Chỉ từ giữa thế kỷ 19, công chúng Nga mới có dịp bắt đầu làm quen với Việt Nam - nhờ các bài viết, ghi chép đăng báo và tạp chí mà tác giả là sĩ quan, nhà báo và chuyên gia khoa học hải quân Nga từng ghé thăm Việt Nam. Sau cuộc Cách mạng XHCN năm 1917, những đại biểu cách mạng Việt Nam bắt đầu đến Matxcơva - hơn 50 người, theo học tại Đại học Cộng sản dành cho người lao động Phương Đông và các trường quân sự thuộc BCH Quốc tế Cộng sản. Trong những năm 1920-1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sống và làm việc ở Matxcơva 6 năm rưỡi. Theo yêu cầu của Người, Matxcơva đã tiếp nhận nhóm thanh niên Việt Nam đến từ Quảng Đông, chính là những người vào năm 1941 đã tình nguyện gia nhập Hồng quân và hy sinh tính mạng trong các trận chiến chống phát-xít Đức bảo vệ thủ đô Matxcơva.
Tuy nhiên, liên hệ với các nhà cách mạng Việt Nam đã bị cắt đứt sau khi các cơ sở đào tạo của Quốc tế Cộng sản bị giải thể vào năm 1938 và các học viên Việt Nam rời Liên Xô. Vì vậy, khi ở Việt Nam diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử và Việt Nam DCCH tuyên ngôn độc lập, ban lãnh đạo Liên Xô thậm chí đã không biết Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới chính là Nguyễn Ái Quốc - cựu nhân viên Quốc tế Cộng sản Matxcơva trước đây. Cụ thể, đó là chữ ký của Hồ Chí Minh dưới bức thông điệp gửi Stalin, báo tin rằng quyền lực ở Việt Nam đã được chuyển giao cho Chính phủ Việt Nam DCCH.
Nguyễn Ái Quốc (thứ ba bên trái) cùng với các đại biểu dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản. Matxcơva năm 1924
© Sputnik
/ Tuy nhiên, sau khi Hồ Chí Minh gửi bức điện khác cho Stalin vào tháng 10 năm 1945, các đại diện Liên Xô tại tất cả các hội nghị quốc tế đã nhất tề lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Liên Xô yêu cầu quân đội Anh và Tưởng Giới Thạch đã vào lãnh thổ Việt Nam để giải giáp quân Nhật không được can thiệp vào công việc nội bộ của nước Cộng hòa non trẻ.
Matxcơva tìm kiếm liên hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cùng trong thời gian này, Matxcơva cố gắng thiết lập các kênh thu thập thông tin đáng tin cậy về những gì đang diễn ra ở Việt Nam và xác minh xem vị lãnh đạo mới của Việt Nam DCCH là ai.
Ngày 26 tháng 10 năm 1946, phái bộ Liên Xô do Đại tá Dubrovin làm trưởng đoàn đã đến Sài Gòn. Về mặt chính thức, phái bộ được uỷ thác thi hành nhiệm vụ đảm bảo việc trao trả cho Liên Xô các tù binh Xô-viết và những người xuất thân từ Liên Xô đang ở Đông Dương. Tuy nhiên, một thành viên phái bộ đã bí mật tham dự cuộc họp của các đảng viên Cộng sản Đông Dương ở Chợ Lớn. Phát biểu tại sự kiện này, ông thông báo mục đích thực sự của chuyến công tác là tìm hiểu tình hình và tâm trạng của nhiều bộ phận cư dân Đông Dương, lưu ý đến việc Liên Xô sẽ mở cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, phái đoàn này thế là vẫn không bắt liên lạc được với đại diện của Chính phủ Hồ Chí Minh.
Trong quá trình tiếp xúc sau đó ở các nước khác nhau, Matxcơva trước hết cố gắng tìm hiểu ai là người lãnh đạo phong trào giải phóng ở Việt Nam và ban lãnh đạo của Việt Nam DCCH có đức tin cộng sản sâu sắc đến đâu. Đồng thời, khi Chính phủ Bảo Đại được thành lập tại Sài Gòn theo sáng kiến của Pháp, phía Matxcơva đã lưu ý rằng “Liên Xô không thể công nhận sự tồn tại của Chính phủ này”. Với tư cách là Uỷ viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Liên Xô đã ngăn cản âm mưu của các cường quốc phương Tây nhằm tiến cử Nhà nước Việt Nam bù nhìn vào Liên Hợp Quốc. Và Liên Xô yêu cầu công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam, cũng như tiếp nhận Việt Nam DCCH vào Liên Hợp Quốc.
Trong quá trình tiếp xúc, các đại diện của Liên Xô liên tục làm rõ rằng chỉ khi có chuyến đi tới Matxcơva của một trong những lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Việt Nam DCCH hoặc Đảng Cộng sản Đông Dương thì mới có thể bắt đầu cuộc đàm phán nghiêm túc.
Năm quan trọng nổi bật - 1950
Đó là năm thứ năm kể từ chiến thắng của Liên Xô trước phát xít Đức và quân phiệt Nhật - những chiến thắng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhân tố quyết định để làm nên thành quả Cách mạng Tháng Tám. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của gần ba chục triệu công dân Liên Xô. Hơn 1.700 thành phố và 70.000 làng quê Xô-viết đã bị phá hủy. Đất nước phải mất nhiều năm nữa để hàn gắn những vết thương do chiến tranh gây ra.
Còn ở Việt Nam trong quá trình cuộc kháng chiến chống Pháp đã có bước ngoặt nghiêm túc thiên về có lợi cho các lực lượng yêu nước. Trong chương trình nghị sự nổi lên vấn đề công nhận nước Cộng hòa non trẻ, là yêu cầu cần thiết để củng cố quyền lực của chính quyền cách mạng, vận động thu hút sự ủng hộ của phong trào quốc tế đối với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Và tất nhiên, cũng như trước đây, Việt Nam DCCH rất cần đến sự hỗ trợ về quân sự và tài chính.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết những nhiệm vụ gì ở Matxcơva?
Đó là những nhiệm vụ rất phức tạp và đầy trách nhiệm và đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đảm nhận hoàn thành.
Ngày 1 tháng 2, Stalin gửi điện tới Bắc Kinh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh: «Được biết Ngài dự định đến Matxcơva, tôi rất vui mừng được đón gặp».
Và trong bức điện gửi cho Stalin từ thành phố Chita của Liên Xô vào ngày 7 tháng 2, nhà lãnh đạo Việt Nam bày tỏ mong muốn giữ bí mật chuyến đi của Người đến Matxcơva, bởi nếu chính quyền Pháp phát hiện việc Chủ tịch rời Việt Nam thì họ có thể thực hiện hành động chính trị và quân sự không có lợi cho ta.
Có chứng thực ủng hộ phiên bản sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Matxcơva vào tháng Hai ấy, ghi trong hồi ký của Viện sĩ Nga Sergei Tikhvinsky, khi đó đang công tác ở Bắc Kinh. Viện sĩ viết rằng vào cuối tháng 1 năm 1950, ông đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đó khi Người trên đường sang Matxcơva. Trong cuộc gặp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng vị viện sĩ Xô-viết tương lai một trong những vật báu hiếm có của thế kỷ 20, là đồng xu vàng do Việt Nam DCCH phát hành năm 1948 với tên gọi không phải là tiền «đồng» mà là «Việt». Tổng cộng chỉ đúc có 200 đồng tiền vàng «Việt». Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn rằng ai vinh dự sở hữu đồng xu vàng như vậy nhất định sẽ được dành mọi sự hỗ trợ trên đất Việt Nam.
Cuộc gặp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Stalin đã diễn ra ở Matxcơva. Không có bất kỳ bản ghi nào được lưu giữ về sự kiện này. Ngày giờ cuộc gặp không thể hiện ở bất cứ đâu, kể cả trong hồi ký sau này của những người có mặt. Tại những cuộc đàm đạo khi đó với các lãnh đạo Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra hai nhiệm vụ chính của mình: thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô và đề nghị Liên Xô cung cấp sự giúp đỡ cho lực lượng yêu nước của Việt Nam. Nhiệm vụ thứ hai đã được giải quyết trước hết.
Liên Xô ngay lập tức cung cấp cho Việt Nam DCCH các trang bị vũ khí dành cho một trung đoàn phòng không và xe tải. Sau khi rời Matxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề nghị gửi thuốc quinine giúp cư dân Việt Nam chống lại bệnh sốt rét. Stalin thân chinh ra lệnh gửi sang 5 tạ thuốc này. Tiếp theo, Việt Nam nhận những thiết bị quân sự khác cũng do Liên Xô cung cấp, trong đó có dàn tên lửa «Katyusha» góp phần đảm bảo cho chiến thắng ở Điện Biên Phủ, là thứ vũ khí sấm sét đáng gờm nhất mà quân đội Liên Xô từng sử dụng khiến bọn phát-xít Đức kinh hoàng.
Vladimir Lenin và Iosif Stalin ở Horki, năm 1922.
© Sputnik
Trong thời gian ở Matxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã thoả thuận cả về thủ tục thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo đó, vào ngày 19 tháng 1 năm 1950, Chủ tịch Việt Nam DCCH chính thức gửi tới Chính phủ Liên Xô yêu cầu tương ứng. Và ngày 30 tháng 1, thông qua đặc phái viên Liên Xô tại Thái Lan, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô gửi bức điện cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo rằng Chính phủ Liên Xô công nhận Việt Nam DCCH và đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với đất nước Á châu này.
Ông Nguyễn Lương Bằng, Đại sứ Việt Nam DCCH đầu tiên tại Liên Xô đến Matxcơva vào mùa xuân năm 1952. Vào ngày 4 tháng 11 năm 1954 ông A.A. Lavrishev, Đại sứ Liên Xô đầu tiên tại Việt Nam DCCH, đã trình quốc thư ủy nhiệm lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thủ đô Hà Nội đã được giải phóng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh duyệt đội danh dự của quân đội Liên Xô tại nghi lễ long trọng đón tiếp phái đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Liên Xô, ngày 12 tháng 7 năm 1955.
© foto-expo.ru