Nhiều người Việt sống ở Ukraina, Nga đều có chung tâm lý rằng, không có khả năng bùng nổ chiến tranh giữa Nga và Ukraina như báo chí phương Tây “thổi phồng”.
Họ cũng không quan tâm đến cuộc chiến “tưởng tượng” giữa Moskva và Kiev như cách mà Mỹ hay đồng minh của mình đang vẽ ra.
Tình hình Ukraina không căng thẳng như báo chí phương Tây thổi phồng
Ngày 15/2, Đại sứ Việt Nam tại Ukraina Nguyễn Hồng Thạch trao đổi với báo chí trong nước tuyên bố, tình hình Ukraina “vẫn ổn” và Việt Nam không có ý định sơ tán dân khỏi lãnh thổ quốc gia Đông Âu này.
Những căng thẳng “mang tính tưởng tượng” về xung đột Nga – Ukraina dù vẫn được truyền thông phương Tây ra sức “bơm”, nhưng “chiến tranh Nga – Ukraina là cuộc chiến không có thật”, và đối với phần lớn cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga hay Ukraina, không ai nghĩ về khả năng Moskva tấn công Kiev, hay xung đột kịch trần như “chiếc bánh vẽ” mà Mỹ và đồng minh của mình đang dựng lên.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Ukraina Nguyễn Hồng Thạch, mọi sự ở Ukraina vẫn bình an và không hề giống những gì mà báo phương Tây dồn dập đăng tải.
Cách đây hơn 2 tuần, hồi cuối tháng 1/2022, Đại sứ Thạch cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự rằng tình hình ở Ukraina không hề căng thẳng như báo chí phương Tây đưa tin.
Qua theo dõi và đánh giá tình hình ở quốc gia Đông Âu này, Đại sứ quán Việt Nam ở Ukraina nhận thấy chưa có dấu hiệu đáng lo nào cả. Mọi hoạt động kinh tế vẫn có thể diễn ra bình thường. Việc một số quốc gia rút nhân viên ngoại giao khỏi Ukraina chỉ là “hành động quá cẩn trọng”, theo Đại sứ Thạch.
“Tình hình người Việt Nam tại Ukraine hiện nay vẫn rất ổn định”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch phát biểu với Tuổi trẻ ngay trên sân trượt băng.
Nhà ngoại giao Việt Nam còn nhấn mạnh, không có ai trong số 200 người đang trượt băng ở đây nghĩ chiến tranh sẽ xảy ra.
“Rõ ràng có câu chuyện căng thẳng ở biên giới, nhưng không ai nghĩ đến chiến tranh cả. Ngay chính quyền Ukraine cũng rất bất đồng với phương Tây về việc thông tin có thể xảy ra chiến tranh ngay ngày mai, gây tâm lý hoảng loạn không cần thiết”, Đại sứ Việt Nam nói.
Trước đó, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nhấn mạnh, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraina đang theo dõi rất sát và nhận thấy tình hình không quá căng thẳng đến mức có thể xảy ra chiến tranh.
Theo nhà ngoại giao Việt Nam, các nước liên quan đang tiến tới đàm phán, mọi nỗ lực ngoại giao vẫn đang diễn ra thông qua các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc giữa các nhà ngoại giao, như cuộc gặp vừa qua ở Geneva.
“Đây là đánh giá mà Đại sứ quán thực hiện với tất cả tinh thần và trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng người Việt Nam ở Ukraina và thông qua trao đổi thường xuyên với các nhà ngoại giao các nước khác”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nói.
Ông Thạch chỉ rõ, các nhà ngoại giao luôn cân nhắc đến lợi ích của mỗi bên và vẫn duy trì cầu nối để tiếp tục đàm phán, từ đó đạt thỏa hiệp để giải quyết vấn đề.
Việt Nam không sơ tán dân khỏi Ukraina
Dù phương Tây cáo buộc Nga có ý định tấn công Ukraina, nhưng người Việt ở Nga hay ở Ukraina đều không tin vào điều đó. Tất cả đều chỉ do báo chí giật tít, định hướng dư luận theo sự giật giây của các nước phương Tây.
Thông tin về tình hình người Việt Nam ở Ukraina, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nhấn mạnh, cuộc sống vẫn bình thường, ổn định. Đại sứ quán Việt Nam ở Kiev đã lên phương án, chuẩn bị những biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Về tình hình người Việt tại Ukraina, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cho biết Đại sứ quán Việt Nam vẫn giữ liên lạc và cập nhật tình hình của người Việt tại đây.
“Cuộc sống của người Việt vẫn diễn ra bình thường và cũng rất ít người nghĩ đến khả năng chiến tranh”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nhấn mạnh.
Thậm chí, đánh giá về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina, nhà ngoại giao Việt Nam Nguyễn Hồng Thạch còn chỉ cho là chỉ ở mức “1/1.000”.
Theo ông Thạch, hiện giờ các bên đều đang cố gắng tìm kiếm thỏa hiệp. Sự khác biệt không phải quá lớn để có thể phải dùng vũ lực để giải quyết (như cách mà phương Tây vẫn làm – PV).
Liên quan đến việc “sơ tán dân” như một số nước làm, Đại sứ Thạch cho biết, người Việt sống ở Ukraina khác với công dân các nước phương Tây và cũng khác công dân Việt Nam sang Iraq, Libya lao động trước khi chiến tranh xảy ra, nên không thể áp dụng hình thức sơ tán như phương Tây đang kêu gọi công dân mình hay như cách Việt Nam đã sơ tán lao động từ Iraq hay Libya.
Ông Nguyễn Hồng Thạch chỉ rõ, người Việt sống ở Ukraina đã nhiều năm, gắn bó với những nơi họ sinh sống.
Đại sứ quán cũng đã liên lạc với ngay cả những người Việt sống ở tỉnh Donetsk, nơi rất gần lực lượng ly khai, cũng được biết họ không nghĩ đến chuyện sơ tán.
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, đại đa số người Việt ở Ukraina sinh sống và làm việc nhiều năm ở các thành phố lớn như Kiev, Odessa, Kharkov, lại càng không nghĩ đến khả năng này.
Trong mọi trường hợp, Đại sứ quán cũng đã chuẩn bị phương án và biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp xấu nhất.
“Cụ thể ĐSQ đã chuẩn bị biện pháp đưa công dân từ vùng chiến sự sang vùng hòa bình trong trường hợp chiến tranh xảy ra, hoặc về Việt Nam nếu có yêu cầu, và đưa gia đình cán bộ ngoại giao sơ tán về nước”, ông Nguyễn Hồng Thạch cho biết.
Căng thẳng Nga – Ukraina không xuất phát từ Moskva hay Kiev
Không chỉ người Việt ở Ukraina phủ nhận khả năng xảy ra cuộc chiến giữa Nga – Ukraina, người Việt ở Nga cũng có suy nghĩ tương tự.
Đa phần người Việt ở Nga đều nhận định, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường và “căng thẳng” hay “xung đột” giữa Nga với Ukraina đều chủ yếu bắt nguồn từ báo chí phương Tây, áp lực do Hoa Kỳ và đồng minh gây nên, chứ không từ chính Moskva hay Kiev.
Hầu hết người Việt được hỏi cho biết cộng đồng người Việt, và nhiều người Nga, không quá bận tâm tới căng thẳng hiện tại giữa Moscow và Kiev, theo Zing. Nhiều người Việt sinh sống ở Nga hay Ukraina đều nhận thấy khả năng xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraina là “quá xa vời”.
Người Việt ở Nga, Ukraina vẫn nắm thông tin qua báo chí nhưng không mấy ai tin rằng, chiến tranh sẽ xảy ra cả. Họ tin tưởng vào tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin cũng như Điện Kremlin rằng, Nga không có kế hoạch xâm chiếm hay tấn công Ukraina như cách phương Tây đang tự thêu dệt. Moskva và Kiev đều đang tìm tiếng nói chung, giải pháp thỏa hiệp phù hợp với lợi ích các bên.
Nhiều người Việt ở Nga còn thẳng thắn rằng, hầu hết cộng đồng ở đây chỉ tập trung làm kinh tế, mong đại dịch sớm kết thúc, không ai “hơi đâu mà quan tâm đến cuộc xung đột Nga – Ukraina” mà Mỹ và EU đang “thổi phồng” lên bằng trí tưởng tượng.
Trong cộng đồng người Việt ở Nga còn có ý kiến rằng, chiến tranh hiện đại giữa các cường quốc là chiến tranh công nghệ, không phải là dùng vũ lực để “tay bo bắn nhau”. Bên cạnh đó, nếu Nga muốn Ukraina sụp đổ, chỉ cần khóa van khí đốt từ Nga sang và các biện pháp tương tự, “chứ không cần phải đánh nhau”.
Khẳng định với Zing, một người Việt sống ở Nga lâu năm nhấn mạnh, nhiều người cho rằng Mỹ là người “giật dây” phía sau, chứ vấn đề không nằm ở Nga trong căng thẳng với Ukraina.
Trên Tuổi trẻ, một công dân Việt sinh sống ở Ukraina cũng chia sẻ quan điểm tương tự, các ý kiến đều cho rằng, căng thẳng hiện nay do báo chí phương Tây “thổi phồng” tình hình. Thực tế, người dân Ukraina vẫn sinh hoạt bình thường, mặc dù ở một số nơi có diễn ra các khóa huấn luyện quân sự ngắn cho người dân.
“Tất cả những thông tin "căng thẳng" giữa Nga và Ukraina đều xuất phát từ nơi khác chứ không xuất phát từ Ukraina hay từ Nga”, một người Việt ở Ukraina nói và cho biết, bạn bè người thân của anh đều không ai dự trữ thực phẩm hay tính đến phương án sơ tán.
Nhiều người Việt ở đây cũng nhấn mạnh, kể từ thời điểm xung đột Nga – Ukraina hồi năm 2014, họ thấy chẳng co gì phải dao động. Cuộc sống không xáo trộn. Có chút lo lắng nhưng chủ yếu là do truyền thông, khi nào tin nóng nhiều thì tâm lý dao động, nhưng sau đó lại trở về bình thường. Cũng không mấy người tin sẽ bùng nổ chiến tranh.
Ở thời điểm hiện tại, người Việt ở Ukraina vẫn giữ cuộc sống ổn định, chưa có việc gì cần giúp đỡ, hỗ trợ từ Đại sứ quán liên quan đến việc sơ tán công dân do căng thẳng Nga – Ukraina.
Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Trung Quốc cũng không hề có kế hoạch sơ tán dân, hay lo ngại bùng nổ chiến tranh. Ngày 14/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định Đại sứ quán nước này tại Ukraina vẫn hoạt động bình thường.
Đại sứ quán Trung Quốc cũng đã gửi thông báo lưu ý các công dân ở Ukraina theo dõi tình hình tại nước này, theo ông Uông Văn Bân.
Về phần Đại sứ quán Việt Nam tại Kiev, theo nhà ngoại giao Nguyễn Hồng Thạch, cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước sở tại luôn theo dõi sát sao tình hình hiện nay và ưu tiên quan tâm tới cộng đồng người Việt tại Ukraina.
“Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đại sứ quán”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nhấn mạnh trước đó.