Theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hàng không Việt Nam, việc tăng giá nhiên liệu là khách quan, bất khả kháng. Tuy nhiên, khi đã đến ngưỡng không thể cố được nữa thì phải tính đến phương án điều chỉnh giá vé.
Áp lực lớn do giá nhiên liệu tăng và dịch bệnh
Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao. Hiện giá nhiên liệu bay Jet-A1 đầu tháng 3 đã lên gần 140 USD/thùng. Với các hãng hàng không, chi phí nhiên liệu bay chiếm tỷ trọng lên đến hơn 30% tổng chi phí khai thác.
Trong bối cảnh dịch bệnh và giá nhiên liệu liên tục lập đỉnh, các hãng hàng không lo ngại doanh thu không bù đắp được chi phí vận hành.
Theo ông Nguyễn Vũ Hoàng (Giám đốc Tiếp thị truyền thông Vietravel Airlines), hãng dự định khai thác trở lại sau khi thị trường hồi phục với giá Jet-A1 ở mức từ 83 - 90 USD/thùng.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 3, giá Jet-A1 đã tăng đến gần 170 USD/thùng, gần gấp 2 lần mức giá nhiên liệu bay theo kế hoạch đặt ra.
Với mức giá này, chi phí nhiên liệu của hãng sẽ đội lên khoảng 10 tỷ đồng/tháng, tăng 25% so với trung bình những tháng trước.
Theo ông, nếu giá nhiên liệu tiếp tục ở mức này hoặc thậm chí tăng cao hơn nữa, doanh thu của các hãng hàng không sẽ không bù đắp được chi phí nhiên liệu bay, chứ chưa cần kể đến các định phí khác.
“Cả hai thách thức này sẽ làm níu nặng thêm đôi cánh bay của các hãng hàng không Việt Nam và quốc tế trong giai đoạn ngành du lịch và hàng không chỉ vừa chuẩn bị phục hồi”, đại diện Vietravel Airlines cho hay.
Trong khi đó, lãnh đạo Bamboo Airways thì cho rằng, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải hàng không. Việc giá nhiên liệu liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành và chi phí sản xuất kinh doanh của các hãng. Trong bối cảnh các hãng đang chạy đà để hồi phục sau dịch, đây là điều hết sức bất lợi cho toàn ngành giao thông vận tải.
Theo các chuyên gia, dịch bệnh hay việc xăng dầu tăng giá đều là các yếu tố khách quan bất khả kháng. Do vậy, các doanh nghiệp hàng không cần linh hoạt ứng phó, thích nghi. Các hãng cần nghiên cứu các phương án khai thác linh hoạt, nhằm tiết kiệm chi phí, tranh tác động xấu đến môi trường.
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà đưa ra kịch bản, nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí của hãng ước tính bị “đội” thêm 5.700 tỷ đồng; nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng vọt thêm đến 9.120 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, hoạt động của các hãng hàng không chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực. Lượng hành khách đi máy bay sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Dịch bệnh và giá xăng dầu tăng cao sẽ đánh thẳng vào túi tiền của người dân, từ đó khiến các hãng hàng không vào tình trạng đặc biệt khó khăn.
Cần có chính sách hỗ trợ
Theo đà tăng của giá nhiên liệu, giá vé máy bay sẽ buộc phải tăng theo. Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế và khôi phục đường bay nội địa, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ hàng không.
Trước tình hình trên, Bamboo Airways đã xây dựng bộ quyền lợi vé với 8 nhóm giá khác nhau. Tùy theo nhu cầu của mình, mỗi hành khách có thể lựa chọn hạng vé với quyền lợi đi kèm phù hợp, đồng thời loại bỏ các dịch vụ không cần thiết nhằm tiết kiệm chi phí và tối ưu dịch vụ.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã thông qua việc giảm thuế bảo vệ môi trường 30% trong giai đoạn 2020-2021 và mới đây là 50% năm 2022. Với Vietnam Airlines, động thái này đã giúp hãng tiết giảm gần 400 tỷ đồng giai đoạn 2020-2021 và khoảng 600 tỷ đồng trong năm 2022.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraina có thể sẽ còn tiếp tục leo thang, giá xăng dầu nhiều khả năng sẽ tăng lên mức cao hơn. Do đó, việc miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022 là cần thiết. Nếu chính sách này được ban hành, Vietnam Airlines có thể tiết giảm thêm 600 tỷ đồng.
Ngoài ra, hãng cũng đề nghị cho phép các công ty hàng không triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa. Giải pháp này có thể điều chỉnh giá bán trên cơ sở cân đối cung-cầu thị trường và không ảnh hưởng đến các chính sách giá của Chính phủ hiện nay.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Hà, chính sách này cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là quy định mức phụ thu theo mức giá dầu để bảo đảm phù hợp, góp phần bù đắp kịp thời chi phí cho các hãng khi giá dầu tăng.
Trong ngắn hạn, việc sửa đổi quy định về giá trần được cho là khả thi và phù hợp hơn. Để điều chỉnh giá trần, Bộ Giao thông vận tải chỉ cần sửa Thông tư 17/2019/TT-BGTVT, bởi mức trần khung giá dịch vụ trong thông tư này đã được áp dụng từ năm 2015, hiện không còn phù hợp với đường bay nội địa.
Tính đến phương án điều chỉnh giá
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng không Việt Nam (VABA), với mỗi chuyến bay từ Hà Nội đi TP.HCM, nếu sử dụng loại tàu thân hẹp tiên tiến, tiết kiệm nhất cũng hết hơn 4 tấn nhiên liệu. Trường hợp dùng tàu bay thân rộng A330 thì phải mất đến 10 tấn xăng. Một cách rõ ràng, giá xăng tăng ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của các hãng bay.
Các hãng hàng không Việt Nam vừa trải qua hơn 2 năm dịch bệnh đầy khó khăn, chưa kịp phục hồi. Việc giá nhiên liệu tăng cao thời gian qua càng tạo ra thách thức lớn với các hãng bay.
Trong bối cảnh đó, tại thị trường quốc tế, các hãng bay được phép tăng phụ thu minh bạch. Khi giá nhiên liệu gia tăng bất thường trên 20% thì giá phụ thu nhiên liệu cũng được điều chỉnh tăng tương ứng.
Phó Chủ tịch VABA cũng cho biết, các hãng hàng không trong nước đang tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí nhằm ổn định giá vé.
Theo ông, việc tăng giá nhiên liệu có lý do khách quan, không hãng nào muốn. Tuy nhiên, khi đã đến ngưỡng không thể cố được nữa thì phải tính đến phương án điều chỉnh giá vé.
“Chúng tôi mong nhận được sự cảm thông, cùng chia sẻ khó khăn của khách bay và các đối tác trong hệ sinh thái hàng không, kể cả các ngân hàng cũng cần chia sẻ với khó khăn của hãng bay bằng cách tiếp tục cho vay với lãi suất hợp lý, cho phép giãn, hoãn nợ... ”, ông Nề cho biết.