Các lãnh đạo chủ chốt của công ty Việt Á đã khai ra thủ đoạn ‘ăn chia’, nhận phần trăm, hoa hồng ngoài hợp đồng, đáng nói nhất là cứ gói thầu trăm tỷ, thì chiết khấu từ 15- 25 tỷ đồng cho lãnh đạo Sở Y tế, CDC một số tỉnh.
Mới nhất, trước loạt quan chức Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo CDC các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương bị C03 khởi tố, Giám đốc CDC tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Sáu khẳng định sẽ trả lại quà Việt Á tặng ngay sau dịp nghỉ lễ này.
Vụ Công ty Việt Á như ‘quả bom nổ chậm’
Kể từ khi đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu xử lý nghiêm vụ án này, nhiều người cho rằng, Việt Á như ‘quả bom nổ chậm’ và sẽ còn nhiều thế lực ngầm đằng sau đã ‘nhúng chàm’ dần dần phải lộ diện.
Cách đây không lâu, trước khi chính thức bị Bộ Công an triệu tập làm việc, khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc CDC Nghệ An vẫn luôn khăng khăng quả quyết mình trong sạch, không hề nhận một đồng nào tiền hoa hồng của Phan Quốc Việt hay “bắt tay, đi đêm” với Việt Á.
Thực tế, không chỉ có mình Giám đốc CDC Nghệ An mới phải “mất ăn mất ngủ” thời gian qua. Sau khi Bộ Công an bắt Phan Quốc Việt, Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến (vì ăn hoa hồng gần 30 tỷ đồng), hàng loạt lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, Sở Y tế các tỉnh, thành phố của cả nước đều đồng loạt lên tiếng, ám chỉ “tôi trong sạch, tôi không liên quan gì đến Công ty Việt Á, hay dù có mua kit test của Việt Á thì cũng là vì đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 phức tạp, tất cả đều đúng quy trình, đúng quy định, không hề có chuyện biếu tặng, vụ lợi cá nhân”.
Ắt hẳn, từ những diễn biến mới nhất của vụ án Việt Á, nhất là việc Bộ Công an khẳng định “sẽ làm đến cùng”, Chính phủ cũng dự kiến có báo cáo trước Quốc hội về vấn đề đấu thầu, nâng khống giá thiết bị y tế, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á “vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo”, có không ít quan chức cấp cao các ban ngành, địa phương liên quan, lo lắng, sẽ đến lúc mình bị “sờ gáy”.
Còn nhớ, khi trả lời báo chí vào những ngày cuối tháng 12/2021, Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định cũng nhắc đi nhắc lại việc “làm đúng trình tự, thủ tục ở cả 4 gói thầu mua kit test xét nghiệm coronavirus của Công ty Việt Á. Ông Định tuyên bố với báo chí rằng, việc bị Bộ Công an ‘mời làm việc’ chỉ là “thông tin hiểu nhầm” và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an lấy hồ sơ các gói thầu chỉ nhằm nghiên cứu, phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.
Đáp trả lại thông tin về việc nhận hoa hồng, tiền chi ngoài hợp đồng cho các CDC khi ký kết những gói thầu với Việt Á, ông Nguyễn Văn Định quả quyết “chưa bao giờ nhận bất cứ khoản tiền nào từ Công ty Việt Á hay Phan Quốc Việt”. Lãnh đạo CDC Nghệ An còn nói thêm sẽ rà soát xem tất cả các bộ phận, các cán bộ dưới quyền xem “có vấn đề gì không”. Nhưng có lẽ, ông Định đã quên “xem lại mình” nên mới để cuối cùng bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an ra lệnh khởi tố bị can.
Theo kết quả điều tra sơ bộ của C03, cả Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định và Kế toán trưởng Nguyễn Thị Hồng Thắm đều bị cáo buộc “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
CDC Nghệ An xác nhận đã mua sinh phẩm, vật tư, kit test, hóa chất hết 60 tỷ đồng, trong đó, mua từ Công ty Việt Á là 28 tỷ đồng.
Trước đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định, không hề nhận của Công ty Việt Á một đồng nào và chỉ làm đúng quy trình.
“Việc mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 từ công ty Việt Á ở CDC Thừa Thiên Huế được thực hiện theo đúng quy trình, có thẩm định giá từ nhiều công ty khác nhau”, ông Hoàng Văn Đức, Giám đốc CDC Thừa Thiên – Huế nêu rõ.
Là địa phương từng có 4 hợp đồng mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á trị giá hơn 53 tỷ đồng, Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu khẳng định, đều đã tham khải thông tin kỹ lưỡng từ Bộ Y tế.
Theo người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định, thông tin trên cổng thông tin Bộ kế hoạch đấu thầu báo đấu thầu và tham khảo các hợp đồng tương tự của các đơn vị y tế khác trên toàn quốc kèm theo báo giá của doanh nghiệp, nhà cung cấp.
“Tôi thấy hợp lý thì đề xuất”, ông Lưu nói và cũng tuyên bố, toàn bộ quá trình thương thảo 4 hợp đồng mua hàng của Công ty Việt Á đều được thực hiện theo đúng quy trình, được Sở Tài chính và các cơ quan chức năng thẩm định giá mới ký hợp đồng mua.
Vị lãnh đạo CDC Nam Định cũng cho biết, không có chuyện nhận tiền hoa hồng, hay tiền phần trăm ngoài hợp đồng ở các gói thầu kể trên.
“Tôi có thể khẳng định một điều hết sức chắc chắn là trong quá trình thực hiện tất cả gói thầu mua bán vật tư phòng chống dịch thì CDC Nam Định chưa bao giờ có ý thức lạm dụng việc mua bán đòi tiền hoa hồng của nhà cung cấp và không nhận một nguồn tiền nào của nhà cung cấp”, ông Lưu quả quyết.
Cứ 100 tỷ thì chuyển hoa hồng từ 15-25 tỷ
Như Sputnik đã thông tin, đến nay, Bộ Công an đã xác định Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã bán trực tiếp hay gián tiếp các sản phẩm kit test xét nghiệm cho CDC 62/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Các đối tượng chủ chốt của Việt Á khai với cơ quan chức năng rằng, lợi dụng nhu cầu cấp bách test Covid-19 của các địa phương trên cả nước nên doanh nghiệp này đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm cho các bệnh viện, CDC các địa phương. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, xác nhận khống các báo giá để ký hợp đồng và thanh quyết toán.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kít; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố.
Bộ Công an cũng đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Trong đó, Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương được chi số tiền hoa hồng ngoài hợp đồng gần 30 tỷ đồng.
Tất nhiên, những con số này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” và phần bị lộ. Còn rất nhiều sai phạm và số % chi ngoài chắc chắn sẽ được làm rõ thêm trong thời gian tới khi C03 mở rộng điều tra.
Đối tượng Phan Tôn Noel Thảo - Trợ lý tài chính công ty cổ phần Việt Á khai rằng, một số đơn vị họ nhận tiền mặt, một số đơn vị họ sẽ cung cấp số tài khoản trực tiếp của họ hoặc của người thân, cá nhân.
“Cứ 100 tỷ thì chuyển từ 15 tỷ đến 25 tỷ”, Phan Tôn Noel Thảo khai.
Trong khi đó, Hồ Thị Thanh Thảo, Thủ quỹ của Công ty Việt Á cho biết, căn cứ giá trị tiền hàng, căn cứ giá trị chiết khấu đã được thỏa thuận giữa lãnh đạo công ty.
Theo Thảo, từ tiền của công ty Việt Á được hợp thức thông qua mua hàng của các công ty trung gian như An Việt 99, Khoa học Việt Á, Công ty Phạm Tuấn Minh… và cuối cùng mua hàng từ cửa hàng Âu Lạc do Thảo làm cửa hàng trưởng do tài khoản cửa hàng đứng tên cá nhân Hồ Thị Thanh Thảo.
Theo bị can này, tiền sẽ được chuyển từ pháp nhân sang cá nhân để chi chiết khấu tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
“Với vai trò cửa hàng trưởng cửa hàng Âu Lạc và thủ quỹ công ty Việt Á, tôi đã thực hiện ký hợp thức hồ sơ giấy tờ chi tiền hoa hồng trái quy định của pháp luật, tuy nhiên tôi chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Phan Quốc Việt”, Hồ Thị Thanh Thảo cho hay.
Trong văn bản gửi các địa phương của Bộ Y tế, bộ kit test của Việt Á thuộc nhóm hàng sản xuất trong nước, nằm đầu danh sách, đơn hàng số lượng càng lớn thì mức giá càng giảm. Trong đó, mức giá 470.000 đồng/test, áp dụng cho đơn hàng dưới 500.000 test. Thông tin này sau đó cũng được niêm yết công khai trên Cổng công khai giá của Bộ Y tế.
Giám đốc CDC Bình Phước xin trả lại quà Việt Á tặng
Một trong những thông tin “nóng” nhất ngày 2/1/2022 trên các trang báo ở Việt Nam chính là việc Giám đốc CDC Bình Phước xin trả lại quà tặng của Việt Á.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Phước thông tin, vào đầu tháng 12/2021 đại diện của Công ty Việt Á có lên gặp và gửi quà cho ông.
Tuy nhiên, ông Sáu không biết trước sự việc này, sau khi nhân viên của công ty Việt Á về, đến tối kiểm tra thì mới biết có quà của doanh nghiệp này gửi tặng cho mình.
“Sau khi nhân viên của công ty về, đến tối tôi có kiểm tra thì đó là quà của công ty gửi cho tôi. Việc này tôi đã báo cáo tổ chức, báo cáo lãnh đạo các cấp. Phần quà này sau kỳ nghỉ lễ này tôi sẽ nộp lại cơ quan chức năng”, Giám đốc CDC Bình Phước khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Sáu cũng cho biết thêm, đơn vị đã tiến hành đấu thầu công khai trên mạng đấu thầu quốc gia theo Quyết định 1170 của UBND tỉnh, Công ty Việt Á trúng thầu. CDC tỉnh này đã chuyển số tiền 7 tỷ đồng thanh toán cho công ty này theo quy định.
Ngoài gói thầu này ra, trung tâm cũng thực hiện một số gói thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, do tình hình cấp bách.
Trước đó, CDC Bình Phước đã có báo cáo về việc mua sắm kit xét nghiệm và bộ tách chiết với tổng số tiền hơn 41,5 tỷ đồng từ Công ty Việt Á theo 3 quyết định của UBND tỉnh Bình Phước.
Theo đó, đợt 1 đã mua khoảng 14.000 kit xét nghiệm với giá 509.250 đồng/kit, tổng kinh phí trên 7,1 tỷ đồng. Hình thức mua qua đấu thầu rộng rãi trên mạng đấu thầu quốc gia. Đợt 2, mua 14.000 test xét nghiệm với đơn giá 470.000 đồng/test, kinh phí là 6,58 tỷ đồng. Mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.
Đợt 3, mua 59.376 test với đơn giá 367.500 đồng/test xét nghiệm phát hiện COVID-19, với kinh phí hơn 21,8 tỷ đồng. Hình thức mua chỉ định thầu rút gọn và đang hoàn tất thủ tục, chưa thanh toán.
Tính toán sơ bộ cho thấy, CDC Bình Phước đã mua khoảng trên 87 ngàn bộ kit test của Việt Á với số tiền hơn 41 tỷ đồng.
“Do tình hình cấp bách, trong từng thời điểm, từng giai đoạn chúng ta phải thực hiện hình thức mua sản phẩm cho phù hợp”, ông Sáu bày tỏ.
Động thái của lãnh đạo CDC Bình Phước đặc biệt gây chú ý, trong bối cảnh vụ án Việt Á “như quả bom nổ chậm” và hầu hết CDC các tỉnh đều buộc phải rà soát lại hoạt động đấu thầu vật tư y tế, kit test xét nghiệm liên quan đến doanh nghiệp của Phan Quốc Việt.
Theo Bộ Công an, đến nay, C03 đã khởi tố 19 bị can liên quan đến Việt Á, nhiều lãnh đạo CDC của Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương và lãnh đạo cấp vụ Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ cũng bị khởi tố để điều tra liên quan sai phạm trong việc nâng giá, trục lợi từ giá kit xét nghiệm đặc biệt nghiêm trọng.
Với đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, rằng, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vừa qua đã gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước, hy vọng rằng, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, v theo quy định của pháp luật.
Ai trong sạch, ai nhúng chàm, dư luận mong vụ án sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam làm đến cùng để bất kỳ cá nhân nào, tổ chức nào cũng không thể là ngoại lệ hay được phép “hạ cánh an toàn” vì trước pháp luật, tất cả đều phải bình đẳng.