Cảnh tỉnh giáo dục 'đòn roi', lỗ hổng trong thi hành án ly hôn

HÀ NỘI (Sputnik) - Vụ bé gái 8 tuổi tại TP HCM bị "mẹ kế" hành hạ dẫn đến tử vong là "hồi chuông báo động" cảnh báo tình trạng giáo dục "đòn roi" cũng như những lỗ hổng pháp luật trong thi hành án ly hôn tại Việt Nam hiện nay.
Sputnik
Tọa đàm “Trẻ em trong thi hành án ly hôn: Thực trạng và giải pháp” do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED), Trung tâm Trẻ em và Phát triển (CCD) và Công ty TNHH luật Trường Lộc phối hợp tổ chức mới đây, cho chúng ta thấy được bức tranh rõ nét hơn về thực trạng dùng bạo lực trong giáo dục trẻ em.

Chừng nào còn dùng đòn roi, chúng ta không hề vô can

Sự ra đi đầy thương tâm của bé gái 8 tuổi tại TP HCM có lẽ là hệ quả của một cộng đồng còn cho phép cha mẹ, gia đình hay họ hàng dùng “đòn roi” để giáo dục con cái, dùng roi mây vụt vào đứa trẻ khi chúng không vâng lời. Hay đơn giản, chỉ để đứa trẻ "nể sợ".
‘Ác quỷ đội lốt dì ghẻ’: Công an TP. HCM khởi tố bổ sung tội danh 'Giết người’
Câu nói “yêu cho roi, cho vọt” vẫn còn là cách thức giáo dục khá phổ biến tại các nước Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Theo ý kiến chuyên gia, việc giáo dục hà khắc con cái bằng đòn roi hiện đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Qua vụ việc “giáo dục bằng roi mây, thanh gỗ” đối với bé gái 8 tuổi dẫn đến tử vong vừa qua thì đâu là ranh giới giữa giáo dục và bạo hành?
“Cá nhân tôi không ủng hộ phương pháp lấy đòn roi dạy trẻ em biết sợ, biết nghe lời. Điều đó là không phải. Vì những phương pháp kỷ luật tích cực, dạy trẻ em không cần đòn roi vẫn mang lại hiệu quả rất tốt. Nếu trong bối cảnh hiện nay chúng ta không thay đổi cách giáo dục, thì đây là giới hạn mong manh giữa giữa trẻ em nể sợ và trẻ em câm lặng trước người lớn. Điều này rất nguy hiểm” - Bà Trần Thị Phương Nhung, Chuyên gia về Giới và Phòng chống bạo lực trên cơ sở Giới, chia sẻ với Sputnik.
TikTok - Vì một cộng đồng số an toàn và lành mạnh
Theo bà Nhung, vụ việc bé gái 8 tuổi tại TP. HCM là vụ việc điển hình của bạo lực giới. Một đứa trẻ 8 tuổi không có khả năng bảo vệ mình, không có khả năng chống lại các hình thức bạo hành của người lớn đối với mình, đặc biệt là những người trong gia đình.
“Người gây ra bạo hành cho trẻ lại chính là người nhận nhiệm vụ chăm sóc trẻ hàng ngày. Trong bối cảnh dịch COVID-19, trẻ thực hiện giãn cách xã hội và học online tại nhà lại càng tăng thêm cơ hội, điều kiện cho người gây ra bạo hành” - Bà Nhung phân tích.

Bảo vệ trẻ em không chỉ từ gia đình

Trên toàn quốc, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được truyền thông khá tốt. Đặc biệt ở thành phố lớn như TP. HCM thì việc truyền thông về số hotline trên được triển khai trên tại khắp các trường học. Theo giải thích của chuyên gia, có thể nạn nhân chưa có đủ kỹ năng để tìm kiếm trợ giúp thông qua nền tảng online. Bà Trần Thị Phương Nhung lưu ý:

“Tôi cho rằng giáo dục trẻ gái hay trẻ trai điều đầu tiên cần chú trọng là dạy trẻ biết cách lên tiếng tìm kiếm sự trợ giúp. Thứ hai, các kênh thông tin để trẻ có thể tiếp cận sự trợ giúp. Và kỹ năng này các thành viên trong gia đình, người dân trong cộng đồng cũng phải biết. Nếu người dân trong cộng đồng biết về kênh thông tin này trong trường hợp cháu bé 8 tuổi nêu trên đã im lặng, chấp nhận bị bạo hành. Có những người phụ nữ phát hiện ra, tiếp cận với cháu nhưng cũng không tiếp cận tới các kênh hỗ trợ bởi vì ở đây thể hiện sự thương cảm mang tính chất cá nhân. Tôi cho rằng, việc giáo dục trẻ em ngoài kiến thức ở trường học, sự ngoan ngoãn vâng lời có tính kỷ luật thì phải giáo dục trẻ em có sự tự tin, kỹ năng thoát khỏi nguy hiểm, tiếp cận kênh hỗ trợ của trẻ để đảm bảo trẻ an toàn nhất".

UNICEF lên tiếng, vụ bé gái 8 tuổi bị “dì ghẻ” bạo hành khó “chìm xuồng”?
Chia sẻ với Sputnik quan điểm của mình, bà Phí Mai Chi, chuyên gia về sáng lập và thể nghiệm các ý tưởng về quyền trẻ em cho biết:
“Trong Luật Trẻ em quy định rất rõ trách nhiệm đầu tiên thuộc về gia đình nhưng trách nhiệm tiếp theo là của chính quyền địa phương, của cá nhân xung quanh mà cụ thể là hàng xóm, thầy cô giáo, bạn bè. Đường dây 111 và 113 chính là cơ chế giám sát, ngăn chặn các vụ bạo hành trẻ em. Một lý do nữa giải thích tại sao trường hợp ít người biết đến các kênh trợ giúp này hoặc biết nhưng ít sử dụng đó là thói quen văn hoá của người Việt Nam. Vấn đề này cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bạo hành trẻ em".
Chuyên gia cho biết, bất kỳ người nào lên án tố cáo những trường hợp bạo hành trẻ em hoàn toàn được khuyết danh, thông tin được bảo mật. Ngoài Tổng đài 111, còn có hotline của Tổ công tác xã hội TP. HCM. Đây là những kênh hỗ trợ có tính chất chuyên nghiệp và được bảo vệ.

'Lỗ hổng’ trong thi hành án ly hôn

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số vụ ly hôn sau khi kết hôn chiếm 1,8%, kéo theo số trẻ em sau ly hôn ở với cha hoặc mẹ là con số lớn. Khoảng vài chục nghìn trẻ em xảy ra trường hợp không được gặp cha/mẹ do hai bên không hợp tác chuyển giao quyền nuôi con.
“Đây là kẽ hở của pháp luật. Luật hôn nhân và gia đình quy định ai có quyền nuôi con sau ly hôn. Trên thực tế lại không quy định rõ ràng là bên nuôi phải tạo điều kiện như thế nào, gặp con ở địa điểm nào hay một tuần bao nhiêu giờ để người không được trực tiếp nuôi gặp con. Ngoài ra, không quy định cụ thể cơ quan nào giám sát việc thi hành bản án sau ly hôn trong việc nuôi con" - Luật sư Lê Anh Tuấn, Công Ty TNHH luật Trường Lộc chia sẻ.
Nóng: 'Thiền am’ bên bờ 'vành móng ngựa’
Con số gần 71.000 trẻ em sau ly hôn là số liệu khiến chúng ta phải giật mình quan tâm. Vấn đề đặt ra làm thế nào cho trẻ em phát triển bình thường sau ly hôn còn nhiều trăn trở. Trong đó, có trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự. Luật sư Lê Xuân Hoà, Công ty TNHH luật Trường Lộc cho biết:

“Sau ly hôn, cơ quan thi hành án dân sự sẽ chỉ thực thi hai việc. Một là, đảm bảo tiền trợ cấp hàng tháng nuôi con sau ly hôn theo quy định. Hai là thực hiện việc giao con theo bản án. Tuy nhiên, thực tế tồn tại bất cập ở quy định pháp luật và ở khâu tổ chức thực hiện. Về việc giao con sau ly hôn, cơ quan thi hành án dân sự có bất cập là phạm vi tuyên của Tòa án đôi khi vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự. Bản thân quy định pháp luật của thi hành án dân sự chưa hoàn thiện cộng thêm tinh thần, trách nhiệm của người thực thi pháp luật thì dẫn tới hệ quả là bản án không được thực thi".

Khởi tố, bắt giam người bố bạo hành khiến bé gái 6 tuổi tử vong
Rất nhiều trường hợp tranh giành quyền nuôi con hoặc gây trở ngại cho bên không được nuôi con diễn ra. Có nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm trời chưa được giải quyết do vướng về mặt thủ tục pháp lý. Theo Luật sư Hòa, việc giao con càng đơn giản bao nhiêu, càng hiệu quả bấy nhiêu. Luật sư Lê Xuân Hoà góp ý:
“Nếu hết thời gian tự nguyện giao con mà người đó chưa thực hiện thì sẽ bị phạt. Và ngay sau đó trách nhiệm hình sự được đặt ra với người đó. Chúng ta nên quy định đầu mối, không thể để tình trạng hiện nay thực hiện việc uỷ thác. Tức là nơi nào xử sơ thẩm, cơ quan thi hành án nơi xử sơ thẩm có trách nhiệm thi hành đến cùng việc đó. Bất cứ là người đó đi đâu, đăng ký tạm trú ở đâu, thậm chí ra nước ngoài. Nếu thi hành theo hướng đó thì cơ quan thi hành án rất thuận lợi".
Vụ việc của bé gái 8 tuổi tại TP. HCM là một lời nhắc nhở không chỉ các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ trẻ em, mà còn cả cộng đồng xung quanh về việc lên tiếng với hành vi đó. Ngoài ra, việc hoàn thiện pháp luật là cần thiết, đặc biệt trong thi hành án sau ly hôn để bảo vệ quyền lợi của trẻ em.
Thảo luận