Sẵn sàng mở cửa: Bộ Y tế đề xuất không cách ly du khách nhập cảnh

HÀ NỘI (Sputnik) - Từ ngày 15/3, Việt Nam chính thức khôi phục các hoạt động du lịch như trước COVID-19. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, Bộ Y tế gửi văn bản khẩn đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đóng góp ý kiến về dự thảo hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.
Sputnik
Trước đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc miễn thị thực cho công dân 13 nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục ngành du lịch trong thời gian tới.

Không có quy định về việc khách phải cách ly sau khi nhập cảnh

Trong văn bản dự thảo của Bộ Y tế nêu rõ, đối với người nhập cảnh theo đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2.
Đối với người nhập cảnh theo các đường khác (đường bộ, đường thủy, đường sắt) thì cũng phải đáp ứng yêu cầu như với khách đi bằng hàng không.
Đại dịch COVID-19
Mở cửa du lịch, Việt Nam cần làm gì để tăng sức cạnh tranh?
Nếu chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như quy định, khách nhập cảnh cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, khách được rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Do đó, khách nhập cảnh vào Việt Nam nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 là có thể rời nơi cư trú tham gia các hoạt động du lịch và hoạt động khác mà không phải cách ly ở nơi cư trú nữa.
Từ 15/3, khách quốc tế cần lưu ý điều gì để du lịch Việt Nam thoải mái nhất?

Quy định về xét nghiệm dành cho trẻ em cũng được đề xuất thay đổi

Cụ thể, trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
Tại cửa khẩu, khách khai báo y tế, nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Sau khi nhập cảnh khách cần tiếp tục theo dõi sức khỏe trong thời gian 10 ngày.
Đối với người chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh cần hạn chế dừng, đỗ dọc đường; tránh tiếp xúc gần với người xung quanh, đặc biệt là người già (trên 65 tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh nền trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú.
Chiến dịch "Live fully in Vietnam" mang lại cho du lịch Việt điều gì sau đại dịch?

Dấu hiệu tích cực cho ngành du lịch Việt Nam

Đại dịch COVID-19 và biến động địa chính trị là "cú đánh kép" vào ngành du lịch đầy tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ vào những biện pháp nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả trong phòng, chống dịch cũng như chính sách kinh tế-xã hội linh hoạt, ngành du lịch Việt Nam dần có những khởi sắc bước đầu.
Trong những tháng đầu năm 2022, toàn ngành du lịch chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về lượng khách du lịch nội địa.
Hết tháng 2/2022, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 9,6 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 380%, trong đó có khoảng 6 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu đạt 25.000 tỷ đồng trong dịp Tết vừa qua. Tổng lượng khách du lịch nội địa trong 2 tháng đầu năm đã đạt 17,6 triệu lượt khách.
Việt Nam phấn đấu đón 65 triệu du khách sau khi mở cửa du lịch
Ngoài lượng khách quốc tế đi theo hộ chiếu vaccine từ khi triển khai thí điểm đón khách quốc tế, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đến thời điểm này Việt Nam đón hơn 10.000 khách quốc tế theo hộ chiếu vaccine. Thời gian qua, lượng khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng.
Thống kê 2 tháng đầu năm 2022 cho thấy, Việt Nam đã đón khoảng 49.200 lượt khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam mở cửa trở lại trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, mở lại toàn bộ hoạt động du lịch cả đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không và tại tất cả các cửa khẩu.
Nếu dự thảo nêu trên của Bộ Y tế được thông qua sẽ tạo "cú hích" cho ngành du lịch Việt Nam phục hồi nhanh và mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Thảo luận