Gần đây trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh biển xe ô tô màu xanh đặc biệt. Ngoài nền chữ trắng ở giữa, hai bên rìa biển số là biểu phía góc trái biển số là hình quốc kỳ và kèm chữ VN, bên góc phải là mã QR và hình số 19 (năm cấp biển số). Phần dưới cùng biển số là dòng chữ “Biển xe thử nghiệm của Cục CSGT”.
Tích hợp công nghệ để dễ quản lý
Cục Cảnh sát giao thông (C08) thuộc Bộ Công an là đơn vị chịu trách nhiệm về việc thay đổi, điều chỉnh trên.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT đã xác nhận thông tin và cho biết, đơn vị đang nghiên cứu biển số ô tô mới với một số thay đổi, trong đó có gắn mã QR code, in hình quốc kỳ và năm sản xuất xe.
“Việc xây dựng này cũng nhằm hướng đến mục tiêu chuẩn hóa kỹ thuật, trong đó có khắc phục tình trạng một số tài xế dán biển số để tránh phạt nguội. Với biển số mới này, tài xế có che biển số thì hệ thống máy camera và máy quét mã QR vẫn đọc được biển số đã cấp cho xe” - Đại tá Đỗ Thanh Bình thông tin đến báo chí.
Hiện tại biển số mới đang nằm trong giai đoạn nghiên cứu. Cơ quan chức năng sẽ xin ý kiến các cấp và đảm bảo sự đồng thuận của người dân.
Phản ứng trái chiều của dư luận
“Ngoài chủ trương vẽ thêm quốc kỳ, mã QR, trên thế giới, tôi chưa thấy nước nào có đến 4 loại biển số xe trắng, xanh, đỏ, vàng như Việt Nam”.
Đây là ý kiến của ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về đề án thử nghiệm gắn mã QR code và Quốc kỳ của C08, Bộ Công an.
Theo ý kiến của vị nguyên Chánh văn phòng, chức năng chính của biển số là định danh chiếc xe đó có số sê-ri nhận dạng, cấp khi nào và CSGT địa phương nào cấp. Về cơ bản, các thông tin này là đầy đủ cho một biển số xe.
“Nếu áp dụng công nghệ, phương thức mới thì nên triển khai trên hệ thống quản lý kho số, máy móc, thiết bị” - Ông Thanh bổ sung.
Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, việc cơ quan cấp và quản lý biển số xe lưu thông trên đường đưa ra các biện pháp để theo dõi, quản lý hiệu quả biển số xe là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc thay đổi liên tục như vậy sẽ gây phiền phức cho người dân.
“Trong vòng hơn 1 năm, biển số xe đã đổi, điều chỉnh đến 2 lần. Tháng 8/2020 đổi sang biển phông chữ mới, hình dáng biển nhỏ hơn; 31/12/2021 ô tô kinh doanh vận tải phải đổi biển trắng sang biển màu vàng. Nay tiếp tục điều chỉnh, thay đổi tiếp là quá vô lý” - Ông Nguyễn Văn Quyền ý kiến.
Gánh nặng kinh tế, không hiệu quả
Ông Quyền còn cho biết thêm, chi phí thay đổi biển mới sẽ là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong lúc kinh tế bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
“Chưa nói đến tư duy, tầm nhìn của cơ quan quản lý nhưng mỗi lần như vậy thì gây rất nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vận tải. Cùng với đó, với chi phí từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng/lần đổi biển số, hiện cả nước có khoảng 4 triệu ô tô, chi phí xã hội mất cho việc này là quá lớn” - ông Quyền nhận định.
Với Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, nguyên Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho rằng, ở góc độ hình thức và mỹ quan, việc gắn quốc kỳ và mã QR lên biển số phương tiện tham gia giao thông khó mang lại hiệu quả quản lý trên lĩnh vực này.
“Quốc kỳ thường được treo, in ở nơi tôn nghiêm, trang trọng, nay in ở phần gần gầm xe, đuôi xe - vị trí thường dính nhiều bùn đất, dầu mỡ là điều cần xem xét lại; với mã QR, khi xe lưu thông vào trời mưa, bùn đất dưới đường bắn lên, liệu camera có quét được. Xe được cấp biển số ở Việt Nam, lưu thông trong lãnh thổ Việt Nam, việc gắn quốc kỳ lên biển số xe để nhằm mục đích gì?” - Thượng tá Nguyễn Văn Tòng băn khoăn.