"Bất khả xâm phạm bậc nhất": những cơ sở quân sự được bảo vệ cẩn mật nhất trên thế giới

Những sở chỉ huy của quân đội, những hầm ngầm và căn cứ quân sự bí mật - trên hành tinh chúng ta có những nơi mà các chính phủ không tiếc tiền bạc cũng như công sức để bảo vệ và phòng thủ. Trên thực tế, đây là những pháo đài chính quy mà việc tập kích sẽ khiến đối phương bị tổn thất rất nặng nề.
Sputnik
Sau đây là tài liệu của Sputnik về một số địa điểm như vậy.

Khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên

Khu phi quân sự (DMZ) nằm trên đường vĩ tuyến 38, phía Nam là Hàn Quốc quản lý, phía Bắc do Bắc Triều Tiên quản lý. Đây là đoạn đường biên giới khép kín và được canh gác cẩn mật nhất trên thế giới. Dải đất này dài 241 km và rộng 4 km hoàn toàn bị đóng cửa đối với cả dân thường và quân nhân. Bộ đội biên phòng bắn vào người xâm phạm vào khu vực mà không cảnh báo trước. DMZ gài mìn dày đặc, với những hàng rào điện và dây thép gai, hàng nghìn lính của cả hai bên đang tập trung ở nơi này.
Trong tổng số khoảng 10.500 khẩu pháo của lực lượng mặt đất CHDCND Triều Tiên, 8 nghìn khẩu pháo được bố trí sát gần biên giới và có khả năng khai hỏa vào quân địch đang tiến lên, đủ sức đe dọa thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Từ phía bắc, DMZ được bảo vệ bởi khoảng 300 nghìn binh lính, trên bờ biển phía tây và phía đông có các nhóm khoảng một trăm nghìn lính. Gần biên giới có một mạng lưới hầm trú ẩn, hầm liên lạc và boongke kiên cố. Tuyến phòng thủ này gần như không thể bị phá vỡ, và nếu có thể, thì chỉ với tổn thất rất lớn.
Khu phi quân sự Triều Tiên ở ngoại vi quận Koson-gun
Về phía Hàn Quốc, hai trong ba quân đoàn bộ binh được triển khai ở đó. Xét về số lượng, họ thua kém nước láng giềng, nhưng lại được trang bị tốt hơn nhiều. Ngoài ra, tại Hàn Quốc có ba căn cứ quân sự của Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ cho nước đồng minh trong trường hợp bùng nổ chiến sự. Ví dụ, hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ được bố trí sát DMZ.

Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD)

Trung tâm an ninh quốc gia của Hoa Kỳ là núi Cheyenne - một ngọn núi ba đỉnh phía tây nam thành phố Colorado Springs, Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) ẩn dưới nó. NORAD là bộ phận chịu trách nhiệm bảo vệ không phận của cả Mỹ và Canada. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, giới lãnh đạo chính trị và quân sự sẽ chỉ huy các đơn vị quân đội từ boongke này.
Khu hầm này đã bắt đầu được xây dựng vào năm 1961. Trong ba năm, một hệ thống hang động nhân tạo đã được tạo ra: ba đường hầm được khoan với chiều dài 180 mét (chiều cao - 20, chiều rộng - 15), giao nhau với bốn đường hầm khác (dài 100 mét, chiều cao 17 mét, chiều rộng 10 mét). 15 cấu trúc kim loại được đặt trong các căn phòng, 12 trong số đó là các tòa nhà ba tầng, số còn lại có một hoặc hai tầng. Vỏ ngoài bằng thép dày 9.5mm được hỗ trợ bởi khung thép bên trong. Các toà nhà được bảo vệ khỏi sự di chuyển bởi một hệ thống lò xo khổng lồ, và có thể chịu được động đất hoặc một cuộc tiến công hạt nhân.
Căn cứ NORAD được xây dựng dưới ngọn núi Cheyenne, Colorado
Lối vào "boongke của Ngày tận thế" là đường hầm trong núi trải dài 1,5 km dẫn đến hai cánh cửa dày một mét và nặng 25 tấn. Một hệ thống phòng không đa phương tiện được triển khai trong khu vực lân cận, và các đơn vị an ninh có khả năng chịu được cuộc bao vây kéo dài nhiều ngày.

Các hệ thống cấm tiếp cận (Nga)

Washington đã nhiều lần lập luận rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Nga, nhiệm vụ hàng đầu của Quân đội Mỹ là vô hiệu hóa các khu vực được gọi là Chống tiếp cận/Không cho xâm nhập (A2AD). Đây là cách Lầu Năm Góc gọi các vùng lãnh thổ của đối phương được bao phủ bởi hệ thống phòng không mạnh mẽ, tên lửa chống hạm, các tổ hợp tác chiến điện tử ven biển. Ở Nga, đó là bán đảo Crưm và vùng Kaliningrad. NATO cho rằng, binh lính ở đó sẽ bị tổn thất nặng nề bất hợp lý.
Kaliningrad là trụ sở chính của Hạm đội Baltic, trong khu vực tiển khai các đơn vị quân đội thuộc các quân chủng khác nhau với số quân rất ấn tượng. Ví dụ, các hệ thống tên lửa Iskander được triển khai tại đây có thể đe dọa nhanh chóng tấn công các căn cứ của NATO ở châu Âu và các cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ. Hai lữ đoàn tên lửa phòng không và ba trung đoàn tác chiến điện tử bảo vệ khu vực này khỏi các cuộc tấn công từ trên không.
Các quân nhân trong cuộc diễn tập chiến thuật của lực lượng tên lửa bờ biển thuộc Hạm đội Baltic trên thao trường Khmelevka
Crưm - căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen - được bảo vệ bởi các tổ hợp chống hạm ven biển với tầm bắn lên tới 500 km, chúng có thể vươn tới bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Bất kỳ con tàu nào ở Biển Đen đều là mục tiêu tiềm năng của các tổ hợp này. Ngoài ra, Quân đoàn cơ giới 22 với Sở chỉ huy tại Sevastopol đóng quân tại Crưm. Nó bao gồm trung đoàn tên lửa phòng không số 1096 với các hệ thống phòng không hiện đại để đẩy lùi các cuộc không kích. Các đội hình của Quân đoàn 4 VKS liên hệ chặt chẽ với lực lượng phòng không.

Căn cứ Hải quân Du Lâm (Trung Quốc)

Một trong những cơ sở bí mật nhất của CHND Trung Hoa nằm trên đảo Hải Nam. Báo chí Mỹ lần đầu tiên đưa tin về căn cứ này vào năm 2008, cung cấp hình ảnh vệ tinh cho thấy hai cầu tàu dài 950 mét và bốn cầu tàu nhỏ hơn. Theo các chuyên gia, căn cứ Du Lâm (Yulin) có thể phục vụ hai nhóm tác chiến tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ cùng lúc.
Nhưng, điều thú vị nhất được giấu kín, không thể được chụp từ vệ tinh: cơ sở hạ tầng chính nằm trong các hang ngầm. Theo Lầu Năm Góc, các tàu ngầm hạt nhân chiến lược với 12 tên lửa đạn đạo đang đóng ở đó. Tại căn cứ này có đủ chỗ cho hai chục tàu ngầm.
Đảo Hải Nam và căn cứ Du Lâm thuộc Quân khu phía Nam – quân khu mạnh nhất trong Lực lượng vũ trang Trung Quốc. Không có gì đáng ngạc nhiên, vì Bắc Kinh coi Biển Đông là “sân sau” của mình và phản ứng rất gay gắt trước những nỗ lực của Hoa Kỳ hành động ở khu vực này.
Thảo luận