Theo các chuyên gia, chiến lược phân phối mở rộng ở cả kênh trực tuyến lẫn ngoại tuyến đã giúp Apple tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Doanh số Apple tăng mạnh
Như Sputnik thông tin, Apple năm qua cũng thành công hơn ở các thị trường như Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Brazil.
Theo báo cáo thị trường của Counterpoint Research (CR), Apple là nhà sản xuất dẫn đầu về doanh thu smartphone toàn cầu với 196 tỷ USD, tăng 35% so cùng kỳ.
Nhờ nhu cầu các model điện thoại 5G tăng mạnh, giá bán sản phẩm (ASP) iPhone cao hơn 14% năm ngoái, đạt trung bình 825 USD mỗi máy.
Kể từ sau khi ra mắt iPhone 12 với công chúng, Apple đã triển khai một loạt những điều chỉnh trong chính sách giá và bảo hành. Điều này đã tác động mạnh đến các nhà bán lẻ trong nước theo nhiều cách khác nhau.
Năm 2019, một quản lý cấp vùng của Apple từng cho biết, sẽ cần rất lâu nữa để Apple Store được mở tại Việt Nam.
“Họ phải 'thắp sáng' thị trường qua các kênh cửa hàng ủy quyền AAR và APR để thay thế hàng xách tay", vị này nói.
Những gì diễn ra sau đó đã cho thấy những dự báo trên là chính xác. Kể từ năm 2020, Apple mở rộng chương trình đại lý ủy quyền tại Việt Nam thông qua việc bắt tay với các nhà bán lẻ lớn trong nước, nhằm tăng cường sự hiện diện của hãng. Trong suốt 2 năm vừa qua, doanh số của Apple đã ghi nhận đà tăng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là iPhone.
"Những lý do giúp Apple tăng trưởng tại Việt Nam bao gồm giá trị thương hiệu lớn và chính sách tốt từ iPhone 12 được tiếp tục áp dụng cho dòng iPhone 13. Ngoài ra, chiến lược phân phối mở rộng ở cả kênh trực tuyến, ngoại tuyến giúp Apple tiếp cận được nhiều khách hàng hơn", ông Ivan Lam, chuyên gia của Counterpoint Research, lý giải với Zing.
Giảm bớt thời gian chờ của người tiêu dùng
Năm 2019, Apple ra mắt iPhone 11 vào ngày 1/9/2019 và chính thức bán ra dòng điện thoại này tại các thị trường lớn từ 20/9/2019. Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam đã phải chờ đến 42 ngày để mua được iPhone 11 chính hãng trong nước. Sang đến thế hệ iPhone 12, con số này được rút ngắn lại còn 37 ngày và sang iPhone 13 – 28 ngày.
Như vậy, thời gian mở bán các dòng iPhone chính hãng tại Việt Nam đang dần được rút ngắn qua từng năm. Do vậy, tình trạng săn đón hàng xách tay bán sớm ở Singappore hay Hong Kong đã theo đó giảm đi so với trước.
Giới kinh doanh iPhone xách tay cho biết, khoảng thời gian từ lúc máy được bán ra thị trường quốc tế đến khi sản phẩm chính hãng có mặt tại Việt Nam là thời gian vàng của iPhone nhập khẩu tiểu ngạch. Do đó, việc Apple sớm mở bán iPhone chính hãng trong nước đã khiến thị trường xách tay dần bị thu hẹp.
Kể từ 2020, Apple lần đầu tiên áp dụng chính sách chiết khấu giá bán cho đại lý Việt Nam. Trước đây, nhà bán lẻ tại Việt Nam phải nhập iPhone chính ngạch với giá bán tương đương người dùng cuối ở thị trường quốc tế.
Chính vì thế, giá iPhone bị đội lên bởi các loại thuế và chi phí vận hành. Từ đó, giá bán giữa sản phẩm iPhone chính hãng và xách tay càng có sự chênh lệch lớn.
Hộp iPhone trong cửa hàng Apple
© AFP 2023 / Karim Sahib
Với việc được hưởng chiết khấu trực tiếp từ Apple vào giá bán iPhone mới, các nhà bán lẻ trong nước có thể tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, một số nhà kinh doanh có thể áp dụng chính sách giảm giá trực tiếp vào giá bán sản phẩm. Qua đó, người dùng có thể mua iPhone chính hãng với mức giá rẻ hơn.
Mở rộng hệ thống phân phối ủy quyền
Năm 2020, Apple đã bắt tay với các nhà bán lẻ trong nước để mở rộng hệ thống Cửa hàng Ủy quyền Apple (Apple Authorized Store, viết tắt AAR). Hãng đã làm việc tích cực với các hệ thống để cung cấp chứng nhận AAR trong một khoảng thời gian ngắn cho những nhà kinh doanh đạt chuẩn.
Trước khi mở bán iPhone 12 chính hãng, các nhà phân phối quan thuộc như CellphoneS, Di Động Việt và ShopDunk đã trở thành đại lý ủy quyền Apple. Sang năm 2021, Minh Tuấn Mobile cũng góp mặt vào danh sách này.
Muốn trở thành AAR, các đại lý chính hãng phải đáp ứng những tiêu chuẩn mà Apple đưa ra. Trong đó, điều quan trọng nhất là không kinh doanh iPhone xách tay, iPhone cũ.
Ngoài AAR, Apple còn liên kết với ShopDunk, Thế Giới Di Động mở chuỗi cửa hàng độc quyền thương hiệu (mono store). Các nhà phân phối như TopZone, ShopDunk Mono, eDigi, F.Studio đã mang lại không gian trải nghiệm chuyên biệt theo tiêu chuẩn Apple. Có thể nói, mono store là một dạng Apple Store thu nhỏ tại Việt Nam.
Không những thế, gã khổng lồ công nghệ Mỹ còn mở gian hàng chính thức của hãng trên hai nền tảng Shopee và Lazada. Các sàn thương mại điện tử này cũng đã mạnh tay gỡ bỏ những sản phẩm Apple cũ, xách tay.
Đại dịch đã thu hẹp thị trường iPhone xách tay
Đại dịch Covid-19 diễn ra cũng góp phần thu hẹp thị trường iPhone xách tay tại Việt Nam, vì lý do đường bay từ Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia chủ chốt cung cấp iPhone xách tay bị gián đoạn, làm thiếu hụt nguồn cung.
Vì gặp khó khăn trong vận chuyển, lượng máy xách tay về Việt Nam đã giảm sút nghiêm trọng. Một nguồn tin cho biết, số iPhone 13 xách tay về Việt Nam giai đoạn dịch bệnh chỉ bằng 1/10 các năm trước. Một số người chuyên bán máy xách tay nay đã chuyển sang bán máy chính hãng.
Bên cạnh sự khan hiếm nguồn hàng, giá máy xách tay nay còn cao hơn hàng chính hãng. Ví dụ, chiếc iPhone 13 Pro Max phiên bản 128 GB xách tay từ Mỹ, Hong Kong từng có giá lên đến 39-40 triệu đồng. Trong khi đó, sản phẩm chính hãng trong nước chỉ có giá 30-35 triệu đồng. Chính vì thế, hầu hết người dùng đều chọn mua máy chính hãng.
“Trước đây, tỷ lệ iPhone xách tay và chính hãng là 1:1. Hiện tại, phải 9 máy chính hãng được bán ra thì mới có một máy xách tay”, theo một đại diện nhà bán lẻ lớn tại TP.HCM.
Có cùng ý kiến trên, ông Ivan Lam cũng cho rằng người tiêu dùng Việt đang dần chuyển sang hàng chính hãng vì giá tốt, thời gian chờ được rút ngắn.
Chính sách bảo hành qua hóa đơn làm khó người tiêu dùng
Trong khi đó, ông Nguyễn Lạc Huy (đến từ CellphoneS) cho rằng, một yếu tố khác làm tăng doanh số của Apple năm 2021 là những thay đổi trong chính sách về bảo hành, bán hàng.
Theo đó, các trung tâm ủy quyền Apple yêu cầu người dùng máy xách tay phải cung cấp hóa đơn mua hàng để được bảo hành.
Bên cạnh đó, thay vì được đổi máy mới khi gặp lỗi, nay người dùng Việt sẽ được thay thế linh kiện để sửa chữa.
Đến cuối năm 2021, toàn bộ thiết bị của hãng, gồm iPhone, iPad, MacBook, AirPods, Apple Watch và các loại phụ kiện đều được áp dụng chính sách bảo hành qua hóa đơn. Chính sách này là để hạn chế mua bán chợ đen và sản phẩm xách tay.
Tuy nhiên, chính sách mới gây khó khăn cho người dùng khi sản phẩm phát sinh sự cố. Một số khách hàng đã than phiền rằng thủ tục bảo hành của Apple ngày càng khó khăn, phức tạp. Người dùng cho rằng, lý do "chống trộm cắp" là chưa đủ thuyết phục, vì có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua số serial.
“Tại sao phải bắt số đông người dùng phải giữ hóa đơn khi bảo hành trong khi những hãng khác ở Việt Nam chỉ cần số serial”, một khách hàng đặt vấn đề.
Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đây tuy là khó khăn ban đầu cho người dùng, nhưng sẽ giúp phát triển thị trường chính hãng. Trong tương lai, nhiều khả năng chính sách bảo hành sẽ trở lại bình thường và trải nghiệm người dùng sẽ trở nên tốt hơn.
Một vấn đề khác là số lượng sản phẩm bị thiếu hụt. Khi iPhone 12, iPhone 13, MacBook M1 được mở bán, lượng thiết bị cung ứng cho khách hàng trong nước không đủ. Nhiều người dùng đặt trước đã phải đợi 15-30 ngày để nhận được thiết bị. Điều này đã khiến sản phẩm bị đội giá trên thị trường chợ đen.
Counterpoint Research ghi nhận, Apple là thương hiệu điện thoại thông minh có tố độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2021 với 119%. Thị phần smartphone của hãng tại Việt Nam đã tăng lên 11%, so với 7% trong năm 2020.
Bên cạnh đó, việc ra mắt MacBook chạy chip Apple Silicon cũng giúp sản phẩm thu hút người tiêu dùng hơn.
Tổng số thiết bị Apple bán ra tại Việt Nam đã lên đến gần 1,3 triệu đơn vị. Theo ông Ivan Lam, Apple đang có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt Nam. Việc mạng 5G được triển khai cũng góp phần quan trọng giúp gia tăng doanh số của iPhone 13.
Bên cạnh đó, với 79% thị phần vào tháng 10/2021, Apple vô địch trong thị trường smartphone cao cấp tại Việt Nam, theo dữ liệu của GfK.
Cả hai nhà phân phối FPT Shop và CellphoneS đều cho biết, trong năm qua, doanh số iPhone đã ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt. Trong khi doanh số tại FPT tăng gấp đôi, CellphoneS ghi nhận mức tăng 250% với các sản phẩm Apple.
"Năm 2021, doanh số iPhone tại Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan, và còn cao hơn Indonesia. Với doanh số ngày càng tăng, tôi kỳ vọng sẽ sớm có Apple Store chính thức tại Hà Nội hoặc TP.HCM", ông Ivan Lam nhận định.
Với những gì đã gây dựng được tại Việt Nam, việc Apple Store chính thức ra mắt có thể không còn xa nữa.