Quốc hội, Chính phủ cùng chuyên gia trong nước đã mổ xẻ rất nhiều vấn đề xung quanh việc đấu giá các lô đất khu đô thị mới Thủ Thiêm TP. Thủ Đức thời gian qua. Hệ lụy từ việc loạt doanh nghiệp trúng đấu giá như Tân Hoàng Minh hay Bình Minh bỏ cọc đối với thị trường là rất lớn và khó lường.
Chưa nhận tiền mua đất Thủ Thiêm
Ngày 8/2, thông tin từ Cục Thuế TP.HCM xác nhận, đã hết hạn 30 ngày đợt 1 phải đóng 50% tiền mua các lô đất khu đô thị Thủ Thiêm đã trúng đầu giá theo quy định, nhưng 3 doanh nghiệp thắng đấu giá đều chưa nộp tiền.
Theo Cục phó Cục Thuế TP.HCM Thái Minh Giao, đến ngày 8/2, bất chấp quá thời hạn nộp tiền, cơ quan thuế vẫn chưa nhận được tiền đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất của 3 doanh nghiệp trúng đấu giá 3 lô đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021.
Như Sputnik đề cập, lùm xùm quanh khu đất Thủ Thiêm nổi cộm sau xì căng đan bỏ cọc của Tân Hoàng Minh.
Tại phiên đấu giá này, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt của Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá lô đất số 3-12 (diện tích 10.059,7 m2) đã chính thức xin lãnh đạo TP.HCM cho bỏ cọc.
Cơ quan chức năng thành phố đã xem xét yêu cầu của Tân Hoàng Minh theo quy định của pháp luật, chấp nhận mất trắng số cọc đã đặt.
Còn lại Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.
Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2) đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.
Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh trúng đấu giá lô đất 3-9 (diện tích 5.009,1m2) đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ cho diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.
Hôm 6/1 vừa qua, Cục Thuế TP.HCM đã ra 8 thông báo đóng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm tại phiên đấu giá ngày ngày 10/12 năm ngoài. Thời hạn bắt đầu được tính từ ngày 7/1.
Theo quy chế, trong hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo trên, các doanh nghiệp phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất (đợt 1). Trong vòng 90 ngày kể từ khi có thông báo trên, các đơn vị trúng đấu giá phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại (đợt 2).
Như vậy, tính đến hết ngày 7/2, đã hết hạn 30 ngày để ba công ty Dream Republic, Bình Minh, Sheen Mega đóng tiền đợt 1 (50% giá trị khu đất) nhưng thực tế Cục Thuế TP.HCM vẫn chưa nhận được tiền.
“Nếu doanh nghiệp nộp tiền thì tiền sẽ vào tài khoản của cơ quan thuế mở tại kho bạc Nhà nước. Phía cơ quan thuế cũng không nhắc nhở gì vì việc nộp tiền là từ sự chủ động của doanh nghiệp”, ông Thái Minh Giao cho hay.
Cục Thuế cũng cho biết, đang chờ thêm thông tin từ Kho bạc Nhà nước liên quan đến 4 doanh nghiệp trúng đấu giá khu đất Thủ Thiêm.
Công ty Bình Minh nối gót Tân Hoàng Minh xin bỏ cọc?
Chiều 8/2, xác nhận với báo giới, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết, sau Tân Hoàng Minh, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Thương mại Bình Minh là đơn vị thứ hai xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá ở Thủ Thiêm.
“Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan trong đó có Cục thuế thành phố về việc xin bỏ cọc lô đất 3-9”, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết.
Ở phiên trước, Công ty Bình Minh đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng - gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.
Theo Cục trưởng Lê Duy Minh, đến chiều nay, hệ thống quản lý của cơ quan thuế vẫn chưa nhận được tiền sử dụng đất của ba doanh nghiệp trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cơ quan Thuế TP.HCM cho biết, hiện “chỉ mới nghe” thông tin có thêm 2 doanh nghiệp bỏ cọc, không nộp tiền sử dụng đất nhưng chưa nhận được công văn chính thức về việc công ty trúng đấu giá lô đất tại khu đô thị Thủ Thiêm đơn phương chấm dứt hợp đồng trúng đấu giá.
Chính vì vậy thông báo thuế mà cơ quan ban hành trước đó vẫn chưa xử lý thu hồi, khi nào UBND TP.HCM có quyết định chính thức về việc hủy công nhận kết quả trúng đấu giá, cơ quan thuế sẽ thu hồi thông báo nộp tiền sử dụng đất của đơn vị trúng thầu đất.
Vốn Công ty Bình Minh chỉ vài trăm tỷ nhưng đấu giá lô đất trên 5.000 tỷ?
Theo quy định, đơn vị trúng đấu giá sẽ bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá nếu không nộp đủ tiền mua tài sản khi quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế.
Trong trường hợp, không nộp hoặc nộp không đủ tiền theo thời gian trên, các doanh nghiệp sẽ không được nhận lại tiền đặt trước (20% so với giá khởi điểm).
Khác Tân Hoàng Minh, Công ty Đầu tư phát triển và Thương mại Bình Minh khá kín tiếng, mới thành lập hồi tháng 9/2021, đặt trụ sở ở tòa nhà 151, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội.
Theo dữ liệu trên cổng thông tin đăng ký Doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật là bà Thân Thị Liên (sinh năm 1992).
Công ty ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến ngày 3/12/2021 tăng vốn lên 200 tỷ đồng. Điểm đáng ngờ chính là, vốn doanh nghiệp chỉ rơi vào tầm vài trăm tỷ nhưng Công ty Bình Minh lại dám đấu giá lô đất 3-9 với mức cần đóng là 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. Giá trúng thầu cao gấp 6,9 lần so với giá gốc ban đầu.
Thời gian gia, lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cùng nhiều chuyên gia từng lên tiếng xung quanh lùm xùm Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm với nhiều hệ lụy.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ coi vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm (1,2m đất Thủ Thiêm giá 2,4 tỷ đồng) là trường hợp chưa từng có trong tiền lệ, “chưa bao giờ xảy ra”. Sau vụ bỏ cọc của Tân Hoàng Minh, mọi con mắt lại tiếp tục dồn về lùm xùm đấu giá đất ở Thủ Thiêm.
“Vô lý” và “méo mó”
Quốc hội, Chính phủ đã giao các cơ quan hữu quan nghiên cứu những bất thường xung quanh việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm cũng như hệ lụy khi loạt công ty thắng đấu giá xin bỏ cọc, làm méo mó, lũng đoạn thị trường bất động sản.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng khẳng định với VnExpress rằng, kết quả đấu giá đất ở Thủ Thiêm với mức cao nhất lên đến 2,43 tỷ đồng một m2, cao hơn gấp 2 lần giá đất tại Đồng Khởi là điều vô lý.
“Hiện các nhà đầu tư có nhiều "bài vở" trong chuyện tạo sốt đất, không chỉ diễn ra ở Thủ Thiêm mà còn ở cả nước. Riêng chiêu kích giá đất ở Thủ Thiêm từ vụ đấu giá sẽ gây tác động nhất định đến cả nước”, ông Đặng Hùng Võ nêu rõ.
Giới chuyên gia nhận định, cơ quan nhà nước của Việt Nam hay trong trường hợp này là TP.HCM cần có thêm cơ chế kiểm soát tư cách nhà đầu tư tham gia đấu giá thông qua việc chứng minh năng lực và ý tưởng thực hiện dự án.
Các tiêu chuẩn sàng lọc nghiêm ngặt lịch sử hoạt động của các doanh nghiệp, chế tài mạnh, đủ sức răn đe để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực nằm trong tầm tay Nhà nước, có thể làm nhanh nhưng phải kỹ lưỡng.
Ngoài ra, theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC, TP.HCM cần có hội đồng đánh giá hoạt động đấu giá đất một cách độc lập, trong đó một mặt hạn chế rủi ro làm méo mó thị trường, mặt khác thúc đẩy hoạt động đấu giá diễn ra minh bạch để tăng nguồn thu cho ngân sách.
“Từ vụ việc đấu giá đất Thủ Thiêm lần này cũng đặt ra vấn đề về lỗ hổng trong pháp luật đấu thầu của Việt Nam, cho thấy cần phải sửa luật cho phù hợp”, GS.TS Đặng Hùng Võ lưu ý.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, phải làm rõ ai là người có quyền tham gia, mức độ tiềm năng tài chính như thế nào, vốn pháp định ra sao.
Tiếp đó, điều kiện rút lui nếu được chấm thắng thầu. Ví dụ, ngay trong phiên đấu giá, nếu doanh nghiệp thứ nhất trúng cọc với giá rất cao rồi bỏ cọc, phần thắng sẽ rơi vào tay người để mức giá thứ hai, có thể thấp hơn rất nhiều. Thế là không được.
“Nhìn chung phải sửa lại luật, để đảm bảo tính minh bạch, cụ thể và không tạo ra những bất lợi cho Nhà nước, thị trường”, GS.TS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.