Nhìn thẳng vào sự thật: Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh nói về quy hoạch thủ đô

Ông Chu Ngọc Anh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, vừa chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc lập quy hoạch thủ đô của Việt Nam.
Sputnik
Theo Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, các sở, ngành, thành phố “ban đầu còn lúng túng”, chưa định hướng rõ được tính chất, nội dung, nội hàm, phạm vi nghiên cứu.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng vừa phê duyệt danh mục 236 đồ án quy hoạch đô thị.

Khối lượng công việc lớn trong quy hoạch thủ đô Hà Nội

Sáng 9/3 tại trụ sở Quốc hội, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo thủ đô về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Buổi làm việc giám sát chuyên đề do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn làm việc với UBND TP. Hà Nội. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng có mặt lắng nghe các báo cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu
Báo cáo của lãnh đạo thành phố cho biết, Hà Nội “đã thực hiện được khối lượng công việc khá lớn”, trong đó nổi bật là phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, phối hợp, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến khi các cơ quan lập quy hoạch yêu cầu.
Thành phố cũng thực hiện điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021 để đáp ứng yêu cầu phát triển; thực hiện rà soát, bãi bỏ các quy hoạch thuộc thẩm quyền theo quy định; lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng; đã thẩm định 18 quy hoạch sử dụng đất của 18 huyện thời kỳ 2021-2030 theo quy định của pháp luật về đất đai, chờ phê duyệt.
Phía thành phố nhấn mạnh, với đặc điểm là đô thị đặc biệt, trái tim của cả nước, diện tích rộng, trong đó khu vực nông thôn lớn, dân số đông, mức độ tập trung lớn, đa dạng về văn hoá, trình độ phát triển kinh tế rất khác nhau giữa các khu vực, thủ đô Hà Nội gặp những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện lập quy hoạch.
50 phút đăng đàn, trả lời 1 câu hỏi và dấu ấn của ông Chu Ngọc Anh
Tuy nhiên, tính đến ngày 7/3 mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, như vậy dù đã đạt kết quả bước đầu nhưng Hà Nội là một trong hai thành phố trực thuộc trung ương có tiến độ lập quy hoạch chậm nhất.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải cho biết, TP. Hà Nội còn nhiều quy hoạch chưa hoàn thành như quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập;14 quy hoạch xây dựng vùng huyện đang lập; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ đang dự thảo.
Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng đang tiến hành và cũng chậm, hiện đang trong quá trình soạn thảo, chưa được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, mới được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh.
“Với tiến độ như thế sẽ tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô là rất lớn, càng chậm thì càng cản trở sự phát triển không chỉ cho Thủ đô mà cho cả nền kinh tế”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.
Đồng thời, báo cáo của thành phố cho thấy, có sự trùng lặp giữa quy hoạch chung đô thị của thành phố lập theo Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch thủ đô lập theo Luật Quy hoạch.
Các ý kiến giám sát nêu câu hỏi với lãnh đạo TP Hà Nội trong việc chậm lập quy hoạch như Hà Nội cần làm rõ việc điều chỉnh những nội dung gì và chất lượng của việc sau khi điều chỉnh có phù hợp với các quy định của pháp luật, có làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật hay không.
Các ý kiến cũng đặt vấn đề với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vai trò hướng dẫn, chỉ đạo Hà Nội thực hiện.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh nói về quy hoạch thủ đô

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã lý giải nguyên nhân chậm tiến độ trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô của Việt Nam cả về chủ quan và khách quan.
Về những yếu tố khách qua, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm.
Ông Chu Ngọc Anh yêu cầu Công an Hà Nội điều tra vụ người nước ngoài bị tấn công tình dục
Ngoài ra, việc triển khai nghiên cứu lập Quy hoạch thủ đô theo Luật Quy hoạch được xác lập từ năm 2019, nhưng đến năm 2021, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng thì phải triển khai song song tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kỳ rà soát và xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tất cả những nguyên nhân khách quan này, theo ông Chu Ngọc Anh, đều dẫn đến sự chậm trễ trong lập quy hoạch thủ đô.
Nêu nguyên nhân chủ quan, ông Chu Ngọc Anh cho biết, quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là loại hình mới, quy hoạch tích hợp, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây.
Theo đó, việc này chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế.
“Sở Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan lập quy hoạch thành phố), các sở, ngành và thành phố ban đầu còn lúng túng trong triển khai, chưa định hướng rõ được tính chất, nội dung, nội hàm, phạm vi nghiên cứu”, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định.

“Nhìn thẳng vào sự thật”

Tại buổi làm việc, bàn về sự lúng túng của TP. Hà Nội trong việc lập quy hoạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng, các văn bản hướng dẫn đã tương đối đầy đủ. Bây giờ chỉ có tổ chức thực hiện, không vướng gì.
Nhưng đối với thành phố Hà Nội cũng cho rằng, vẫn vướng và vẫn cần phải có sự hướng dẫn.
“Vậy cụ thể, lúng túng vấn đề gì, do văn bản hướng dẫn thiếu hay là do yêu cầu nhiệm vụ đối với công tác lập quy hoạch của Thủ đô chúng ta đặc thù, yêu cầu cao hay là do các văn bản hướng dẫn không cụ thể. Đề nghị chúng ta nói rõ thêm về nội dung này”, bà Lan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Vương Đức Tuấn trả lời những câu hỏi của các thành viên đoàn giám sát, cho biết, hệ thống luật pháp về quy hoạch còn thiếu thống nhất, đồng bộ và có sự mâu thuẫn, đây là lý do chính mà Hà Nội chậm trễ trong việc thực hiện việc quy hoạch.
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh nói về vấn đề nhân sự: Đã bàn ‘rất kỹ’
Theo lãnh đạo Hà Nội, nội hàm của Luật quy hoạch chưa thẩm thấu được vào nội hàm của Luật quy hoạch đô thị.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vương Đức Tuấn cũng lưu ý, đối chiếu với hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, các loại vùng, các loại ngành, để dẫn tới tỉnh mà tỉnh quy hoạch thành phố Hà Nội, tức là quy hoạch Thủ đô theo cách gọi của Luật quy hoạch, Hà Nội chưa nhận được định hướng nào.
“Mà định hướng ở đây là dựa vào định hướng hệ thống quy hoạch cũ đã có, nhìn về khả năng điều chỉnh phát triển của nó, để điều chỉnh định hướng mới. Thành phố rất lúng túng về vấn đề này”, ông Vương Đức Tuấn bày tỏ.
Kết luận cuộc làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước cần tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Đoàn giám sát và kiến nghị của địa phương.
Đoàn giám sát đề nghị Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo và kiến nghị cụ thể hơn, đặc biệt là những kinh nghiệm thực tế của thủ đô trong công tác chuẩn bị quy hoạch và triển khai đồng bộ.
Ông Hải cho biết, về việc thúc đẩy theo các mốc thời gian, do thời gian còn rất ít nên Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan hữu quan phải đặt chất lượng lên hàng đầu, nhất là chất lượng của công tác tư vấn, thẩm định.
Cùng với đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nêu rõ, với tinh thần nhìn thẳng sự thật, đoàn giám sát sẽ đánh giá khách quan, đúng tình hình và nêu những vấn đề còn vướng mắc khi thực hiện Luật quy hoạch.

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh duyệt danh mục 236 đồ án quy hoạch đô thị

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Quyết định số 837, phê duyệt danh mục, kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, danh mục kế hoạch lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2021-2025 gồm 236 đồ án, nhóm đồ án.
Trong đó có một đồ án quy hoạch chung đô thị; 4 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, 146 đồ án, nhóm đồ án quy hoạch chi tiết đô thị; 34 đồ án thiết kế đô thị riêng; 14 đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, 18 đồ án, nhóm đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng; 10 đồ án, nhóm đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng; 2 nhóm đồ án quy hoạch nông thôn; 2 nhóm đồ án quy chế quản lý kiến trúc, danh mục công trình kiến trúc có giá trị và 5 nhóm đồ án quy hoạch hạ tầng kỹ thuật.
Lãnh đạo chủ chốt Hà Nội: Các ông Vương Đình Huệ, Chu Ngọc Anh tái đắc cử
Với cơ sở này, thành phố xác định các đồ án trọng tâm, phù hợp thực hiện năm 2021-2022 phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp và đầu tư xây dựng, hoàn thành đồng bộ và phủ kín 100% quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt.
UBND thành phố yêu cầu các loại hình quy hoạch, quy chế trong kế hoạch phải phù hợp với trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định và thẩm quyền phê duyệt được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc; phù hợp với yêu cầu quản lý quy hoạch kiến trúc của thành phố.
“Các loại hình quy hoạch bảo đảm không chồng lấn ranh giới, trùng lặp khối lượng các đồ án đề xuất với các đồ án được giao từ năm 2020 trở về trước; nâng cao tính khả thi, tiết kiệm kinh phí, phát huy hiệu quả của đồ án sau khi phê duyệt”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Các đồ án cùng tỷ lệ, cấp độ, đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc đã được cấp thẩm quyền phê duyệt phải được cập nhật, lồng ghép, tính toán để giảm trừ chi phí theo quy định, phù hợp với thực tiễn.
UBND thành phố thống nhất nguồn vốn lập quy hoạch gắn với trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch; không sử dụng vốn ngân sách cho các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức kinh doanh.
Chủ tịch Hà Nội cũng nêu rõ, các đơn vị được giao thực hiện các quy hoạch, thiết kế đô thị từ năm 2020 trở về trước phải tập trung hoàn thành dứt điểm, trình cấp thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch được giao.
Thảo luận