Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cần có quy định chặt chẽ và chế tài đủ nghiêm khi đấu giá đất, tránh đi vào vết xe đổ của vụ bỏ cọc ở Thủ Thiêm.
Vụ Thủ Thiêm: Quân xanh quân đỏ, bắt tay ngầm trong đấu giá đất
Chiều nay 16/3, Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) nói về hiện tượng đấu giá đất có “bắt tay ngầm”, điển hình như vụ Thủ Thiêm. Theo ông Thắng, nhà đầu tư trả giá trên trời rồi bỏ cọc như ở Khu đô thị Thủ Thiêm – TP.HCM vừa qua đã làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất khu vực lân cận lên cao dẫn đến giá đất ảo, khiến công tác giải phóng mặt bằng khó khăn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đấu giá đất nổi lên không chỉ “thổi giá” mà còn có “dìm giá”, “quân xanh - quân đỏ” gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường bất động sản, thất thoát tài sản nhà nước, an ninh tiền tệ...
“Đằng sau việc thổi giá đất còn có nhiều hệ lụy là giá đất đấu giá cao có thể là ảo, nhưng lại dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh- quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ.
Ông Hà nêu rõ, đẩy giá làm biến động thị trường, tạo giá ảo và rút ruột tiền ngân hàng nếu tiền đó là đặt cọc. Giá đất bị đẩy lên cao, xa giá trị thật sẽ khiến dẫn tới nhiều hệ lụy. Bộ trưởng Hà phân tích, trong nền kinh tế, đất đai là đầu vào mọi dự án đầu tư, nếu bị đẩy giá lên cao thì sẽ không hiệu quả. Đây là điều không mong muốn.
“Chúng ta mong muốn giá tốt, mang lại hiệu quả xã hội trên đất đai, chứ không phải có đủ đất để bán”, Tư lệnh ngành nói.
Theo Bộ trưởng TN&MT, việc thổi giá là hiện tượng rõ ràng, có thực thời gian qua. Người dân gửi tài sản bằng đất, mà giá đất lên như "ngựa phi" thì họ nghĩ có hiệu quả. Song với nền kinh tế, nếu tiền, tài sản của toàn xã hội đổ vào đất thì không tốt. Vì thế, Nhà nước phải điều tiết giá, chính sách phải kiểm soát được tính khả thi của các dự án. Ngoài ra, tình trạng thổi giá, dìm giá ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường, thất thoát tài sản nhà nước, tạo mặt bằng giá đất mới, gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
Phân tích cụ thể nguyên nhân, Bộ trưởng Hà khẳng định đã nghiên cứu kỹ vấn đề, theo đó, lý do thứ nhất là việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá, Luật Đất đai, các quy định về thuế, tài chính. Vì có nhiều luật điều chỉnh nên về quy trình, trình tự, phương thức đấu giá đất còn bất cập. Trong khi đó, giá trị tài nguyên như đất đai không giống với các vật thể giá trị khác. Vì vậy, phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với tài sản đất đai chặt chẽ hơn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý, quy định về điều kiện doanh nghiệp được đấu giá đã có, nhưng chưa cụ thể về điều kiện năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng cần chế tài mạnh hơn nữa.
“Nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá rồi bỏ cọc thì phải xử lý, để lần sau họ không tham gia được, như vậy mới đủ sức răn đe”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh và đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cũng bày tỏ, Việt Nam cần có chế tài xử lý mạnh hơn, cả hình sự ẫn kinh tế sao cho đủ tính răn đe.
“Tôi cho rằng chế tài kinh tế quan trọng, phải nâng lên đủ để cho họ phân tích rằng nếu bỏ cọc thì không có hiệu quả kinh tế”, theo Bộ trưởng.
Bên cạnh đó, thời gian thẩm định hồ sơ đấu giá chỉ 15 ngày, theo Bộ trưởng, là không được. Cần đi trước bước đấu giá là thẩm định và làm căn cơ, tức là thẩm định thông qua hồ sơ ngân hàng, hồ sơ đất đai, lý lịch nhà tham gia đấu giá...
“Thời gian thẩm định hồ sơ đấu giá đất là 15 ngày tương tự với đấu giá một vật dụng quý là không phù hợp”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Có xử lý hình sự vụ gây lũng đoạn thị trường hay không?
Đối với đề nghị của đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) về quan điểm có nên hình sự hoá hành vi gây lũng đoạn thị trường hay không, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện luật pháp chưa chặt chẽ nên bị lợi dụng thì cần bổ sung chế tài.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Xuân đặt câu hỏi chất vấn
© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVN
“Không cần hình sự hoá mà chỉ cần chế tài, chính sách kinh tế cũng đủ sức điều chỉnh”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm và xin “không tranh luận thêm”.
Xin dùng quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ của Quảng Nam đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn như trường hợp cụ thể giá đất ở Thủ Thiêm qua kiểm tra, giám sát, điều tra cho thấy điều gì. Ông Hạ cho rằng, như Bộ trưởng nói có chuyện thổi giá để nâng giá trị trái phiếu, cổ phiếu, đánh võng giá trị tài sản đẻ lợi dụng vay ngắn hạn, làm sạch bảng tài chính....
“Trường hợp cụ thể như Thủ Thiêm có hay không? Hiện nay thị trường sốt đất là có thật, vậy có phải sốt ảo không? Chính sách định giá phù hợp chưa, vì sao giá tăng cao gấp nhiều lần như vậy?”, ông Hạ “truy” Bộ trưởng.
Cũng liên quan đến vấn đề có hình sự hoá hành vi gây lũng đoạn thị trường hay không, vị đại biểu lo lắng, nếu dấu hiệu lũng đoạn, âm mưu lừa dối, lừa đảo, âm mưu phá hoại nền kinh tế của đất nước thì sao không xử lý hình sự. Phải xử lý nghiêm thì mới chấm dứt được tình trạng hiện nay, theo vị ĐBQH.
Trả lời Tạ Văn Hạ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan có trách nhiệm đang được giao làm rõ trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm và sẽ có thời điểm đủ điều kiện kết luận thời gian tới.
Nữ đại biểu Nguyễn Thị Xuân bày tỏ băn khoăn về phần trả lời của Bộ trưởng. Bà Xuân dẫn ý kiến chuyên gia tính toán cho rằng số tiền mà nhà đấu giá bỏ cọc gần 600 tỷ ở Thủ Thiêm không là gì so với lợi ích thu được khi giá đất khu vực xung quanh được đẩy lên cao, gây thiệt hại cho Nhà nước cũng như nền kinh tế, do đó cần xử lý nghiêm, thậm chí phải xử lý hình sự.
Đồng quan điểm cần xử lý nghiêm vi phạm tuy nhiên Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh rằng trường hợp đấu giá đất ở Thủ Thiêm thì cơ quan có trách nhiệm đang làm rõ và cần chờ kết luận rõ ràng.
Đối với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, quá trình đấu giá rồi bỏ cọc vừa rồi mà thấy sai phạm dân sự thì xử dân sự, sai phạm về hành chính thì xử lý hành chính, còn có sai phạm về hình sự thì xử lý hình sự.
Tránh vết xe đổ vụ Thủ Thiêm như thế nào?
Tại phiên chất vấn, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu giải pháp xử lý dứt điểm việc phát triển đô thị không theo quy hoạch, làm ảnh hưởng đến kết nối hạ tầng và an ninh trật tự.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đặt vấn đề xác định giá khởi điểm đấu giá đất bất cập, có hiện tượng trục lợi. Giải pháp nào để xử lý vấn đề này? Gửi câu hỏi tới Bộ Tư pháp, ông cho rằng quy định tiền đặt cọc tham gia đấu giá trong luật đấu giá tài sản chỉ 20% là thấp, chưa có chế tài nếu doanh nghiệp bỏ cọc. Thời gian nộp tiền đấu giá khá dài, khác nhau dẫn tới chuyện doanh nghiệp bỏ cọc. Bộ trưởng bình luận gì?
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà chất vấn thực trạng đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua cho thấy có sự đầu cơ, găm hàng, trục lợi, dẫn đến sau đấu giá có nhiều khu đất bỏ hoang, đấu giá xong bỏ cọc. Cử tri cho rằng cần xác định giá khởi điểm đấu giá đất và quy định chặt chẽ hơn về năng lực tài chính của người tham gia cũng như chế tài mạnh mẽ với người đấu giá xong đất thì bỏ. Bộ có giải pháp như thế nào?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thông tin, phương án mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là người đấu giá xong phải trả tiền ngay trong 10 ngày, thay vì 90 ngày như trước đây, để cá nhân, tổ chức đấu giá thắng không đủ thời gian trục lợi. Tiền đặt trước, đặt cọc hiện chỉ 5-10%, Bộ TN&MT cũng sẽ xem xét tăng lên, đơn vị đấu giá phải chứng minh tài chính thông qua thẩm định của cơ quan có trách nhiệm.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định thêm, nếu nói về chính sách thì cần ngồi lại nghiên cứu, làm thế nào để quy định điều kiện, có thêm chế tài, tiền đặt cọc đúng, bổ sung thời gian thẩm tra, kiểm tra doanh nghiệp tiền có thật hay không... Vấn đề liên quan đến đấu giá, dìm giá, tạo ra thế lực ngầm trong đấu giá đất thì cần có các lực lượng tham gia, trong đó có Công an.
Ngoài tăng cường năng lực các tổ chức đấu giá. Quan trọng hơn là hoàn thiện phương pháp định giá, đấu giá. Ông Hà lý giải, đất đai là tài nguyên đặc biệt, nhưng lại được quy định bởi 4-5 luật thì sẽ theo luật nào? Vấn đề quan trọng như đất đai phải có quy định đồng bộ trong một bộ luật, bởi đất đai là kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử.
ĐBQH Đồng Ngọc Ba nêu vấn đề đầu cơ đất đai đã được nhận diện nhiều năm nhưng hiện vẫn còn phức tạp. Quốc hội từng giao Chính phủ khắc phục đầu cơ đất đai qua chính sách thuế.
“Người có nhiều nhà, đất bỏ hoang bị đánh thuế cao. Bộ trưởng cho biết vì sao vẫn chưa ban hành được chính sách này?”, đại biểu hỏi.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề này cần sửa theo Luật Thuế và Luật Đất đai. Vấn đề thuế sử dụng đất, ông đồng ý dự án chậm sử dụng đất thì khi đấu giá, đấu thầu phải đưa ra lộ trình sử dụng, coi là quy định bắt buộc. Nếu kéo dài thì phải có biện pháp đánh thuế tránh đầu cơ, trục lợi. Thuế này tăng như thế nào thì sẽ bàn tiếp.
“Như ở Mỹ, người dân sợ lắm khi có nhà mà không ở. Kể cả đất ở, dự án không đầu tư, đất nông nghiệp không sử dụng thì vẫn phải đánh thuế. Còn người có 5-6 nhà mà không mang lại hiệu quả cho xã hội như cho thuê, kinh doanh, thương mại thì phải đánh thuế. Phải đánh thuế lũy tiến để nhà đầu tư phải tính toán lợi ích của họ”, theo ông Hà.
Quy hoạch phải chấp nhận sinh con trước, sinh cha sau
Trả lời các đại biểu về những khó khăn trong thực thi Luật Quy hoạch đối với quy hoạch đất đai, Bộ trưởng Hà cho rằng, về quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, Quốc hội đã xem xét và dựa trên những tiêu chí khoa học, cơ sở về kinh tế, những phương pháp tính toán.
Tuy nhiên, dù là dựa trên phương pháp nào thì cũng chỉ là dự báo tương đối, quỹ đất cũng chỉ hữu hạn. Trong quy hoạch sử dụng đất bao gồm các quy hoạch về phát triển kinh tế hạ tầng, về giao thông, quốc phòng, an ninh, năng lượng…
“Nên nếu giả sử có sai số thì đó là vấn đề phát sinh, còn lại chúng ta đều tính toán dựa trên kết quả thống kê kiểm kê, mà thống kê kiểm kê này là từ địa phương, thì phải có cách điều chỉnh”, theo Bộ trưởng.
Tư lệnh ngành TN&MT thừa nhận vấn đề mất cân đối đại biểu nêu là “quá đúng”. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nếu nói theo Luật Quy hoạch hiện nay, trong 2 năm vừa qua, chúng ta không làm được gì cả. Nhờ có Nghị quyết 751 của Quốc hội, chúng ta có thể huy động đất, quy hoạch đất cấp quận, huyện.
“Chúng ta phải chấp nhận “sinh con trước, sinh cha sau” và phải chấp nhận khi đã có quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Điều này là khiếm khuyết rất lớn trong quy trình, phương pháp quy hoạch, đương nhiên điều này cũng sẽ gây mất cân đối, tự tùy nghi”, theo ông Trần Hồng Hà.
Lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết, ông đã thấy vấn đề này và nếu tình hình này ở nhiệm kỳ sau vẫn thế bởi phân kỳ quy hoạch phải dựa vào chiến lược kinh tế xã hội, phải có quy hoạch tổng thể, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.
Nếu Quốc hội hôm nay không tính toán dựa trên cái hữu hạn để chi phối sự phát triển và không tìm ra sự phát triển tốt nhất, mà tài nguyên không thể tự sinh ra được, vì thế cần phải có quan điểm cái gì là gốc, cái gì không. Một điều chắc chắn là không thể yêu cầu nước phải sinh ra cho phát triển, không thể nói cần có rừng tự nhiên để bảo tồn… Trong khi với bất cập hiện nay do điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn đòi hỏi, phải chấp nhận quy hoạch ở dưới (cấp quận, huyện) và đương nhiên quy hoạch ở cấp tỉnh phải tổng hợp kỹ lại, chữa những cái sai ở cấp quận, huyện.
“Chúng ta phải chấp nhận sẽ làm đúng dần, đấy là tinh thần của Luật Quy hoạch. Còn trong giai đoạn hiện nay, có sự lộn xộn là bởi trước đây chúng ta làm khác nhau”, Bộ trưởng thừa nhận.
Ông Hà nêu rõ, theo tinh thần của Nghị quyết 19, quy hoạch đất đai là không gian, là những vấn đề lớn, là phân bổ chỉ tiêu, còn quy hoạch cụ thể để sử dụng bao nhiêu là các quy hoạch sử dụng đất, phải thành một chỉnh thể đồng bộ.
Theo vị tư lệnh, cách sửa, Quốc hội đã thấy và đã nêu rõ năm 2023, 2024 sẽ xem xét lại toàn bộ quy hoạch sử dụng đất, sẽ có những địa phương không đưa được đất vào sử dụng, có những địa phương đã rất lớn nhưng sẽ vẫn tiếp tục thiếu thì phải điều tiết.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, nếu cuối năm nay các địa phương làm quy hoạch kịp, Bộ Tài nguyên và Môi trường hứa sẽ cập nhật lại. Nếu quá trình huy động để phát triển không thể khẳng định được địa phương nào trong khi đất đai là hằng số, thì việc điều tiết chỉ là dự báo, cần chờ kết quả triển khai trong 2 năm tới.
“Nếu 2 năm tới thu hút được các nhà đầu tư có nguồn vốn hiệu quả vào các khu vực sử dụng đất công nghiệp, khi đó không có lý gì không điều chỉnh”, lãnh đạo ngành cho biết.
Rác thải và nguy cơ lây nhiễm từ chất thải y tế của người mắc Covid-19
Tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đặt ra vấn đề vệ sinh môi trường đã và đang đặt ra nhiều thách thức.
“Hiện nay cả nước đang thải ra 60.000 tấn rác, hầu hết chôn lấp gây ô nhiễm, vậy Bộ TN&MT có giải pháp gì?”, ông Huân chất vấn.
Trả lời chất vấn về vấn đề này, ông Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề rác thải và ô nhiễm môi trường là vấn đề trong nhiều năm qua. Hướng chuyển xử lý chất thải rắn chôn lấp không hợp vệ sinh đang là hệ lụy rất lớn đến môi trường. Đây là tài nguyên không tái chế, không sử dụng hiệu quả. Về cơ bản, rác thải phải biến thành tài nguyên, rác thải phải được tái sử dụng theo đúng yêu cầu trong kinh tế tuần hoàn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thông tin thêm, trong năm 2022 Bộ sẽ tổng kết, đánh giá toàn bộ các trung tâm xử lý rác thải. Bộ sẽ công bố các công nghệ phù hợp với các địa phương và trên hướng tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải biến thành năng lượng.
“Năm 2024 sẽ thực hiện và trong năm 2022 sẽ chuẩn bị đầy đủ về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Cùng với đó ở địa phương sẽ có hướng dẫn và lựa chọn để có cách xử lý phù hợp”, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH Hà Nội, đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để giải quyết hiệu quả việc xử lý rác, nhất là rác thải có chất lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.
Đối với vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, ngay từ đầu Bộ đã xác định đây là vấn đề hết sức hệ trọng. Chất thải do người bệnh Covid-19 thải ra được quản lý theo quy định chất thải nguy hại.
Ông Trần Hồng Hà cho biết, chất thải y tế thì do Bộ Y tế có hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, Bộ TN&MT cùng Bộ Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể về xác định đối tượng, phương pháp thu gom. Bộ TN&MT cũng cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực để xử lý loại chất thải này trên cả nước.
Trong khi đó, với vai trò là cơ quan quản lý, thời gian qua Bộ TN&MT đã phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng trong vấn đề lựa chọn đánh giá các công nghệ để xử lý, kể cả vấn đề xử lý mai táng đối với các bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong.
“Hiện nay khi người mắc Covid-19 điều trị tại nhà, rác thải cũng được xem là nguồn lây bệnh thì Bộ Y tế đã có hướng dẫn và coi rác thải của người mắc Covid-19 tại nhà là rác thải y tế, từ đó có những quy định, quy trình để xử lý theo đúng quy định”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.