Mối đe doạ an ninh với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
“Nếu nhóm AUKUS sở hữu vũ khí siêu thanh, thì vũ khí này sẽ trước hết nhắm vào Trung Quốc, và một phần là chống lại Nga. AUKUS, giống như nhóm “bộ tứ kim cương” (QUAD) được thành lập như một cơ chế địa chiến lược để kiềm chế Trung Quốc. Mỹ cố gắng phát triển vũ khí siêu vượt âm trong một thời gian dài. Bí quyết của loại vũ khí này là nó phải đánh trúng cả các mục tiêu cố định và di động, đồng thời có các thiết bị tự dẫn. Đến nay, Mỹ chưa đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực này. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng, trong 5 năm tới Mỹ có thể chế tạo vũ khí siêu thanh dưới dạng tên lửa chống hạm hoặc tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu cơ động cao trên đất liền. Đồng thời, cả Australia và Anh ngày nay đều không có khả năng tạo ra những vũ khí như vậy. Nhật Bản và Hàn Quốc có tiềm lực khoa học kỹ thuật để tạo ra vũ khí siêu thanh, nên AUKUS trước hết mời hai quốc gia này tham gia hợp tác theo dự án này. Khả năng hợp tác như vậy với các đồng minh và đối tác gần gũi nhất được quy định trong tuyên bố của AUKUS về nhất trí hợp tác phát triển vũ khí siêu thanh. Đây vừa là thách thức đối với Trung Quốc vừa là một bước tiến tới quân sự hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Ukraina chỉ là cái cớ để Nhật Bản hoan nghênh dự án phát triển tên lửa siêu thanh
“Việc Nhật Bản hoan nghênh kế hoạch của AUKUS hợp tác phát triển vũ khí siêu thanh là điều có thể dự đoán trước được. Nhật Bản coi đây là một công cụ giúp kiềm chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Trên thực tế, AUKUS được tạo ra vì mục đích này. Và Nhật Bản vui mừng hoan nghênh điều này. Tokyo liên tục lưu ý rằng, cần phải đáp trả thực tế là cả Trung Quốc và Nga đều đang chế tạo vũ khí siêu thanh. Theo thông tin rò rỉ, bản thân Nhật Bản cũng đang hướng đến phát triển vũ khí siêu thanh của riêng họ, vì vậy đối với Tokyo kế hoạch của AUKUS là một “tín hiệu đáng mừng”. Đây là một mặt trận khác có thể được sử dụng để kiềm chế Trung Quốc”.