Apple, Samsung đua nhau mở mono store ở Việt Nam, ai sẽ thắng?

© Ảnh : Hoàng Nguyên - TTXVNLắp ráp điện thoại thông minh tại Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên - Khu công nghiêp Yên Bình, Thái Nguyên
Lắp ráp điện thoại thông minh tại Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên - Khu công nghiêp Yên Bình, Thái Nguyên - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.01.2022
Đăng ký
Ngoài Xiaomi, Huawei, OPPO, Samsung và Apple hiện đang đua tranh gay gắt nhằm chiếm lĩnh thị phần bán lẻ tại Việt Nam. Trong đó, chiến lược triển khai các cửa hàng mono store, đại lý ủy quyền cao cấp được đẩy mạnh.
Ngày 17/1, Công ty Điện tử Samsung Vina chính thức khai trương 5 cửa hàng ủy quyền cao cấp (SPS) đầu tiên tại TP.HCM và Hà Nội với thiết kế theo tiêu chuẩn của Samsung toàn cầu.
Giới công nghệ và người tiêu dùng trong nước đặc biệt chờ đợi, liệu cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt có thúc đẩy Apple khai trương Apple Store ở Việt Nam tới đây hay không.

Samsung, Apple đua nhau mở mono store ở Việt Nam

Năm 2021, tại Việt Nam nở rộ mô hình mono store chuyên kinh doanh các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Apple. Đến đầu năm 2022, mô hình này cũng bắt đầu xuất hiện với các sản phẩm của Samsung.
Mới đây, Shopdunk, một đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam, cũng vừa tuyên bố mở chuỗi cửa hàng SamCenter by Shopdunk. Chuỗi lần đầu xuất hiện ở Việt Nam và hoạt động theo chính sách của Samsung Premium Store.
SamCenter by Shopdunk khai trương vào ngày 17/1/2022 với tất cả 4 cơ sở (2 cửa hàng ở Hà Nội và 2 cửa hàng ở TP.HCM).
Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận đầu tư tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái. - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.11.2021
Apple giúp Việt Nam làm điện mặt trời, BCG Energy và Siemens Đức hợp tác về năng lượng
Ngoài ra, Samsung cũng hợp tác với hệ thống bán lẻ thiết bị thông minh MT Smart để mở 1 cửa hàng ủy quyền cao cấp tại quận 1, TP.HCM.
Trước đó năm 2021, nhiều đối tác bán lẻ của Apple tại Việt Nam đã công bố chiến lược mở hàng loạt cửa hàng mono store vào 2022. Quốc gia Đông Nam Á này ngày càng trở thành “miếng bánh béo bở” với nhiều gã khổng lồ công nghệ toàn cầu. Với động thái vừa rồi của Shopdunk, 2 thương hiệu smartphone hàng đầu sẽ có màn cạnh tranh quyết liệt trong thời gian tới.
Được biết, Samsung Premium Store là cửa hàng uỷ quyền cao cấp nên có thương hiệu của nhà bán lẻ vận hành trực tiếp. Một mô hình khác tương tự chính là các cửa hàng Apple Authorized Reseller (AAR).
Trong khi đó, anh Nguyễn Lạc Huy, nhà sáng lập kênh Youtube Schannel, cho biết việc vận hành mono store sẽ tạo thuận lợi bước đầu cho nhà bán lẻ nhờ sự hỗ trợ của các nhãn hàng, làm giảm áp lực doanh thu.
Theo anh Huy, mono store vốn không phải là mô hình mới. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có chuỗi nào thực sự cho thấy thành công rõ ràng. Có thể sẽ cần thêm 2-3 năm nữa mới đánh giá được hiệu quả của xu hướng này.
Anh cũng cho rằng, chính đặc điểm chỉ kinh doanh sản phẩm của 1 thương hiệu duy nhất cũng là hạn chế lớn nhất của mono store. Những cửa hàng này chỉ có thể phục vụ một nhóm khách hàng riêng cho nhãn hàng, do vậy thiếu đi sự đa dạng về sản phẩm và dịch vụ.
“Tuy nhiên, cũng không phủ nhận đây cũng có thể trở thành một xu hướng đáng chú ý trong thời gian tới đối với những nhà bán lẻ nắm bắt và vươn lên trên thị trường", anh Huy chia sẻ.

Chuỗi cửa hàng ủy quyền cao cấp của Samsung tại Việt Nam có gì đặc biệt?

Thông cáo báo chí từ Samsung Việt Nam nêu rõ, Samsung chính thức khai trương Samsung Premium Stores (SPS) - Cửa hàng ủy quyền cao cấp của Samsung tại Việt Nam được thiết kế theo tiêu chuẩn của Samsung toàn cầu, mang đến cho khách hàng trải nghiệm các thiết bị di động cao cấp của Samsung trong hệ sinh thái Galaxy một cách hoàn hảo nhất.
Được biết, SamCenter sẽ tuân thủ tiêu chuẩn Samsung Premium Store toàn cầu mà Samsung đặt ra. Tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc sẽ là bên chịu trách nhiệm thiết kế và thi công SamCenter với tiêu chuẩn cao và thống nhất. Đây cũng là thông tin do ông Tuấn Anh, giám đốc Marketing hệ thống SamCenter by ShopDunk, cung cấp.
Samsung Electronics Co. - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.09.2021
Samsung sẽ mở rộng nhà máy ở Việt Nam, tăng sản lượng để đối đầu với Apple và Xiaomi
Theo ông Tuấn Anh, diện tích tối thiểu của các cửa hàng Samsung Experience Store là 60 m2, với chiều cao trần ít nhất 3 m. Các cửa hàng này thường nằm ở vị trí đắc địa, thuận tiện về giao thông, đặc biệt là ở các tuyến phố trung tâm đông người qua lại.
Với mô hình mono store, cửa hàng sẽ trưng bày tất cả các dòng sản phẩm của Samsung, bao gồm điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet), đồng hồ thông minh (smart watch) và những phụ kiện khác. Samsung cũng chịu trách nhiệm đào tạo chuyên sâu cho các nhân viên cửa hàng.
“Dự kiến, các cửa hàng này trong năm tới sẽ kinh doanh cả laptop Samsung để đem đến hệ sinh thái trọn vẹn cho người dùng Việt. Chúng tôi đề ra mục tiêu trong năm 2022 sẽ mở được 30 cửa hàng SamCenter Samsung Premium Store ", ông Tuấn Anh thông tin.
Trong thông cáo báo chí của mình, Samsung Vina khẳng định hợp tác cùng đại lý Samcenter và MT Smart khai trương chuỗi 5 cửa hàng ủy quyền cao cấp của Samsung, sẵn sàng phục vụ khách hàng tại TP.HCM và Hà Nội.
“Chuỗi cửa hàng ủy quyền cao cấp của Samsung sẽ tập trung vào các trải nghiệm hệ sinh thái Galaxy một cách toàn diện cho người dùng công nghệ tại Việt Nam, mang lại trải nghiệm và lựa chọn lối sống thông minh hơn với những thiết bị phù hợp thông qua trải nghiệm thực tế trong môi trường chuyên nghiệp được chuẩn hóa toàn diện từ nội thất, cách thức trưng bày đến đội ngũ chuyên viên tư vấn, kỹ thuật chuyên nghiệp”, Samsung khẳng định.
Samsung khẳng định, đây cũng là nơi để khách hàng có dịp khám phá thêm những dòng sản phẩm mới nhất trong hệ sinh thái Galaxy khổng lồ, từ điện thoại thông minh hàng đầu như Galaxy Z Fold3, Z Flip3, Galaxy S21 FE, S21 Ultra, A52s 5G, đồng hồ thông minh tân tiến nhất Galaxy Watch4 series, tai nghe Galaxy Buds 2, cho đến máy tính bảng cao cấp Galaxy Tab S7 hay Tab A8… Tập trung vào việc cập nhật, nâng cao trải nghiệm người dùng với các thiết bị thông minh, tăng cường sự hiện diện của lối sống hiện đại trong kỷ nguyên số cho mọi đối tượng người dùng.
“Samsung củng cố cam kết trong việc tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, thân thiện và có ý nghĩa dành cho khách hàng tại Việt Nam”, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc cho biết.

Apple không chịu thua kém

Tại Việt Nam, Apple phân cấp các hệ thống cửa hàng ủy quyền theo 2 nhóm: AAR (Apple Authorized Reseller) - có diện tích tối thiểu 50 m2, và APR (Apple Premium Reseller) - có diện tích tối thiểu 120 m2. Các cửa hàng này đều phải đạt và tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe của Apple.
Với mô hình này, Apple sẽ trực tiếp thẩm định các vị trí đặt cửa hàng, cũng như xét duyệt toàn bộ quy trình bán hàng bên trong.
Hãng sẽ thực hiện và giám sát toàn bộ thiết kế cũng như cách vận hành cửa hàng. Mọi chi tiết, từ ván lát sàn đến hệ thống ánh sáng đều phải được Apple phê duyệt, chỉ định và thậm chí là nhập khẩu để tạo ra không gian tối ưu cho khách ghé thăm. Apple cũng thông qua cả các đối tác liên quan trong quá trình xây dựng, lắp đặt nội thất cửa hàng.
Apple. - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.07.2021
Vì sao Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng Apple khó rời bỏ Trung Quốc?
Táo khuyết đã bắt đầu hợp tác với một số doanh nghiệp Việt Nam lập ra các chuỗi mono store đạt chuẩn APR và AAR từ năm 2012. Trước đó, một số nhà kinh doanh đã tham gia vào mô hình này từ năm 2007. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào thực sự thu được kết quả ấn tượng.
Đến năm 2021, TopZone với sự hậu thuẫn từ ông lớn Thế Giới Di Động tham gia vào cuộc đua mở mono store. ShopDunk cũng khai trương hàng loạt cửa hàng ở TP.HCM và Hà Nội. Rất có thể sẽ còn nhiều cái tên khác xuất hiện trong năm 2022.
Có nhiều lý do khiến Apple đẩy mạnh các chuỗi mono store tại Việt Nam trong năm qua. Ở Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ iPhone nhiều nhất.
Trong khi đó, dịch bệnh bùng phát lại làm tăng giá hàng xách tay cũng như kéo dài thời gian nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, các cửa hàng mono store của Apple với nguồn hàng phong phú, dễ dàng đáp ứng nhu cầu khách hàng sẽ có lợi thế không nhỏ.
Khi mà Apple Store chưa xuất hiện tại Việt Nam, các hệ thống Apple Premium Reseller như F.Studio by FPT, eDiGi hay TopZone sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng với sản phẩm chính hãng và dịch vụ chuẩn từ Apple.
Thêm nữa, Việt Nam hiện mới chỉ có chừng hơn 20 cửa hàng ủy quyền chính hãng của Apple, trong khi ở Singapore hay Thái Lan, con số này đã lên đến hàng trăm.
Từ những lý do đó, Apple đang dành sự tập trung vào thị trường Việt Nam, đa dạng đối tác và tăng tốc độ mở thêm các điểm mới.
Apple  - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.12.2020
Vì sao Apple chọn Việt Nam thay vì ‘trung thành’ với Trung Quốc?
Theo một đại diện FPT Retail, đơn vị từng mất 6 tháng để được chấp thuận mở một điểm bán F.Studio mới. Sau 9 năm, doanh nghiệp đang sở hữu 15 cửa hàng. Trong khi đó, chỉ cần 2 tháng để Thế giới di động khai trương 4 cửa hàng TopZone, với mục tiêu mở 50-60 cửa hàng đến tháng 3/2022.
Apple đang dành hỗ trợ ngày càng nhiều hơn cho đối tác mở chuỗi mono store. Điển hình như hệ thống iLuxe chỉ mất hơn 1 tháng để mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.
Đại diện Thế giới di động cho hay, chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, Topzone đã đạt mức doanh thu bình quân 25 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Đây là một con số hết sức ấn tượng.
Hiện Thế giới di động đang đặt mục tiêu mở 200 cửa hàng Topzone trên khắp các trung tâm thành phố lớn ở 63 tỉnh thành của Việt Nam ngay trong năm 2022. Khi đó, doanh thu ước tính có thể đạt trên 5.000 tỷ.
Trước làn sóng mono store, các thương hiệu sẵn có sẽ phải mở thêm nhiều chuỗi tương tự để giành miếng bánh thị phần. Điều này đã dẫn đến sự bùng nổ xu hướng kinh doanh này trong thời gian qua, cũng cho thấy sự thăng hạng thị trường Apple tại Việt Nam.
Được biết, Việt Nam được Apple phân loại là thị trường hạng 3, trong khi Singapore ở hạng 1. Do vậy, nguồn hàng Apple tại Việt Nam không được ưu tiên và sản phẩm của hãng cũng thường được mở bán sau các thị trường khác.
“Tôi nghĩ rằng với sự đầu tư nghiêm túc vào chuỗi TopZone, sẽ phần nào giúp thị trường Việt Nam thăng hạn. Tôi cũng hy vọng Việt Nam sớm mở Apple Store”, CEO Thế giới di động Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ.

Vì sao Apple chưa mở Apple Store ở Việt Nam?

Trước nay, như nhiều chuyên gia từng phân tích, Apple vẫn không mấy mặn mà trong việc marketing.
Hãng thường không tập trung nhiều vào truyền thông tiếp thị, với ẩn ý không cần quảng cáo rầm rộ vẫn được người dùng săn đón. Đây là phong cách được hãng áp dụng trên toàn thế giới nhưng tại Việt Nam, Táo khuyết gần như không có chiến dịch marketing.
Để dễ thấy, hãy so sánh với Samsung. Tại Việt Nam, Apple cùng Samsung là 2 ông lớn smartphone chiếm thị phần lớn nhất, với gần 50% mảng smartphone cao cấp có giá vượt qua 15 triệu.
Tuy nhiên, trong khi Samsung thường xuyên có các chiến dịch quảng cáo, tài trợ, xuất hiện trên truyền thông đại chúng mỗi ngày thì Apple gần như luôn im hơi lặng tiếng. Ngoài ra, Samsung cũng mở nhiều nhà máy sản xuất, gia công tại Việt Nam.
Samsung - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.03.2021
'Bộ não' nền kinh tế: Samsung biến Việt Nam thành cứ điểm chiến lược về công nghệ
Dù là iPhone là lựa chọn hàng đầu của người Việt ở phân khúc điện thoại trên 10 triệu đồng, Apple có vẻ vẫn chưa cho thấy sự coi trọng với thị trường Việt Nam. Điển hình là việc, hiện Việt Nam vẫn chưa có một cửa hàng Apple Store nào.
Lý giải vấn đề này, một quản lý doanh nghiệp bán lẻ cho rằng, lý do đầu tiên là do thị trường hàng xách tay không chính ngạch của Việt Nam hoạt động quá mạnh, dù cho điều đó trái với quy định pháp luật.
Người Việt vẫn thường có tâm lý thích mua iPhone, iPad xách tay vì giá rẻ hơn, cũng là hàng chính hãng mà lại có sớm. Thị trường này ảnh hưởng không nhỏ tới nhà phân phối chính hãng (nếu có).
Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt còn chưa chú trọng đến tầm quan trọng của những trải nghiệm thực tế tại các cửa hàng bằng những lợi ích khác về giá tiền, thời gian, mà họ nhận được khi mua hàng xách tay, nhập lậu.
Trong khi đó, nhiều cửa hàng sửa chữa, buôn bán điện thoại ở Việt Nam vẫn thoải mái sử dụng logo “táo khuyết” của Apple làm biển hiệu đã tác động xấu tới hình ảnh thương hiệu của Apple.
Chính những điều này đã làm “phật lòng” Apple khi thương hiệu cao cấp này xưa nay vốn rất chú trọng thương hiệu và cảm nhận của khách hàng.
Trong khi đó, đứng ở góc nhìn các chuyên gia quan sát thị trường, nguyên nhân chủ yếu khiên Việt Nam chưa có Apple Store là doanh số bán hàng.
Theo đó, Apple Store không chỉ bán riêng iPhone mà còn cả những thiết bị khác như iMac, Macbook... cũng như phụ kiện của đối tác. Nếu mở Apple Store, cửa hàng cũng sẽ phải chịu doanh số, KPI với các sản phẩm này. Điều này tạo áp lực lên thị trường trong nước.
Samsung Electronics - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.06.2019
Samsung "bỏ" Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội lớn?
Thêm vào đó, một trở ngại khác là vấn đề mặt bằng, bảo hành, thuế phí. Những nơi đặt Apple Store đều phải ở vị trí đắc địa, đông người qua lại. Vì vậy, Táo khuyết phải cân nhắc đến hiệu quả kinh tế khi mở Apple Store hay lựa chọn kinh doanh sản phẩm thông qua các đối tác bán lẻ địa phương.
Tuy nhiên, cũng như kịch bản tương tự với Trung Quốc, Apple đã thay đổi cách nhìn đối với Việt Nam, ngày càng coi trọng thị trường hơn 97 triệu dân với sức mua được dự báo là vô cùng lớn này trong tương lai, chưa kể đến chiến lược “mỗi người dân một chiếc smartphone” của Chính phủ.
Rất đáng tiếc khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã phải dừng phát triển chiếc điện thoại Vsmart của mình để dồn sức cho VinFast, tuy nhiên, cuộc đua thống lĩnh thị trường điện thoại di động ở Việt Nam hiện đang nóng hơn bao giờ hết khi ngày càng nhiều “ông lớn” thế giới bước vào cuộc chơi.
Theo ý kiến nhiều chuyên gia, bất kể chiến lược của Apple hay Samsung đa dạng như thế nào, điều quan trọng nhất chính là việc người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn, nhiều lợi ích, và được đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала