Tí nghiệp vụ mà muốn đối phó cả ngành: Phát biểu ‘gây sốt’ ông Lê Minh Trí

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí vừa có loạt phát biểu ‘gây sốt’, theo đúng tinh thần chỉ đạo về công tác cán bộ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sputnik
Ông Lê Minh Trí cho rằng, làm lãnh đạo phải biết tôn trọng dân, lãnh đạo không nghiêm thì không nên làm lãnh đạo, hay xử cán bộ đau lắm nhưng vẫn phải làm.
Liên quan đến vụ việc ông Tạ Hoàng Phi sàm sỡ nhân viên cấp dưới, ông Lê Minh Trí cho biết, Viện trưởng VKSND thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh, đã nhận sai và xin lỗi. Ông Trí còn nhấn mạnh, “có tí nghiệp vụ mà muốn đối phó cả ngành”.

“Tí nghiệp vụ mà muốn đối phó cả ngành”

Tại Hội nghị triển khai công tác ngành kiểm sát năm 2022 tại Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao đã có nhiều phát biểu gây ấn tượng mạnh.
Bàn về công tác cán bộ, đạo đức cán bộ, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong nội bộ ngành kiểm sát theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như lãnh đạo Nhà nước, ông Lê Minh Trí cho rằng, xử lý cán bộ có sai phạm trong ngành bị tố cáo phải làm “có tâm và đặc biệt chặt chẽ”.
Ông Lê Minh Trí bất ngờ nói về vụ Đồng Tâm và chiêu trò phản động chống phá Việt Nam
“Có đơn tố cáo đúng thì phải xử lý cán bộ, đơn tố cáo sai thì phải trả lại sự trong sạch cho cán bộ”, ông Trí thẳng thắn.
Trước đó, tại Hội nghị về xây dựng chỉnh đốn Đảng hôm 9/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu, công tác cán bộ phải luôn được tiến hành hết sức tỉ mỉ, nghiêm túc, thận trọng, làm đâu, chắc đó. Tránh làm qua loa, hình thức, chiếu lệ cho có. Đặc biệt là phải khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau.
“Đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác”, Tổng Bí thư nói.
Tại Hội nghị ngành kiểm sát ngày 14/1, ông Lê Minh Trí đã dẫn chứng vụ việc của ông Tạ Hoàng Phi, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, bị tố cáo có hành vi sàm sỡ cấp dưới.
Theo ông Trí, ban đầu khi chị P.T.V.V, sinh năm 1995, chuyên viên của VKSND thị xã Trảng Bàng tố cáo ông Tạ Hoàng Phi đã có hành vi không đúng mực, sàm sỡ mình, thì lãnh đạo VKSND Trảng Bàng ngay lập tức phủ nhận và chậm báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao về vấn đề này.
Ông Trí nêu rõ, ngay sau khi biết vụ việc, đích thân Viện trưởng VKSND Tối cao đã chỉ đạo nhanh bằng hai văn bản và cử thanh tra của VKSND Tối cao vào làm việc ngay.

“Khi lãnh đạo VKSND tỉnh Tây Ninh báo cáo còn có hiện tượng chống chế, tôi nói nếu không thành thật thì vụ việc này không để Công an tỉnh Tây Ninh và VKSND tỉnh Tây Ninh làm, mà chuyển về Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an và vụ 2 VKSND Tối cao sẽ nghiên cứu hồ sơ và kiến nghị khởi tố”, ông Trí nhấn mạnh.

Chỉ khi đó, ông Tạ Hoàng Phi mới có đơn nhận sai và xin lỗi. Hiện vụ việc đang được xem xét xử lý đúng quy định.
Viện trưởng Lê Minh Trí: Không thể quy kết người ta tội phản quốc
Ông Lê Minh Trí cho biết, Viện trưởng VKSND Trảng Bàng thừa nhận đã sai khi có ăn nhậu, mất kiểm soát, nên các bước tiến hành xử lý đang được thực hiện để đánh giá, đưa ra biện pháp phù hợp.
Lãnh đạo VKSND Tối cao nêu rõ, trong trường hợp này, nếu ông Phi còn tiếp tục ngoan cố, không chịu nhận sai, sẽ bị xem xét khởi tố. Ông Lê Minh Trí cho rằng, cán bộ hư hỏng như thế là do “ăn nhậu vào”.
“Có tí nghiệp vụ mà đòi đối phó với cả ngành”, ông Trí nhấn mạnh.
Là lãnh đạo cơ quan kiểm sát Tối cao của Việt Nam, ông Lê Minh Trí cũng chia sẻ, khi phải xử lý cán bộ, đều rất đau lòng. Tuy nhiên, theo Viện trưởng Trí, làm cán bộ thì cần phải có trái tim, nếu đây chỉ là tai nạn rủi ro, thì có thể chia sẻ.
Nhưng đây chưa bao giờ là công việc dễ dàng, vì “làm lãnh đạo mà không nghiêm thì không nên làm lãnh đạo”.
“Lãnh đạo thì phải biết tôn trọng dân. Mỗi lần xử cán bộ đau lắm, nhưng không thể bỏ qua vì bỏ qua thì cán bộ dễ sai lắm”, ông Lê Minh Trí thừa nhận.

Vụ Viện trưởng VKSND Trảng Bàng sàm sỡ nữ cán bộ cấp dưới

Liên quan đến vụ ông Tạ Hoàng Phi, Viện trưởng VKSND Trảng Bàng, Tây Ninh bị tố cáo có hành vi thiếu chuẩn mực, sàm sỡ chị P.T.V.V. (chuyên viên VKSND thị xã Trảng Bàng, sinh năm 1995), nạn nhân đã có đơn gửi các cơ quan hữu quan.
Trong đơn tố cáo ông Phi, chị V. trình bày tối 19/10/2021, Viện trưởng Tạ Hoàng Phi tổ chức uống bia tại trụ sở cùng với 5 người trong cơ quan nên gọi chị V. xuống ăn, Được biết, chị V. ở lại nội trú tại cơ quan.
Việt Nam: Đề nghị làm rõ việc ép cung của điều tra viên VKSND Tối cao vụ Chánh án tự tử
Sau đó, chị V. ngồi được 30 phút thì xin phép về phòng nghỉ ngơi. Một lúc sau, ông Tạ Hoàng Phi đã gọi chị V. vào phòng để nhờ nữ cán bộ này giúp “bắt gió”.
Đơn tố cáo nêu rõ, tại đây, ông Phi có những cử chỉ thiếu chuẩn mực, sàm sỡ, sờ soạng vào vùng nhạy cảm, đòi quan hệ tình dục với chị V.
Chống cự lại và hoảng sợ nên chị V. cắn lưỡi thì ông Phi mới bỏ ra, chị V. bỏ chạy về phòng.
Đến ngày 31/10/2021, chị V. gửi đơn tố cáo đến VKSND tỉnh Tây Ninh. Hiện VKSND tỉnh Tây Ninh đang giải quyết đơn tố cáo theo quy định.
Đặc biệt, ngay sau khi biết thông tin này, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí ký công văn số 59/CV-VKSTC hỏa tốc gửi Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh yêu cầu xác minh, làm rõ sự việc.
Công văn của Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá, sự việc chị P.T.V.V. tố cáo ông Tạ Hoàng Phi có hành vi không chuẩn mực xảy ra đã lâu (từ ngày 19/10/ 2021).
Tuy nhiên đến thời điểm lãnh đạo VKSND Tối cao ra công văn, VKSND Tây Ninh vẫn không thể hiện rõ các biện pháp xử lý, giải quyết vụ việc.
Thảo luận 2 dự án luật, VKSND tối cao đề nghị cần quy định rõ thời hạn tạm đình chỉ điều tra
Đơn vị này cũng được xác định đã chậm báo cáo với Viện trưởng VKSND Tối cao, mặc dù vụ việc rất nghiêm trọng và nhạy cảm, bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, tổ chức và ngành kiểm sát.
“Lý do vì sao đến ngày 12/12/2021 khi có yêu cầu mới báo cáo. Cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của đồng chí Viện trưởng và những người được phân công (nếu có)”, công văn của ông Trí nhấn mạnh.
Cùng với đó, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí yêu cầu Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh báo cáo rằng “đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa? Có tuân thủ đúng trình tự giải quyết đơn tố cáo hay không?”.
Ngoài ra, Viện trưởng VKSND Tối cao còn yêu cầu làm rõ tại sao Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh không kịp thời báo cáo Viện trưởng VKSND Tối cao vụ việc nghiêm trọng này.
Lãnh đạo VKSND Tối cao nhận được đơn tố cáo kèm các chứng cứ liên quan, đã quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác với ông Tạ Hoàng Phi.

Tội phạm kinh tế tham nhũng tăng

Báo cáo tại Hội nghị, VKSND TP.HCM cho biết, năm 2021, tình hình tội phạm tại địa bàn có diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung có chiều hướng giảm so với năm 2020.
Nguyên nhân giảm do thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Lý giải dân chủ quanh việc tham nhũng ở Việt Nam tăng
Cụ thể, cơ quan kiểm sát thành phố đã khởi tố hơn 8.300 vụ án hình sự, giảm 1.681 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giảm nhiều nhất là các tội trộm cắp, cướp giật, cố ý gây thương tích.
Báo cáo của VKSND TP.HCM cũng lưu ý, một số loại hình tội phạm khác gia tăng, điển hình như tội phạm kinh tế, môi trường, tham nhũng và chức vụ, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng, qua điện thoại cũng tăng lên.
Đơn vị đã khởi tố 24 vụ án về tham nhũng và chức vụ, tăng 9 vụ, trong đó tham ô tài sản chiếm 14 vụ. VKSND TP.HCM cũng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử năm vụ với 39 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. 3 vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo do VKS Tối cao phân công. 3 vụ do Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM theo dõi, đôn đốc, yêu cầu xử lý.
Báo cáo cũng nêu rõ, năm 2021, tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung là 10,44%, tăng 3,54% so năm 2020.
“Nguyên nhân trả là do hết thời hạn điều tra, cơ quan điều tra chưa hoàn thiện được đầy đủ hồ sơ vụ án do không triệu tập được người trong khu vực cách ly, phong tỏa, Viện Kiểm sát truy tố chuyển hồ sơ đến tòa nhưng không xét xử do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, báo cáo nhấn mạnh.
Đánh giá cao những nỗ lực của VKSND TP.HCM, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, tội phạm về tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng như Trung Quốc, ở Việt Nam đề nghị không bỏ án tử hình tội tham nhũng
Do đó, ông Trí yêu cầu việc quan trọng hàng đầu là xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đủ bản lĩnh, trình độ nghiệp vụ (nhất là không thoái hóa biến chất).
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, năm qua, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử án hình sự tiếp tục được nâng cao. Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp thuộc thành phố thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Ông Mãi yêu cầu, VKSND TP.HCM cần tiếp tục đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội toàn thành phố. Cùng với đó, phải kịp thời xử lý nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, được dư luận quan tâm, tập trung giải quyết tốt các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực chỉ đạo xử lý.
Thảo luận