“Cần mạnh dạn mở cửa trở lại”
Từ cuối năm 2021, Chiến lược chống dịch COVID-19 đã được Việt Nam thay đổi để chuyển sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Viêc Chính phủ từng bước cho học sinh đi học trở lại và mở cửa thị trường du lịch trong tầm kiểm soát cho thấy Việt Nam đang tính toán một cách kỹ lưỡng trên cơ sở đảm bảo an toàn và sức khỏe của người dân.
Trao đổi với Sputnik, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc “đóng băng” các hoạt động kinh tế - xã hội - giáo dục kéo theo nhiều hệ lụy và không thể kéo dài mãi. Trong khi, dịch COVID-19 chưa biết bao giờ mới kết thúc. Phương châm hành động của năm 2022 là "mạnh dạn mở cửa trở lại" và không để tư duy "Zero Covid" tồn tại quá lâu”.
"Lộ trình mở cửa an toàn hướng đến phục hồi hậu Covid-19 "cần sự thống nhất trong tư tưởng và sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở nhiều khía cạnh". Chúng ta cần phải xác định phương châm hành động lúc này là dũng cảm và mạnh dạn mở cửa. Tức là mở cửa từ tư duy, đừng để tư duy "Zero Covid" tồn tại quá lâu. Đừng áp đặt suy nghĩ phải hết sạch dịch bệnh mới mở cửa để phát triển kinh tế." - TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Tuy nhiên ông Dũng cũng thẳng thắn chia sẻ thêm rằng, thực tế hiện nay tại nhiều địa phương điều này chưa được thực hiện tốt. Tư tưởng “Zero Covid” đang trói chặt khuôn khổ tư duy và cách thức hành động. Cụ thể, nhiều nơi trên một số địa phương đã cách ly trái quy định, thậm chí yêu cầu xét nghiệm,…
Hành khách làm thủ tục ngày 17/2/2022 tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia để lên chuyến bay VN674.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Mạnh Tuân
Yếu tố cần và đủ để mở cửa
Theo số liệu câp nhật từ hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19, tính đến chiều 24/2 cả nước ghi nhận 69.128 ca nhiễm mới, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là hơn 192,67 triệu liều. Trong đó, số người tử vong do dịch cũng giảm.
Việc mở cửa trở lại trường học và du lịch trên quy mô toàn quốc dựa vào tình trạng miễn dịch cộng đồng ở Việt Nam đã đạt mức cao, nhờ tăng tỷ lệ người được tiêm vaccine mũi 3. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong sau khi được tiêm mũi thứ 3 là rất thấp. Dự kiến, đến ngày 30/3, Việt Nam sẽ hoàn thành mũi vaccine COVID-19 thứ 3 cho tất cả người dân thuộc diện được tiêm.
Với độ bao phủ vaccine như hiện nay, ông Dũng cho rằng việc chống dịch cần dựa vào số liệu thực tế để có phương án phù hợp.
"Với tỷ lệ bao phủ vaccine cao như vậy, chúng ta cần chú trọng đến số ca tử vong và ca nặng để đưa ra biện pháp, không phải dựa vào số liệu ca nhiễm mỗi ngày. Trường hợp tỷ lệ tử vong không quá cao thì không cần phản ứng cực đoan bởi sẽ làm thiệt hại thêm cho kinh tế. Có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã mở cửa khi có chính sách nhất quán."
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ thêm, việc mở cửa du lịch góp phần quan trọng để khôi phục kinh tế. Trong khi đó, việc bế quan tỏa cảng cũng không ngăn chặn được sự lây nhiễm COVID-19. Tận dụng sớm bởi cơ hội lớn đang hiện diện ngay trước mắt.
Hiện Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đến 20 trong tổng số 28 quốc gia. Hành khách nhập cảnh có thể sử dụng hộ chiếu vaccine. Ngành hàng không đang có triển vọng phục hồi nhanh chóng.
Tiêm chủng cho trẻ em: “mảnh ghép” cuối cùng
Số mũi tiêm của trẻ từ 12-17 tuổi đã đạt tới 17 triệu. Trong đó, mũi tiêm thứ nhất đã đạt trên 97%. Mũi tiêm thứ hai đã đạt được 94,6%. Việc này cho thấy sự chấp nhận của cha mẹ rất cao.
Có thể thấy, với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, Việt Nam đã và đang từng bước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Hầu hết các hoạt động đã từng bước trở về trạng thái bình thường mới. Với nỗ lực và sự quyết tâm, đến thời điểm hiện việc hoàn thành tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi như "mảnh ghép" cuối cùng để lộ trình mở cửa.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh Trung học trước khi đến trường học trực tiếp.
© Ảnh : Đức Hạnh - TTXVN
Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là trẻ em trong độ tuổi đi học mắc Covid-19 chiếm 19,3%. TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng:
"Mở cửa toàn bộ hoạt động, ta cần làm quen với việc chấp nhận các rủi ro. Ví dụ như một học sinh là F0 thì ta cho học sinh đó ở nhà, còn các em khác tiếp tục đi học.”
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine COVID-19 là rất quan trọng, đăc biệt trẻ em từ 5-11 tuổi. Đây là điều cần thiết không chỉ cho các em mà cho cả tương lai của đất nước.