Việt Nam muốn thu hút các ông lớn xe điện thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp phát triển ngành xe điện, thu hút các nhà đầu tư lớn trong ngành công nghiệp ô tô không khói này đến Việt Nam.
Chiến lược này của Chính phủ cho thấy quyết tâm phát triển ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, góp phần thực hiện cam kết của ông Phạm Minh Chính ở COP26 cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính VinFast của ông Phạm Nhật Vượng.
Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư lớn sản xuất xe điện (EVs)
Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp xe điện, VinFast có thể được xem là sự khởi đầu thành công, tuy nhiên, các thách thức trong thời gian tới là không nhỏ.
Thực tế, VinFast là hãng xe điện “made in Vietnam” đầu tiên. Chiếc VinFast VF8 cũng lần đầu tiên lăn bánh tại Việt Nam với sự trải nghiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp xe điện mạnh mẽ và nhanh chóng hơn, sự vào cuộc của những “ông lớn” sản xuất xe hơi, xe điện thế giới là không thể thiếu, nhằm tạo nền tảng dây chuyền lắp ráp sản xuất cơ bản cũng như thế cạnh tranh nâng cao năng lực của chính các hãng xe Việt Nam như VinFast.
Ngày 26/1, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 632/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về đề xuất phát triển ngành xe điện Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp phát triển ngành xe điện Việt Nam, mời gọi các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực xe điện đến Việt Nam.
Bộ Công Thương cũng được giao tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp trong chỉ đạo, điều hành phát triển ngành xe điện. Đáng chú ý, việc thu hút các nhà đầu tư lớn (các ‘ông lớn’) ngành xe điện nhằm hướng đến mục tiêu Việt Nam tiến tới xuất khẩu mặt hàng này trong 5 năm tới.
“Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định giao Bộ trưởng Bộ Công Thương gặp gỡ, trao đổi về các đề xuất, kiến nghị của Công ty cổ phần ô tô TMT để có giải pháp đồng bộ phát triển ngành xe điện, đồng thời thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới đến đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam, tiến tới xuất khẩu trong 5 năm tới, tham mưu Thủ tướng Chính phủ các giải pháp phù hợp trong chỉ đạo, điều hành”, Văn phòng Chính phủ cho hay.
Được biết, trước đó, Công ty cổ phần ô tô TMT đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất những giải pháp đồng bộ mời gọi các nhà đầu tư lớn trên thế giới đến đầu tư sản xuất xe điện tại Việt Nam, tiến tới xuất khẩu trong vòng 5 năm tới.
Việt Nam ưu đãi xe điện như thế nào?
Gần đây, Việt Nam cũng tiến hành áp dụng một loạt các chính sách ưu đãi về thuế với xe điện, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp xe điện quốc gia.
Như Sputnik đã thông tin, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất vừa qua, Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Việt Nam từ nước còn thiếu chính sách cụ thể dành riêng cho xe điện, đã trở thành nước có nhiều chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp xe hơi không khói xăng này.
Với xe đăng ký lần thứ 2 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ sẽ được áp dụng chung cho cả ô tô điện và xe dùng động cơ đốt trong, đều là 2% và thống nhất trên toàn quốc.
Trong đó nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có nêu rõ từ 1/3/2022 đến 28/2/2027 (trong 5 năm đầu), xe ô tô điện chạy bằng pin loại chở người từ 9 chỗ trở xuống chịu mức thuế suất 3%, loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ chịu mức thuế suất 2%, loại chở người từ 16-24 chỗ chịu mức thuế suất 1%; loại vừa chở người, vừa chở hàng chịu mức thuế suất 2%.
Hiện tại, mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng từ tháng 7/2016 với ôtô điện loại 9 chỗ trở xuống là 15%, thuế suất với xe 10 - 16 chỗ là 10% và loại 16 - 24 chỗ là 5%.
Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2022/NĐ-CP vừa được ban hành với những điều chỉnh về lệ phí trước bạ.
Theo đó, trong 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, ô tô điện chạy pin có mức nộp lệ phí trước bạ lần đầu là 0%. Trong hai năm tiếp theo tức từ 1/3/2025, mức thu lệ phí trước bạ đăng ký lần đầu với ô tô điện sẽ bằng 50% mức thu với xe xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Với xe đăng ký lần thứ 2 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ sẽ được áp dụng chung cho cả ô tô điện và xe dùng động cơ đốt trong, đều là 2% và thống nhất trên toàn quốc.
Do đó, trong 3 năm tới, khách hàng mua ô tô điện chạy pin tại Việt Nam sẽ không phải nộp phí trước bạ như ô tô truyền thống. Sau đó, chính sách ưu đãi cho dòng xe này vẫn được kéo dài thêm 2 năm, tiếp tục tạo lợi thế trước xe xăng, dầu.
Giới chuyên gia đánh giá, chính sách đặc biệt kịp thời của Quốc hội và Chính phủ này sẽ giúp thúc đẩy việc phát triển ô tô điện tại Việt Nam, mang lại lợi ích trực tiếp cho người mua xe.
Đặc biệt, các nhà sản xuất, phân phối ô tô hàng đầu thế giới có thể sẽ thấy thị trường ô tô điện tại Việt Nam hấp dẫn hơn, từ đó đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, lắp ráp và phân phối dòng EVs tại đất nước đầy tiềm năng này.
VinFast sẽ cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn thế giới ngay tại sân nhà Việt Nam
Với chính sách phát triển xe điện được Chính phủ đẩy mạnh, có thể thấy, Việt Nam muốn trở thành một trong những trung tâm sản xuất xe điện hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và thực sự gây được tiếng vang với thế giới.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ quan điểm phát triển ngành công nghiệp xe điện ở Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện..., đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”.
Đồng thời, như đã biết, hiện một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như: xe hybrid, xe máy điện, ô tô điện, tiến tới là xe tự lái.
Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề trạm sạch cũng là điều rất đáng quan tâm. Chưa kể, cần một khung pháp lý rõ ràng để hãng xe điện quốc dân như VinFast có thể tham gia cạnh tranh sòng phẳng với những đại diện lớn từ thế giới ngay trên chính sân nhà của mình.
VinFast
© AFP 2023 / Patrick T. Fallon
Ở thời điểm này, ở Việt Nam, mới chỉ có VinFast là hãng xe phổ thông đầu tư hạ tầng trạm sạc lớn nhất. Hơn 10.000 cổng sạc được lắp đặt và sẵn sàng đi vào hoạt động ở 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngoài giá bán cạnh tranh với các sản phẩm xe CUV cỡ C VF e34 giá 690 triệu đồng, CUV cỡ D VF 8 giá 1,057 - 1,237 tỷ đồng. Trong khi đó, chiếc SUV cỡ E, VF 9 giá 1,443 - 1,571 tỷ đồng, VinFast còn áp dụng chính sách bảo hành, hậu mãi hấp dẫn.
Hãng xe hơi thể thao hạng sang Porsche từ tháng 7/2020 đã công bố giá bán chiếc Taycan chính hãng với giá cao ngất khởi điểm từ 4,7 tỷ đồng, trong khi trạm sạc chỉ có ở hai đại lý chính hãng tại TP. HCM, Hà Nội. Do đó, có thể thấy, VinFast vẫn tạm nắm lợi thế về vấn đề trạm sạc.
Hiện nay, các hãng xe khác có kế hoạch bán xe điện tại Việt Nam như Mercedes, Kia, Volkswagen, Toyota, Ford vẫn chưa tung sản phẩm cụ thể đến tay người dùng, kế hoạch xây dựng trạm sạc vẫn còn để ngỏ.
Theo ghi nhận, hôm nay, 27/1, chiếc xe thể thao chạy điện Ford Mustang Mach-E từ Mỹ lần đầu tiên tại Việt Nam cũng đã được một đại lý tư nhân tại Hà Nội đưa về nước. Đây là crossover thuộc phiên bản GT với công suất 480 mã lực, mô-men xoắn 830 Nm.
Được biết, chiếc Mustang Mach-E có thể tăng tốc lên 100 km/h trong 3,7 giây (nhanh hơn xe VinFast VF8 hiện tại). Xe được trang bị viên pin dung lượng 91 kWh, mang đến khả năng di chuyển 378 km cho mỗi lần sạc đầy.
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, có cơ hội vượt lên dẫn trước ở lĩnh vực này trong khu vực.
Bên cạnh đó, căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước lân cận. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đang chạy đua để thu hút đầu tư, ngay cả Singapore, vốn đã ngừng sản xuất ô tô gần 30 năm nay, hiện cũng đã có dự án phát triển ô tô điện.
Với rất nhiều lợi thế này, Việt Nam cần nhanh chóng kịp thời nắm bắt cơ hội vàng trước khi các nước khác trong khu vực hoàn thiện xong nền tảng pháp lý và hạ tầng phát triển, thu hút, sản xuất và xuất khẩu xe điện.