Xung đột giữa Giáo hội Công giáo Philippines và Tổng thống Duterte

Theo kế hoạch dự kiến, Philippines sẽ tổ chức bầu cử Tổng thống trong tháng 5 năm 2022. Cho đến nay, chỉ có thể khẳng định chắc chắn một điều là nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, ông Rodrigo Duterte, sẽ không phải là tân Tổng thống.
Sputnik
Trả lời phỏng vấn Sputnik, bà Daria Panarina, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết, Hiến pháp Philippines quy định rằng chỉ có thể làm Tổng thống trong một nhiệm kỳ 6 năm.

Những đánh giá khác nhau về Tổng thống Duterte

Theo chuyên gia Daria Panarina, khi lên nắm quyền năm 2016, ông Duterte đã tạo dựng hình ảnh người bảo vệ chính của Philippines với những cam kết lớn tiếng, hành động dứt khoát, dễ giao tiếp với người dân và nhanh chóng giành được sự tín nhiệm và tán thành cao của nhân dân Philippines.
“Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Duterte đứng ra bảo vệ chủ quyền của đất nước, đồng thời tiến hành đối thoại về hợp tác đôi bên cùng có lợi. Duterte đưa ra chương trình phát triển cơ sở hạ tầng đầy tham vọng ở Philippines; thực hiện "xoay trục" từ định hướng chính trị theo hướng Mỹ chuyển sang các nước khác như Trung Quốc và Nga, phát động "cuộc chiến chống ma túy" quy mô toàn diện ở Philippines, đặc biệt là giúp giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, các phương pháp tiến hành cuộc chiến này khá là tàn bạo, kể cả bắt giữ người với những cáo buộc sai hoặc chưa được xác minh, giết các nghi phạm tại chỗ mà không cần xét xử hoặc điều tra. Tất cả những điều này đã gây ra sự phản đối tức giận từ cả các chính trị gia và các nhà hoạt động nhân quyền đấu tranh vì nhân quyền ở phương Tây, cũng như các giáo sĩ Công giáo tại Philippines” – bà Daria Panarina nói.
Tại sao ông Duterte phá bỏ thỏa thuận với Hoa Kỳ trong lĩnh vực quân sự?

Công giáo ở Philippines

Công giáo ở Philippines được du nhập và áp đặt bởi những người Tây Ban Nha, đã cai trị đất nước này với tư cách là thuộc địa của họ trong 350 năm. Do đó, ngày nay 80% dân số là tín đồ Công giáo. Công giáo là quốc giáo ở Philippines, đây là quốc gia Công giáo lớn thứ ba trên thế giới tính theo số lượng tín đồ - chỉ sau Brazil và Mexico. Các linh mục và giám mục Công giáo rất được người dân Philippines kính trọng và có ảnh hưởng lớn. Một ví dụ điển hình là Hồng y huyền thoại Jaime Sin, nhà lãnh đạo tinh thần của cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân năm 1986 đã lật đổ chế độ độc tài Ferdinand Marcos.
Công giáo ở Philippines

Nhà thờ Công giáo chống Duterte

Chính tại một quốc gia như vậy, xung đột nghiêm trọng đang phát triển giữa Giáo hội Công giáo và Tổng thống đương nhiệm Duterte. Về mặt chính thức, Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines đã lên án "cuộc chiến chống ma túy của Duterte." Theo cách không chính thức, các linh mục và giám mục phản đối các phương pháp như vậy, và về phần mình họ giúp đỡ các nạn nhân bị cảnh sát hành xử tàn bạo và người thân của họ, cung cấp cho họ nơi trú ẩn và hỗ trợ vật chất; và hợp tác của các nhà báo ghi lại và phổ biến tin tức về các trường hợp vi phạm trong thời gian bị giam giữ. Đây là một hoạt động nguy hiểm: kể từ năm 2017, đã có một số linh mục Công giáo bị chết trong những hoàn cảnh bí ẩn.

Duterte chống nhà thờ

“Đáp lại sự phản đối của Giáo hội, Duterte đã đưa ra những tuyên bố công khai lớn tiếng chống các linh mục Công giáo. Ông gọi các giáo sĩ Philippines là "những kẻ ngu xuẩn vô dụng, lũ chó đẻ", đề nghị "giết tất cả", tuyên bố rằng "hầu hết bọn họ là đồng tính nam." Các cáo buộc đồng tính luyến ái chống các giáo sĩ Công giáo là có cơ sở. Cách đây không lâu, ở thành phố Naval, phía nam Manila, linh mục Công giáo Kenneth Hendricks, người gốc Mỹ, bị bắt và bị cáo buộc quấy rối 50 bé trai trong 37 năm phục vụ tại nhà thờ. Trong mắt mọi người, những sự thật như vậy bất lợi cho Giáo hội Công giáo.” – bà Daria Panarina nói khi trả lời phỏng vấn Sputnik.

Ngoài ra, theo chuyên gia Daria Panarina, đa số người dân Philippines, đặc biệt là phụ nữ, không tán thành chủ trương chống kế hoạch hóa gia đình của Giáo hội. Theo truyền thống, Giáo hội Công giáo phản đối mạnh mẽ bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế hoặc điều chỉnh tỷ lệ sinh đẻ, tức là cấm phá thai và sử dụng các biện pháp tránh thai, cũng như ly hôn, coi những hành động đó là tội lỗi, phá hủy thể chế hôn nhân và gia đình. Đây là một vấn đề cấp bách, vì đối với nhiều phụ nữ ở Philippines, ly hôn là cách duy nhất để họ thoát ra khỏi quan hệ bạo hành trong gia đình, và việc sử dụng các biện pháp tránh thai và hệ thống phá thai ít nhất là một giải pháp cho vấn đề người vị thành niên mang thai sớm, thường là ngoài ý muốn. Trong vấn đề này, chính quyền Duterte nói rằng Giáo hội nên cho phép người Philippines tự quyết định số phận của mình và tự quản lý cuộc sống của họ, kể cả cuộc sống gia đình.

Mức độ tín nhiệm của Duterte vẫn cao

Mức độ tín nhiệm của người dân Philippines đối với Tổng thống Duterte vẫn ở mức cao kể cả khi ông kết thúc nhiệm kỳ, tuy nhiều sáng kiến ​​chính trị của ông đã thất bại hoặc không được thực hiện đầy đủ. Theo cuộc thăm dò của Social Weather Stations được thực hiện đầu tháng 9 năm 2021, số người Philippines tán thành Duterte là hơn 52% so với số người không tán thành. Hơn nữa, 39% người Philippines thúc giục ông Duterte ra tranh cử phó tổng Thống trong cuộc bầu cử sắp tới và con gái ông ra tranh cử Tổng thống, để triều đại Duterte tiếp tục nắm quyền – bất chấp thực tế là cách tiếp cận này trái với hiến pháp Philippines.

Giáo hội đang tìm kiếm ứng cử viên Tổng thống hợp ý

Ngược lại với những khuynh hướng như vậy, trong chiến dịch tranh cử đang trên đà phát triển, nhiệm vụ chính của Giáo hội Công giáo Philippines là tách mình khỏi triết lý của Duterte và chính quyền hiện tại, đi chệch hướng các phương pháp của ông càng nhiều càng tốt.
“Các giáo sĩ Philippines sẽ không hài lòng với một ứng cử viên Tổng thống tương lai là người thân của Duterte hoặc người ủng hộ ông ấy. Giáo hội mong muốn có ứng cử viên với hành vi đàng hoàng, một lòng tin Chúa, tôn trọng luật pháp và nhân quyền, không sỉ nhục phụ nữ và không sử dụng từ vựng tục tĩu, đặc biệt là khi nói chuyện trước đám đông. Duterte hoàn toàn không đáp ứng tất cả những yêu cầu này. Là một tổ chức phi chính trị, Giáo hội không thể sử dụng các phương pháp đấu tranh chính trị, vũ khí chính của Giáo hội trong việc giao tiếp với cử tri là việc tạo ra một "khuynh hướng Công giáo". Khi nói chuyện với bầy chiên, các giám chức Công giáo, nếu không chỉ ra một ứng cử viên có lợi cho Giáo hội, thì ít nhất họ cũng nói không nên bỏ phiếu cho ai. Giáo hội Công giáo Philippines cũng lập ra một phong trào chính trị mới mang tên "1Sambayan", có thể tạm dịch là "cả nước đoàn kết với nhau trong lời cầu nguyện." Mục tiêu của phong trào này là đè xuất các ứng cử viên cho cuộc bầu cử năm 2022, những người chủ trương đoạn tuyệt triệt để với chính sách và triết học của Duterte. Như các vị có thể thấy, trọng tâm của cuộc đấu tranh này trước hết là chuyển hướng sự chú ý của cử tri khỏi hình ảnh Tổng thống đương nhiệm và hình thành trong số những người tranh cử một ý tưởng ổn định về ứng cử viên hoàn hảo có lợi cho Giáo hội” – bà Daria Panarina nói.
Liệu Tổng thống kế tiếp của Philippines có phải là người mang họ Duterte?

Thử đưa ra dự báo

Bà Daria Panarina nói:
“Hiện tại vẫn còn khó để nói cuộc bầu cử sẽ kết thúc như thế nào và cuối cùng ai sẽ lên nắm quyền, liệu triều đại Duterte có tiếp tục nắm quyền lãnh đạo, liệu người ủng hộ hay đối thủ của ông có lên nắm quyền kiểm soát đất nước hay không. Triển vọng chính trị Philippines vẫn rất khó đoán. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng định hướng chung về tính quyết đoán trong chính trị, vốn có ở ông Duterte, vẫn sẽ được duy trì. Theo đó, nhiều khả năng người dân Philippines sẽ thích một người giống như ông Duterte làm Tổng thống, sẽ tiếp tục đường lối của Tổng thống đương nhiệm. Cũng không thể cho rằng Duterte hay gia đình ông sẽ rút lui hoàn toàn khỏi chính trường và không gây ảnh hưởng đến các hoạt động của chính quyền Tổng thống trong tương lai”.
Xung đột hiện tại giữa ông Duterte và các giáo sĩ Công giáo Philippines có thể tiếp tục diễn ra sau cuộc bầu cử. Nhưng hình thức cuộc xung đột này dưới thời tân Tổng thống sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phong thái và hình ảnh mà nguyên thủ quốc gia tương lai sẽ lựa chọn cho mình - nhà phân tích chính trị Nga Daria Panarina khẳng định.
Thảo luận