Giải pháp khả thi?
Như Sputnik đã đưa tin, ngày 1/3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ và dự báo giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 200-300 đồng/lít, dầu tăng khoảng 150-250 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 5 trong năm 2022.
Được biết, Bộ Tài chính đã trình phương án trên cho Thủ Tướng. Ngày 22-2, Thủ tướng trong công điện về điều hành xăng dầu đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 28/2/2022.
Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên khi được Chính phủ thông qua, đề xuất sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Các chuyên gia phân tích và khuyến cáo, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể đi ngang hoặc chỉ tăng nhẹ.
Bên cạnh thuế môi trường, mặt hàng xăng còn chịu nhiều loại thuế khác: Thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng A95 là 10%, xăng E5 là 8%; thuế nhập khẩu 8% v.v.
Áp lực lạm phát lên nền kinh tế trong nước như thế nào?
Cần nhắc lại, trong vòng 2 tháng đầu năm 2022 thị trường xăng dầu trong nước đã có 4 kỳ điều chỉnh tăng liên tiếp, giá xăng dầu các loại tăng từ 1.570 - 2.562 đồng/lít/kg, tương đương với tỷ lệ tăng từ 9,6% - 14%.
Như vậy, bình quân 2 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm tăng 1,63 điểm phần trăm trong mức lạm phát chung 1,68% của nền kinh tế.
Do giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo giá của các mặt hàng thực phẩm và giao thông cũng tăng theo. CPI trong 2 tháng đầu năm 2022 đã tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, tình hình biến động địa chính trị thế giới và nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 70% cũng là nguyên nhân tạo nên áp lực lạm phát gia tăng.
Có thể thấy trong năm 2022, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với các yếu tố trong nước gây nên áp lực lạm phát từ sự kết hợp, cộng hưởng của cả tổng cầu tăng đột biến và nguồn cung khó đáp ứng mức tăng của tổng cầu; trong đó, yếu tố thứ hai đóng vai trò chính, lớn hơn trong việc gia tăng lạm phát của nền kinh tế.
Nói cách khác, áp lực lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam đến từ vấn đề kinh tế vĩ mô và lạm phát chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như chuỗi cung ứng trong nước.
Giới chuyên gia đề xuất một số giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát có thể kể đến như: Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.