Trong khi đó, CEO Viettel Campuchia Phùng Văn Cường tin rằng, Metfone sẽ là một doanh nghiệp tường tồn và “chưa có đối thủ nào” có thể cạnh tranh ngôi vị số 1 với nhà mạng Việt Nam này.
Việt Nam có Ban Chỉ đạo phát triển mạng 6G
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành quyết định số 12/QĐ-BTTTT thành lập Ban Chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G.
Theo thông tin chính thức trên cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ là Trưởng Ban chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ thông tin di động 6G. Phó Ban là Thứ trưởng Phạm Đức Long.
Theo Quyết định số 12, Cục Viễn thông là đơn vị thường trực Ban chỉ đạo, có trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo điều phối hoạt động của Ban chỉ đạo theo kế hoạch đề ra, đồng thời bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ban chỉ đạo. Cục Viễn thông được giao thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, ứng dụng, an toàn thông tin, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Ban cũng chủ trương nghiên cứu đóng góp vào hoạt động của các tổ chức quốc tế trong hoạt động nghiên cứu, phát triển tiêu chuẩn công nghệ thông tin di động 6G trên cơ sở hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất thiết bị và triển khai thương mại dịch vụ thông tin di động 6G của doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng thời, Ban này cũng se theo dõi, tổng hợp tình hình nghiên cứu, phát triển về tiêu chuẩn, sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ thông tin di động 6G của các tổ chức quốc tế, các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, theo quyết định, Ban Chỉ đạo cũng sẽ kết hợp nghiên cứu, dự báo xu hướng phát triển của thị trường viễn thông trong nước và quốc tế.
“Trên cơ sở đó đề ra lộ trình nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa thiết bị 6G, lộ trình thử nghiệm và thương mại hóa dịch vụ 6G; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và thương mại hóa thiết bị, dịch vụ 6G”, Quyết định nêu rõ.
Thành viên Ban Chỉ đạo đều có sự góp mặt của lãnh đạo các Cục, Tập đoàn, nhà mạng viễn thông hàng đầu Việt Nam như ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông; ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện; bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghệ thông tin; ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel; ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT; ông Vĩnh Tuấn Bảo, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Viễn thông MobiFone; ông Nguyễn Minh Quang, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel, bà Nguyễn Thị Ngọc Trang, Phó Vụ trưởng tập sự Vụ Khoa học công nghệ.
Việt Nam sẽ tham gia vào cuộc đua 6G
6G là một chuẩn kết nối tiếp bước thế hệ mạng 5G. Trong khi tốc độ mạng 5G đạt tới 20 Gbps, thì mạng 6G hướng tới tốc độ Tegabit (Tbps) nhanh hơn vài trăm đến vài nghìn lần mạng 5G.
Hiện nay, các quốc gia đã sẵn sàng cho nghiên cứu triển khai công nghệ mạng 6G là Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Phần Lan và nhiều nước EU khác. Các gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới cũng đang bắt đầu bước vào cuộc đua phát triển 6G như Samsung, Hoa Vi (Huawei) của tỷ phú Nhậm Chính Phi. Tất nhiên, những “tay chơi chính” mảng 6G không thể thiếu Apple.
“Táo khuyết” có trụ sở chính ở Cupertino, California trước đó đã đăng thông báo tuyển dụng các kỹ sư nghiên cứu hệ thống di động hiện tại và thế hệ tiếp theo với kế hoạch thu hút người tài vào các vị trí làm việc tại văn phòng của Apple ở Thung lũng Silicon và San Diego, nơi công ty nghiên cứu phát triển công nghệ di động 6G và thiết kế chip.
Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tận dụng một số thế mạnh như nghiên cứu và sản xuất các thiết bị đầu cuối 6G, nghiên cứu chuyên sâu trong việc tối ưu, điều khiển trong hệ thống mạng 6G. Thực tế, hiện Việt Nam chưa bắt đầu những nghiên cứu về hạ tầng với mục tiêu đưa đến dịch vụ mạng 6G nhưng trong sự nối tiếp của mạng 5G, Việt Nam đã có nhiều chuẩn bị nghiên cứu liên quan.
Việt Nam đã từng bước xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh với khá nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tối ưu và điều khiển mạng không dây thế hệ mới. Để chuẩn bị cho mảng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), hiện khá nhiều đơn vị mạnh hướng tới tập trung cho mảng nghiên cứu này như Tập đoàn Vingroup thành lập viện nghiên cứu VinAI năm 2019, Viện Công nghệ thông tin thành lập Trung tâm nghiên cứu AI, hướng tới đầu tư về con người, trang thiết bị cho các nghiên cứu về AI.
Theo PGS.TS Phạm Thanh Giang, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong việc triển khai các thế hệ mạng di động, Việt Nam thường đi sau thế giới từ 7-10 năm đối với các mạng di động 2G, 3G, 4G.
Đối với mạng 5G, Việt Nam đã thực hiện các thử nghiệm từ năm 2019, kỳ vọng đưa Việt Nam vào các nhóm nước đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G, sau các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với thế giới về năng lực nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực viễn thông, trong khi đó, thời gian từ việc triển khai thử nghiệm đến khai thác thương mại thường kéo dài trung bình đến 5 năm đối với các mạng di động thế hệ trước.
“Đối với mạng 6G, các nước hiện nay đều có cơ hội như nhau về mặt thời gian để có thể dẫn đầu về nghiên cứu, triển khai mạng 6G, nhưng không phải nước nào cũng đủ năng lực về khoa học và công nghệ cũng như tài chính để tham gia “cuộc đua” ngay từ thời điểm này”, PGS.TS Phạm Thanh Giang lưu ý.
Do đó, ông Giang đề xuất rằng, Việt Nam sớm tận dụng một số thế mạnh như nghiên cứu và sản xuất các thiết bị đầu cuối 6G, nghiên cứu chuyên sâu trong việc tối ưu, điều khiển trong hệ thống mạng 6G, nghiên cứu công nghệ AI cho hệ thống quản trị, xử lý dữ liệu trong hệ thống mạng 6G, nghiên cứu các bài toán an toàn, bảo mật blockchain để giải quyết bài toán an toàn trong hệ thống mạng mới của tương lai.
CEO Viettel Campuchia: Nhà mạng Việt Nam khẳng định ngôi vị số 1
Mới đây, ông Phùng Văn Cường, CEO Viettel ở Campuchia – Metfone đã có một số chia sẻ đáng chú ý về tình hình kinh doanh hoạt động và chiến lược độc đáo của công ty con của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội ở quốc gia láng giềng phía Tây Nam Việt Nam.
Thông tin về tình hình hoạt động, báo cáo kinh doanh của Metfone trong cuộc trao đổi với ITCNews, ông Phùng Văn Cường cho biết, năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của khó khăn dịch bệnh, Metfone vẫn tăng trưởng tốt. Lĩnh vực viễn thông của Metfone tăng trưởng 7%, giữ vững vị trí công ty viễn thông số 1 ở Campuchia với 42% thị phần dịch vụ di động và 62% cố định băng rộng. Lĩnh vực mới tăng trưởng trên 30%; đóng góp 40% delta tăng trưởng, qua đó góp phần đóng góp chung vào tăng trưởng 9,6% của cả công ty.
Theo ông Cường, Metfone đã triển khai nhiều chiến lược chuyển dịch số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng trưởng doanh thu với các sản phẩm như Super App CamID, Ứng dụng Tài chính eMoney, Game/esport; Hệ sinh thái số với các hoạt động marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng cũng được triển khai toàn diện.
Cùng với đó, Metfone đã hoàn thành tốt chuyển dịch thuê bao di động sang Data, đưa tỷ lệ khách hàng data đạt mốc 87% trong đó 95% là khách hàng 4G. Ông Cường cho hay, đây là mức cao nhất tại các thị trường mà Viettel đầu tư hiện nay. Có được thành công này, theo CEO Viettel ở Campuchia là nhờ Metfone vẫn giữ được tăng trưởng ở lĩnh vực cũ và mở rộng mạnh mẽ không gian tăng trưởng sang các lĩnh vực mới.
CEO Metfone cho biết, năm qua, doanh nghiệp của Viettel tham gia rất mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số của Campuchia, hợp tác toàn diện với Chính phủ Hoàng gia của ông Hun Sen, ngành giáo dục, y tế, cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Phùng Văn Cường, nền tảng với các hoạt động marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng của Metfone đạt hơn 10 triệu người đăng ký và theo dõi trên Facebook, Youtube, Tiktok, Telegram, CamID. Giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho Khối chính phủ, doanh nghiệp (B2B) và dịch vụ số cho khách hàng cá nhân của Metfone tăng trưởng 32%, chiếm lĩnh số 1 tại thị trường láng giềng của Việt Nam.
Riêng với khách hàng cá nhân, siêu ứng dụng CamID của Metfone mới ra mắt 8 tháng (từ tháng 4/2021 đến hết tháng 12/2021) đã cán mốc 2 triệu khách hàng sử dụng. Trong khi đó, eMoney là ví điện tử lớn nhất của Campuchia đạt 400.000 thuê bao.
“Dù con số khiêm tốn nhưng chiếm hơn một nửa thị phần về ví điện tử tại đây”, ông Cường nhấn mạnh và khẳng định, eMoney giúp cho người dân thanh toán mua sắm đơn giản hơn, được khách hàng nươc bạn đón nhận rất nồng nhiệt, nhất là giới trẻ.
Ông Phùng Văn Cường cũng chia sẻ về 4 sản phẩm đặc biệt mà Metfone tạo ra năm 2021 đó là chuỗi phim Phật giáo “Path of Dhamar” - một sản phẩm số của Viettel được phát nền tảng Facebook và Youtube.
“Từ sức ảnh hưởng của bộ phim, khách hàng đã nhìn nhận Metfone không chỉ là một hãng viễn thông mà là một công ty dịch vụ số, bao gồm cả nội dung số”, ông Cường cho biết.
Ngoài ra, Metfone còn 3 sản phẩm khác là siêu ứng dụng CamID, hệ thống SIS và ví điện tử eMoney tạo được ấn tượng, tiếng vang lớn ở thị trường Campuchia.
Metfone có thể thành một công ty như Tập đoàn Viettel ở Việt Nam?
Trăn trở về các thách thức của Viettel ở Campuchia, CEO Phùng Văn Cường cho biết, để trở thành công ty viễn thông và công nghệ số, có dịch vụ khách hàng, trải nghiệm khách hàng số 1 ở Campuchia, Metfone sẽ phải chuyển đổi thành một tổ chức số, đây là nhiệm vụ hàng đầu.
Kế tiếp, Metfone cần tiếp tục lựa chọn các lĩnh vực có ảnh hưởng bao trùm xã hội của Campuchia để khai thác. Ngoài y tế, giáo dục thì tài chính, giao thông là những lĩnh vực doanh nghiệp đang đặc biệt quan tâm, theo ông Cường. Với doanh nghiệp, Metfone cũng sẽ xây dựng nền tảng kết nối, trong đó có bộ sản phẩm quản trị doanh nghiệp, các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối các doanh nghiệp và với người tiêu dùng, giúp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Còn đối với khách hàng cá nhân, bên cạnh những app rất thành công năm vừa qua, Metfone phải phát triển tiếp các app đang có về truyền thông, xổ số. Về mảng dịch vụ trải nghiệm khách hàng, chăm sóc khách hàng, Metfone sẽ phục vụ cả khách hàng của CamID.
“Đó là những tham vọng rất lớn của Metfone. Chúng tôi không có dự án nào đặc biệt riêng lẻ, mà tất cả mục tiêu đề ra đều thực hiện song song”, CEO Viettel Campuchia nêu rõ.
Ông Cường cũng cho hay, có 2 thách thức lớn với Metfone hiện nay là năng lực và nguồn lực của chính bản thân Metfone. Vị doanh nhân phân tích, trong chuyển đổi số, nguồn lực là quan trọng nhất. Các nguồn lực cũ của Metfone đang quen với việc bán hàng thủ công. Tại Campuchia, Metfone hiện khá thiếu nhân lực chủ chốt cho các lĩnh vực mới. Khó khăn thứ hai là thị trường vẫn còn sơ khai.
“Thách thức của Metfone là làm sao thuyết phục khách hàng, đào tạo khách hàng, tạo cho họ thói quen từ trải nghiệm đến sử dụng và sử dụng thường xuyên. Việc này đòi hỏi thời gian tương đối lâu”, ông Cường thừa nhận.
Vị CEO cũng nhấn mạnh còn có một thách thức mang tên “vượt qua chính mình”.
“Bởi tôi chưa nhìn thấy đối thủ nào lớn tại Campuchia để thúc đẩy sức cạnh tranh giống như tại Việt Nam”, ông Phùng Văn Cường cho biết.
Ngoài là doanh nghiệp hàng đầu về viễn thông ở Phnom Penh, Metfone còn là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia, do đó, theo ông Cường, đơn vị phải “hết sức giữ ình ảnh, có trách nhiệm và cống hiến nhiều”.
Ông Cường cũng đánh giá, cơ hội để Metfone trở thành một công ty như Tập đoàn Viettel ở Việt Nam là lớn. Metfone còn đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và logistic, giao thông thông minh, y tế, giáo dục thông minh, du lịch số, Game/Esports, xổ số điện tử, truyền hình trả tiền (OTT TV) bên cạnh lĩnh vực viễn thông – công nghệ số là cốt lõi. Metfone cũng nhắm đến nhiều lĩnh vực tiềm năng như thành lập ngân hàng số, hợp tác kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư bất động sản.
“Theo quan điểm của tôi, một doanh nghiệp không có tăng trưởng là một tổ chức sẽ tàn lụi và chết”, CEO Phùng Văn Cường nhấn mạnh.
Do đó, theo vị lãnh đạo, Metfone thế hệ này và các thế hệ sau bằng mọi giá phải luôn đặt mục tiêu và mở rộng không gian mới để duy trì tăng trưởng cho chính mình, để tiếp tục tồn tại, lớn mạnh và hùng cường hơn cả về pháp lý, mạng lưới, nhân lực.
“Đặc biệt, chúng ta phải duy trì được bộ gen Viettel, bộ gen Metfone - luôn khát khao, luôn quyết tâm chinh phục những mục tiêu mới, thách thức mới, thành công, sáng tạo vì con người (quan điểm vị nhân sinh)”, lãnh đạo Viettel ở Campuchia kết luận.