Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thương mại Việt – Mỹ đạt kỷ lục mới, lần đầu tiên cán mốc lịch sử cả gần trăm tỷ đô.
Xuất khẩu điện thoại “Made in Vietnam” đạt kỷ lục
Tổng Cục Hải quan đã có báo cáo về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 12/2021 và 12 tháng cả năm 2021, qua đó ghi nhận nhiều con số kỷ lục.
Trong số đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD (tăng 23%), xuất khẩu sang Mỹ đạt 9,69 tỷ USD (tăng 10,3%), xuất khẩu sang 27 nước EU đạt 7,89 tỷ USD (giảm 9,1%).
Kim ngạch xuất khẩu của điện thoại 'Made in Vietnam' đã đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, dẫn đầu trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, nhóm sản phẩm xuất khẩu đứng thứ hai là hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 50,83 tỉ USD.
Năm 2010, xuất khẩu điện thoại và linh kiện chỉ ở mức 2,3 tỷ USD. Sau đó 5 năm, con số này đã tăng 13 lần, đạt 30,2 tỷ USD và duy trì tăng trưởng liên tục. Hiện kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã tăng 25 lần so với năm 2010.
Tại Việt Nam, Samsung hiện đang là tập đoàn sản xuất điện tử, điện thoại có quy mô lớn nhất. Mặc cho đại dịch Covid-19, ngành sản xuất điện tử, điện thoại của Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định, giúp kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng.
Như Sputnik đề cập trước đó, Việt Nam là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới của Samsung. Có đến 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu là hàng “made in Vietnam”. Cùng với đó, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Samsung cho thấy, doanh thu của Samsung Việt Nam đạt 74,2 tỷ USD tăng 14% so với với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD tăng 16% so với năm 2020.
Đồng thời, các dòng điện thoại chiến lược được sản xuất tại Việt Nam của Samsung như Galaxy Z Fold 3 và Galazy Z Flip 3 góp phần chủ lực trong doanh thu của Samsung Việt Nam. Trong năm 2021, các mẫu điện thoại gập của Samsung đã bán được trên 4 triệu sản phẩm trên toàn thế giới, tăng 4 lần so với năm 2020.
Các sản phẩm di động thông minh được sản xuất tại các nhà máy Samsung tại Việt Nam đang được xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc này đã đầu tư vào Việt Nam trên 18 tỷ USD, vượt 102% so với vốn đầu tư được phê duyệt vào năm 2020 là 17,7 tỷ USD.
Năm 2021, Việt Nam có 8 loại sản phẩm xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD, bao gồm điện thoại các loại và linh kiện (57,54 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (50,83 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (38,34 tỷ USD), hàng dệt may (32,35 tỷ USD), giày dép các loại (17,75 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (14,81 tỷ USD), sắt thép các loại (11,8 tỷ USD) và phương tiện vận tải, phụ tùng (10,62 tỷ USD).
Trong năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% (tương đương tăng 53,68 tỷ USD) so với năm 2020.
Kim ngạch thương mại Việt – Mỹ đạt kỷ lục mới
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt xấp xỉ 96,3 tỷ USD (96,29), tăng 24,9% so với năm 2020.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28,6% kim ngạch cả nước.
Có 13 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong năm qua, trong đó có 3 nhóm đạt trên 10 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng tăng nhập khẩu từ Mỹ các nhóm hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị.
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Giai đoạn 2020 – 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, nhưng Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
Bộ Công Thương cho hay, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã tăng gấp 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995 khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương và đạt 90,8 tỷ USD trong năm 2020, tăng 19,9% so với năm 2019.
Ngoài lĩnh vực xuất nhập khẩu, các nhà đầu tư Mỹ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.
Như Sputnik đã đề cập trong các bài phân tích, bình luận về quan hệ kinh tế thương mại Việt – Mỹ cho thấy, hầu hết các tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G…
Đồng thời, nhiều nhà đầu tư Mỹ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh hầu hết các nước và tập đoàn đa quốc gia đang dần tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Xuất khẩu là "động lực" và "cứu cánh" nền kinh tế Việt Nam 2022
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021 là một năm đầy khó khăn với ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng thành tích xuất siêu tiếp tục được giữ vững.
Đồng thời, mặc dù mức xuất siêu năm 2021 chỉ bằng 20% so với mức xuất siêu năm 2020, nhưng trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất, nhập khẩu vẫn là điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2022.
Đánh giá về các động lực thúc đẩy tăng trưởng chủ yếu nền kinh tế Việt Nam năm 2022 này, bên cạnh gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội mang tính lịch sử trị giá gần 350.000 tỷ mà Quốc hội vừa thông qua, nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục là "động lực" và "cứu cánh" chính yếu.
Dự báo quý 1/2022, tình hình tiếp tục khả quan hơn so với quý 4/2021 khi có tới 81,7% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định.
Ngoài ra, số lượng đơn đặt hàng mới quý 1/2022 so với quý 4/2021 tiếp tục tăng với 83,2% doanh nghiệp dự báo tăng.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, xuất khẩu là "điểm sáng" của kinh tế Việt Nam trong năm 2021.
“Xuất khẩu tiếp tục là động lực "cứu cánh" tăng trưởng kinh tế - xã hội trong năm 2022”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhận định.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt trên 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp Việt Nam đạt xuất siêu với mức thặng dư khoảng 4 tỷ USD trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu chịu tác động nặng nề, chưa từng có của đại dịch Covid-19 và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Theo chuyên gia Bùi Quang Tuấn chia sẻ với Lao Động, kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2021 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước với sự nỗ lực của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó là sự nỗ lực của các bộ ngành trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
“Trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục tập trung cho động lực này và cần tạo điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh để phát huy hiệu quả của các doanh nghiệp xuất khẩu”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nói.