«Sao có thể như vậy?». Những thiết bị quân sự trong vai trò bất thường

Người Mỹ đã học được cách sử dụng máy bay vận tải làm phi cơ tấn công - trong cuộc tập trận ở Vịnh Mexico, máy bay chở hàng MC-130J lần đầu tiên dùng tên lửa hành trình bắn trúng mục tiêu trên mặt nước. Lầu Năm Góc tính đến khả năng dùng cách này mở rộng cơ số các phương tiện mang vũ khí với độ chính xác cao.
Sputnik
Bài viết của Sputnik tập hợp dữ liệu về ý tưởng này và những chương trình khác, sử dụng thiết bị quân sự theo kiểu lạ thường «trái khoáy».

Tàu vận tải-chiến hạm mang tên lửa

Đối với Lầu Năm Góc, dự án này rất có lợi: Không lực Hoa Kỳ đang có tới hơn 500 chiếc C-130 và C-17, chỉ sau những sửa đổi nhỏ là có thể ném vào trận. Trên khoang những phương tiện này sẵn sàng tiếp nhận cơ số đạn dồi dào. Còn bình nhiên liệu dung tích lớn cho phép nó bay lượn trên không rất lâu.
Máy bay vận tải quân sự Mỹ C-130J Super Hercules
Trong các cuộc thử nghiệm, người ta nâng pallet chuyên dụng chất vào khoang hàng của chiếc MC-130J đã chuyển đổi để chứa đạn dược. Khi máy bay đạt độ cao cần thiết và tiến vào khu vực phóng, container bung ra từ rampe nghiêng. Tên lửa hành trình tách ra, bật động cơ, thực hiện thao tác di động và lao thẳng tới mục tiêu. Các chuyên gia Không lực Hoa Kỳ đặc biệt lưu ý rằng vũ khí đã nhận và thực hiện nhiệm vụ khi bay trên không trung rất tốt.
Lầu Năm Góc tin tưởng rằng chương trình này sẽ giúp ích trong cuộc chiến tiềm ẩn với Trung Quốc - người Mỹ đã thử nghiệm máy bay vận tải quân sự mang vũ khí trong trận chiến mô phỏng máy tính vì Đài Loan.
Washington hiểu rõ rằng nếu Trung Quốc quyết định dùng vũ lực lấy lại hòn đảo ly khai, Bắc Kinh sẽ huy động hàng chục tàu chiến. Để tiêu diệt những chiến hạm này, các máy bay vận tải được sửa đổi công năng và trang bị tên lửa chống hạm thậm chí không cần đi vào vùng nhận dạng phòng không của đối phương.
Chuyên gia quân sự Hoa Kỳ đem máy bay F-35 mới nhất ra dọa Nga

Hàng tấn bom

Ở Nga từ lâu cũng đã tiến hành thử nghiệm với máy bay vận tải. Có sự thật ít người biết là «ngựa thồ» IL-76 có giá treo lắp bên dưới cánh dành cho những trái bom. Hơn nữa, giá thành của máy bay này rẻ hơn nhiều so với phi cơ ném bom hiện đại. Khi nguy cơ pháo kích từ mặt đất ở mức thấp và không đòi hỏi phải thực hiện những thao tác phức tạp đột ngột mà chỉ cần thả bom đúng điểm ấn định, chiếc «xe tải bay» vụng về này hoàn toàn thích hợp.
Phi đội «76» đã thực hiện những nhiệm vụ như vậy ở Afghanistan. Theo quy luật, «76» bay cặp đôi với phi cơ ném bom dẫn đầu đã chỉ định mục tiêu, và máy bay vận tải trút bom. IL-76 có thể triệt hạ đối phương với 20 tấn sắt thép tử thần. Thêm vào đó bom không chỉ được ném xuống từ dưới cánh mà còn từ khoang hàng có đường ray dẫn hướng đặc biệt. Đương nhiên, chuyện ở đây không nói về vũ khí có độ chính xác cao - những chiếc máy bay này được trang bị loại đạn rơi tự do, cỡ đến 500 kg.
Máy bay IL-76
Thực hành ném bom là một công đoạn bắt buộc trong quá trình huấn luyện phi hành đoàn. Chẳng hạn, hồi tháng 11, phi đội «76» đã ném bom thành công, đánh trúng mục tiêu tập dượt trên thao trường Kushalino ở vùng Tver, từ độ cao vẻn vẹn 500 mét. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh rằng trong đợt huấn luyện, các tổ lái chỉ sử dụng hệ thống định vị và dẫn hướng trên khoang máy bay.

Phục vụ mục đích hòa bình

Cũng có không ít những ví dụ khác về chuyện sử dụng thiết bị quân sự theo lối «trái khoáy». Ví dụ, chiến đấu cơ Su-34 của Nga, vốn là nỗi kinh hoàng của bọn khủng bố ở Syria, bây giờ đang giúp chống nạn kẹt băng trên các con sông mùa đông. Thông thường, cho nổ một quả bom phân mảnh ném xuống từ trên cao là đủ để giải toả khu chứa nước khỏi vòng giam hãm của băng giá.
Cả pháo binh cũng hữu ích trong cuộc sống yên bình của cư dân. Cụ thể, các chuyên gia của biệt đội chống tuyết lở Elbrus đã khai hoả từ những khẩu pháo Xô-viết cũ kỹ để kích động cho tuyết lở xuống từ các sườn núi «có vấn đề». Đã sử dụng những «của hiếm» thực sự: ví dụ, pháo phòng không 100 mm KSM-65, vốn được đưa vào vận hành từ năm 1953 xa xôi. Tuy nhiên, những năm gần đây, khẩu pháo này ít khi lên tiếng, đạn còn lại không nhiều, mà pháo mới và đạn dành cho nó thì không được sản xuất nữa.
Su-34
Người Mỹ cũng phải đối mặt với vấn đề tương tự khi họ đấu tranh với tuyết lở bằng loại súng không giật thời Thế chiến II. Khi hết đạn, để phá vỡ những sườn núi tuyết dầy, phải cho xe tăng M60 nã đạn.
Ở Liên Xô sau Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại những cỗ xe bọc thép hạng nặng uy nghiêm cũng thường được dùng phục vụ mục đích hòa bình, khi quân đội có hàng chục nghìn xe tăng tưởng chừng «thất nghiệp». Các chuyên gia đã tháo dỡ vũ khí, thiết bị liên lạc, tháp pháo… và cỗ chiến xa trở thành máy kéo, máy ủi hiền lành trong nông nghiệp và trên các công trường xây dựng.
Hiện nay ở Nga hầu như không huy động các thiết bị quân sự phục vụ đời sống dân sự. Chỉ một ngoại lệ là cứu hoả. Quân đội và lực lượng của Bộ Các tình trạng Khẩn cấp LB Nga có mấy loại xe tăng thiết kế đặc biệt để chiến đấu với lửa cháy. Có lẽ kiểu khác thường nhất là "Impuls-2M": trên khung gầm của chiếc T-62 sản xuất hàng loạt, thế chỗ cho tháp pháo là bệ phóng xoay 50 vòi dẫn hướng, giống như hệ thống tên lửa dàn. Cỗ xe cứu hoả bằng cách bắn vào ổ lửa những viên nang đặc biệt nhồi đầy bột chữa cháy từ khoảng cách xa đến 100 mét.
Xe tăng T-62 của Liên Xô chịu được tên lửa chống tăng
So với xe bánh lốp, điểm ưu việt chính của xe tăng là sức mạnh vượt mọi địa hình. Để khắc phục chỗ tắc nghẽn "Impuls-2M" đã sẵn có lưỡi ủi. Ngoài ra, dải xích thép không lo nóng chảy hay cháy khét như lốp ô tô. Cuối cùng, dùng xe tăng vào việc cứu hoả đảm bảo an toàn hơn nhiều cho tổ lái vì cỗ thiết giáp này chấp hết môi trường nhiệt độ cao.
Thảo luận