Những nội dung đó sẽ được đề cập trong bài tổng quan truyền thống «Việt Nam trên báo chí nước ngoài» của Sputnik.
Ca nhiễm Omicron đầu tiên tại Việt Nam
Hãng thông tấn Reuters đưa tin ghi nhận những trường hợp nhiễm biến chủng virus Omicron đầu tiên tại Việt Nam.
Ấn bản New Straits Times của Malaysia dẫn phản ứng của Việt Nam trước cáo buộc của báo chí Trung Quốc về việc đóng các tàu cá cỡ lớn, được trang bị và vũ trang đầy đủ, tạo ra lực lượng cảnh sát biển. Bộ Ngoại giao Việt Nam bác bỏ những luận điệu này và tuyên bố rõ, Việt Nam đang làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, phù hợp với pháp lý quốc tế.
Tờ Khmer Times của Campuchia tường thuật sự kiện đáng chú ý - trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức hai ngày tới quốc gia láng giềng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã tặng quà cho các kiều bào là người Campuchia gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn.
Nội lực của Hải quân Việt Nam ngày càng lớn mạnh
Tạp chí Nga Avia.pro viết về ý nghĩa quan trọng của tàu tuần tra «Gepard» đề án 11661, được cải tiến và điều chỉnh đặc biệt dành cho nhu cầu của Hải quân Việt Nam. Các tàu chiến do Nga sản xuất có khả năng tiêu diệt cả một nhóm tấn công hàng không mẫu hạm. Tính đến thực tế là trong tương lai gần CHXHCN Việt Nam dự định đặt mua các tàu chiến và tàu ngầm khác từ Nga, rõ ràng sức mạnh của đất nước trên biển khơi sẽ tăng lên đáng kể.
Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế tuần hoàn khép kín
Tờ Global Times đưa tin chi tiết về biện pháp hỗ trợ các cư dân bị thiệt hại vì đại dịch coronavirus và khôi phục kinh tế bằng gói kinh phí 15 tỷ USD mà Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 11 tháng 1. Trong số những biện pháp trực tiếp hơn cả, có động thái giảm thuế giá trị gia tăng, sẽ dẫn đến giảm giá, giảm chi phí trả thuê nhà của người lao động, hỗ trợ kinh doanh, thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.
Còn HRM Asia thông báo rằng Tổ chức Lao động Quốc tế dự kiến tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng lên 1,3 triệu người vào năm 2022, cao hơn mức 1,2 triệu người đăng ký vào năm 2021. Trong số các nước Đông Nam Á, về bình diện này Việt Nam đứng thứ hai sau Indonesia, và nguyên nhân là dịch bệnh COVID-19. Số lượng lao động phi chính thức tăng vọt vào năm 2020 trái ngược với xu thế giảm trong những năm gần đây, - ấn phẩm nhận xét.
Tờ Vietnam Briefing dành hẳn bài viết dài kể câu chuyện của nền kinh tế tuần hoàn khép kín mà Việt Nam đang chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính. Những sửa đổi của chính quyền Việt Nam với Luật Bảo vệ Môi trường hướng tới tăng cường trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất và nhập khẩu đối với khâu chế biến sản phẩm. Hiện tại, khoảng 85% chất thải tại Việt Nam chỉ thuần tuý đưa vào các bãi chôn lấp mà không hề xử lý, gây những thiệt hại to lớn cho môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn giúp hạ thấp mức sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm chất thải thông qua xử lý và tái sử dụng.
Báo The Star của Malaysia viết về dự định của Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc - tăng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Malaysia lên 20 tỷ USD vào năm 2025 so với 12,5 tỷ USD trong năm ngoái.
Tờ Dawn của Pakistan viết về nguyên nhân tạo nên "phép màu kinh tế Việt Nam", mà Pakistan muốn làm theo. Trong các nguyên nhân đó bao gồm tự do hóa thương mại, cải cách trong nước và rót đầu tư khổng lồ vào vốn tư bản con người và xã hội.
Cổng thông tin Metal Info của Nga cung cấp dữ liệu về sản lượng thép quốc gia ở Việt Nam tăng 16% và sản lượng thép cuộn thành phẩm tăng 19%, cũng như mức tiêu thụ thép trong nước giảm sút do tình trạng đóng cửa cách ly nghiêm khắc ở những đô thị lớn nhất. Xuất khẩu thứ kim loại này tăng 32,9% so với năm trước và lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu thép ròng.
Trong khi đó SP Global viết về việc giảm xuất khẩu dầu thô từ Việt Nam trong năm 2021 do những khó khăn trong hoạt động của các bến và cảng dầu chính từ hệ quả mà dịch bệnh COVID-19 gây ra. Nhưng tổng sản lượng khai thác dầu mỏ của Việt Nam cho phép lạc quan là sẽ dẫn đến sự hồi sinh của các lô hàng dầu ngọt nhẹ và khí ngưng tụ condensate cũng như các nhà thầu vào năm 2022.
Như trang The Fish site đưa tin, lần đầu tiên xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt mốc 1 tỷ USD trong một năm. Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm 28% tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản này của đất nước châu Á.
Hãy kết hôn tại Việt Nam
Hàng loạt tờ báo của các nước ngoài dành sự quan tâm cho ngành du lịch Việt Nam. Asgam viết về dự định của Chính phủ nhằm dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế biên giới vào ngày 30 tháng 4.
Còn FTN News thông báo tin xây dựng khách sạn thượng hạng Fairmont Hanoi ở trung tâm thủ đô Việt Nam. Thiết kế kiến trúc và nội thất của khách sạn là kết quả của quá trình nghiên cứu sâu rộng về văn hóa và lịch sử đất Thăng Long ngàn năm văn vật, sẽ sử dụng đồ sơn mài, phong cách Đông Dương từ thời Pháp và những họa tiết truyền thống từ thời đế chế hưng thịnh của Việt Nam.
Còn tờ South China Morning Post thì kể rằng đảo Ngọc-Phú Quốc của Việt Nam đang được quảng bá ở Ấn Độ như là địa điểm lý tưởng để tổ chức đám cưới cho tầng lớp trung lưu và giới nhà giàu Ấn Độ. «Dưới góc độ chi phí, thì rẻ hơn nhiều so với ở Ấn Độ cho một khu nghỉ mát hoặc khách sạn tương tự. Các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam thực sự xứng đáng về mọi dịch vụ cung cấp cho du khách», - tờ báo trích dẫn nhận xét của du khách Ấn Độ sau khi thăm Việt Nam.
Hổ vàng - biểu tượng của niềm hy vọng thành công
Người Việt Nam đã trải qua một năm khó khăn, và tất cả gửi gắm nhiều hy vọng vào năm Nhâm Dần sắp tới. Trước Tết, hàng nghìn tác phẩm điêu khắc hổ bằng đồng mạ vàng 24 karat đã xuất hiện trong các cửa hàng lưu niệm cao cấp ở Hà Nội, có giá từ 300 USD đến 3.000 USD, - France24 cho biết. Trong dân chúng có niềm tin rằng năm Dần sẽ mang lại sức mạnh và sự thịnh vượng, và việc sắm về bức tượng hổ oai vệ đắt tiền bao hàm niềm hy vọng cải thiện cuộc sống trong năm tới cho gia đình và đất nước.