Cần làm gì để giữ vững sức hút FDI?
Giới chuyên gia phân tích rằng, Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Campuchia có hiệu lực từ đầu năm 2022 chưa tạo hiệu ứng rõ ràng, song có thể nhìn thấy xu hướng và triển vọng sắp tới.
Sự lặng lẽ đàm phán Hiệp định này của Hàn Quốc cho thấy có sự chuyển hướng chiến lược trong trật tự hay tránh gây xáo động lớn đối với dòng đầu tư, các quan hệ thương mại và đầu tư ổn định với các đối tác thương mại và đầu tư khác. Trong đó, Việt Nam là một ví dụ.
Việt Nam có thể coi việc di chuyển của nhà đầu Hàn Quốc sang Campuchia như là tín hiệu đánh dấu bước chuyển chiến lược từ dựa chủ yếu vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài sang giai đoạn tự phát huy năng lực nội tại, tự đầu tư lựa chọn sản phẩm, nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm, cung ứng ra thị trường.
Có thể nói, đây là áp lực buộc doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược đầu tư theo hướng sử dụng triệt để lao động tại chỗ, coi trọng sản phẩm thương hiệu Việt Nam, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả đầu tư và cải thiện năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu.
Cải thiện môi trường đầu tư, chính sách
Muốn giữ vững ngôi vị số 1 trong thu hút nguồn vốn FDI, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, rõ ràng, giảm thiểu chi phí giao dịch, chi phí cơ sở hạ tầng, chi phí logistics, chi phí năng lượng… tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh để giữ nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn.
Đồng thời, có chính sách xã hội tại các địa phương tập trung số lượng lao động tại các dự án FDI lớn như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng v.v. cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Như Sputnik đã đưa tin, khoảng 2 tuần trở lại đây xảy ra hàng loạt vụ công nhân tại các khu công nghiệp lớn tại Việt Nam đình công, đòi quyền lợi của mình. Việc này một phần xuất phát từ chính sách yêu cầu nhà đầu tư trả lương và bồi hoàn thoả đáng cho người lao động.
Việc hoàn thiện chính sách trên sẽ tăng trách nhiệm của các nhà đầu tư đối với lao động trong điều kiện người lao động ngày càng được coi trọng.
Ngoài ra, nên có các chính sách sẵn sàng đào tạo lại và sử dụng lực lượng lao động đã bị thất nghiệp do rút lui đầu tư. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước sử dụng lao động làm việc trong các dự án đầu tư hết hạn. Phát triển phân khúc thị trường lao động sau khi kết thúc vòng đời dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Có thể nói, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn đầu tư thu hút không chỉ Hàn Quốc mà còn có nhiều đối tác khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ… để bù lại trường hợp Hàn Quốc dịch chuyển đầu tư quốc tế.
Theo khảo sát gần đây, nguồn vốn đầu tư trên thế giới còn rất dồi dào và có nhiều tập đoàn toàn cầu chưa đầu tư lớn vào Việt Nam cho nên cần có phương pháp tiếp cận hiệu quả.
Tại sao Hàn Quốc lại chuyển hướng sang Campuchia?
Là nước láng giềng và là thành viên trong khối ASEAN, Campuchia cũng nổi tiếng với nguồn lao động dồi dào và giá thấp hơn lao động Việt Nam. Theo dự báo, Campuchia sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong đó Hàn Quốc không phải là ngoại lệ.
Được biết, thời điểm dịch chuyển đầu tư của Hàn Quốc sang Campuchia sẽ diễn ra theo từng bước, sớm nhất là trong vòng 3-5 năm tới. Nghĩa là trước năm 2025 mới có dấu hiệu rõ nét.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, nhằm tránh gây shock thị trường đầu tư, Hàn Quốc sẽ "thương lượng” và chuyển vốn FDI sang thị trường Campuchia một cách từ từ, không đột ngột. Hoặc cũng có thể tăng đầu tư vào Việt Nam ít hơn đầu tư vào Campuchia sau khi định vị đầu tư phù hợp vào Campuchia.
So với các nước ASEAN khác, Campuchia hiện là "miếng bánh” ngon cho các nhà đầu tư Hàn Quốc. Do đó, Campuchia cũng ý thức được điều này và khả năng nhân nhượng lợi ích của "đất nước Chùa Tháp” sẽ rất cạnh tranh.