làm quen với những tác phẩm văn xuôi Việt Nam hiện đại, với tư cách là dịch giả, Igor Britov còn chia sẻ kinh nghiệm của ông theo cách hấp dẫn và nhiều thông tin trong chuyên khảo «Làm thế nào để hiểu ngôn ngữ của hậu duệ Rồng Tiên». Đây là tài liệu tham khảo đầu tiên ở Nga về khâu chuyển ngữ văn học Việt Nam sang tiếng Nga, đồng thời cũng là cuốn sách hữu ích dành cho những ai quan tâm đến Việt Nam.
Như các bạn có thể thấy, việc nghiên cứu mọi mặt về Việt Nam cổ đại và hiện đại ở Nga không hề ngừng chút nào. Chỉ trong một năm qua, đã xuất hiện những tên tuổi mới, trung tâm mới và ấn phẩm mới.
Hy vọng rằng sang năm 2022, chúng tôi sẽ có dịp giới thiệu với các bạn nhiều sự kiện và thành quả mới thú vị trong lĩnh vực này.
Phát hành cuốn sách mới về Việt Nam và Đông Nam Á tại Moskva
Thảo luận