Được biết, dự án đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai được UBND TP. Hà Nội trình Thủ tướng trước đó.
Dự án 10 năm, tổng vốn đầu tư 1.700 triệu USD
Cụ thể, chủ trương đầu tư dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai (tên tuyến dự án là 3.2) được duyệt có tổng mức đầu tư hơn 343 tỷ đồng, tương đương 15 triệu USD.
Trong đó nguồn vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) là 12,6 triệu USD, vốn đối ứng trong nước hơn 2 triệu USD. Dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU). ADB và EU tài trợ theo đề nghị của Cơ quan Phát triển Pháp và Ngân hàng Tái thiết Đức.
Đoạn đường sắt đô thị ga Hà Nội - Hoàng Mai theo tờ trình của TP. Hà Nội gửi Chính phủ có chiều dài 8,786km. Trong đó đoạn đi ngầm là 8,13km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đoạn đi trên mặt đất dài 0,086km. Tuyến đi qua các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt đô thị này sẽ kéo dài tới Hoàng Mai và ngược lại. Ngoài ra sau khi 2 đoạn tuyến này đi vào hoạt động động, dự án tuyến đường sắt số 3 còn có nhiệm vụ kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác.
Về tiến độ thực hiện, đoạn Ga Hà Nội-Hoàng Mai có thời thi công trong giai đoạn 2020-2030 (10 năm). Tổng mức đầu tư cho đoạn tuyến này tính toán khoảng 1.700 triệu USD, tương đương 40.500 tỷ đồng, nguồn vốn vay ODA.
Di chuyển ga ngầm C9 ra khỏi khu vực Hồ Hoàn Kiếm
Liên quan đến việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, mới đây Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra kết luận xem xét thống nhất phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1).
Theo đó, có tất cả 3 phương án được đưa ra và được UBND TP. Hà Nội thống nhất rằng, thay vì xây dựng ở vị trí hiện tại và được cho là ảnh hưởng đến vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm, vị trí xây dựng ga ngầm C9 tuyến Metro số 2 Hà Nội vừa được UBND thành phố Hà Nội thống nhất di dời ra khỏi phạm vi trên.
Đối với 2 phương án còn lại đều có ưu điểm là phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị H1 -1B (khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận).
Sau khi thảo luận và lấy ý kiến của đại diện các Bộ, ngành liên quan, UBND thành phố thống nhất đề xuất phương án 1 để làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (tuyến số 2), đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (giai đoạn 1) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và đẩy nhanh nhất tiến độ dự án đầu tư.
Trong một diễn biến khác, dự án đường sắt số 3 Hà Nội hiện thành phố Hà Nội đang triển khai và sắp hoàn thành đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Kinh phí đầu tư cho đoạn tuyến này là vốn vay ODA của Pháp.