Giá xăng dầu Việt Nam sẽ ra sao khi thế giới đầy hỗn loạn và khó đoán?

Xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Những kỳ điều hành giá gần đây, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính đã phải ‘cân đo đong đếm’ rất kỹ giá xăng dầu thế giới, biến động xung đột chính trị, thị trường năng lượng toàn cầu, áp lực lạm phát trong nước để công bố giá bán xăng dầu.
Sputnik
Nguồn cung xăng dầu của Việt Nam, ngoài nhập khẩu, thì phần lớn do hai nhà máy lọc dầu hàng đầu là Nghi Sơn và Bình Sơn (đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất) đảm trách. Dù BSR đã tăng công suất, nhưng cũng khó bù đắp lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn Thanh Hóa giảm công suất.

Xăng dầu và điệp khúc “tăng giá”

Trong bối cảnh giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, kể từ 2014, người dân và doanh nghiệp đều khổ, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, các chính sách điều hành giá xăng dầu đều đang được tính toán kỹ lưỡng.
Như Sputnik đã thông tin, trong 7 lần điều chỉnh gần đây (tính từ ngày 10/12/2021 đến 1/3/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tiếp.
Cụ thể, xăng RON95 tăng từ 22.801 đồng/lít lên 26.834 đồng/lít (mức tăng 4.033 đồng/lít).
Ngày 2/3 : Giá vàng tiếp tục 'nhảy múa', giá xăng dầu lập kỷ lục mới
Xăng E5 RON92 tăng từ 22.082 đồng/lít lên 26.070 đồng/lít (mức tăng 3.988 đồng/lít).
Giá dầu diesel 0.05S tăng từ 17.334 đồng/kg lên 21.310 đồng/kg (mức tăng 3.976 đồng/kg).
Kế đó, trong kỳ điều chỉnh hôm 1/3, Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt xung đột giữa Nga và Ukraina khiến nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng trong khi nhu cầu tăng (do các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế), giá dầu thô đã vượt mốc 105 USD/thùng và đang trong chiều hướng tăng cao, thậm chí, có thể vượt mốc 185 USD/thùng.
Các doanh nghiệp trong nước bắt đầu đề xuất Việt Nam cần có cơ chế điều hành giá xăng dầu linh hoạt hơn, như có thể rút ngắn thời gian điều chỉnh giá cho phù hợp với diễn biến thị trường thế giới, sớm công bố quyết định giảm thuế.
Bàn về vấn đề này, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay liên Bộ Công Thương – Tài chính vẫn đang theo dõi sát tình hình thế giới để có tính toán điều hành đảm bảo đúng quy định và hài hòa loại ích các bên.
“Các đơn vị đã họp và sẽ xin ý kiến Chính phủ về phương án điều hành giá”, nhà chức trách Việt Nam nói.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, với diễn biến giá xăng như hiện nay, Bộ Công Thương thống nhất có thể 2 ngày/lần, tổ công tác điều hành giá xăng dầu sẽ trao đổi về việc báo cáo Chính phủ điều hành giá xăng dầu sớm hơn 10 ngày/lần.
Bên cạnh đó, nhằm để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ cũng sẽ phối hợp chặt với Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước hỗ trợ về nguồn vốn, thủ tục cho các doanh nghiệp được phép nhập khẩu xăng dầu nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Như chúng tôi đề cập, quy định tại nghị định 95 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 thì 10 ngày/lần điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng.
Giảm thuế: Giải pháp khả thi nhất để 'hạ nhiệt' giá xăng dầu trong nước?
Trong trường hợp xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Xăng dầu tăng giá chóng mặt, khiến hầu như mặt hàng nào cũng tăng giá theo đà. Cuộc sống của người dân doanh nghiệp vốn đã khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nay càng khó hơn.
Tổng cục Thống kê công bố số liệu gần đây cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 của Việt Nam tăng 1,42% so tháng 2/2021; bình quân hai tháng đầu năm, CPI tăng 1,68% so cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Trong đó, nhóm giao thông sử dụng nhiều xăng dầu có mức tăng cao nhất với 15,46%, làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 47,07%.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng than thở. Thông thường khi giá xăng dầu điều chỉnh 10-20%, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá cước khoảng 3,5-10%. Nhưng nay mức tăng đã quá cao (từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng đã hơn 50%), doanh nghiệp rơi vào tình thế ngày càng khó khăn. Tăng giá thì mất khách mà không tăng thì lỗ.
Mua bán xăng, dầu tại một cửa hàng trên phố Trần Khát Chân, Hà Nội (ảnh tư liệu)
Bộ Tài chính cũng đánh giá, mặt bằng giá cả thị trường trong hai tháng đầu năm 2022 biến động tăng, trong đó ngoài những tác động theo quy luật hằng năm do trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới, trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas.
Theo Bộ Tài chính, nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI hai tháng đầu năm. Căn cứ diễn biến giá cả thị trường hai tháng đầu năm và các dự báo cho năm 2022 cho thấy vẫn có nhiều rủi ro cho việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm 2022.

Lọc dầu Bình Sơn tăng mạnh công suất cũng khó cứu vãn tình hình

Trong bối cảnh, giá xăng dầu ở Việt Nam đang “cõng” đến bốn loại thuế, phí gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng. Nhiều doanh nghiệp, người dân nêu quan điểm đề nghị Nhà nước nên xem xét giảm cả bốn loại thuế phí này để gỡ khó.
Các doanh nghiệp than lỗ. Điển hình như Saigon Petro cho biết, doanh nghiệp vẫn đang lỗ khoảng 2.300 đồng/lít xăng và khoảng 3.700 đồng/lít dầu. Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thừa nhận, họ như đang ngồi trên đống lửa khi giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh tới gần 20% thời gian qua.
Việt Nam: Giá xăng sẽ tiếp tục ‘cháy’ nếu không có biện pháp can thiệp
Giá dầu thô được dự báo sẽ tiếp tục còn tăng mạnh, nên hoạt động của doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Tại kỳ điều hành ngày 1/3, giá bán lẻ xăng, dầu đã tăng mạnh và gần chạm mức 27.000 đồng/lít. Tại thời điểm đó, giá dầu thế giới ở quanh mốc 110 USD/thùng, nhưng đến nay đã tăng hơn 10 USD/thùng.
Trong khi doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ, giá dầu vẫn tiếp tục tăng, dự báo có thể lên mức 200 USD/thùng, trong khi việc có điều hành giá xăng dầu linh hoạt hay đúng theo kỳ điều hành, vẫn phải chờ đợi quyết định từ Liên Bộ Công Thương – Tài chính, Chính phủ.
Do đó, bên cạnh điều hành giá linh hoạt, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần đẩy nhanh và mạnh hơn việc giảm thuế xăng dầu, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường để hạ nhiệt giá xăng.
PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế dự báo, giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức như hiện nay mà sẽ tiếp tục tăng, khó kìm đà tăng của thị trường.
Theo ông Long, ngoài nguyên nhân xung đột Nga - Ukraina thì còn có nguyên nhân do Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng dầu, vì thế giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá dầu thế giới.
Đặc biệt, hiện nhu cầu xăng dầu trong nước chủ yếu được cung cấp bởi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) và Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).
Thời gian qua, việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lớn nhất cả nước báo cáo phải giảm công suất do gặp khó khăn về tài chính và một số khó khăn nội tại như Sputnik đã thông tin.
Bộ Công Thương ra tay ‘gỡ rối’ tình hình giá xăng dầu trong nước
Kế hoạch thực hiện của Nghi Sơn là 680.000 m3 nhưng thực tế tháng 2/2022 chỉ giao được 390.000 m3 (đạt 43%) và dự kiến tháng 3/2022 cũng chỉ giao được 540.000 m3 (đạt 80%).
Khi nhà máy Nghi Sơn giảm công suất, nhà máy Lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên thêm 5%, song công suất tăng thêm chỉ tương đương 28.000 m3, cũng chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.
Để tránh thiếu hụt nguồn cung, Bộ Công thương đã giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn nhất nhập khẩu thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu cho quý II/2022, trong đó có 840.000 m3 xăng và hơn 1,5 triệu m3 dầu.

Phải làm gì khi giá xăng dầu tăng “phi mã”?

Như đã biết, vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm 1.000 đồng với mỗi lít xăng (trừ ethanol), từ mức 4.000 đồng một lít xuống mức 3.000 đồng một lít.
Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng, từ mức 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít.
Dầu hỏa dự kiến giảm 500 đồng, từ mức 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít. Mỡ nhờn dự kiến giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg.
Bộ Tài chính nói giá xăng Việt Nam rẻ so với thế giới, sắp đấu giá lô xăng dự trữ quốc gia
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề xuất giảm thuế là rất cần thiết nhằm kìm đà tăng của giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào quan trọng đối với nhiều ngành nghề, từ vận tải, sản xuất hàng hóa và gián tiếp tác động tiêu dùng của người dân.
VCCI kiến nghị, cần cân nhắc việc giảm thuế mạnh mẽ hơn bởi giá bán lẻ đang ở mức cao kỷ lục và có xu hướng tiếp tục tăng mạnh do các diễn biến thế giới. Có thể tăng mức giảm thuế lên 2.000 đồng/lít với xăng và 1.000 đồng với dầu, mỡ…
“Mức giảm này có thể duy trì đến khi giá xăng dầu ổn định trở lại”, VCCI lưu ý.
Hiện nay, mức giá xăng dầu đang phải gánh các loại thuế, phí rất lớn, trong khi sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tăng, theo đà tăng của giá xăng, dầu trên thị trường thế giới. Theo các chuyên gia, Nhà nước cần sớm có phương án, nếu có thể thực hiện giảm thuế được thì có thể làm ngay, làm sớm.
Nếu để giá xăng tăng lên 30.000 đồng/lít, thậm chí hơn thế thì nhiều hoạt động kinh tế như vận tải, sản xuất rất có thể bị đình trệ, người dân sẽ chịu gánh nặng lớn từ các mặt hàng tiêu dùng vùn vụt tăng giá.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc giá xăng dầu liên tục lập đỉnh mới trong thời gian qua dễ dẫn đến hiện tượng “té nước theo mưa”, khiến nhiều mặt hàng tăng giá, gây áp lực lạm phát rất lớn, tác động chỉ số CPI. Cụ thể, mặt hàng xăng dầu thành phẩm chiếm quyền số khoảng 3,6%, giả định giá xăng dầu tăng 5% sẽ làm cho chỉ số CPI tăng khoảng 0,18%, tăng 10% làm CPI tăng 0,36% tùy thuộc vào mức tăng của giá xăng dầu.
Bộ Công thương ‘hiến kế’ nếu giá xăng dầu tiếp tục ‘phi mã’
Điểm đáng nói, dù nhà chức trách Việt Nam đã linh hoạt sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhưng quỹ này cũng không còn nhiều, cho nên, hầu hết ý kiến vẫn chờ đợi, Nhà nước giảm thuế.
Hôm 22/2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và trình Chính phủ.
Ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay, nhất là trước các diễn biến khó lường của thị trường xăng dầu thế giới do xung đột Nga – Ukraina, khủng hoảng giá năng lượng, các biện pháp trừng phạt, Liên Bộ Công Thương – Tài chính cùng các nhà làm chính sách của Việt Nam đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp kiểm soát có hiệu quả giá xăng dầu để giúp doanh nghiệp giảm bớt việc tăng giá hàng hóa làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, nhất là đối với những nước có cùng sản phẩm nhưng giá thành thấp hơn.
Việc bình ổn giá xăng dầu cũng góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng mục vụ kiềm chế lạm phát năm 2022.

Tổng cục Hải quan rà soát hoạt động các kho xăng dầu ở Việt Nam

Vừa qua, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 727 gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố yêu cầu thực hiện kiểm tra, rà soát các điều kiện hoạt động của các kho bãi, địa điểm (trong đó có kho xăng dầu) trên địa bàn (theo Công văn số 43 từ 6.1/2022).
Thế nhưng, hiện tại, Tổng cục Hải quan chưa nhận được báo cáo của các đơn vị về điều kiện hoạt động của các kho xăng dầu đã được xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát. Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị kiểm tra, đánh giá lại điều kiện các kho xăng dầu đã được Tổng cục Hải quan xác nhận đủ điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan.
Việt Nam thay đổi cách tính giá cơ sở, quy định mới về kinh doanh xăng dầu
Đối với các kho xăng dầu đã được xác nhận nhưng chưa thực hiện việc lắp đặt thiết bị đo mức bồn bể tự động theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 67 ngày 15/6/2020 thì yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối/doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xăng dầu hoàn thiện việc lắp đặt trước ngày 10/7/2022.
“Kết quả rà soát gửi về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về Hải quan) trước ngày 30/5/2022”, Tổng cục Hải quan nêu rõ.
Tổng cục Hải quan cũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện công tác giám sát, trường hợp phát hiện các kho xăng dầu không đảm bảo các điều kiện về giám sát hải quan theo quy định tại khoản 11 Điều 1, khoản 1 Điều 2, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 67/2020/NĐ-CP thì báo cáo Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về Hải quan) để thực hiện các thủ tục tạm dừng, chấm dứt hoạt động theo quy định.
Thảo luận