"Các bước chống lại Nga mà chính quyền Biden đang thảo luận với các đồng minh có thể ảnh hưởng đến đồng rúp, môi trường đầu tư trong nước hoặc lạm phát, nhưng chúng không có khả năng gây ra sự sụt giảm các chỉ số như trong năm 2014", - Anna Andrianova, tác giả bài báo nhận định.
Như tài liệu nêu rõ, Điện Kremlin đã tăng cường dự trữ, giảm nợ công xuống thuộc mức thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, đồng thời đạt được thặng dư ngân sách.
Ngoài ra, Matxcơva đang ngày càng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD bằng cách chuyển đổi cả tiền tiết kiệm và các khoản thanh toán ngoại thương sang các loại tiền tệ khác, chẳng hạn như đồng euro và nhân dân tệ.
"Nga đã chuẩn bị tốt hơn nhiều cho các lệnh trừng phạt so với trước đây, ít nhất là về các chỉ số vĩ mô", - bà Natalia Lavrova, nhà kinh tế cấp cao của BCS, cho biết trong một bình luận cho bài báo.
Theo bà, chỉ những kịch bản cực đoan nhất của việc áp dụng các biện pháp hạn chế mới có thể ngăn cản sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Những cáo buộc chống lại Nga
Trong những tháng gần đây, truyền thông phương Tây rộ lên tin Matxcơva được cho là đang chuẩn bị cho một cuộc «xâm lược» Ukraina. Nga nhiều lần bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ như vậy. Như phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ ra, các lực lượng vũ trang Nga di chuyển bên trong đất nước - không đe dọa bất kỳ ai và không gây lo lắng cho ai. Matxcơva nhấn mạnh các tuyên bố về «sự xâm lược của Nga» đang được lấy làm cái cớ để tăng cường lực lượng NATO ở các khu vực biên giới với Nga. Giám đốc cơ quan Tình báo nước ngoài Nga Sergei Naryshkin gọi những câu chuyện “xâm lược” là tuyên truyền ác ý của Bộ Ngoại giao Mỹ. Về phần mình, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh Nga chưa bao giờ đe dọa người dân Ukraina.