PV GAS sắp nhập khẩu và kinh doanh khí hoá lỏng LNG tại Việt Nam

Việt Nam dự kiến nhập khẩu và bắt đầu kinh doanh khí thiên nhiên hoá lỏng LNG từ năm 2022.
Sputnik
Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí (Petrovietnam-PVN), Tổng Công ty Khí Việt Nam cho biết, PV GAS đang chuẩn bị nhập khẩu và kinh doanh khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) tại Việt Nam.
PV GAS đánh giá, nhập khẩu và phát triển khí thiên nhiên hoá lỏng LNG là giải pháp quan trọng nằm trong Chiến lược năng lượng quốc gia được Tổng Công ty Khí Việt Nam tiên phong thực hiện.

PV GAS chuẩn bị nhập khẩu và kinh doanh LNG năm 2022

Ngày 8/3, thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam cho hay, các đơn vị trong nước trực thuộc PV GAS đang tích cực chuẩn bị cho quá trình nhập khẩu và phát triển LNG tại Việt Nam.
Như Sputnik đã thông tin, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với nguồn cung khí ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhất là nhu cầu phát triển điện cho quá trình kinh doanh sản xuất, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã chỉ đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) thực hiện dự án nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng.
Dầu khí Việt Nam thăng hoa bất chấp khủng hoảng năng lượng và biến động chính trị thế giới
PV GAS đánh giá, khí thiên nhiên hoá lỏng (Liquefied natural gas) LNG là một trong những giải pháp quan trọng trong Chiến lược năng lượng quốc gia, được Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tiên phong thực hiện với mục tiêu bắt đầu nhập khẩu LNG từ năm 2022.
“Chi nhánh Kinh doanh LNG là một mắt xích quan trọng trong thực hiện Chiến lược dẫn đầu trong lĩnh vực LNG của PV GAS, đã và đang thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho nhập khẩu và kinh doanh hiệu quả nguồn năng lượng này tại Việt Nam”, theo Tổng Công ty Khí quốc gia.
Được biết, Chi nhánh Kinh doanh LNG (PV GAS LNG) được PV GAS thành lập cuối năm 2019.
PV GAS LNG có nhiệm vụ chức năng phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí khô, LNG, condensate. Đơn vị này cũng phụ trách xuất nhập khẩu LNG, condensate, kinh doanh dịch vụ vận chuyển các sản phẩm khí; thu gom, vận chuyển, tàng trữ khí và sản phẩm khí;… nhằm tập trung xây dựng năng lực và phát triển thị trường LNG tại Việt Nam.
Theo Tổng Công ty Khí, qua hai năm hoạt động, PV GAS LNG đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị cho nhập khẩu và kinh doanh LNG, trong bối cảnh liên tiếp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, cũng như cơ chế chính sách liên quan.
Cần nhấn mạnh rằng, khí thiên nhiên hoá lỏng, điện khí hoá lỏng hoàn toàn là một lĩnh vực mới tại Việt Nam.

Thách thức phát triển LNG tại Việt Nam

Đầu năm 2021, Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính IEEFA phát đi báo cáo cho biết, dù Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên là một trong những thị trường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho phát điện tiềm năng nhất ở châu Á.
“Tuy nhiên, không dễ để điện khí LNG tạo ra bước nhảy vọt mạnh mẽ như đã từng diễn ra trong lĩnh vực điện mặt trời thời gian vừa qua”, IEEFA lưu ý.
Theo các chuyên gia của IEEFA, các dự án LNG gồm nhiều giai đoạn, với nhiều cấu phần luôn biến động, và nhiều rủi ro—rủi ro ở khâu thượng nguồn, hạ nguồn, rủi ro đối tác, rủi ro trong quá trình thi công, và nhiều rủi ro khác.
Chuỗi dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, “ngọn gió đông” ngành dầu khí Việt Nam
“Các dự án nhiệt điện khí, do vậy, sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai hơn các dự án nhiệt điện than vốn đã phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ triền miên”, báo cáo của IEEFA nhấn mạnh.
Viện này cũng chỉ ra một số rào cản chính sách, nguồn vốn và thị trường đối với các nhà đầu tư điện khí LNG.
Theo đánh giá của Tổng Công ty Khí, khó khăn chính và kéo dài là đại dịch Covid – 19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và Việt Nam, gây ra những tác động khôn lường trên toàn thế giới cũng như trong lĩnh vực khí.
Bên cạnh đó, giá LNG leo thang bất thường và liên tục thiết lập các mốc giá kỷ lục trong lịch sử ngành công nghiệp LNG do diễn biến thiếu ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu, nhất là đặt trong bối cảnh nhiều biến động chính trị khó lường như căng thẳng Nga – Ukraina hiện tại.
“Tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước đều ở trạng thái cân bằng động với chu kỳ ngắn hơn mức bình thường, trạng thái của mọi hoạt động đều có khả năng biến động với cường độ rất cao và tốc độ rất nhanh với chiều hướng khó dự đoán”, PV GAS lưu ý.
Thêm yếu tố cần tính đến đó là, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bắt đầu khôi phục sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới đang lan rộng tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục (đặc biệt vào giai đoạn cuối năm 2021) đã và đang tác động cực kỳ nghiêm trọng đến giá dầu mỏ và khí đốt.
PV GAS phân tích, thị trường LNG diễn biến bất lợi cho người mua khi nguồn cung giai đoạn 2021-2025 được đánh giá là rất thắt chặt, trong khi nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao và tăng trưởng mạnh sau đại dịch, dẫn tới xu hướng tăng giá mạnh mẽ trong các năm tới và chưa có dấu hiệu xuất hiện các yếu tố làm suy yếu khuynh hướng này trong ngắn hạn. Đà tăng giá sẽ tiếp tục được duy trì.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam “nắn” khủng hoảng ở Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Tổng Công ty Khí nhìn nhận, tình hình dịch bệnh và sự phát triển nóng, mất cân đối của các loại hình năng lượng tái tạo trong nước đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi bức tranh tổng thể về nhu cầu và cơ cấu năng lượng của Việt Nam.
“Nhu cầu khí/LNG cho công nghiệp và phát điện còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định gây khó khăn cho công tác dự báo thị trường trong ngắn và trung hạn”, PV GAS thẳng thắn.
Đồng thời, nhóm vấn đề về cơ chế, chính sách, thị trường tiếp tục là thách thức lớn cho công tác phát triển LNG tại Việt Nam “do đây là lĩnh vực mới, cơ chế chính sách chưa hoàn thiện”.

PV GAS LNG đa dạng hoá nhà cung cấp

Tổng Công ty Khí Việt Nam cho biết, nhờ hiểu rõ tầm quan trọng của công tác kinh doanh LNG, PV GAS LNG đã và đang thực hiện tốt công tác chuẩn bị, nhằm đảm bảo công tác nhập khẩu LNG phù hợp với tiến độ hạ tầng kho LNG Thị Vải.
Điển hình như, PV GAS LNG tập trung chuẩn bị thu xếp nguồn LNG cho giai đoạn chạy thử kho LNG Thị Vải dự kiến trong quý IV/2022, cũng như cho giai đoạn thương mại 2023-2027, nguồn cung cấp cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4.
Dự báo giá dầu thế giới tăng cao, thăm dò khai thác dầu khí PVEP Việt Nam lãi kỷ lục
Đối với các hợp đồng mua LNG theo chuyến, trong năm 2021 PV GAS LNG đã ký kết 08 MSPAs (Master Sale & Purchase Agreement) với các Nhà cung cấp từ châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương và đang tiếp tục đàm phán, thống nhất và ký kết các MSPAs với các nhà cung cấp LNG khác trên thế giới.
“Sự đa dạng hóa các nhà cung cấp mang đến lợi thế cho PV GAS có nhiều sự lựa chọn về nguồn cung với giá cả và chất lượng cạnh tranh tại từng thời điểm của thị trường”, PV GAS khẳng định.

Mở rộng thị trường tiêu thụ LNG tại Việt Nam

Đồng thời, công tác chuẩn bị kinh doanh và chuẩn bị thị trường tiêu thụ được triển khai tích cực.
PV GAS LNG phối hợp với TCT/KTA/CNG nghiên cứu thị trường, đề xuất chiến lược kinh doanh LNG, khí tái hoá để mở rộng thị trường, khách hàng, đa dạng phương thức tiêu thụ.
Đơn vị này cũng triển khai xây dựng chiến lược kinh doanh LNG cho giai đoạn 2022 – 2025 tại Việt Nam.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có quyền tự quyết ở Lọc dầu Nghi Sơn?
PV GAS LNG cùng đơn vị tư vấn, hoàn thành báo cáo thị trường tiêu thụ khí của Dự án mở rộng Kho LNG Thị Vải lên 3 MMTPA; xây dựng cơ chế/công thức giá mua/bán LNG/khí tái hóa; xây dựng công tác phối hợp với các đơn vị trong chuỗi LNG 1 MMTPA Thị Vải.
Liên quan đến các vấn đề về cơ chế, chính sách, PV GAS LNG khẳng định bám sát chặt chẽ, phối hợp cùng với Tổng Công ty Khí Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền để xây dựng các cơ chế, chính sách cho LNG.
Doanh nghiệp cũng nghiên cứu nghị định kinh doanh khí, làm việc trực tiếp với Bộ Công Thương để chuẩn bị các thủ tục nhập khẩu LNG vào thị trường Việt Nam, cũng như chuẩn bị các thủ tục pháp lý cho công tác kinh doanh.
Hệ thống an toàn – sức khỏe – môi trường được PV GAS LNG thực hiện tốt, có kế hoạch cụ thể và đạt được mục tiêu đề ra. Từ tháng 03/2021, PV GAS LNG đã được cấp chứng chỉ Thực hành tốt 5S (do Viện năng suất Việt Nam cấp chứng chỉ).
Năm 2022, tiến đến năm hoạt động thứ ba của PV GAS LNG, đơn vị xác định mục tiêu ngay từ đầu năm, rằng mọi công tác được triển khai nhịp nhàng, phối hợp chặt chẽ, bám sát tiến độ và yêu cầu công việc.
Những điểm nhấn trọng tâm 2022 được PV GAS LNG đặt ưu tiên triển khai thực hiện gồm thu xếp nguồn LNG phục vụ công tác chạy thử Kho LNG Thị Vải 1 triệu tấn; xây dựng phương án tổ chức kinh doanh hiệu quả để cấp cho khách hàng công nghiệp giai đoạn 2023-2027 phù hợp với tình hình thị trường LNG quốc tế và nhu cầu thị trường trong nước.
Đặc biệt, PV GAS LNG tiến đến hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng triển khai công tác lựa chọn nhà cung cấp, thu xếp nguồn LNG phục vụ cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 phù hợp với lộ trình đàm phán các Thỏa thuận thương mại liên quan (GSA, PPA) và tiến độ nhận khí.
Bên cạnh đó, PV GAS LNG tiếp tục tìm kiếm khách hàng tiêu thụ khí/LNG để mở rộng thị trường tiêu thụ LNG và gia tăng hiệu quả khai thác chuỗi dự án LNG của Tổng Công ty Khí Việt Nam.

Về khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG)

LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên được hóa lỏng khi làm lạnh sâu đến âm 162oC sau khi đã loại bỏ các tạp chất. LNG có thành phần chủ yếu là methane.
Do chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm), LNG là sản phẩm khí thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Phương tiện vận chuyển chủ yếu hiện nay là các tàu LNG với tải trọng từ 170,000 m3 đến 260,000 m3, trong đó tải trọng phổ biến nhất là từ 155,000 m3 đến 170,000 m3.
Chào Xuân mới, dầu khí Việt Nam đã làm được 'điều không tưởng'
Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí sau đó được bơm vào đường ống vận chuyển đến các hộ tiêu thụ.
LNG được sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện, hộ công nghiệp, khu đô thị. Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới LNG còn được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải, tàu biển, tàu hỏa và xe vận tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện nay ở Việt Nam LNG được sử dụng chủ yếu làm nhiên liệu cho các nhà máy điện và các hộ tiêu thụ công nghiệp. Đồng thời, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống đường ống dẫn khí ở khu vực phía Nam gồm 3 tuyến đường ống chính, với tổng chiều dài trên 1.000km; các nhà máy xử lý khí, và các kho cảng khí hóa lỏng LNG. Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS) là đơn vị duy nhất cung cấp khí LNG cho thị trường Việt Nam.
Thảo luận