Việt Nam ở đâu trong chiến lược Trung Quốc +1?

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc đua để trở thành cứ điểm sản xuất tiềm năng nhất, phù hợp với chiến lược “Trung Quốc+1”, cạnh tranh trực tiếp cùng Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Malaysia?
Sputnik
Việt Nam được đánh giá là điểm đến phù hợp cho các doanh nghiệp điện tử không đòi hỏi công nghệ quá cao trong dây chuyền sản xuất, hoặc lao động tay nghề cao với chi phí vận hành bình quân thấp.

Việt Nam trong cuộc đua thành cứ điểm sản xuất thay thế Trung Quốc

Vừa qua, Công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương TMX đã công bố báo cáo mới nhất với tiêu đề “Sự dịch chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng – cận cảnh chi phí kinh doanh ở châu Á”.
Báo cáo này cho thấy bức tranh toàn cảnh về chi phí nhân công lao động, một trong những yếu tố quyết định đến làn sóng chuyển dịch sản xuất trên toàn cầu hiện nay cũng như những đánh giá khách quan về thế mạnh và hạn chế của Việt Nam trong cuộc đua cạnh tranh trở thành “miền đất hứa” của các gã khổng lồ thế giới.
Việt Nam có là ‘kỳ phùng địch thủ’ của Trung Quốc để thành công xưởng sản xuất thế giới?
Báo cáo của TMX được triển khai trong bối cảnh các doanh nghiệp đang thúc đẩy đổi mới đa dạng hóa các địa điểm sản xuất và mở rộng hoạt động sang các thị trường mới ở châu Á trước sự ra đời của chiến lược “Trung Quốc + 1” – cứ điểm sản xuất mới tiềm năng và phù hợp nhất bên ngoài Trung Quốc.
Do đó, để các “đại bàng” – những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới lựa chọn Việt Nam hay Ấn Độ làm “cứ điểm thay thế” bên ngoài Trung Quốc theo chiến lược Trung Quốc + 1, có rất nhiều yếu tố cần được tính đến, trong đó bao gồm cả điểm năng lực cạnh tranh quốc gia hay chi phí vận hành trung bình ở các nước châu Á.
Báo cáo của TMX cung cấp thông tin chuyên sâu về chi phí kinh doanh trung bình ở châu Á và khả năng cạnh tranh trong cuộc đua để trở thành địa điểm sản xuất tiềm năng nhất của 9 quốc gia bao gồm Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan (bên ngoài Trung Quốc).
TMX cho rằng, cân đối giữa nhu cầu của doanh nghiệp với môi trường hoạt động là chìa khóa trong việc kiểm soát chi phí kinh doanh ở châu Á.
Công ty tư vấn chuyển đổi kinh doanh này nêu rõ, để đưa ra được quyết định xây dựng một cơ sở sản xuất mới ở địa điểm nào tại thị trường nước ngoài, điều then chốt là các doanh nghiệp phải hiểu được mình đang ở giai đoạn nào của chuỗi giá trị sản xuất.
Theo chuyên gia Megan Benger, Giám đốc về Chuỗi cung ứng tại TMX, đồng thời cũng là đồng tác giả của báo cáo, cho biết những kết quả nghiên cứu đã làm nổi bật hơn tính đa dạng của các thị trường ở châu Á.
“Mỗi thị trường mang lại những lợi thế và hạn chế khác nhau nên các doanh nghiệp phải thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn của mình trước khi đặt cơ sở tại một địa điểm nhất định”, bà Megan Benger bày tỏ.
Giám đốc về Chuỗi cung ứng tại TMX cho hay, khi tư vấn cho các doanh nghiệp, tổ chức này nhận thấy họ thường hiểu rõ về nơi họ muốn đặt cơ sở sản xuất tại châu Á.
Chuỗi sản xuất sẽ không rời khỏi Việt Nam để quay lại Trung Quốc
Tuy nhiên, những phát hiện trong báo cáo của TMX cho thấy tầm quan trọng của bước đầu là đánh giá nhu cầu và mục tiêu của doanh nghiệp trước khi quyết định địa điểm.
“Hiểu được những điều này là chìa khóa để giúp các doanh nghiệp điều chỉnh sự chênh lệch về chi phí và điều kiện của các quốc gia khác nhau ở châu Á để từ đó đưa ra quyết định có lợi cho đơn vị mình”, bà Benger lưu ý.
Theo vị chuyên gia, mặc dù hiện nay có rất nhiều thông tin trực tuyến về các thị trường khác nhau ở châu Á, nhưng những thông tin này đôi khi có thể mâu thuẫn hoặc bị lỗi thời. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng kinh nghiệm và kiến thức cập nhật từ các đối tác sở tại để có thể xác định hướng đi tốt nhất.
Bên cạnh chi phí hoạt động trực tiếp, các doanh nghiệp cũng phải xem xét các yếu tố định tính như môi trường kinh doanh để có cái nhìn rõ ràng hơn về thị trường mà họ đang tìm kiếm để thiết lập hoặc mở rộng.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy rằng mặc dù các thị trường ở châu Á hầu như ngang bằng nhau khi xét về khía cạnh định tính nhưng vẫn tồn tại sự khác biệt đáng kể giữa các thị trường”, chuyên gia chỉ rõ.

Việt Nam ở đâu trên bản đồ nhân lực khu vực?

Để đánh giá khả năng Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào khác có thể cạnh tranh trở thành cứ điểm tiềm năng – trung tâm sản xuất mới của thế giới bên ngoài Trung Quốc, điểm năng lực cạnh tranh quốc gia là một yếu tố quan trọng.
Việt Nam thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, Trung Quốc có lý do để lo sợ
Theo nghiên cứu của các chuyên gia TMX, bên cạnh chi phí hoạt động trực tiếp, doanh nghiệp cũng cần phải xem xét các yếu tố định tính để có một cái nhìn đầy đủ về các quốc gia nhằm đưa ra lựa chọn tối ưu nhất.
Do đó, các quốc gia cũng được đánh giá dựa trên điểm năng lực cạnh tranh được tính toán từ bốn chỉ số chính.
1.
Môi trường kinh doanh: Đo lường mức độ dễ dàng kinh doanh và mức độ tăng trưởng kinh tế bình quân
2.
Hiệu suất nhân tài: Quy mô lực lượng lao động và khả năng cạnh tranh của nhân lực lao động
3.
Hiệu suất hậu cần: Đo lường năng lực hậu cần, hiệu quả hải quan, tính kịp thời và kết nối vận chuyển
4.
Sẵn sàng cho quá trình số hóa: Đánh giá năng lực sản xuất và sự sẵn sàng cho chuyển đổi kỹ thuật số
Khi đặt lên bàn cân so sánh với 8 quốc gia khác như Singapore, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Ấn Độ, Campuchia, thì Việt Nam được coi là điểm đến phù hợp cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như điện tử không đòi hỏi công nghệ quá cao trong sản xuất hoặc lao động có tay nghề cao với chi phí vận hành bình quân thấp nhất trong khu vực, chỉ cao hơn Campuchia và Myanmar.
Tổng chi phí vận hành trung bình của Việt Nam dao động từ 79.280 USD đến 209.087 USD mỗi tháng.
Cần lưu ý rằng, trong ba giai đoạn của chuỗi giá trị sản xuất gồm có: dây chuyền lắp ráp cơ bản, đang phát triển chuỗi cung ứng và tự động hóa sớm thì Việt Nam được xếp vào giao điểm của hai giai đoạn đầu tiên cùng với Indonesia và Philippines.
Căn cứ vào dữ liệu mà TMX công bố, các nước trong giai đoạn đầu (dây chuyền lắp ráp cơ bản) gồm Campuchia, Myanmar là các địa điểm phù hợp để đặt nền móng cơ sở sản xuất, tương ứng với những doanh nghiệp trong các lĩnh vực không đòi hỏi công nghệ cao điển hình như dệt may.
Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm sản xuất của Apple
Sangapore cũng không có tên trong danh sách 9 nước tham gia cuộc đua thành cứ điểm sản xuất mới cho chiến lược Trung Quốc +1 do chi phí cao, gấp đôi chi phí của quốc gia đắt đỏ ở vị trí thứ hai, và khả năng cạnh tranh tổng thể của đảo quốc Sư tử. Do đó, Singapore trở thành lựa chọn hàng đầu cho các công ty sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn liên quan đến các quy trình phức tạp và yêu cầu tự động hóa cao như các ngành ITC, công nghệ blockchain, AI, BigData.
Báo cáo của TMX cũng cho thấy, Việt Nam đứng thứ 5 về số điểm cạnh tranh so với các quốc gia khác xét về các lĩnh vực môi trường kinh doanh, nhân tài, hậu cần và số hóa. Xếp hạng chung, Việt Nam đứng sau Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Thái Lan.
Liên quan đến chi phí nhân công lao động (vốn chiếm trung bình tới 55% tổng chi phí của các quốc gia), Việt Nam được xếp hạng là thị trường có giá cả hợp lý đứng thứ tư sau Campuchia, Myanmar và Philippines với tổng chi phí nhân công trung bình là 108.196 USD mỗi tháng. Đây là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến Việt Nam – quốc gia trên 97 triệu dân, với tỷ lệ dân số trẻ cao, chi phí nhân công rẻ.
Theo báo cáo của TMX, Singapore có chi phí nhân công cao nhất lên tới 526.035 USD/tháng, tiếp đó là Malaysia 161.680 USD mỗi tháng, Thái Lan 151.172 USD/tháng, Ấn Độ 126.685 USD/tháng, Indonesia xếp ngay trên Việt Nam với mức trung bình là 121.904 USD/tháng.
Chi phí nhân công rẻ hơn Việt Nam có Philippines: 104.515 USD một tháng, Myanmar 62.533 USD/tháng và Campuchia chỉ 56.967 USD/tháng.
Đánh giá về chi phí thuê kho, yếu tố chiếm chi phí lớn thứ hai trong tổng chi phí của các quốc gia, Việt Nam được xếp hạng là thị trường có giá cả hợp lý thứ tư với giá thuê trung bình là 5 USD/m2/tháng, xếp sau Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Láng giềng của Việt Nam- Campuchia là rẻ nhất chỉ với 2,54 USD/m2/tháng.
Việt Nam sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp mới của châu Á
Về chi phí hậu cần, Việt Nam được xếp vào nhóm thị trường có “tiềm năng cao”, nghĩa là quốc gia có chi phí hậu cần tương đối cao hơn nhưng có khả năng mở rộng hoạt động hậu cần tốt.
Theo các chuyên gia của TMX, để xác định khía cạnh này, các quốc gia được đánh giá thông qua hai yếu tố chi phí vận chuyển quốc tế mỗi tháng của hậu cần và số điểm hiệu quả hoạt động hậu cần của quốc gia đó.
Về tiện ích và viễn thông (chiếm khoảng 16% tổng chi phí ở hầu hết các quốc gia), Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có chi phí điện thoại hợp lý nhất trong khi Campuchia có chi phí cao nhất.
Báo cáo của TMX sẽ là cơ sở quan trọng không chỉ cho giới nhà đầu tư mà đối với cả cơ quan quản lý, các nhà điều hành chính sách.

Nâng cao nguồn nhân lực để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia

Như Sputnik đã thông tin vừa qua, Việt Nam được đánh giá lọt top 20 nước dẫn đầu toàn cầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI năm 2021 nhờ rất nhiều lợi thế cạnh tranh như nền chính trị ổn định, chính sách thu hút đầu tư cởi mở, ưu đãi thuế lớn, nguồn nhân lực dồi dào và chi phí nhân công hợp lý.
Năm 2021, thu hút FDI của Việt Nam tăng trên 9,2%, đạt hơn 31,15 tỷ USD so với cùng kỳ 2020 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cho thấy niềm tin vững chắc và sự lạc quan của các nhà đầu tư đối với đất nước.
FDI Việt Nam 2022: Tiền đến, tiền đi đều có thể lạc quan
Đặc biệt, Chính phủ và Nhà nước cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, nhằm tận dụng thời cơ giai đoạn dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao vào top đầu ASEAN, tiếp cận trình độ các nước phát triển nhóm G20 và thế giới.
Việt Nam đặt mục tiêu, phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Đến năm 2025, bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.
Ngoài ra, đến năm 2030, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại. Đồng thời, chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.
Việt Nam cũng muốn có một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%.
FDI: Có lý do để nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót tiền vào Việt Nam
Định hướng đến năm 2045, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
“Việt Nam quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới”, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký nêu rõ.
Thảo luận